Cây cao su
Sâu bệnh hại Cây cao suDanh pháp hai phần: Hevea brasiliensis
Thuộc bộ ba mảnh vỏ họ thầu dầu, thuộc loại cây lấy nhựa mủ có nguồn gốc non trẻ.
Nguồn gốc và lịch sử phát triển cây cao su
Trên thế giới
- Năm 1736, Charles Goodyear đã phát minh phương pháp “lưu hóa” mủ cao su làm tăng tính năng tác dụng của cao su rất lớn.
- Năm 1876, Hemy Wickham-người Anh đã thành công trong việc đưa cao su phát triển ở nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt là vùng Đông Nam Á.
- Từ năm 1910 cây cao su phát triển rất mạnh và nhanh ở nhiều nơi mà trung tâm là châu Á như: Ấn Độ, Inddooneexxia, Malaixia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc… với diện tích gần 5 triệu ha, chiếm 92% tổng diện tích cao su và 90% tổng sản lượng cao su của thế giới.
Ở Việt Nam
- Ở nước ta, cây cao su nhập vào trồng đầu tiên ở Phú Nhuận (Gia Định) 1897. Sau đó được phát truển nhiều ở Nam bộ rồi lan rộng ta Bắc Bộ. Cây cao su ở nước ta có rất nhiều triển vọng mở rộng diện tích và tăng sản lượng nhất là ở vùng Tây Nguyên…
- Đến năm 2003, diện tích cao su thuộc tổng công ty cao su Việt Nam đạt 219.600 ha, trong đó 173.700 ha đang được khai thác mủ. Diện tích cao su nay trải rộng từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên và Miền Trung, điều kiện sinh thái của các vùng này rất khác nhau, sinh trưởng và năng suất của cây cao su cũng thay đổi tùy theo điều kiện môi trường.
Đặc điểm thực vật học của cây cao su
Cây cao su trồng trong sản xuất đại trà thường là cây đã được ghép của những dòng vô tính đã được chọn lọc để bảo đảm tính tương đối và đồng nhất của vườn cây và ổn định năng suất.
Đặc điểm hình thái cây cao su
Rễ cây cao su
Có 2 loại, rễ cọc và rễ bàng.
+ Rễ cọc (rễ cái, rễ trụ), đảm bảo cho cây cắm sâu vào đất, giúp cây chống đổ ngả và đồng thời hút nước, muối khoáng từ các lớp đất sâu. Rễ cọc cây cao su phát triển rất sâu, nhất là khi gặp đất có cấu trúc tốt, sâu trên 10 mét.
Rễ cọc của cây cao su sau trồng 5, 10 và 15 ngày
Rễ cọc của cây cao su sau trồng 1 năm, ăn sâu 80 - 100 cm
+ Rễ bàng (rễ hấp thu), đây là hệ thống rễ phát triển rất rộng. Phần lớn rễ bàng cây cao su tập trung ở lớp đất mặt, cụ thể: 80 - 85% số lượng rễ bàng tập trung ở tầng đất 0 - 30 cm, còn lại là ở tầng đất 30 - 40 cm.
Bộ rễ cây cao su sau trồng 30 năm
Trên đất tốt, khi cây cao su được 3 tuổi, rễ cọc ăn sâu 1,5 mét, rễ bàng ăn rộng 6 - 9 mét.
Lá cây cao su
Lá cao su là lá kép gồm 3 lá chét với phiến lá nguyên, mọc cách. Từ lúc còn là giai đoạn mầm đến khi ổn định, sự hình thành tầng lá cao su gồm 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Chồi mầm đang ngủ
Giai đoạn 2: Chồi mầm phát triển, vươn dài ra thành một đoạn thân, các vảy lá ở chồi phát triển thành lá non, màu tím sậm
Giai đoạn 3: Lá non màu xanh nhạt, phiến lá mỏng, lá mọc rủ
Giai đoạn 4: Lá có màu xanh đậm, phiến lá dày bình thường, đạt kích thước cố định, lá xòe ngang ra (tầng lá ổn định)
Hoa cây cao su
Cây cao su từ 5 - 6 tuổi trở lên bắt đầu có hoa, và mỗi năm ra hoa một lần vào lúc cây ra lá non tương đối ổn định, khoảng tháng 2 - 3 dương lịch trong điều kiện khí hậu Việt Nam.
Hoa cao su là hoa đơn tính đồng chu: hoa đực và hoa cái riêng nhưng mọc trên cùng một cây. Trên mỗi chùm hoa đều có hoa đực và hoa cái, với tỷ lệ 1 hoa cái và 60 hoa đực. Hoa cao su hình chuông, màu vàng nhạt, hoa cái mọc ở đầu mỗi phát hoa, có kích thước lớn hơn, hoa đực thường tụ thành nhóm 3 -7 hoa và có kích thước nhỏ hơn.
Chùm hoa cây cao su
Hoa cái mọc ở đầu mỗi phát hoa, có kích thước lớn hơn hoa đực
Quả và hạt của cây cao su
Quả cao su hình tròn hơi dẹp có đường kính 3 - 5 cm, quả nang gồm 3 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt.
Vỏ quả lúc còn non có màu xanh chứa nhiều mủ, khi quả già vỏ quả khô có màu nâu nhạt. Quả chín tự tách vỏ, hạt cao su bắn ra ngoài. Quả cao su hình thành, phát triển, cho đến khi quả chín kéo dài 19 - 20 tuần.
Hạt cao su hình tròn hơi dài hoặc hình bầu dục. Hạt cao su có hai mặt rõ rệt, mật bụng phẳng, mặt lưng cong lồi lên. Lớp vỏ ngoài hạt láng, có màu nâu đậm hoặc màu vàng đậm và trên có các vân màu đậm hơn. Vỏ hạt cứng, ở đầu hạt có lỗ nảy mầm.
Quả cao su còn non, có màu xanh
Quả cao su chín, tách vỏ lộ hạt ra
Hạt cao su
Thân cây cao su
Thân cây cao su thuộc loại thân gỗ, to, cao. Cây lâu năm có thể cao tới 20-30 mét và đường kính thân tới 1 mét.
Hình dạng của thân ở cây thực sinh và cây ghép có khác nhau: phần sát gốc ở cây ghép thì bình thường nhưng ở cây thực sinh lại có dạng chân voi.
Khi cây cao su còn non, điểm sinh trưởng ở đỉnh ngọn hoạt động mạnh phát sinh trên thân thành từng tầng lá rõ rệt (năm thứ 1 & 2 sau trồng).
Cấu tạo của thân còn có phần quan trọng là vỏ thân, vì đó là bộ phận sản sinh ra nhựa mủ, quyết định đến năng suất sản lượng cao su.
Đoạn thân kinh tế của cây cao su là đoạn thân có chứa lớp vỏ thân khai thác mủ, tính từ mặt đất đến chảng ba của cành cấp 1, khoảng 2,5 đến 3,0 mét tùy thuộc từng vùng sinh thái khác nhau.
Đoạn thân kinh tế của cây cao su
Các thời kỳ kiến tạo vườn cao su
Click để xem chi tiết...
- Giai đoạn cây con trong vườn ươm (gieo hạt - xuất vườn)/ 6-24 tháng: Mỗi tháng 1 tầng lá.
- Giai đoạn kiến thiết cơ bản 1st - 3rd năm tuổi: có thể trồng xen 4th - 7th năm tuổi: giáp tán
- Giai đoạn kinh doanh (khai thác mủ) Thời kỳ khai thác cao su non: 10-12 năm
Thời kỳ khai thác cao su trung niên (12-13 năm): thời gian mà năng suất mủ đạt cao nhất và bình ổn.
Thờ i kỳ khai thác cao su già: năng suất mủ giảm mạnh, không có khả năng phục hồi.
Các giống cây cao su
Giống cao su PB235
Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia, Phổ hệ PB 5/51 x PB S/78.
Dạng cây: Có cành phụ tự rụng, tạo thân chính thẳng cao, do vậy cho trữ lượng gỗ lớn.
Sinh trưởng: Khoẻ trong thời gian Kiến thiết cơ bản, tăng trưởng khá trong lúc mở cạo.
Chế độ cạo: 1/2S d/3.Không thích hợp khai thác với cường độ cạo cao và kích thích nhiều, vì dễ bị bệnh khô mủ.
Năng suất: Năng suất thay đổi theo điều kiện môi trường và từng năm. Sản lượng cao và sớm ở vùng thuận lợi, đạt trung bình ở vùng bất thuận. Trong 12 năm đầu năng suất bình quân 1,6 tấn/ha/năm, sản lượng PB235 tập trung vào những tháng cuối năm.
Các đặc tính khác: Ít nhiễm các loại bệnh, nhưng mẩn cảm với bệnh phấn trắng, chịu gió kém. Vùng đất có cao trình > 600 m (Tây Nguyên), thời tiết bất thuận, PB235 bị giảm năng suất đáng kể do bị nhiễm bệnh phấn trắng nặng và thường xuyên bị gãy cành do gió bão. Cây đáp ứng thấp với chất kích thích mủ và dễ bị khô miệng cạo.
Giống cao su PB 255
Nguồn gốc: Xuất xứMalaysia, Phổ hệ PB 5/51 x PB 32/36. Trồng đại trà ở các công ty cao su Đông Nam bộ những năm gần đây.
Dạng cây: Thân hơi cong khi còn nhỏ. Tán thấp, phân cành rộng. Cành ghép ít mắt và tỷ lệ sống thấp. Vỏ nguyên sinh dày, trơn, hơi cứng, tái sinh bình thường.
Sinh trưởng: trong thời gian KTCB cây sinh trưởng trung bình. Tăng trưởng trong khi cạo khá.
Chế độ cạo: 1/2S d/3. Đáp ứng kích thích mủ tốt; thích hợp chế độ cạo nhẹ có kích thích.
Năng suất: Năm đầu thấp, tăng vào các năm sau. Năng suất bình quân 2 2,5 tấn/ha/năm. Năng suất mủ rất cao ở vùng thuận lợi và cao hơn nhiều giống khác ở miền Trung.
Các đặc tính khác: Dễ nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo và nấm hồng. Kháng gió tốt, là giống có triển vọng cho nhiều vùng trồng cao su có gió mạnh. Đất kém dinh dưỡng hoặc thiếu chăm sóc cây sinh trưởng chậm. Lưu ý kỹ thuật cạo vì vỏ dày và cứng hơn nhiều giống khác.
Giống cao su PB 260
Nguồn gốc: Xuất xứMalaysia, Phổ hệ PB 5/51 x PB 49.Là giống được trồng đại trà ở hầu hết các vùng trồng cao su gần đây.
Dạng cây: Thân thẳng, tròn, chân voi rõ, tán cân đối, cành thấp tự rụng. Vỏ nguyên sinh dày trung bình, trơn dễ cạo, tái sinh tốt.
Sinh trưởng: Sinh trưởng trong thời gian KTCB ở Đông Nam bộ đạt mức trung bình, khá ở Tây Nguyên. Tăng trưởng trong khi cạo khá.
Chế độ cạo: 1/2S d/3. Thích hợp chế độ cạo nhẹ, đáp ứng kích thích mủ trung bình, và không nên mở miệng cạo sớm khi vỏ còn mỏng.
Năng suất: Ở miền Đông Nam bộ, các năm đầu PB 260 có sản lượng thấp hơn PB 235 nhưng có xu hướng tăng cao vào các năm sau. Tại Tây Nguyên, sản lượng cao ngay các năm đầu, vượt nhiều giống khác.
Các đặc tính khác: Ít nhiễm hoặc nhiễm nhẹ bệnh phấn trắng, dễ bị nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo. Kháng gió khá.
Giống cao su RRIM 600
Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia. Phổ hệ: Tj 1 x PB 86.
Dạng cây: Thân thẳng, phân cành lớn tập trung, tán rộng. Vỏ dày trung bình, dễ cạo. Cạo phạm, vỏ tái sinh dễ bị u lồi.
Sinh trưởng: Sinh trưởng trong thời gian KTCB đạt mức trung bình. Tăng trưởng khi cạo khá
Chế độ cạo: 1/2S d/2. Đáp ứng được với thuốc kích thích vừa phải, có thể chịu được cường độ cạo cao.
Năng suất: Khá cao và ổn định trên nhiều vùng. Năng suất đạt trung bình từ 1,5 1,6 tấn/ha/năm từ năm cạo thứ tư trở đi. Trong 12 năm đầu năng suất bình quân đạt 1,4 tấn/ha/năm.
Các đặc tính khác: RRIM 600 mẩn cảm với bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa, loét sọc mặt cạo, ít nhiễm phấn trắng. Đây là giống rất triển vọng cho Tây Nguyên và Bắc Trung bộ.
Giống cao su RRIV2 (LH 82/156)
Nguồn gốc: Viện NC Cao su Việt Nam, 1982. Phổ hệ: RRIC 110 x RRIC 117.
Dạng cây: Thân thẳng, tròn. Phân cành trung bình. Cành về sau tự rụng. Tán thấp và rậm khi cây còn tơ; tán cao và thoáng khi trưởng thành. Vỏ cạo dày trung bình, trơn láng dễ cạo.
Sinh trưởng: Cây sinh trưởng rất khoẻ trong giai đoạn KTCB; tăng trưởng trong khi cạo tốt.
Chế độ cạo: 1/2S d/3. Hạn chế sử dụng chất kích thích mủ.
Năng suất: Sản lượng những năm đầu thấp, sau đó tăng dần và vượt PB 235. Tại Đông Nam bộ năng suất năm thứ 3 đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng đều qua các tháng trong năm, đáp ứng kích thích mủ khá.
Các đặc tính khác: Nhiễm nhẹ các lọai bệnh. Chịu rét kém.
Giống cao su RRIV 3 (LH 82/158)
Nguồn gốc: Viện NC Cao su Việt Nam, 1982. Phổ hệ: RRIC 110 x RRIC 117.
Dạng cây: Thân thẳng, tròn. Phân cành tập trung, thấp, nhiều cành nhỏ ở giai đoạn non. Cành thấp về sau tự rụng. Tán tròn, rậm. Vỏ cạo dày trên trung bình, dễ cạo.
Sinh trưởng: Cây sinh trưởng ban đầu chậm, sau tăng nhanh vượt hơn PB 235; tăng trưởng trong khi cạo tốt.
Chế độ cạo: 1/2S d/3.
Năng suất: Tăng dần theo các năm. Tại Đông Nam bộ năng suất năm thứ 3 đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng đều qua các tháng trong năm, đáp ứng kích thích mủ khá.
Các đặc tính khác: Nhiễm phấn trắng và nấm hồng, ít rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo.
Giống cao su RRIV 4 (LH 82/182)
Nguồn gốc: Viện NC Cao su Việt Nam, năm 1982. Phổ hệ: RRIC 110 x PB 235. Giống chiếm tỷ lệ cao trong diện tích trồng mới ở khu vực Đông Nam bộ.
Dạng cây: Thân thẳng, tròn, vỏ hơi mỏng, dễ cạo.
Sinh trưởng: Cây phát triển nhanh ở các năm đầu, cành gỗ ghép phát triển nhanh, nhiều mắt, ghép dễ sống. Tăng trưởng trong thời gian cạo kém.
Chế độ cạo: 1/2S d/3.
Năng suất: Là giống cao su cho năng suất rất cao và tăng dần theo các năm. Ở vùng Đông Nam bộ, năng suất năm thứ 2 đã đạt 1,8 - 2 tấn/ha, các năm sau có thể đạt 3 tấn/ha. Năng suất mủ cao hơn hẳn giống PB235 và các dòng RRIV 1,2,3,5.
Các đặc tính khác: Nhiễm nhẹ các bệnh nấm hồng, loét sọc mặt cạo; dễ nhiễm phấn trắng, héo đen đầu lá. Kháng gió rất kém, không nên trồng ở vùng gió mạnh. Cần chú ý các biện pháp tạo tán thích hợp.
Giống cao su VM515
Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia. Phổ hệ: chưa xác định.
- Dạng cây: Thân hơi vặn, dáng thẳng, phân cành cao. Vỏ nguyên sinh hơi dầy, nhẵn, dễ cạo, tái sinh vỏ tốt.
Sinh trưởng: Khá lúc mới trồng, chậm dần lúc mở miệng cạo. Tăng trưởng trong khi cạo kém.
Chế độ cạo: 1/2 S d/3. Đáp ứng được với kích thích.
Năng suất: 1,5 2 tấn/ha/năm. Năng suất tương đương hoặc hơn PB235.
Các đặc tính khác: VM 515 ít nhiễm nấm hồng, loét sọc mặt cạo, nhưng nhiễm các bệnh lá, dễ khô miệng cạo.
Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh chủ yếu của cây cao su
Nhiệt độ
Cây cao su yêu cầu nhiệt độ cao, thích hợp từ 20-280C, có biên độ nhiệt độ chênh lệch ít và sợ rét.
Theo kết quả nghiên cứu của Trung Quốc: Nếu nhiệt độ bình quân ngày thấp hơn 150C đỉnh ngọn bị ức chế. Nếu dưới 100C thì hạt không nảy mầm, ảnh hưởng xấu đến trao đổi chất trong cây. Nếu dưới 50C thì vỏ thân bị nứt, mủ không đông, có thể bị khô ngọn. Nếu dưới 00C thì cây sẽ chết. Ở nước ta các tỉnh phía Nam trồng cao su là thích hợp hơn cả.
Mưa và ẩm độ
Cây cao su cần nhiều nước, đòi hỏi phải có lượng nước mưa hàng năm cao và đều từ 1.500 - 2.000 mm. Về tính chất mưa cây cao su yêu cầu mưa nhiều trận, mưa vào buổi chiều… Nếu mưa to hoặc mưa dầm đều không tốt vì làm cho sâu bệnh nhiều và ít mủ.
Về độ ẩm không khí, cây cao su yêu cầu cao tối thiểu từ 75% trở lên.
Gió
Cây cao su ưu lặng gió. Nếu có gió mạnh sẽ làm cho lượng bốc hơi của lá, trong mủ tăng lên, cành thân giòn dễ gãy, sản lượng mủ thấp. Tốc độ gió ảnh hưởng rõ đến đời sống cây cao su: Nếu tốc độ gió 1m/gy không ảnh hưởng lớn lắm, nhưng từ 2-3 m/gy đã gây nhiều khó khăn trở ngại cho cây cao su, nếu trên 3 m/gy thì cây phát triển không bình thường.
Ánh sáng
Cây cao su cần đầy đủ ánh sáng, song vẫn có khả năng chịu được bong râm, nên theo Xemicop ( Liên Xô) cho rằng cây cao su thuộc loại cây trung tính. Theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Nam ( Trung Quốc): Cường độ chiếu sáng thích hợp cho cây cao su là 28.000 lux. Nếu thời gian chiếu sáng khác nhau thì sự sinh trưởng của cây cũng khác nhau.
Đất đai và địa hình
Cây cao su thích hợp với đất rừng, yêu cầu có lý hóa tính của đất cao. Về hóa tính phải là đất tốt, nhiều mùn giàu N, P, K; có độ PH=5. Về lý tính yêu cầu đất tơi xốp, thoát nước. Ngoài ra cây cao su còn yêu cầu mực nước ngầm thấp, nơi có độ cao của mặt đất so với mặt biển là 200 m thì tốt.
Là một loài cây có lịch sử gắn bó với mảnh đất Việt Nam khá lâu, cây cao su phát triển mạnh ở phía Nam và hiện đang được phát triển ra phía Bắc gồm các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và tới đây là Phú Thọ.
Giá trị kinh tế của cây cao su
Cao su là một loại vật liệu polymer có tính đàn hồi, chịu ma sát, chịu nén và lâu hỏng nên có nhiều ứng dụng như sản xuất vỏ, ruột xe, các chi tiết trong xe hơi, dụng cụ y tế, găng tay, băng tải, dây đai, nệm, giày dép, đồ chơi…Có đến 70% sản lượng cao su được sử dụng làm vỏ, ruột xe. Vì thế, phát triển công nghiệp cao su phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô.
Vào những năm 1880, công nghiệp ô tô tăng trưởng mạnh khiến nhu cầu cao su tăng mạnh đã thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo cao su tổng hợp từ đầu mỏ, nên việc sử dụng cao su tự nhiên bị thu hẹp. Trong những năm gần đây, do giá dầu mỏ tăng và công nghiệp xe hơi phát triển, làm tăng nhu cầu cao su tự nhiên.
Tỷ trọng sử dụng giữa cao su tự nhiên và nhân tạo
Vì vậy mủ cao su được ví như là “vàng trắng”, từ lâu nay việc trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ mủ cao su đã trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cây cao su có tốc độ phát triển rất nhanh, sau khi trồng khoảng từ 5 - 6 năm là có thể cho khai thác mủ. Thời gian cho khai thác mủ cũng kéo dài khoảng trên 20 năm. Sau khi kết thúc chu kỳ khoảng 25 - 30 năm, từ thân đến rễ cây cao su được khai thác dùng cho chế biến các sản phẩm gỗ có chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Cây cao su là một loài cây dễ thích nghi, phát triển trên những vùng đất khó khăn, nghèo kiệt, những vùng rừng tạp cho kinh tế thấp… Vì thế, ngoài việc tận dụng những diện tích đất cằn, quá trình trồng, chăm sóc, khai thác đối với cây cao su là một quá trình đem đến nhiều lợi ích cho người dân sống trong vùng trồng, đó là giải quyết công ăn việc làm cho người dân từ việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây cao su. Có thể thấy những lợi ích rất rõ từ những vùng trồng cây cao su ở Nam Bộ, Tây Nguyên, khi mà trước đây nhiều diện tích đồi núi trọc nay đã được phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của cây cao su. Cây cao su đã giúp cho nhiều người nông dân trở thành những người công nhân với tư duy sản xuất hiện đại, quy củ với đồng lương ổn định. Đời sống của người dân trong các khu vực trồng cây cao su được nâng lên rõ rệt nhờ nhiều hoạt động phục vụ cho sự phát triển của cây cao su. Mủ cao su ngày càng có giá trên thị trường thế giới, ước giá hiện nay đạt khoảng trên 90 triệu đồng/tấn mủ.