Thê thảm Đạm Ninh Bình: Năm 2017 tiếp tục lỗ 1.200 tỷ đồng
Nguồn tin của Dân trí cho biết, phía chủ đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem) vừa có báo cáo thừa nhận tình trạng kinh doanh rất bết bát của Nhà máy này và dự kiến năm 2017 tiếp tục lỗ 1.200 tỷ đồng.
Nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan.
Tính phương án tái khởi động
Đánh giá về tình hình ngừng sản xuất của nhà máy từ tháng 7/2016 đến nay, Vinachem cho biết, có 3 lý do khiến công ty phải ngừng nhà máy là do ảnh hưởng của cơn bão số 1 - Mirinae gây ra thiệt hại trang thiết bị nhà máy ước tính khoảng 19 tỷ đồng; tiêu thị khó khăn, giá bán thấp, lượng ure tồn kho lớn; và đặc biệt là khó khăn về tài chính, thiếu vốn cho sản xuất.
Về tình hình tài chính, tính tới thời điểm 1/9/2016, Công ty Đạm Ninh Bình có khoản vay dài hạn hơn 8.375 tỷ đồng và khoản vay ngắn hạn hơn 1.746 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn lên tới hơn 610 tỷ đồng.
Mặc dù Vinachem đã hỗ trợ công ty trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016 nhưng công ty vẫn không thể cân đối dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn. Nợ ngắn hạn các khoản vay tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến 28/7/2016 là hơn 227 tỷ đồng và 610 tỷ đồng. Vì vậy các ngân hàng này đã chuyển nhóm nợ công ty sang nhóm II và III, đồng thời dừng giải ngân vốn vay cho công ty khiến tình hình càng thêm khó khăn.
Trong văn bản này, phía công ty có tính tới phương án tái khởi động nhà máy sau khi rà soát kỹ các khâu để đảm bảo chạy máy thành công. Theo đó, công ty cho biết, từ đầu tháng 11/2016 nhu cầu phân bón tăng trở lại trong khi giá đạm ure trên thế giới có chiều hướng đi lên. Hiện công ty cũng đã tổ chức sửa chữa, củng cố máy móc, thiết bị do hậu quả của cơn bão số 1. Công ty cũng đã thông báo triệu tập được 904 công nhân quay trở lại làm việc.
Về khả năng thu xếp vốn, công ty đã bố trí đủ 23 tỷ đồng để mua vật tư chuẩn bị cho khởi động lại máy và vận hành sản xuất nửa đầu tháng 1/2017. Đây là số vốn từ bán sản phẩm tồn kho và chỉ ưu tiên sử dụng cho công tác chuẩn bị chạy lại máy.
Công ty cũng đặt ra giải pháp để thực hiện trong đó có việc giảm định mức tiêu hao, giảm tối đa chi phí hoạt động, hạ giá thành. Đồng thời, tập trung tiêu thụ sản phẩm tối đa ở miền bắc, triển khai quảng bá sản phẩm cũng như tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp.
Nếu dừng chạy sẽ lỗ 1.200 tỷ đồng trong năm nay
Nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan. Tuy nhiên nếu sản xuất 290.000 tấn ure, số lỗ có thể giảm đi 250 tỷ đồng.
Phương án sản xuất của năm 2017 cũng đã được Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trình lên và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã phê duyệt. Việc vẫn tiếp tục sản xuất phân đạm ure thay vì dừng máy hoàn toàn có yếu tố là sản phẩm hoá chất, nếu không chạy máy, thiết bị sẽ bị ăn mòn, hậu quả thậm chí khó lường.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem đầu tư, có tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), quy mô công suất 560.000 tấn ure/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Được khởi công xây dựng từ năm 2008, năm 2012 Nhà máy đi vào hoạt động và liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trước đó, tính toán của báo cáo khả thi Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình cho thấy, số lỗ được lên kế hoạch là 47 triệu USD trong 3 năm hoạt động đầu tiên, tương đương 1.055 tỷ đồng.
Hồi tháng 9/2016, một báo cáo của Công ty đã cho hay, tổng cộng lỗ từ khi đi vào hoạt động tới nay đã là 2.692 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng).
Theo tính toán của công ty, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án… là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất u rê tăng cao. Bên cạnh đó, vốn tự có của Vinachem cho dự án này chỉ có 100 triệu USD nên mỗi năm Đạm Ninh Bình phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng và khoảng 680 tỷ đồng khấu hao. Với thực tế chi phí sản xuất quá cao, trong khi giá urê trên thị trường liên tục giảm bởi tác động của giá dầu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình càng khó khăn.
Tại thời điểm ngừng máy vào cuối tháng 7/2016, giá bán ure Trung quốc chỉ là 5.300 đồng/kg, ure Trung Đông và Indonesia chỉ là 5.400 đồng/kg. Trong nước, ure Phú Mỹ bán 5.900 đồng/kg, ure Cà Mau bán 5.600 đồng/kg. Bởi vậy, giá bán ure Ninh Bình chỉ đặt được 5.700 đồng/kg.
Để tiếp tục hoạt động, Công ty đã kiến nghị Chính phủ, cho phép kéo dài thời hạn trả nợ vay cho các hợp đồng của VDB thành 20 năm, điều chỉnh lãi suất cho vay thành 3% trong thời gian 2017-202, còn từ năm 2022 trở đi mức lãi suất nào cao hơn 8,55% sẽ được điều chỉnh về mức lãi suất được Bộ Tài chính công bố hàng năm; nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm 2017-2021; giãn mức trích khấu hao tài sản trong giai đoạn 2017-2021 với mức 50% như đã áp dụng trong năm 2016…
-
Xe tải đánh rơi đạm, người dân nhanh chóng khuân vác đi
Sau khi hơn 10 bao đạm ở xe tải rơi xuống đường, rất nhiều người dân đã nhanh chóng khuân vác lên xe máy chở đi...
-
Khoanh nợ cho hai nhà máy đạm: nên hay không?
Theo dự báo, ngành phân bón, nhất là mảng sản xuất phân đạm sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Sự khó khăn đó đối với một số dự án lớn của...
-
Đạm Hà Bắc lỗ nghìn tỷ: Máy châu Âu, thầu Trung Quốc
Những doanh nghiệp nhà nước thường khá bị động, kém nhạy bén đối với cơ chế thị trường nên càng mở rộng dự án càng thua lỗ
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau