Nhiều hệ lụy từ phân bón giả, kém chất lượng

Phân bón giả ở Bà Rịa, Vũng Tàu

Sau vụ thiệt hại do phân bón giả, ông Đặng Văn Chi (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) không biết nên tìm loại phân bón nào để bảo đảm chất lượng.

Thời gian qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, khiến bà con nông dân hết sức bức xúc. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại mỗi năm khoảng 2 tỷ USD đối với ngành nông nghiệp; đồng thời khiến đất đai cằn cỗi, ảnh hưởng đến môi trường nước, sức khỏe con người.

Nông dân bị thiệt hại lớn về kinh tế vì phân bón giả

Mới đây, 55 hộ trồng dưa lưới và dưa hấu tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã không khỏi xót xa khi mua phải lô phân bón giả, phân bón kém chất lượng khiến 25ha dưa hấu và dưa lưới bị héo rũ, chết hàng loạt. Trong vụ việc này, mỗi hộ bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Ông Đặng Văn Chi (ấp Gò Cà, xã Phước Thuận) cho biết, vào đầu 9-2016, gia đình ông canh tác 1,4ha dưa hấu. Trước khi thu hoạch gần 3 tuần, ông mua 30 bao phân nhãn hiệu V.B.P (sản xuất tại TP.Hồ Chí Minh) về thúc trái. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau khi bón phân, lá dưa bắt đầu úa vàng, thân dây héo quắt rồi chết. Theo ông Chi, trước đây, loại phân bón này vẫn được bà con dùng để thúc trái cho mỗi vụ dưa hấu, dưa lưới, chất lượng rất tốt. “Do mua phải phân kém chất lượng, vụ này, gia đình tôi thiệt hại khoảng 150 triệu đồng” - ông Chi buồn bã nói.

Cũng vì mua nhầm phân bón kém chất lượng, 4 sào dưa lưới 60 ngày tuổi (thông thường 65-70 ngày sẽ cho thu hoạch) của ông Nguyễn Văn Khánh (ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận) bị chết trắng vườn, sau khi bón 13 bao phân thúc trái nhãn hiệu V.B.P của một đại lý trên địa bàn huyện. Ông Khánh cho biết, các vụ dưa trước, sau khi trừ chi phí, nhà ông thu lãi 60-80 triệu đồng; còn vụ dưa này thì mất trắng hoàn toàn.

Theo các hộ trồng dưa bị thiệt hại do sử dụng phân bón nhãn hiệu V.B.P “dỏm”, loại phân bón này có bao bì giống hệt với loại phân thúc trái trước đây mà họ vẫn thường mua, chỉ có đường may ở mép bao phân là khác nhau. Đó là, bao phân thật chỉ có một đường may duy nhất, với 2 lằn chỉ trắng, đỏ xen nhau trên cùng một đường may. Còn loại phân họ sử dụng khiến dưa bị chết thì chỉ có 1 lằn chỉ màu trắng và nếu quan sát kỹ sẽ thấy thêm 1 đường may cũ trên mép bao phân. Sau khi các hộ dân phản ánh, phía đại lý đã thu gom toàn bộ số bao phân nhãn hiệu V.B.P đã bán ra. Cơ quan quản lý thị trường huyện cũng đã cử cán bộ đến lấy mẫu để kiểm tra, tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Phân bón giả ở Bà Rịa, Vũng Tàu

Bà Bùi Thị Chung (bìa phải) chỉ ra điểm khác nhau giữa bao phân thật và bao phân giả, gây thiệt hại cho bà con trồng dưa đầu tháng 9-2016 vừa qua.

Kiểm tra là thấy vi phạm

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 168 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong năm 2016, Thanh tra Sở NN-PTNT đã thực hiện 208 lượt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, lấy 47 mẫu phân bón các loại để kiểm tra chất lượng. Kết quả phân tích mẫu phân bón cho thấy, có 17 mẫu của 25 cơ sở không đạt chất lượng. Trong đó, có 2 cơ sở kinh doanh phân bón giả; 7 cơ sở kinh doanh phân bón không ghi hạn sử dụng của sản phẩm; 15 cơ sở kinh doanh phân bón không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn công bố. Thanh tra Sở NN-PTNT đã xử phạt các cơ sở vi phạm với số tiền 69 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ các sản phẩm không đạt chất lượng đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Buôn, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT, Sở chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ thuộc lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp. Các mặt hàng này trên thị trường hiện chỉ chiếm 30%, còn lại là phân bón vô cơ thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công thương. Hiện nay, đa phần các vụ việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng xảy ra ở các sản phẩm phân bón vô cơ.

Ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công thương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đủ điều kiện được cấp phép hoạt động sản xuất phân bón vô cơ. Thời gian qua, Sở Công thương đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường ở các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về kinh doanh, buôn bán phân bón vô cơ. “Sở Công thương các tỉnh, thành phố chỉ có chức năng kiểm tra tình trạng bao bì, nhãn mác của sản phẩm, chứng nhận công bố hợp quy in trên bao bì. Còn về hàm lượng, chất lượng bên trong thì không thuộc thẩm quyền của Sở Công thương; chất lượng phân bón do nhà sản xuất công bố và chịu trách nhiệm”, ông Sơn cho biết.

Để không mua phải phân bón "dỏm"

Theo ông Huỳnh Trung Sơn, để hạn chế việc mua nhầm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bà con nông dân nên chọn mua các sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, uy tín. Không mua các loại phân bón của những người bán dạo hoặc đến tận gia đình giới thiệu với nhiều chiêu trò khuyến mãi. Người dân có thể truy cập website của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương để tìm hiểu thông tin về sản phẩm phân bón vô cơ của DN sản xuất được phép bán trên thị trường.

Ngoài ra, ngành Công thương cũng khuyến cáo, các đại lý kinh doanh phân bón vô cơ cần yêu cầu nhà sản xuất cung cấp giấy xác nhận công bố hợp quy của Sở Công thương các tỉnh, thành kèm theo để làm cơ sở bảo đảm chất lượng cho người dân. Khi mua phân bón, người dân cần yêu cầu xuất hóa đơn để bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra sự cố. “Ngay khi có nghi ngờ, bà con nông dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Thanh tra Sở NN-PTNT, Đội Quản lý thị trường để kịp thời xử lý”, ông Sơn nói.

Bài, ảnh: NGÔ THANH


Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam, ngoài việc gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân, phân bón giả, phân bón kém chất lượng khi đưa vào đất sẽ làm thoái hóa đất (do sử dụng nguyên liệu không phải là chất dinh dưỡng), ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, với hiện tượng rửa trôi và xói mòn do mưa sẽ làm những chất độc từ phân bón giả, phân bón kém chất lượng theo dòng nước chảy ra ngoài kênh mương hoặc thấm vào mạch nước ngầm, từ đó ảnh hưởng đến môi trường nước, sức khỏe con người.


*  Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8-7-2016 của Chính phủ, quy định phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy sản phẩm đối với các cơ sở kinh doanh phân bón đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ, phân bón có chứa hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật gây hại và các chất độc khác vượt mức quy định; Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng và buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đối với một trong các hành vi: sản xuất, gia công, kinh doanh các loại phân bón vô cơ vượt mức yếu tố hạn chế theo quy định; sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vi phạm yếu tố độc hại (biuret, asen, cadimi, chì, thủy ngân, axit tự do).

*  Điều 195, Bộ Luật hình sự 2015 quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn
Bài liên quan
  • Phân bón giả - hậu quả thật! Phân bón giả - hậu quả thật!
    Không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đời sống kinh tế của nông dân, ô nhiễm môi trường và suy giảm niềm tin vào thực phẩm Việt.
DMCA.com Protection Status