Đạm Hà Bắc lỗ nghìn tỷ: Máy châu Âu, thầu Trung Quốc

Những doanh nghiệp nhà nước thường khá bị động, kém nhạy bén đối với cơ chế thị trường nên càng mở rộng dự án càng thua lỗ

Nghịch lý thua lỗ ngàn tỷ

Mới đây Chính phủ vừa công bố thêm 7 dự án thua lỗ ngàn tỷ trực thuộc Bộ Công Thương phải tập trung xử lý dứt điểm. Trong số đó có dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc vốn 10.100 tỷ. Đây là dự án được khởi công năm 2011, vận hành năm 2015.

Đáng chú ý, trong 13 năm từ 2002-2014 đạm Hà Bắc liên tục có lãi, tích góp được hơn 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Bắc Giang giai đoạn này cũng lên tới hơn 1.800 tỷ.

Tuy nhiên từ khi dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc chính thức đi vào vận hành, tình trạng thua lỗ đã kéo dài.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đây là một nghịch lý cần phải được làm rõ và công khai trước dư luận xã hội.

Theo PGS.TS Đoàn, phân bón hiện nay đang là lĩnh vực hết sức nóng đối với nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Quy mô sản xuất được mở rộng nên hu cầu của người dân ngày càng tăng cao. Vì vậy lẽ ra, nhà máy đạm Hà Bắc phải rất thuận lợi khi tiến hành đầu tư công nghệ từ châu Âu, mở rộng công suất lên tới 500.000 tấn urê.

Các chuyên gia cho rằng việc đạm Hà Bắc mở rộng sản xuất và thua lỗ nghìn tỷ là một nghịch lý khó hiểu.

Các chuyên gia cho rằng việc đạm Hà Bắc mở rộng sản xuất và thua lỗ nghìn tỷ là một nghịch lý khó hiểu.

“Tại sao phân bón của Nhà máy đạm Hà Bắc bị thua lỗ, không đáp ứng được thị trường?”, PGS.TS Đoàn đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia khẳng định, chuyện lỗ, lãi trong nền kinh tế thị trường không có gì phức tạp. Hoạt động kinh tế luôn luôn biến động, về cung - cầu, giá cả, nguyên liệu và rất nhiều những vấn đề khác nữa. Nếu hoạt động kinh tế không đáp ứng được sự biến đổi đó thì có thể lỗ hoặc có thể lãi.

Trong trường hợp thua lỗ của đạm Hà Bắc, theo PGS.TS Đoàn có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.

“Thứ nhất, thua lỗ nằm chủ yếu ở phương thức sản xuất. Đầu tiên là công nghệ. Có thể chúng ta nhập công nghệ hiện đại châu Âu nhưng chưa đồng bộ được, hoạt động kém hiệu quả.

Thứ hai là cách quản lý của nhà máy. Thông thường những doanh nghiệp nhà nước thường khá bị động, kém nhạy bén đối với cơ chế thị trường nên đều không có sự chuyển biến cần thiết dẫn tới kết quả kém. Do vậy chúng ta càng mở rộng thì càng chết, càng thua lỗ.

Thứ ba, biến số Trung Quốc đang gây ra nhiều kết quả xấu cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực phân bón. Họ có năng lực cao hơn Việt Nam. Ngoài ra, họ có nhiều chiêu trò khiến chúng ta thua thiệt như: bán phá giá, nhà nước hỗ trợ. Giai đoạn đầu có thể Trung Quốc gặp khó khăn, thua thiệt nhưng về lâu dài họ lại thắng.  Trong các hoạt động kinh tế chúng ta luôn luôn ở  thế lép vế và không có đủ năng lực để chống lại việc này”, PGS.TS Đoàn nhấn mạnh.

Cùng đưa ý kiến, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đặt nghi vấn về công nghệ hiện đại mà nhà máy đạm Bắc Hà nhập về.

TS Hồ cho rằng, từ xa xưa, đạm Hà Bắc đã sử dụng các công nghệ từ Trung Quốc. Đến giai đoạn mở rộng,  chúng ta đã thay thế thiết bị cũ bằng là những máy móc mới hơn và được giới thiệu là hiện đại hơn từ Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Ý... Tuy nhiên việc  thiết kế, xây dựng, lắp đặt lại được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc.

“Tôi nghĩ cần phải kiểm tra xem, các công nghệ được nhà máy sử dụng đã thật sự tốt chưa? Có đúng là tiên tiến hiện đại từ châu Âu không? Nhà thầu Trung Quốc thi công có vấn đề gì không?.  Dù chưa có thông tin đầy đủ nhưng tôi nghĩ nguyên nhân chắc chắn có vấn đề từ công nghệ. Có thể công nghệ thay thế chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất nên không thể cạnh tranh với thị trường phân đạm của các nước”, TS Hồ đặt vấn đề.

Ngoài ra, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển còn khẳng định, thị  trường phân bón của Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn từ Trung Quốc.

“Khi mở rộng nhà máy đạm là có lý do và yêu cầu thật sự nhưng đến bây giờ Việt Nam chưa đáp ứng được và vẫn phải nhập khẩu.

Khi chúng ta hội nhập, thị trường đã mở, thuế xuất giảm rồi. Bên cạnh chúng ta là Trung Quốc. Phân đạm Trung Quốc rẻ hơn cũng như nhiều giống cây trồng tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ nước này cho nên thời gian qua Việt Nam nhập về nhiều. Ngoài ra còn có các nguồn khác từ Lào, Nhật Bản, Malaysia, Israel, Hàn Quốc... nên chúng ta không thể cạnh tranh được.

Đặc biệt cần nhắc đến vấn đề quản lý. Từ thi công xây dựng, quản lý vận hành tôi nghĩ cũng có thể có vấn đề. Chúng ta không thích ứng được với yêu cầu cạnh tranh. Cho nên đạm vẫn phải nhập, nhà máy mở rộng nhưng thua lỗ, không bán được hàng”, TS Hồ nhấn mạnh.

Phá sản là cách tốt nhất

Từ những phân tích trên, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Ban, ngành,  địa phương liên quan phải đánh giá thật cẩn thận dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc. Trong trường hợp có thể cứu, hoạt động có lãi trong thời gian tới thì sẽ chi thêm vốn đầu tư. Còn nếu tiếp tục thua lỗ thì nhà nước cần dừng lại.

“Chúng ta vứt một số tiền lớn để xử lý thì cũng cần xác định thu hồi được cái gì. Không thể tiếp tục được thì bắt buộc phải dừng, để tránh lãng phí. Dù khi dừng lại thì cũng là một sự thất thiệt vốn nhà nước. Nhưng nhà nước không thể bù lỗ mãi được. Chúng ta phải giải quyết dứt điểm dự án này”, TS Hồ nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đất Việt
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status