Thúc đẩy sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ

Thúc đẩy sản xuất phân hữu cơ

Ðóng gói sản phẩm phân bón hữu cơ ở một nhà máy tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Cao Cường

Hiện nay, việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích cho sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả tiến đến một nền nông nghiệp an toàn, bền vững nhằm nâng cao giá trị nông sản, góp phần bảo vệ môi trường.

Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại/năm. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1 tấn/ha đất sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sử dụng phân bón nói chung chỉ đạt 45 đến 50%. Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm môi trường đất và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hòa dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật, giảm rửa trôi, bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Nước ta có khoảng mười triệu héc-ta đất canh tác, hiện nay trên cả nước đã có vài chục nghìn héc-ta sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong giấy phép sản xuất là 713 sản phẩm, mới chiếm 5% so với tổng sản phẩm phân bón đã đăng ký, còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học. Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng trong nước (đã công bố hợp quy) thuộc loại phân vô cơ nhiều hơn phân hữu cơ hơn 19 lần. Ngoài ra, cả nước có 180 cơ sở đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% so với tổng số giấy phép sản xuất phân bón đã được cấp. Tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 so với công suất sản xuất phân bón vô cơ (26,7 triệu tấn/năm).

Trên thực tế, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ tại Việt Nam rất dồi dào. Chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60 đến 70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn. Cùng với đó còn có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Ðây là những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay mới có 20% số chất thải được sử dụng hiệu quả vào các mục đích như làm khí sinh học, phân bón… Như vậy 80% số chất thải chưa được sử dụng hiệu quả là nguồn nguyên liệu có giá trị tiềm năng để sản xuất phân hữu cơ.

Hiện nay việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ước tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 35 nghìn doanh nghiệp, đại lý và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh phân bón. Tuy nhiên không có số liệu thống kê chính thức nào về số lượng cơ sở kinh doanh phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó cũng không có cơ sở dữ liệu nào liên quan đến trình độ cũng như hiểu biết của các cơ sở kinh doanh này về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng. Hơn nữa, người dân quen với tập quán sử dụng phân bón vô cơ do có tác dụng nhanh, hiệu quả mà chưa chú ý đến những tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ như thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường, để lại dư lượng trên sản phẩm. Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ mới chỉ dừng ở việc sử dụng một số vi sinh vật phổ biến để ủ nguyên liệu hữu cơ hoặc bổ sung một số chất sinh học, chất điều hòa sinh trưởng cơ bản, chưa quan tâm đến tăng hiệu suất và hiệu quả sử dụng. Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể về tín dụng, đất đai, thuế để khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ. Các chương trình khuyến nông để giới thiệu, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra chất lượng phân bón còn chưa đầy đủ, nhất là còn thiếu các tiêu chuẩn về phương pháp thử đến từng loài/chủng vi sinh vật nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng và đăng ký lưu hành.

Để thúc đẩy việc sử dụng và sản xuất phân bón hữu cơ, về lâu dài, cần xây dựng và đưa ra các chính sách khuyến khích ưu tiên sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm này; có cơ chế, chính sách hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền và sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ. Xây dựng quy hoạch quốc gia về sản xuất phân bón trên cơ sở cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, nâng dần tỷ trọng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Xây dựng và triển khai các dự án điều tra cơ bản, nghiên cứu về đặc thù sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đối với từng vùng miền, trong đó cần quan tâm đến nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Ðồng thời, xây dựng và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích và phát triển các chuỗi liên kết nông nghiệp liên quan đến sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; xây dựng, ban hành các chính sách để khuyến khích các tổ chức khoa học, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ tiên tiến trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của nông nghiệp nước ta. Nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng được các tiêu chí thân thiện với môi trường, bảo vệ đất, tác dụng nhanh và góp phần tăng năng suất cây trồng. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn để nông dân hiểu rõ ưu điểm của việc sử dụng phân bón hữu cơ.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, khối lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu trong ba năm gần đây đều tăng đáng kể. Riêng năm 2017, khối lượng nhập khẩu phân hữu cơ của nước ta khoảng 220 nghìn tấn, tăng gấp hai lần so với năm 2016.

Nguồn: báo Nhân dân điện tử
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status