Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lo ngại "Quy trình ngược"

Theo Hiệp hội Phân bón, Thông tư 35 của Bộ Công Thương đẩy thương nhân nhập khẩu vào quy trình ngược đầy mạo hiểm vì phải thực hiện hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép nhập khẩu.

Quy trình và hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương khiến thương nhân nhập khẩu phải thực hiện hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép.

Quy trình và hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương khiến thương nhân nhập khẩu phải thực hiện hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép.

ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón đã kiến nghị bãi bỏ Thông tư 35/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động (automatic) đối với một số mặt hàng phân bón và qui định cảng nhập khẩu.

“Việc thực hiện Thông tư 35 khiến thương nhân gặp rất nhiều khó khăn vi phạm, trái với Quyết định 46 về bỏ hạn ngạch (quota) nhập khẩu các loại phân bón từ năm 2000”, ông Thúy nói.

Cụ thể, quy trình và hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu theo Thông tư 35 của Bộ Công Thương khiến thương nhân nhập khẩu phải thực hiện hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép. Đây là quy trình ngược bởi lẽ ra, người nhập khẩu phải có được giấy phép rồi mới tiến hành nhập khẩu. Không thể nhập khẩu xong, xếp hàng lên tàu về Việt Nam rồi mới làm thủ tục xin giấy phép.

Các DN cho rằng, quy định về bộ hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu tự động tại Thông tư 35 trói buộc nhà nhập khẩu. Cụ thể, Thông tư quy định về hồ sơ đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu tự động yêu cầu phải có hợp đồng nhập khẩu, hóa đơn thương mại, tín dụng thư hoặc xác nhận thanh toán của ngân hàng, vận đơn đường biển…

Quy định về hồ sơ xin giấy phép tại Thông tư đồng nghĩa với việc hàng nhập khẩu đã được khách hàng nước ngoài thực hiện nghĩa vụ ký xong hợp đồng mua bán, tiếp theo là xếp hàng xuống tàu và tàu đã khởi hành chạy về Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Chẳng hạn, khi nhập khẩu hàng từ một số nước gần Việt Nam như Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc… có chuyến hàng tàu chỉ chạy mất 4-5 ngày đã đến cảng Việt Nam để giao hàng, khi DN có được bộ hồ sơ đầy đủ để gửi về Bộ Công Thương thì tàu đã chạy được già một nửa đường. Sau khi bộ chứng từ gửi về Bộ Công Thương bằng đường bưu điện, không biết ngày nào thì Bộ nhận được và sau đó 7 ngày làm việc, bộ hồ sơ mới được Bộ Công Thương trả lời được hay không được.

Vấn đề bất cập ở đây, nếu trường hợp “xuôi buồm, thuận gió” Bộ Công Thương trả lời là được phép nhập thì tàu đã đến cảng Việt Nam nằm đấy, tiền phạt tàu chờ cảng khoảng 150-250 triệu đồng/ngày cho số ngày nằm chờ DN dỡ hàng, rủi ro này làm cho DN bị khó khăn thêm và phải gánh chịu thiệt hại…

Đáng nói hơn, theo ông Thúy, nếu Bộ Công Thương không đồng ý cấp giấy phép nhập khẩu thì DN hầu như không thể xử lý được khi hợp đồng đã ký kết, thương nhân nước ngoài đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao hàng lên tàu cho DN Việt Nam, ngân hàng, người mua thì buộc phải chuyển tiền thanh toán cho nước ngoài theo cam kết của LC và ghi nợ cho DN… Các chi phí phát sinh và trách nhiệm giải quyết hàng hóa lúc đó đè lên đầu DN chịu.
Do đó, các DN đề nghị bãi bỏ Thông tư 35/2014 của Bộ Công Thương qui định cấp giấy phép nhập khẩu tự động và qui định bắt buộc cảng nhập khẩu phân bón mới phù hợp với tinh thần các Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Nguồn: Hoàng Hà/enternews.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status