Bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập siêu trên 200 nghìn tấn phân bón

Những năm gần đây, nhập khẩu phân bón luôn trong tình trạng nhập siêu, năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên kể từ 2016 tới nay đã suy giảm.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2018 nhập khẩu phân bón đã giảm cả lượng và trị giá so với tháng 6/2018, giảm lần lượt 32,1% và 33,7%. Đây là tháng giảm đầu tiên sau khi tăng 4 tháng liên tiếp.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, Việt Nam đã nhập khẩu 2,4 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 705,9 triệu USD, giảm 16,2% về lượng và 11,8% trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá nhập bình quân 283 USD/tấn, tăng 5,3%.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu phân bón trong tháng 7/2018 đã lấy lại đà tăng trưởng 18,8% về lượng và 29,7% trị giá, sau khi suy giảm ở tháng 6/2018 đạt 77,7 nghìn tấn; 27,5 triệu USD. Nâng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 lên 180,8 triệu USD, đạt 554,8 nghìn tấn, tăng 3,2% về lượng và 20,5% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất bình quân đạt 326 USD/tấn, tăng 16,5%.

Như vậy, 7 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã nhập siêu 1,9 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 535 triệu USD giảm 18,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với cùng kỳ. Tính bình quân mỗi tháng nhập siêu 276,6 nghìn tấn.

Kali là mặt hàng phân bón được nhập nhiều nhất, chiếm 26% thị phần đạt 648,6 nghìn tấn, trị giá 179,4 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần về lượng (tức tăng 130,66%) và gấp 2,5 lần trị giá (tức tăng 150,52%) so với cùng kỳ. Kế đến phân SA, chiếm 22,2% đạt 554,8 nghìn tấn, trị giá 71,116 triệu USD, tăng 55,7% về lượng nhưng giảm 43,5% trị giá. Tiếp theo phân DAP, Ure, NPK tuy nhiên lượng nhập đều sụt giảm, trong đó NPK giảm mạnh 64%, tương ứng với 299 nghìn tấn.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp chủ lực phân bón cho Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay, chiếm 32,6% thị phần, tuy nhiên tốc độ nhập khẩu từ thị trường này sụt giảm khá mạnh, giảm 27,78% về lượng và 27,94% trị giá, tương ứng với 814,6 nghìn tấn và 206,2 triệu USD. Thị trường Nga đứng thứ hai, chiếm 14,8% giảm 14,41% về lượng và 10,43% trị giá, chỉ với 369,7 nghìn tấn và 116,1 triệu USD.

Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ các nước Đông Nam Á chiếm 13,9%; các nước EU chiếm 2,9%.

Nhìn chung, 7 tháng đầu năm 2018 lượng phân bón nhập khẩu từ các thị trường đều tăng trưởng chiếm 57,8%. Đặc biệt, thay vì nhập nhiều từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Belarus thì nay tăng mạnh ở các thị trường như Malaysia, Israel tăng lần lượt 53,84%; 41,67% về lượng và 75,81%; 47,7% về trị giá so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhập khẩu phân bón từ hai thị trường Mỹ và Ấn Độ có giá nhập bình quân cao nhất, cụ thể 1.948,01 USD/tấn đối với Ấn Độ và Mỹ đạt 1.492,51 USD/tấn.

Bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập siêu trên 200 nghìn tấn phân bón - Ảnh 1.
Thị trường chủ lực nhập khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2018

Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam chủ yếu xuất sang các nước Đông Nam Á, chiếm 67,7% đạt 376 nghìn tấn; 118,1 triệu USD, tăng 5,93% về lượng và 17,96% trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất bình quân đạt 326 USD/tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Campuchia là thị trường chủ lực xuất khẩu phân bón của Việt Nam, chiếm 41% đạt 227,1 nghìn tấn; 78,7 triệu USD, tăng 13,42% về lượng và 21,18% trị giá so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là thị trường Malaysia với 84,6 nghìn tấn và 16,9 triệu USD, tăng 11,16% về lượng và 22,27% trị giá. Kế đến là Philippines, Lào, Hàn Quốc… Đặc biệt, thời gian này Nhật Bản tăng nhập khẩu phân bón từ Việt Nam, tuy chỉ có trên 7 nghìn tấn, đạt 2,7 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ tăng gấp 2,2 lần (tức tăng 120,35%) về lượng và 4,23 lần về trị giá (tức tăng 323,74%).

Dự báo, thời gian tới nhập siêu phân bón vẫn trong xu hướng tăng nhưng tốc độ sẽ giảm dần, khi các giải pháp siết chặt nguồn cung thông qua kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng, chỉ những sản phẩm phân bón đảm bảo chất lượng và có đặc điểm vượt trội mới được cấp phép đưa ra thị trường.

Một yếu tố tác động không nhỏ tới hoạt động nhập khẩu và thị trường phân bón thời gian tới, đó là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc diễn ra. Tỷ giá giữa USD/VND bị tác động tăng mạnh và Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ. 

Khi tỷ giá tăng cao, nhập khẩu phân bón sẽ bất lợi. Trong khi giá phân bón thế giới tăng, Việt Nam lại áp dụng thuế phòng vệ với DAP, phụ thu thêm 6% với urê, DAP… Do vậy, những mặt hàng trong nước sản xuất được như DAP, urê tới đây có thể lượng nhập khẩu sẽ giảm, còn với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được như kali, SA vẫn phải nhập khẩu và điều này khiến người tiêu dùng phải mua với mức giá cao hơn.

Nguồn: Xuân Bình Theo Trí thức trẻ
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status