Cây cà phê
Sâu bệnh hại Cây cà phêHọ Thiến thảo: Rubiaceae
Danh pháp khoa học
+ Cà phê chè: Coffea arabica (cà phê chè có 2 loại: cà phê moka và cà phê catimor)
+ Cà phê vối: Coffea canephora hoặc Coffea robusta
+ Cà phê mít: Coffea liberica, đồng nghĩa Coffea excelsa
Nguồn gốc cây cà phê
Cà phê được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam chính thức từ năm 1857, từ đảo Martinique và vùng Guyane thuộc Pháp ở châu Mỹ Latin vì có khí hậu và thổ nhưỡng nhiệt đới tương tự Việt Nam. Đầu tiên, loại Arabica được thử ở phía Bắc rồi ở miền Trung (Quảng Trị, Bố Trạch,…), sau khi thu hoạch được chế biến dưới thương hiệu cà phê Arabica du Tonkin (cà phê Arabica Bắc Kỳ) và nhập khẩu về Pháp. Sở dĩ loại Arabica được thử nghiệm trước vì có giá trị hơn, nguyên gốc ở Ethiopia, thích hợp với vùng cao nguyên và vùng núi cao từ 800 – 2.000 m, và có nhiệt độ từ 15 - 30 độ C.
Sơ lược về các loại cà phê trồng ở Việt Nam:
Cây cà phê là cây công nghiệp lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân các tỉnh thành Tây nguyên. Cây cà phê có 3 loại chính là cà phê chè, cà phê vối và cà phê mít. Mỗi loại đều cần có điều kiện sinh thái khác nhau để có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Cà chê chè, cà phê vối và cà phê mít
+ Cà phê chè là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê. Cà phê chè chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Cà phê arabica còn được gọi là Brazilian Milds nếu nó đến từ Brasil, gọi là Colombian Milds nếu đến từ Colombia, và gọi là Other Mildsnếu đến từ các nước khác.
+ Cà phê vối là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Khoảng 39% các sản phẩm cà phê được sản xuất từ loại cà phê này. Nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới là Việt Nam. Các nước xuất khẩu quan trọng khác gồm Brasil, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Uganda, Côte d'Ivoire. Ở Brasil cà phê vối được gọi với tên là Conilon.
+ Cà phê mít là cây chịu hạn tốt, sức chống chịu sâu bệnh cao (được ưu chuộng trong việc ghép gốc cho cà phê khác), ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh. Tuy nhiên do năng suất kém, có vị chua nên không được ưa chuộng và phát triển diện tích. Hạt cà phê mít thường được trộn vào với cà phê vối, cà phê chè khi rang xay để tạo hương vị (Cà phê mít thường hợp với gu của ngườichâu Âu).
Mô tả sơ bộ về cây cà phê
Thân cây cà phê
Cây cà phê chè có thể cao tới 6 m, cà phê vối tới 10 m. Tuy nhiên, phải cắt tỉa để giữ được độ cao từ 2-4 m, thuận lợi cho việc thu hoạch. Cây cà phê có cành thon dài, lá cuống ngắn, xanh đậm, hình oval. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn. Chiều dài của lá khoảng 8-15 cm, rộng 4-6 cm. Rễ cây cà phê là loại rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1 đến 2,5 m với rất nhiều rễ phụ tỏa ra xung quanh làm nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Hoa cà phê
Hoa cà phê màu trắng, có 5 cánh, thường nở thành chùm đôi hoặc chùm ba. Hoa chỉ nở trong vòng 3-4 ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Một cây cà phê trưởng thành có từ 30-40 ngàn bông hoa.
Quả cà phê
Cà phê là loài cây tự thụ phấn, do đó, gió và côn trùng ít có ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh sản của cây. Sau khi thụ phấn quả sẽ phát triển trong 7-9 tháng và có hình bầu dục. Trong thời gian chín, màu sắc của quả thay đổi từ xanh sang vàng rồi cuối cùng là đỏ. Quả có màu đen khi đã chín nẫu. Do thời gian đâm hoa kết trái lâu như vậy mà 1 vụ cà phê kéo dài gần 1 năm và có thể xảy ra trường hợp trên một cây vừa có hoa, vừa có quả.
Thân cây cà phê vối, hoa cà phê và quả cà phê
Thông thường một quả cà phê chứa hai hạt. Chúng được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Mặt tiếp xúc giữa chúng là mặt phẳng, mặt hướng ra bên ngoài có hình vòng cung. Mỗi hạt còn được bảo vệ bởi hai lớp màng mỏng: một lớp màu trắng, bám chặt lấy vỏ hạt; một lớp màu vàng rời rạc hơn, bọc ở bên ngoài. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh hoặc xanh. Thỉnh thoảng cũng gặp những quả chỉ có 1 hạt (do chỉ có 1 nhân hoặc do 2 hạt bị dính lại thành 1).
Giá trị kinh tế của cà phê
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ 2 về kim ngạch sau gạo. Chính vì thế ngành cà phê đã có một vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân.
- Ngành cà phê góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế: ngành cà phê gắn với cả một quá trình khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Điều này kéo theo theo một loạt các ngành kinh tế phát triển như ngành xây dựng các cơ sở để nghiên cứu giống, ngành thuỷ lợi, ngành giao thông, ngành chế tạo máy móc,... Vì thế đẩy mạnh qúa trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng nơi có cây cà phê phát triển. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá trong nông nghiệp nông thôn.
- Ngành cà phê đã góp phần rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Hàng năm ngành cà phê đem về cho đất nước từ 1- 1,2 tỷ USD/ năm chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
- Góp phần giải quyết công ăn việc làm cải thiện đời sống nhân dân:
Dự báo về sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2015/16 được điều chỉnh tăng từ 28,6 triệu bao lên 29,3 triệu bao, do lượng nước tưới tiêu đầy đủ nhờ việc quản lý tốt nguồn nước của người nông dân và lượng mưa ổn định vào những thời điểm quan trọng của cây cà phê.
Admin tổng hợp từ: wikipedia.org, vietrade.gov.vn, voer.edu.vn, syngenta.com.vn
- Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê mới trồng mùa khô
- Hướng dẫn chi tiết phục hồi cây cà phê sau thu hoạch
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Kỹ thuật tưới nước cho cây cà phê mùa khô đạt hiệu quả
- Kỹ thuật phục hồi vườn cà phê sau thu hoạch
- Giải pháp giúp cây dưỡng hoa, tăng đậu trái nhờ sử dụng chất vi lượng Bo