“Áp thuế tự vệ đối với phân bón là cần thiết”

Xoay quanh những ý kiến trái chiều về việc áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP NK, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Phạm Châu Giang (ảnh), Trưởng phòng Điều tra Thiệt hại và tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương) khẳng định, quá trình điều tra đã xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố.

Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương chính thức ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT chính thức áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP  NK. Đâu là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra quyết định này, thưa bà?

Ngày 31/3/2017, Cục Phòng vệ thương mại (cơ quan điều tra) nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng phân bón NK của các công ty gồm: Công ty CP DAP-Vinachem (DAP Đình Vũ) và Công ty CP DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai). Theo đúng quy định, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra vụ việc.

Quá trình thẩm định hồ sơ cho thấy, thị phần của hai DN nguyên đơn kể trên đối với phân bón DAP và MAP chiếm tới 93%. Sau khi khởi xướng điều tra, cơ quan điều tra đã gửi thông báo tới tất cả các bên liên quan như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các hiệp hội, DN, cơ quan quản lý nhà nước…, đồng thời tiến hành phát câu hỏi cho các bên liên quan. Sau đó, cơ quan điều tra đã nhận thêm thông tin từ  Công ty Hóa chất Đức giang (Lào Cai) cho thấy, DN có sản xuất phân bón MAP và cũng bị ảnh hưởng bởi phân bón NK. Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm tra có số liệu xem các DN khai báo có đúng hay không, thông qua kiểm tra sổ sách, xem báo cáo tài chính, báo cáo sản xuất… Hoàn tất việc lấy số liệu, cơ quan điều tra đã gửi văn bản lấy ý kiến của khoảng 20 DN NK phân bón và nhận phản hồi khoảng 6-7 DN.

Trên thực tế, trong quá trình thẩm định, điều tra, cơ quan điều tra đã xem xét khá kỹ việc DN phân bón trong nước có thực sự bị ảnh hưởng, thiệt hại do nguồn phân bón NK hay xuất phát từ các lý do khác… Kết quả cho thấy, có nhiều nguyên nhân, song gia tăng lượng phân bón NK chính là nguyên nhân trọng yếu khiến DN trong nước thiệt hại.

Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,3-1,4 triệu tấn phân bón DAP và MAP. Trong đó, lượng NK lên đến 1,1 triệu tấn. Năng lực sản xuất của các nhà máy sản xuất phân bón DAP tại Việt Nam là 720 nghìn tấn/năm. Thực tế, hiện nay, thông thường các nhà  máy vẫn sản xuất được 400-500 nghìn tấn/năm, song mức tiêu thụ chỉ đạt 200 nghìn tấn/năm. Thời gian qua, các nhà máy đã phải ngừng sản xuất vì tồn kho quá nhiều. Sau khi cân nhắc các yếu tố, Bộ Công Thương mới đưa ra kết luận sơ bộ và áp thuế tự vệ tạm thời với phân bón NK ở mức 1.855.790 đồng/tấn. Bộ cũng đã gửi thông tin cho các bên liên quan, lắng nghe ý kiến phản hồi.

Suốt quá trình điều tra cho thấy, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế tự vệ chính thức bằng với mức thuế áp dụng tạm thời nêu trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 52% nhu cầu, sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các bộ ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, ngày 6/3/2018, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531đồng/tấn, nghĩa là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm.

Xin bà phân tích rõ hơn, động thái áp thuế tự vệ phân bón tác động tích cực như thế nào tới các DN sản xuất phân bón trong nước?

Nếu không áp thuế tự vệ NK với phân bón DAP và MAP, chỉ chưa đầy hai năm nữa, các DN DAP và MAP trong nước sẽ chịu thiệt hại nặng nề và đối mặt với nguy cơ đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, sau khi tiến hành áp thuế tự vệ, cuối năm 2017, đầu năm 2018, DAP Đình Vũ đã báo lãi. Với DAP Lào Cai, dù DN vẫn lỗ nhưng lỗ này là do chi phí khấu hao lớn. Ví dụ, nếu không áp dụng biện pháp tự vệ, đáng lẽ lỗ dự kiến chỉ là 1 đồng thì DN sẽ phải chịu lỗ 5 đồng. Việc áp thuế tự vệ phân bón NK đã giúp DN duy trì được mức lỗ như kế hoạch tính toán ban đầu.

Trước thời điểm áp thuế tự vệ, phân bón NK gia tăng được xác định là nguyên nhân chính khiến nhiều DN phân bón sản xuất trong nước thua thiệt. Ảnh: ST.

Trước thời điểm áp thuế tự vệ, phân bón NK gia tăng được xác định là nguyên nhân chính khiến nhiều DN phân bón sản xuất trong nước thua thiệt. Ảnh: ST.

Nhiều quan điểm cho rằng, thực chất việc áp thuế tự vệ với phân bón DAP và MAP NK chủ yếu chỉ nhằm bảo vệ lợi ích cho DN sản xuất phân bón nhà nước, thậm chí ở đây còn có yếu tố lợi ích nhóm? Quan điểm của bà ra sao?

Trong 3 DN liên quan với vụ điều tra áp thuế tự vệ kể trên, Công ty Hóa chất Đức Giang là DN tư nhân. Bảo vệ ở đây là bảo vệ theo mặt hàng, bảo vệ thị trường và việc làm chứ không phải bảo vệ DN nào cụ thể. WTO và pháp luật trong nước đều đưa ra các điều kiện áp thuế dựa trên số liệu thực tiễn của đa số các DN trong ngành, không phân biệt chủ sở hữu là tư nhân hay nhà nước.

Trong câu chuyện áp thuế tự vệ phân bón NK, DN sản xuất NPK sẽ bị ảnh hưởng bởi phân DAP và MAP là nguyên liệu để sản xuất phân NPK. Ngoài ra, đối tượng không hài lòng nhất là các DN NK phân bón. Tuy nhiên, mỗi chính sách không thể làm hài lòng tất cả các bên. Nếu không áp thuế tự vệ, các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản. Lúc đó, Việt Nam sẽ phải NK 100% phân bón DAP và MAP, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc. Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Phân bón được coi là mặt hàng thiết yếu. Về lâu dài, nếu không tự sản xuất được phân bón sẽ rất nguy hiểm. Như vậy, áp thuế tự vệ phân bón, hỗ trợ các DN sản xuất trong nước vượt qua khó khăn là giải pháp hợp lý hướng tới phát triển ngành phân bón trong dài lâu.

Thời gian gần đây, giá phân bón bị đẩy lên cao. Liệu áp thuế tự vệ phân bón có phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, thưa bà?

Nói tới vấn đề này, cần phải phân tích rõ rằng, thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2016, giá phân bón xuống thấp là có lý do cụ thể. Từ năm 2009 về trước, giá phân DAP trên thị trường luôn ở mức cao khoảng 18.000-20.000 đồng/kg. Trong khi đó, Việt Nam lại có nguồn đạm, Apatit, lưu huỳnh... có thể sản xuất phân bón DAP với chi phí chỉ khoảng 9.000 đồng/kg. Đây là lý do DAP Đình Vũ được ra đời. Trong 4-5 năm đầu, DN có lãi khá tốt. Trên cơ sở đó, đến năm 2010, DAP Lào Cai được đầu tư. Năm 2015, DAP Lào Cai cho ra sản phẩm thì giá phân DAP giảm xuống mức 9.000 đồng/kg. Thậm chí, con số này ở năm 2016 chỉ còn trung bình khoảng 7.800 đồng/kg.

Ngoài ra, giá phân bón giảm mạnh còn do dư thừa nguồn cung từ Trung Quốc. Giai đoạn trước đó, Trung Quốc thấy giá DAP tăng nên đẩy mạnh sản xuất. Trong khoảng năm 2014-2015, nhu cầu sản xuất thế giới sụt giảm. Ấn Độ, Mỹ, Nam Mỹ đều giảm NK bón DAP. Trung Quốc không xuất được sang các thị trường này nên đẩy mạnh XK sang Việt Nam với bất cứ giá nào. Đó là mấu chốt khiến giá phân bón thấp trong giai đoạn 2015-2016. Năm  2017,  khi Trung Quốc tự hạn chế lượng sản xuất, giá phân bón đã nhích lên. Đến năm 2018, giá phân bón vẫn đang trên đà tăng lên. Kể cả không áp thuế tự vệ phân bón NK thì giá phân bón trong nước chắc chắn vẫn tăng lên.

Thực tế, việc giá phân bón xuống thấp như năm 2016 chỉ là thấp ảo. Chính các DN sản xuất phân bón Trung Quốc cũng thua lỗ. Mức thuế tự vệ mà Việt Nam áp không đủ để chặn đứng phân bón NK vào Việt Nam mà chỉ để hạn chế bớt sự tăng trưởng NK phân bón. Nếu muốn chặn đứng, mức áp thuế phải khoảng 3-4 triệu đồng/tấn.

Xin bà cho biết, sau thời gian 2 năm, Bộ Công Thương sẽ căn cứ trên những cơ sở nào để đưa ra quyết định có tiếp tục gia hạn thời gian áp thuế tự vệ phân bón?

Kể từ khi chính thức áp thuế tự vệ phân bón đến nay, Bộ Công Thương luôn yêu cầu 3 DN nguyên đơn nêu trên hàng tháng phải gửi lại thông tin về giá bán, lượng bán cũng như chi phí sản xuất phân bón của DN để xem DN có lợi dụng việc áp thuế để tăng giá nhằm hưởng chênh lệch hay không. Việc báo cáo này sẽ được duy trì liên tục trong thời gian 2 năm áp thuế tự vệ.

Sau 2 năm, theo quy định pháp luật về tự vệ, Bộ Công Thương sẽ xem xét xem tình hình sản xuất phân bón trong nước đã tốt hơn chưa cũng như lượng NK được hạn chế ra sao. Đặc biệt, điều được xem xét kỹ lưỡng là nếu ngừng áp thuế thì ngành sản xuất phân bón DAP và MAP trong nước đã tự mình xoay xở, cạnh tranh công bằng với hàng NK hay tiếp tục phải tiến hành áp thuế tự vệ. Dựa trên những số liệu thực tiễn kết hợp với lấy ý kiến các bên liên quan, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định tiếp theo phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thanh Nguyễn - Báo hải quan
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status