Lâm Đồng: Sự thật trong vụ việc “phân bón kém chất lượng”
Ngày 5/10/2017, Đội Quản lý thị trường số 3- Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng (quản lý khu vực TP. Bảo Lộc, Di Linh, Bảo Lâm) đã phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra đột xuất 3 cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn là các cửa hàng: Phân bón Thanh Bình, Phân bón Thu Chính và Phân bón Hiếu Hải - Tân Thu. Lực lượng chức năng đã lấy một số mẫu phân bón đi thử nghiệm chất lượng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu phân bón NPK siêu vi lượng Alpha 3 sản xuất tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hiệp Pháp, địa chỉ Cẩm An, Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; mẫu phân bón NPK 16-10-16+TE sản xuất tại Công ty TNHH BaConCo, địa chỉ Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; mẫu phân bón NPK 15-7-21+13S+TE+Bo sản xuất tại Công ty TNHH Việt - Nauy, địa chỉ Cụm công nghiệp Bảy Mẫu, KP Khánh Long, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Nghị định số 108/NĐ-CP ngày 20/09/2017 về quản lý phân bón đã quy định: Chỉ tiêu chất lượng phân bón là các thông số kỹ thuật về đặc tính, thành phần, hàm lượng phản ánh chất lượng phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng.
Nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón là các nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, bao gồm: Nguyên tố dinh dưỡng đa lượng là các nguyên tố đạm (N), lân (P), kali (K) ở dạng cây trồng có thể hấp thu được; Nguyên tố dinh dưỡng trung lượng là các nguyên tố canxi (Ca), magie (Mg), lưu huỳnh (S), silic (Si) ở dạng cây trồng có thể hấp thu được; Nguyên tố dinh dưỡng vi lượng là các nguyên tố bo (B), côban (Co), đồng (Cu), sắt (Fe), mangan (Mn), molipđen (Mo), kẽm (Zn) ở dạng cây trồng có thể hấp thu được.
Trong các yếu tố dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, chủ yếu là đa lượng (N,P,K). Trung, vi lượng là các yếu tố bổ sung cho các vùng đất thiếu, cũng như những vùng thâm canh, tăng năng suất cao. Tuy nhiên những nơi, vùng nông dân bón nhiều loại phân đơn gây nên một số yếu tố trung, vi lượng dư nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống cây trồng. Cụ thể như vùng Lâm Đồng do bà con bón nhiều đạm SA, lân super do vậy lượng S (lưu huỳnh) tồn đọng trong đất rất cao, tác động gây hại như ngộ độc và làm chua đất.
Tại kết quả thử nghiệm ngày 25/10 cũng như Thông báo số 99/TB-Đ3 của Đội Quản lý thị trường số 3- Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng ngày 30/10/2017, về kết quả thử nghiệm mẫu gửi cho Cửa hàng phân bón Hiếu Hải -Tân Thu, đối chiếu với tình hình thực tế, việc thiếu hàm lượng S (Lưu huỳnh) như kết quả thử nghiệm 10.1%/13% là không đáng kể, không ảnh hưởng tới đời sống cây trồng, nhưng xét về mặt pháp lý đây cũng là một lỗi vi phạm, công ty sản xuất cần rút kinh nghiệm và quản lý chặt chẽ hơn.
Theo bà Đoàn Thị Minh Hiếu, chủ hệ thống Hiếu Hải và ông Nguyễn Duy Tân, cửa hàng phân bón Hiếu Hải - Tân Thu: Trong sự việc này, một số báo đã đưa tin phản ánh chưa căn cứ trên kết quả khảo nghiệm, không dẫn chứng cụ thể, gây sự ngộ nhận về phân bón mà Cửa hàng kinh doanh, dẫn đến thiệt hại không nhỏ đến việc kinh doanh và uy tín Doanh nghiệp.
“Tuy đây là thông tin nhỏ, nhưng thông tin tới người nông dân thì phải nói rõ, không đạt chất lượng là không đạt bao nhiêu? Và chất nào không đạt? Vậy phân bón mà Doanh nghiệp Hiếu Hải - Tân Thu bán là giả hay sao? Trong khi Doanh nghiệp kinh doanh bao nhiêu năm qua tạo dựng lên uy tín như ngày hôm nay phải đầu tư rất nhiều. Chúng tôi, kinh doanh phân bón hàng chục năm nay, cho bà con nông dân tại địa phương, là những người thân trong dòng họ nội, ngoại và bạn bè thân thiết.
Theo quy định, chúng tôi luôn yêu cầu nhà sản xuất cung cấp cho kết quả khảo nghiệm, bản công bố hợp chuẩn hợp quy và hóa đơn chứng từ liên quan đến sản phẩm. Khi hàng nhập về kho, Doanh nghiệp chúng tôi cũng thường xuyên tự lấy mẫu phân bón đến Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Chất lượng 3, tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) để kiểm tra. Để chắc chắn sản phẩm của chúng tôi đang kinh doanh đưa đến tay người nông dân là sản phẩm đạt chất lượng tốt”, bà Đoàn Thị Minh Hiếu nhấn mạnh.
Theo bà Minh Hiếu, việc đưa thông tin lệch, nhận xét không đúng, phê phán thiếu khách quan có thể làm cho DN phá sản. Truyền thông cần phải hiểu rõ về nội dung mình viết, chuyển tải tới bạn đọc.
Ông Trương Đỗ Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt- Nauy cho biết: “Là người trực tiếp sản xuất phân bón, tôi luôn cam kết và chấp hành đúng những gì pháp luật đề ra. Trong quá trình sản xuất, Công ty cũng đã nhận được phản hồi của bà con các vùng đất dư S, do vậy cải tiến một số loại phân bón có lượng S cao chỉ đưa vào một lượng vừa phải phù hợp với cây trồng (trong đó có công thức NPK 15-7-21 + 13S+Te+Bo xuống còn NPK 15-7-21+8S+Te+Bo). Vừa qua tại Công ty đã xảy ra sự cố trong khâu vô bao nhầm lẫn một số bao cũ và mới, dẫn đến kết quả kiểm tra tại cửa hàng Hiếu Hải- Tân Thu bị thiếu S. Công ty xin nhận lỗi về sự sai sót khách quan này và mong được sự thông cảm từ phía bà con nông dân. Công ty sẽ cố gắng khắc phục, làm tốt hơn nữa để đồng hành cùng các nhà phân phối và Quý bà con nông dân vì một nền công nghiệp phát triển bền vững”.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, điểm mới và đáng lưu ý của Nghị định 108/2017 của Chính phủ là đã thống nhất phương thức quản lý về một bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp thuận tiện, hiệu quả hơn sau này. Đồng thời, để lưu hành thì các sản phẩm phân bón phải được khảo nghiệm thực chất.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ làm rất chặt việc này, để hạn chế phát triển các loại phân bón kém chất lượng trong bối cảnh dư thừa. Việc khảo nghiệm phân bón sẽ được thực hiện tại tổ chức được công nhận đủ điều kiện chuyên môn, trang thiết bị thực hiện khảo nghiệm, phải qua các lớp tập huấn thường niên" - ông Trung cho biết.
Bà Đoàn Thị Minh Hiếu khẳng định: “Những Doanh nghiệp chúng tôi, là người gắn bó thắt lưng với người nông dân tại địa phương, luôn ủng hộ việc siết chặt của Nhà nước về chất lượng phân bón. Có như vậy, Doanh nghiệp mới an tâm kinh doanh”.
Nguyễn Quân - Xuân Đạt
-
Lâm Đồng xử phạt 3 cửa hàng kinh doanh phân bón kém chất lượng
Theo ông Kiều Xuân Việt, PGĐ Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng, Chi cục đã tiến hành xử phạt 3 cửa hàng về hành vi KD phân bón vi phạm...
-
Nếu không muốn bị phạt, khi mua phân bón phải kiểm tra...
Trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đang được, Ban soạn thảo đề xuất xử phạt đối với hành vi vi phạm sử dụng phân bón không có...
-
Kon Tum: Tiêu huỷ 28,87 tấn phân bón giả
Sáng 29/11, Sở Công thương Kon Tum tiến hành tiêu huỷ 576 bao (tương đương khối lượng là 28,87 tấn) phân bón hữu cơ giả không có giá trị sử dụng của của Doanh nghiệp tư nhân...
- Áp thuế VAT 5% cho phân bón: Lợi ích và thách thức cho nông dân và ngành phân bón trong nước
- Việt Nam xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong năm 2020
- Cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn
- Tình hình sản xuất cây đậu xanh ở Việt Nam
- Giải pháp thị trường tiêu thụ trong sản xuất rau màu
- Thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV và giải pháp cho vùng rau