Xóa sạch vụ đông: Xót xa của người dân Quảng Nam trong lũ!

Hai trận lũ liên tiếp dội xuống khiến hàng chục ha rau vụ đông ở vùng chuyên canh rau Bàu Tròn, xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam) chìm trong nước lũ. Mỗi hộ gia đình thiệt hại trên chục triệu đồng đầu tư giống, phân bón.

Xóa sạch vụ đông

Sáng 14/12, chúng tôi về làng rau Bàu Tròn, xã Đại An, nước lũ mênh mông phủ trắng những ruộng rau. Thật xót xa trước biết bao công sức, mồ hôi của dân bỗng chốc bị “xóa sạch” vì nước lũ. Hàng chục ha đu đủ, khổ qua, dưa leo, rau… của vùng chuyên canh Bàu Tròn mới xuống giống được mấy ngày đang nảy mầm đã bị nhấn chìm trong nước.

Đầm mình trong nước lũ thu hoạch đu đủ

Đầm mình trong nước lũ thu hoạch đu đủ

Bà Bùi Thị Huệ, thôn Bàu Tròn cho biết, ngày 5/12 hứng chịu một trận lũ gây thiệt hại 5 sào rau quả. Bà mất khoảng 20 triệu đồng tiền giống, phân bón. Khi nước lũ rút, bà tiếp tục xuống giống được mấy ngày, hạt vừa nẩy mầm thì bị nước nhấn chìm lúc rạng sáng 14/12.

“Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, từ việc trang trải nợ nần, lo cho các con ăn học và các khoản chi tiêu khác. Vậy mà mất trắng thật rồi chú ạ! Không vớt vát được chút gì”, bà Huệ ngậm ngùi.

Thiên tai cùng thủy điện

Ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ trồng rau trên cánh đồng Bàu Tròn than thở: Mới đó thôi, ngày 5/12 trận lũ ập về gây hư hỏng 6 sào rau quả vụ đông mới gieo trồng. Trận lũ đi qua, ông mua giống, phân bón về canh tác. Mấy hôm nay trên địa bàn có mưa vừa xuất hiện nhưng đêm 13/12 hàng loạt thủy điện xả lũ kết hợp mưa đã nhấn chìm hết diện tích.

Những ruộng rau bị ngập nước

Những ruộng rau bị ngập nước

“Người dân Bàu Tròn có kinh nghiệm cứ sau 23/10 âm lịch xuống giống rau vụ đông. Bởi từ thời điểm này mưa lũ không xuất hiện lớn, nhưng từ khi các nhà máy thủy điện xây dựng thì đã “phá vỡ” phương thức canh tác của người dân. Bởi đầu mùa mưa, các nhà máy tích nước, đến chừng tháng 10 có mưa, lúc này nước trong lòng hồ đầy thì xả lũ”, ông Hùng cho hay.

Ông Hùng nói thêm, thủy điện có thông báo xả lũ đến người dân, nhưng cả hàng ngàn cây giống, lũ về không thể bứng đi nơi khác được. Thà như xe máy, tivi thì còn được, chứ giữa cánh đồng, rau màu bao la không thể di chuyển.

“Một sào trồng rau quả bỏ vốn đầu tư ban đầu khoảng 4 triệu đồng nhưng nước lũ nhấn chìm. Cứ xả lũ như ri thì dân hết đường sản xuất”, ông Hùng nói.

Người dân trồng rau ở huyện Đại Lộc bị mất trắng hàng chục triệu đồng

Người dân trồng rau ở huyện Đại Lộc bị mất trắng hàng chục triệu đồng

Đứng nhìn những ruộng rau chìm trong lũ, bà Trần Huệ chua xót, bà xuống giống cả mẫu rau, màu với ớt, đậu, khổ qua, ai cũng yên tâm nghĩ qua 23/10 âm lịch rồi, không còn lụt nữa nên đầu tư hết vào đó. “Hết đợt mưa lũ do trời hành, nay đến thủy điện xả lũ giờ rơi vào cảnh trắng tay. Chẳng còn kịp vụ tết, không tết nhất chi rồi. Chừng nào nông dân mới hết khổ bởi thiên tai, nhân tai?”, bà Huệ nói.

Người dân xót xa rau bị nước lũ nhấn chìm

Người dân xót xa rau bị nước lũ nhấn chìm

Được biết, cả thôn Bàu Tròn có tới 300 hộ tham gia SX trên vùng chuyên canh trồng rau quả. Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND Đại An cho biết, trận lũ vừa qua vùng chuyên canh rau Bàu Tròn thiệt hại 164ha, chủ yếu rau quả vụ đông. Sau đợt lũ, bà con xuống lại được mấy ngày hiện đang nẩy mầm thì số diện tích này bị nước lũ nhấn chìm

Ghi nhận của NNVN, ngoài vùng rau Bàu Tròn, nhiều cánh đồng chuyên canh rau màu của các xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh… ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị ảnh hưởng do mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn. Riêng xã Đại Hồng bị thiệt hại hơn 200ha cây trồng, rau màu đông xuân các loại, 70% diện tích bị ngập úng là cây đậu phụng, còn lại là cây ớt và các loại cây trồng khác, ước tính thiệt hại gần 4 tỷ đồng.

Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt, dùng thuyền di chuyển

Nhiều tuyến đường bị nước lũ chia cắt, dùng thuyền di chuyển


Thủy điện đồng loạt xả lũ, hạ du ngập lụt

Ngày 14/12 thủy điện A Vương tiến hành xả lũ từ 35-200m3/s; tổ máy phát điện khoảng 76m3/s. Thủy điện Sông Tranh 2 xả 450m3/s, tổ máy phát 200m3/s.

Ngoài ra, nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 phát đi thông báo, lúc 20h30 ngày 13/12 đã tiến hành xả tràn 400-900m3/s. Sau gần hai giờ đồng lượng nước về 200-500m3/s, thủy điện Đắk Mi 4 tiến hành xả tràn từ 800-2.000m3/s. Cũng trong đêm, thủy điện Sông Bung 4 điều tiết xả lũ 166m3/s và thủy điện Sông Bung 4A xả 40-300m3/s.

Trước việc thủy điện đồng loạt xả lũ, sáng 14/12, tại huyện Đại Lộc nước lũ gây ngập một số tuyến đường liên thôn, xã từ 0,5-1m. Trong đó tuyến đường ĐT 609 về xã Đại Hưng, Đại Lãnh đoạn qua cầu Ba Khe Trên bị ngập gần 1m. Ô tô, xe tải bị tê liệt; xe máy, xe đạp được vận chuyển bằng thuyền, mỗi lần 20.000 đồng.

Theo đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,6m, dưới mức báo động III. Trên sông Thu Bồn tại Hội An 1,6m trên báo động II là 0,1 m. Nước lũ sẽ rút xuống chậm.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Xem thêm chủ đề: tin tức, lũ lụt, vụ đông, mất trắng
DMCA.com Protection Status