Lập lại thị trường phân bón - Bài 1: Nhiễu loạn vì hàng giả

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến thị trường phân bón hiện nay. Ông cho rằng, thị trường này vẫn mang tính tự phát, dù các cơ quan chức năng cùng các địa phương đã rất tích cực trong việc siết chặt quản lý, song “vẫn chưa thấm vào đâu”.

7.000 chủng loại phân bón

Theo Bộ Công thương, hiện có khoảng 3.000 sản phẩm phân bón vô cơ với tên gọi và thành phần khác nhau thuộc 11 nhóm lớn. Còn Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới Nguyễn Đăng Nghĩa - người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về phân bón, dẫn số liệu: Bộ NN - PTNT đang quản lý xấp xỉ 5.300 chủng loại phân bón đã có trong danh mục chính thức. Bộ Công thương đã cấp xong giấy hợp chuẩn, hợp quy cho các doanh nghiệp với số lượng khoảng 1.000 loại. Ngoài ra, những loại phân bón truyền thống và nằm ngoài danh mục ước tính 1.000 loại nữa. Như vậy, thị trường phân bón ước tính có 7.000 chủng loại.

Cán bộ thị trường phát hiện một vụ phân bón giả (Ảnh nongnghiep.vn)

Cán bộ thị trường phát hiện một vụ phân bón giả (Ảnh nongnghiep.vn)


Mặc dù thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương tích cực trong việc kiểm tra, xử lý phân bón giả, kém chất lượng, song đến nay, tình trạng này vẫn nhức nhối. Đâu là giải pháp căn cơ để “dẹp loạn” phân bón giả, kém chất lượng, lập lại thị trường phân bón lành mạnh?


Trong khi đó, theo ông Nghĩa, các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn và những quốc gia phát triển cũng chỉ sử dụng từ 20 - 30 loại phân bón là cùng. “Nước láng giềng Thái Lan cũng chỉ có hơn 100 chủng loại phân bón. Không hiểu sao Việt Nam lại sản xuất, kinh doanh và sử dụng quá nhiều chủng loại phân bón như vậy? Chính vì thế, thị trường phân bón luôn tồn tại và “phát triển” phân bón giả, phân bón nhái. Phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10 - 30% hàm lượng theo đăng ký và công bố tiêu chuẩn cơ sở”, ông Nghĩa bình luận.

Sai phạm triền miên

Cũng theo Bộ Công thương, chỉ tính riêng trong đợt kiểm tra thứ nhất của Kế hoạch triển khai cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017 (từ ngày 15.3 đến 15.4), lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 255 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón. Kết quả, phát hiện và xử lý 117 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 850 triệu đồng; tịch thu 7.250kg, 920 bao, 720 chai, 153 gói phân bón các loại.

Trước đó, trong năm 2016, tính đến tháng 11, Cục Quản lý thị trường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón với 4.891 vụ, phát hiện và xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 61 tỷ đồng và tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng… Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện công bố hợp quy, sản xuất kinh doanh không đạt chất lượng như công bố hoặc không đạt chỉ tiêu định lượng bắt buộc so với công bố tiêu chuẩn áp dụng, nhãn ghi thông tin không đúng sự thật; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa… Đồng thời, Bộ Công thương cũng thu hồi quyết định chỉ định đối với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ và Công ty CP chứng nhận và giám định Vinacert.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến thị trường phân bón hiện nay. Ông cho rằng, thị trường này vẫn mang tính tự phát, dù các cơ quan chức năng cùng các địa phương đã rất tích cực trong việc siết lại công tác quản lý, song “vẫn chưa thấm vào đâu”. Đơn cử, mới đây, Hiệp hội đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cho tổng kiểm tra toàn bộ thị trường phân bón tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đợt kiểm tra điểm tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, phát hiện 20/56 cơ sở sản xuất phân bón không có giấy phép hoạt động, phạt hành chính 13 đơn vị, khởi tố 3 đơn vị với 13 bị can. “Mới kiểm tra tại một huyện mà tình trạng vi phạm đã như thế thì không biết khi làm tổng kiểm tra trên cả nước, kết quả này sẽ đến mức nào”, ông Thúy bức xúc.

Quản lý kiểu “đánh trống bỏ dùi”


Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng hơn 400 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ, khoảng 200 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ và các phân bón khác. Bộ đã chỉ định 42 tổ chức tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm phân bón vô cơ, trong đó có 6 tổ chức hoạt động ở cả ba lĩnh vực (thử nghiệm, chứng nhận và kiểm định), 9 tổ chức được chỉ định hoạt động ở 2/3 lĩnh vực và 27 tổ chức được chỉ định hoạt động ở 1/3 lĩnh vực.


Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hình thức ra quân nhưng cho đến nay chưa có vũ khí nào mạnh mẽ để diệt được nạn phân bón giả, kém chất lượng. Nguyên nhân bởi chế tài xử lý chủ yếu vẫn là biện pháp hành chính, chưa đủ sức răn đe. Nhưng “sâu xa vẫn là tình trạng quản lý kiểu “đánh trống bỏ dùi”, lúc thì rầm rộ, lúc lại có vẻ yên ắng. Đặc biệt, có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Đơn cử như trường hợp của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Thuận Phong (Đồng Nai) dù Chính phủ đã có kết luận có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón, giao Bộ Công an điều tra nhưng đến giờ sự việc vẫn nằm trên giấy. “Rõ ràng, đang có tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả”, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn tồn tại là do lợi nhuận quá lớn khiến các cơ sở gian lận sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng. Ông Thúy cho hay, các cơ sở gian lận không cần phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, chỉ cần làm thủ công, trộn các hợp chất lại với nhau đã cho ra “phân bón”. Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Trần Hùng cũng cho biết, qua thực tế kiểm tra, các sai phạm chủ yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng thường ở cơ sở nhỏ lẻ. Thậm chí, nhiều cơ sở không có giấy phép song vẫn hoạt động trong một thời gian dài, cho thấy công tác quản lý vẫn còn buông lỏng.

Bên cạnh đó, chính việc phân cấp quản lý khi giao Bộ NN - PTNT quản lý phân bón hữu cơ, Bộ Công thương quản lý phân bón vô cơ dẫn đến việc quản lý bị chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả. Phân bón thuộc danh mục hàng hóa được quản lý chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhưng đến nay việc ban hành quy chuẩn này còn chậm. Việc nhận biết phân bón giả, kém chất lượng không thể bằng mắt thường mà phải lấy mẫu kiểm định, nhưng do kinh phí khó khăn, lực lượng mỏng nên cơ quan quản lý thị trường mới chỉ kiểm tra, xử lý về nhãn mác, bao bì, hóa đơn… mà chưa đi sâu vào chất lượng…

Vũ Thủy

Nguồn: daibieunhandan.vn
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status