Chiêu lừa đảo phân bón Trung Quốc tinh vi khiến người tiêu dùng 'hoa mắt'

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, hiện có một số trường hợp trên nhãn hàng hóa nhập khẩu ghi xuất xứ không đúng quy định. Điển hình như phân bón sản xuất bằng công nghệ Trung Quốc nhưng trên nhãn lại ghi “Technology from USA - Công nghệ Mỹ”.

Nhu cầu tiêu thụ phân bón tỉnh Tiền Giang khá lớn

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, hiện trên địa bàn có 836 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đó, số cơ sở kinh doanh chiếm hơn 98% (822 cơ sở), trong khi đó số cơ sở sản xuất chỉ chiếm gần 2% (14 cơ sở). Tổng sản lượng phân bón sản xuất trung bình hơn 28 nghìn tấn/năm (chủ yếu là phân NPK, trung vi lượng, phân bón lá, hữu cơ). Trong đó, tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm 50% (14 nghìn tấn), còn lại 50% (14 nghìn tấn) tiêu thụ tại các tỉnh khác(Long An, Đồng Tháp, Bình Phước…).

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón của toàn tỉnh tương đối lớn, gần 194 nghìn tấn. Vì vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong năm, các cơ sở kinh doanh trong tỉnh phải nhập khoảng 180 nghìn tấn phân bón từ các doanh nghiệp sản xuất ngoài tỉnh, rồi phân phối lại cho các cửa hàng bán lẻ để bán lại cho người dân.

Hàng giả, không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật.

Hàng giả, không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật. Ảnh minh họa

Chi cục Quản lý thị trưởng tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện các tổ chức, cá nhân thực hiện khá tốt quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón. Riêng đối với 14 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, có 9 cơ sở đã được cấp giấy phép sản xuất, 3 cơ sở đã gửi hồ sơ đề nghị cấp phép và 2 cơ sở không đủ điều kiện cấp phép (đã tạm ngừng hoạt động trong thời gian hoàn chỉnh thủ tục xin cấp phép).

Nhiều thủ đoạn kinh doanh phân bón giả vô cùng tinh vi

Do nhu cầu khá lớn mà sản xuất trong tỉnh không đủ, nên hàng ngày vẫn có một lượng phân bón lớn được đưa vào phân phối cho các cửa hàng bán lẻ. Đây được xem là cơ hội để cho phân bón giả, kém chất lượng 'tung hoành' trên thị trường.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, các đối tượng buôn phân bón giả có thủ đoạn vi phạm khá tinh vi, chuyên nghiệp. Theo đó, các đối tượng này trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng. Áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn.

Cũng theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang, các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh sản xuất phân bón giả, không đảm bảo chất lượng bán cho các đại lý trong tỉnh với giá rẻ và mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh và trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Vì lợi nhuận nên các cơ sở kinh doanh trong tỉnh thỏa thuận trực tiếp giúp các cơ sở sản xuất này tiêu thụ phân bón vi phạm.

“Lợi dụng lòng tin, trình độ nhận thức của nông dân còn hạn chế, một số doanh nghiệp tổ chức hội nghị khẳng định phân bón mình sản xuất đảm bảo có chất lượng, uy tín, thể hiện trên nhãn, bao bì dòng chữ: “Phân bón chất lượng cao”. Ví dụ dòng chữ 'phân bón cao cấp 10.10.5' được ghi rất lớn. Song lại ghi rất nhỏ các thành phần hàm lượng dinh dưỡng của phân bón hoặc ghi bằng tiếng nước ngoài”, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho hay.

Đáng chú ý, hàng giả, không đảm bảo chất lượng thường có mẫu mã, bao bì, kiểu dáng được thiết kế đẹp, tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật. Có một số trường hợp trên nhãn hàng hóa nhập khẩu ghi xuất xứ không đúng quy định, như phân bón sản xuất tại Trung Quốc nhưng trên nhãn lại ghi “Made in PRC”, “Sản xuất tại PRC” (thay vì ghi đúng là Made in China, sản xuất tại Trung Quốc) hoặc ghi “Technology from USA”, “Technology from Philippines”… mặc dù sản xuất bằng công nghệ Trung Quốc.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang khẳng định: 'Các trường hợp ghi nhãn mập mờ, sai lệch về bản chất xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, công nghệ sản xuất nên trên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc xác định xuất xứ, nguồn gốc và lựa chọn mua hàng hóa, các cơ sở sản xuất dễ sản xuất hàng giả…'.

Cần tuyên truyền tác hại của phân bón giả

Trước tình trạng phân bón giả đang hoạt động ngày càng tinh vi trong thời gian vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần xem xét công tác phòng, chống phân bón giả, không đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ quan trọng. 

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang về kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Đặc biệt, quan tâm thực hiện tuyên truyền về tác hịa của phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không tiêu thụ phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. 

Làm tốt công tác theo dõi, giám sát, dự báo tình hình, phương thức, thủ đoạn, địa bàn, loại sản xuất có dấu hiệu vi phạm. Sử dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ của Quản lý thị trường để tổ chức thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả như quản lý địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát hoạt động kinh doanh có dấu hiệu vi phạm…

Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động phối hợp các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Yến Nhi

Nguồn: vnmedia.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status