Nhu cầu sinh thái và một số đặc điểm về đất trồng cây có múi
1. Nhu cầu sinh thái cây có múi
1.1. Nhiệt độ
Cây có múi có thể sống và phát triển ở nhiệt độ 13 - 39oC, nhưng thích hợp nhất là 23 -29oC. Dưới 13oC và trên 40oC thì sự sinh trưởng ngừng lại, dưới âm 5oC cây chết. Tuy nhiên, hiện nay người ta đã chọn được những giống chịu lạnh tốt như cam mật Ôn Châu, cam Navel
Nhiệt độ ảnh hưởng đến phẩm chất và sự phát triển của trái.Thường ở nhiệt độ cao, trái chín sớm, ít xơ và ngọt, nhưng khà năng cất giữ kém và màu sắc trái chín không đẹp (ở nhiệt đô thấp các sắc tố hình thành nhiều hơn). Ở miền Nam thường có biên độ nhiệt giữa ngày và đêm không cao nên khi chín vỏ trái thường còn màu xanh, tuy nhiên yếu tố tạo màu sắc khi chín còn ảnh hưởng bởi giống trồng.
1.2. Lượng mưa
Vũ lượng hàng năm cần cho cam quýt ít nhất là 875mm trong trường hợp không tưới. Nhiều tác giả cho rằng lượng mưa thích hợp cây có múi từ 1000 - 1400mm/năm và phân phối đều. Ở Việt Nam lượng mưa trung bình hàng năm từ 1500 mm - 1800 mm. Nhưng có hai mùa mưa nắng nên vào mùa nắng phải tưới, vào mùa mưa phải có biện pháp chống úng.
1.3. Ánh sáng
Cây có múi không ưa ánh sáng trực tiếp, cường độ ánh sáng thích hợp 10.000 - 15.000 lux (tương đương với ánh sáng lúc 8 giờ sáng và 4-5 giờ chiều trong ngày mùa hè). Cường độ ánh sáng quá cao sẽ làm nám trái, mất nhiều nước, sinh trưởng kém dẫn đến tuổi thọ ngắn. Ở các lòai trồng thì bưởi chịu ánh sáng cao kế đến là cam, cam sành và quýt thích ánh sáng vừa phải
1.4. Đất
Đất cần phải thoát nước tốt, có tầng canh tác dầy từ 0,5 - 1m, pH thích hợp là 5,5-6,5. Tuy nhiên, trong phạm vi pH từ 4 - 8, vẫn trồng được cây có múi. Không nên trồng cam quýt trên đất sét nặng, phèn, đất nhiều cát, đất có tầng canh tác mỏng, mực thủy cấp cao
1.5. Nước
Cây có múi có nhu cầu về nước rất lớn, nhất là trong thời kỳ cây ra hoa và phát triển trái. Mặt khác, cây có múi cũng rất mẫn cảm với điều kiện ngập nước. Trong mùa mưa, nếu mực nước ngầm trong đất cao và không thoát nước kịp, cây sẽ bị thối rễ, vàng lá và chết.
Phẩm chất nước tưới cũng cần lưu ý, không dùng nước phèn mặn để tưới.
Lượng muối NaCl trong nước phải dưới 1,5g/ lít và lượng Mg không quá 0,3g/lít.
2. Một số đặc điểm về đất trồng
2.1.Thành phần cơ giới
2.1.1. Khái niệm:
Tỉ lệ các cấp hạt giữa các phần tử cơ giới có kích thước khác nhau trong đất được biểu thị theo phần trăm trọng lượng (%), được gọi là thành phần cơ giới đất hoặc còn được gọi là thành phần cấp hạt.
Đất gồm nhiều loại hạt khác nhau
Căn cứ vào kích thước của các phần tử cơ giới đất, người ta phân chia thành các nhóm hạt. Mỗi nhóm là tập hợp của các hạt đất có kích thước nằm trong một khoảng nhất định. Tỷ lệ tương đối giữa các nhóm hạt này được gọi là thành phần cơ giới đất.
Bảng 1: Bảng phân loại đất theo thành phần cơ giới của quốc tế
Ý nghĩa của thành phần cơ giới đất thể hiện ở chỗ: thành phần cơ giới là căn cứ quan trọng để phân loại đất. Mặt khác thông qua thành phần cơ giới có thể đánh giá được tính chất của đất.
Ví dụ: đất cát là đất có tỷ lệ các hạt sét thấp (từ 0 - 20%) nên có đặc điểm: thấm nước nhanh, giữ nước kém, dễ bị khô hạn, thoáng khí, chất hữu cơ mau bị phân giải, tỷ lệ mùn trong đất thấp.
Đất cát tơi xốp, dễ làm đất thuận lợi cho quá trình canh tác, nhưng khi ngập nước thường bị lắng, bí, chặt, dí, dễ gây bất lợi cho cây trồng. Hấp thu nhiệt và toả nhiệt nhanh, nhiệt độ đất thay đổi nhanh theo nhiệt độ không khí gây bất lợi cho cây trồng.
Khả năng giữ dinh dưỡng kém, dễ bị rửa trôi, hàm lượng dinh dưỡng cây trồng trong đất thấp.
Đất cát
Đất sét: là loại đất có tỷ lệ sét cao (trên 45%). Có đặc điểm trái ngược so với đất cát.
Đất sét
Đất thịt: là loại đất có tính chất trung gian giữa đất cát và đất sét. Là loại đất tốt, độ phì nhiêu cao, rất phù hợp với nhiều loại cây trồng. Đất thịt nhẹ và đất thịt trung bình rất phù hợp với cây có múi
Đất thịt
2.1.2. Cách xác định thành phần cơ giới bằng cách vê đất (các xác định loại đất bằng phương pháp thủ công)
Lấy một ít đất (nhặt sạch rễ cây) bỏ ở lòng bàn tay. Thêm nước vào từ từ, trộn đểu bóp mịn đến mức nặn hình được. Chú ý sao cho lượng nước vừa phải (để đất không quá khô nhưng cũng không quá ướt dính bết vào tay).
Dùng 2 tay vê thành thỏi dài con giun dài 10cm, đường kính 3-4 mm rồi khoanh thành vònh tròn khoảng 3cm và ghi kết quả:
- Đất rời rạt không vê được là đất cát
- Đất vê được thành hình con giun nhưng lại vỡ ngay là đất cát pha
- Đất vê được thành hình con giun nhưng đứt thành từng đoạn là đất thịt nhẹ
- Đất vê được, nhưng khoanh thành hình tròn bị đứt đoạn là đất thịt trung bình
- Đất vê được, nhưng khoanh thành hình tròn có rạng nứt là đất thịt nặng
- Đất vê được, nhưng khoanh thành hình tròn không rạng nứt là đất thịt sét.
2.2. Kết cấu đất
2.2.1. Khái niệm
Trong đất, các hạt cơ giới thường không nằm riêng rẽ mà liên kết lại với nhau để tạo thành những đoàn lạp, những cấu trúc riêng biệt hay còn gọi là kết cấu đất. Như vậy, kết cấu đất là chỉ sự sắp xếp các hạt cơ giới trong đất. Kết cấu đất là sự phản ánh về số lượng, chủng loại các loại hạt kết trong một tầng đất hay cả phẫu diện đất. Các hạt kết của đất có hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Tùy theo loại đất, điều kiện tồn tại mà hạt kết cấu có nhiều dạng khác nhau. Các dạng hạt kết phổ biến bao gồm: Kết cấu viên; Kết cấu hạt; Kết cấu cột (trụ); Kết cấu phiến; Kết cấu tảng
Trạng thái tồn tại của kết cấu đất
Dạng kết cấu hình khối (I):
Có nhiều loại khác nhau, được phân ra bởi hình dạng bề mặt của hạt kết: Loại có bề mặt phẳng, góc cạnh rõ ràng và loại có bề mặt phẳng và tròn xen kẽ. Hai loại này thường có đường kính lớn hơn 5 mm.
Cấu trúc viên: Có hình cầu, có kích thước nhỏ từ 1 - 10mm, là loại hạt kết tốt của đất.
Đất có kết cấu tốt
Dạng kết cấu hình trụ (II):
Được phát triển theo chiều sâu. Được hình thành ở các loại đất sét, đặc biệt là keo sét montmorilonit như đất macgalít hay đất kiềm, đất mặn trong điều kiện khô hạn. Sự hình thành của loại hạt kết này tạo ra các khe hở lớn theo chiều thẳng đứng. Đất có loại hạt kết này thường thấm nước tốt.
Dạng kết cấu hình tấm, phiến, dẹt (III):
Là dạng cấu trúc phát triển theo chiều ngang, dẹt, mảng. Loại hạt kết này được hình thành chủ yếu ở các loại đất có thành phần cơ giới nặng mới được lắng đọng trong điều kiện khô hạn. Loại này thường có độ bền kém, được hình thành do sự trương co của các hạt sét.
Đất có kết cấu tốt phù hợp cho cây trồng nói chung, cây có múi nói riêng sinh trưởng phát triển, vì:
+ Đất có kết cấu tốt sẽ tơi xốp. Bộ rễ cây phát triển tốt.
+ Đất thấm nước nhanh làm cho cây không bị úng khi mưa. Nhưng lượng nước chứa trong các khe hở lớn nên cây trồng được cung cấp nước thuận lợi
+ Lượng ôxy trong đất cao, các chất khí độc dễ có điều kiện thoát ra ngoài không gây gại cho bộ rễ.
+ Nhiệt độ đất ổn định không gây tác động xấu tới bộ rễ.
+ Trong đất chứa nhiều sinh vật có lợi chuyển hoá các chất thành dinh dưỡng cho cây hút.
Mặt khác đất có kết cấu tốt thuận lợi cho quá trình canh tác, thể hiện:
* Dễ làm đất, đỡ tốn công và chi phí cho việc làm đất
* Việc chăm sóc như làm cỏ, vun, xới, bón phân điều tiết nước đều diễn ra thuận lợi
* Đất có khả năng giữ phân bón tốt nên có thể giảm số lần bón phân.
Trạng thái kết cấu đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có các yếu tố thuộc về bản thân các loại đất nhưng cũng chịu sự chi phối lớn của các yếu tố bên ngoài. Các yếu tố đó bao gồm:
Điều kiện khí hậu của vùng, kỹ thuật làm đất, bón phân, điều tiết nước, chế độ canh tác. Đây cũng chính là cơ sở của việc tiến hành các hoạt động canh tác hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho cây có múi sinh trưởng phát triển.
2.2.2. Nguyên nhân làm đất mất kết cấu
- Nguyên nhân cơ giới
Đó là sự tác động cơ giới của người, công cụ máy móc và súc vật trong quá trình canh tác Khi làm đất quá kỹ, nhất là làm đất không đúng độ ẩm sẽ làm phá vỡ kết cấu đất. Ngoài ra hạt kết còn bị phá vỡ tác động của mưa, gió, nhất là trên đất dốc bị xói mòn mạnh thì kết cấu lớp đất mặt bị phá vỡ nghiêm trọng.
- Nguyên nhân hoá học
Do ion hoá trị I trong dung dịch đất đã thay thế Ca2+ của phức hệ keo đất,
Ví dụ: Mùn - Ca2+ (NH4)2SO4 -> Mùn - 2NH4 + CaSO4
Liên kết Mùn - 2NH4 là liên kết kém bền vững do đó màng hữu cơ bao quanh hạt đất dễ bị mất nên kết cấu bị phá vỡ. Đốt rẫy để lại K2CO3 và K2O trong tro cũng làm cho hạt kết bị phá hủy. Mưa nhiều cũng làm cho keo mùn bị phá hủy, hạt kết khó hình thành.
- Biện pháp duy trì và cải thiện kết cấu đất
+ Tăng cường mùn cho đất
Tăng cường bón các loại phân hữu cơ cho đất như phân chuồng, phân xanh, than bùn và các loại phân địa phương khác, đồng thời để lại tối đa sản phẩm phụ của cây trồng trên đồng ruộng có tầm quan trọng đặc biệt với việc cải thiện kết cấu đất.
+ Tác động bởi thực vật
Các loại thực vật để lại chất hữu cơ để lại trong đất trả lại một phần chất dinh dưỡng mà chúng lấy đi trong quá trình sinh trưởng và cải thiện kết cấu đất.
Bảng 2: Lượng dinh dưỡng cây trồng do cây có múi lấy đi từ 1 tấn sản phẩm.
Loại cây |
Dinh dưỡng đa lượng (Gam/ tấn quả tươi) |
|||||
N |
P2O5 |
K2O |
MgO |
CaO |
S |
|
Cam |
1 773 |
506 |
3 194 |
367 |
1 009 |
142 |
Quýt |
1 532 |
376 |
2 465 |
184 |
706 |
111 |
Chanh |
1 638 |
366 |
2 086 |
209 |
658 |
74 |
Bưởi |
1 058 |
298 |
2 422 |
183 |
573 |
90 |
Loại cây |
Dinh dưỡng vi lượng (gam/ tấn quả tươi) |
||||
Fe |
Mn |
Zn |
Cu |
B |
|
Cam |
3.0 |
0.8 |
1.4 |
0.6 |
2.8 |
Quýt |
2.6 |
0.4 |
0.8 |
0.6 |
1.3 |
Chanh |
2.1 |
0.4 |
0.7 |
0.3 |
0.5 |
Bưởi |
3.0 |
0.4 |
0.7 |
0.5 |
1.6 |
Nguồn: Koo,1958; Chapman,1968; Malovolta,1989
+ Thực hiện chế độ canh tác hợp lý
Làm đất đúng thời điểm phù hợp và không quá kỹ, bón phân hữu cơ, bón phân hữu cơ kết hợp với vô cơ, giữ ẩm thích hợp ... là một trong những biện pháp làm tăng cường kết cấu đất.
+ Bón vôi
Bón vôi cho đất chua và bón thạch cao cho đất mặn là biện pháp không chỉ khử độc cho đất mà còn làm tăng cường kết cấu đất. Cần tránh sử dụng phân vô cơ đơn độc, cần kết hợp phân hữu cơ, phân vô cơ và vôi.
2.3. Độ chua của đất và biện pháp cải tạo đất chua
2.3.1.Khái niệm về độ chua của đất
Một trong các đặc tính quan trọng của đất có liên quan đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây có múi là phản ứng của đất.
Để phản ánh tính chua của đất người ta sử dụng khái niệm độ chua.
Đất chua là đất đất chứa nhiều Ion H+. Khi sử dụng các thiết bị đo pH nếu cho kết quả < 6,5 thì đất đó được gọi đất chua.
Cây cam quýt là cây lâu năm nên phải chú ý lớp đất dưới càng sâu càng tốt, tầng đất sét, đá để nước không thấm qua được là 1,5m, trở lên, pH từ 5- 8, tốt nhất là 6-7
Phản ứng của đất của phản ánh qua pH:
- Đất chua: PH < 6,5
- Đất trung tính: PH 6,6 - 7,5
- Đất kiềm: PH > 7,5
Để xác định pH, thường máy đo pH
Máy đo pH cầm tay
Tác hại của đất chua đối với cây trồng
- Ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây có múi (bộ rễ kém phát triển, khả năng hút dinh dưỡng kém vv...).
- Ảnh hưởng xấu tới vi sinh vật trong đất. Tạo điều kiện cho một số loại vi sinh vật gây bệnh cho cây phát triển mạnh.
- Làm xuất hiện một số chất độc hại.
- Làm cho lân trong đất bị giữ chặt cây trồng không sử dụng được, khi bón lân kém hiệu quả.
2.3.2. Biện pháp cải tạo đất chua
- Bón vôi
CaCO3 trong đá vôi thực tế không tan trong nước nguyên chất, nhưng trong nước có chứa axit cacbonic thì tính tan của nó tăng lên rõ rệt (tăng khoảng 60 lần). Khi bón CaCO3 vào đất, dưới ảnh hưởng của axit cacbonic có trong dung dịch đất, CaCO3 hoặc MgCO3 biến đổi dần thành dạng bicacbonat.
- Xác định nhu cầu bón vôi.
Độ chua của đất càng cao càng cần bón vôi với lượng thích hợp. Đối với đất ít chua, biện pháp bón vôi không có hiệu quả rõ rệt.Có thể xác định gần đúng nhu cầu bón vôi dựa vào các dấu hiệu bề ngoài của đất hoặc theo tình trạng của cây trồng và sự phát triển của các loài cỏ dại.
Để xác định nhu cầu bón vôi cho cây trồng, cần phải phân tích nông hóa đất trồng, xác định giá trị độ chua trao đổi và độ bão hòa bazơ của đất.
- pH đất và nhu cầu bón vôi
- ≤ 4,5: Rất cần bón vôi
- 4,6 - 5,0: Cần bón vôi
- 5,1 - 5,5: Ít cần bón vôi
- > 5,5: Đất không cần bón vôi
Tuy nhiên phản ứng của dung dịch đất không chỉ phụ thuộc vào độ chua mà còn phụ thuộc vào độ bão hòa bazơ của đất. Do đó, mức độ chua của đất là một căn cứ quan trọng chứ không phải là một chỉ số duy nhất đặc trưng cho nhu cầu bón vôi của đất.
Khi xác định nhu cầu bón vôi, cần phải tính đến cả hàm lượng các hợp chất di động của nhôm, mangan, độ bão hòa bazơ của đất và thành phần cơ giới
- Tăng cường bón phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh, phân Komix…) kết hợp với phân khoáng;
Với đất cát nhẹ, đất bạc màu có thể bón 20 -30 tấn/ha/năm.
Nếu có điều kiện lấy đất sét nặng trộn với đất mặt cũng là biện pháp cải tạo đất cát, đất bạc màu để tăng khả năng hấp thụ của đất.
Bón phân hữu cơ
- Dùng phân hóa học nên chọn loại trung bình hoặc kiềm như DAP, KNO3, Ca(NO3)2, lân nung chảy, Apatit, Phosphorit, urê, NH4NO3…
- Trong canh tác: Quản lý nước thích hợp, hạn chế dòng chảy, trồng cây phủ đất kết hợp làm phân xanh. Hạn chế tối đa dùng thuốc trừ cỏ làm trắng đất, làm giảm hệ sinh vật đất, giảm lượng hữu cơ trong đất.
2.4. Chất hữu cơ và mùn trong đất
2.4.1. Chất hữu cơ
- Chất hữu cơ là thành phần tuy chỉ chiếm tỷ lệ thấp (vài %) trong đất nhưng có vai trò rất quan trọng chi phối các đặc tính của đất đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng.
- Chất hữu cơ trong đất có được là do các tàn tích sinh vật, mà chủ yếu là thực vật cung cấp vào đất, ngoài nguồn chất hữu cơ tự nhiên còn có chất hữu cơ do con người cung cấp bằng cách bón các loại phân hữu cơ vào đất.
- Thành phần của chất hữu cơ trong đất bao gồm: xác hữu cơ và chất mùn trong đất.
- Chất hữu cơ nói chung và chất mùn trong đất nói riêng đất có vai trò quan trọng đối với các tính chất của đất, đời sống cây trồng và quá trình canh tác.
- Đất giàu chất hữu cơ sẽ kết cấu tốt, độ xốp lớn, chế độ nước, nhiệt và không khí trong đất thuận lợi cho cây trồng.
- Đất giàu chất hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, khả năng giữ phân bón tốt thuận lợi cho cây trồng.
Đất giàu chất hữu cơ hệ sinh vật đất phong phú, hoạt động mạnh thúc đẩy quá trình chuyển hoá các chất trong đất và quá trình cố định đạm, thuận lợi cho cây trồng trong quá trình dinh dưỡng.
2.4.2. Mùn trong đất
Mùn trong đấ hình thành do quá trình biến hoá xác hữu cơ trong đất
Sự biến hoá xác hữu cơ trong đất là một quá trình sinh hoá học phức tạp, xảy ra với sự tham gia trực tiếp của vi sinh vật, động vật, oxy không khí và nước.
Xác thực vật tồn tại trên mặt đất hoặc trong các tầng đất, trong quá trình phân giải chúng mất cấu tạo, hình dạng ban đầu và biến thành những hợp chất hoạt tính hơn, dễ hoà tan hơn. Một phần những hợp chất này được khoáng hoá hoàn toàn, sản phẩm của quá trình này là nước, một số khí và những hợp chất khoáng đơn giản, trong số đó có nhiều chất dinh dưỡng cho thực vật thế hệ tiếp sau. Một phần được vi sinh vật dùng để tổng hợp protit, lipit, gluxit và một số hợp chất mới, xây dựng cơ thể chúng và khi chúng chết đi lại được phân huỷ. Phần thứ ba biến thành những hợp chất hữu cơ cao phân tử có cấu tạo phức tạp - đó là những hợp chất mùn. Những hợp chất mùn này lại có thể bị khoáng hoá.
Sự biến hoá xác hữu cơ trong đất có thể được khái quát bằng sơ đồ sau:
Căn cứ vào hàm lượng chất mùn trong đất, người ta phân loại đất như sau:
+ Đất rất giàu mùn: hàm lượng mùn > 8%.
+ Đất giàu mùn: hàm lượng mùn từ 8-4%.
+ Đất mùn trung bình: hàm lượng mùn từ 4-2%.
+ Đất nghèo mùn: hàm lượng mùn từ 2-1 %.
+ Đất rất nghèo mùn: hàm lượng mùn < 1%.
2.4.3. Biện pháp duy trì và nâng cao chất hữu cơ trong đất
Chất hữu cơ nói chung đối với sự hình thành đất, cấu tạo phẫu diện đất và các tính chất đất, vì vậy việc nghiên cứu các biện pháp để nâng cao mùn trong đất cả về số lượng lẫn chất lượng, bảo vệ chất hữu cơ đất là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện nước ta chất hữu cơ và mùn dễ bị khoáng hoá và rửa trôi khỏi đất.
* Biện pháp sinh vật: biện pháp này giữ vị trí rất quan trọng
+ Biện pháp thường xuyên và có hiệu lực nhất hiện nay là bón phân hữu cơ cho đất (phân chuồng, phân rác, phân bắc, nước giải, phân gia cầm, bùn ao, các loại phân chế biến khác). Bón phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng không những tăng chất lượng hữu cơ cho đất, nguồn thức ăn đầy đủ các chất, mà còn cung cấp cho đất một lượng vi sinh vật phong phú.
+ Trồng cây phân xanh (bèo dâu, điền thanh, các loại muồng, các loại đậu, lạc, cốt khí, điêu tử, tử vân anh, trinh nữ, cỏ stilo, cỏ pangola, các loại cỏ khác...). Ở vùng đồi núi tuỳ theo loại đất, khí hậu độ cao và độ dốc mà chọn cây phân xanh cho thích hợp. Cây phân xanh có thể trồng xen, phủ đồi trọc hoặc đồi mới khai hoang. Ngoài cây phân xanh trồng các loại cây, cỏ và cây rừng là biện pháp rất tốt để bảo vệ đất đồi, núi, nhất thiết không được để đồi, núi trọc. Nơi đã có rừng phải bảo vệ và khai thác có kế hoạch, vừa tăng chất hữu cơ cho đất vừa chống xói mòn đất. Ở đồng bằng, ngoài việc trồng các loại cây phân xanh mà chủ yếu là bèo dâu và điền thanh, trong hệ thống luân canh để tăng cường chất hữu cơ cho đất có thể trồng các loại cây cho nhiều chất xanh như lạc, khoai, khi thu hoạch để thân lại đồng ruộng, hoặc gặt lúa xong ở những ruộng dầm nên cầy vùi rạ.
* Bón vôi, đặc biệt bón vôi kết hợp với bón phân hữu cơ là biện pháp tạo mùn
ở dạng humatCa hoặc fulvatCa ít tan tránh được rửa trôi, đồng thời điều hòa phản ứng đất tạo điều kiện cho vi sinh vật đất hoạt động mạnh.
* Biện pháp canh tác
Muốn tạo điều kiện cho xác hữu cơ phân giải tốt, tạo nhiều mùn cho đất ta phải làm đất thoáng vừa phải bằng các biện pháp canh tác như cày bừa, xới xáo, tưới tiêu... hợp lý và kịp thời để đất luôn có độ ẩm thích hợp.
3. Xác định đất trồng cây có múi
3.1.Tiêu chuẩn đất trồng cây có múi
Cây có múi thường thích hợp ở vùng đầt phù sa ven sông, đất phải cung cấp đầy đủ nước ngọt để tưới.
Tuy nhiên đất trồng Cây có múi (CCM) phù hợp sẽ là tiền đề quan trọng cho việc tăng năng suất và hiệu quả của việc trồng CCM.
Để có cơ sở cho việc đánh giá lựa chọn đất trồng cây có múi phù hợp cần tiến hành khảo sát đất.
Đất trồng cây có múi phải có tầng canh tác dày 0,5-1m. Đất thông thoáng, thoát nước tốt, màu mỡ, độ pH từ 5-7 là thích hợp. Nếu lớp đất dưới quá nhiều cát, nước mất nhanh, cây không phát triển tốt, lúc gặp hạn cây dễ mất nước. Lớp đất dưới nhiều sét, ít thấm nước cây dễ bị úng, làm bộ rễ không phát triển tốt.
Ẩm độ đất ảnh hưởng đến sinh trưởng, ẩm độ thất thường dễ làm cho cây ra quả trái vụ, gây rối loạn sinh trưởng. Khi quả lớn, dù chưa chín độ ẩm đất thay đổi bất thường quả sẽ dễ bị nứt
Các loại đất trồng cây có múi
+ Đất bazan.
+ Đất phù sa vùng đồng bằng,
+ Đất thịt nhẹ và đất thịt trung bình.
3.2. Khảo sát lựa chọn đất trồng cây có múi
Cây có múi trồng được nhiều trên các loại đất nhưng nhìn chung không thích đất quá ẩm ướt hoặc quá khô hạn. Tốt nhất là trồng nơi khô ráo nhưng đủ nước, không trồng trên đất nặng hoặc đất quá nhiều cát. Đất trồng cây có múi phải sâu (độ sâu 1,5 m trở lên), tầng đất sét hay đá -nước không thấm qua được.
Chọn đất trồng không đúng sẽ gây nên tình trạng cây sinh trưởng phát triển kém, thiệt hại về kinh tế rất lớn cho nhà vườn. Chính vì vậy phải chú ý đến việc chọn đất trồng .
Để có cơ sở cho việc xác định đất trồng cần tiến hành khảo sát đất
Quy trình thực hiện công việc
Khảo sát đất trồng
Thực hiện các bước :
- Bước 1: Khảo sát địa hình, thực bì
Tìm hiều về địa hình: Độ cao, độ dốc. Tình trạng xói mòn.
Thành phần và mức độ phát triển của thảm thực vật bề mặt.
- Bước 2: Xác định vị trí đào phẫu diện.
Quan sát toàn bộ diện tích lô đất để từ đó quyết định cần phải đào bao nhiêu phẫu diện trên lô đất đó. Chọn các phẫu diện điển hình nhất cho lô đất.
- Bước 3: Tiến hành đào phẫu diện:
- Dùng thước đo chiều dài, chiều rộng của phẫu diện, theo hình chữ nhật.Với phẫu diện điển hình thường đào: chiều dài 1,5m; chiều rộng: 1,2m; sâu: tới tầng cứng rắn (đối với đất đồi núi), hoặc 1m (đối với vùng đất phù sa);
- Bề mặt hinh thái phẫu diện nên hướng về phía mặt trời để dễ quan sát.
- Dùng cuốc, xẻng đào từng lớp đất, để riêng đất ở từng tầng, Tiến hành lấy mẫu đất theo từng loại đất ở các tầng đất khác nhau, đựng mẫu đất trong túi chuyên dùng, ghi các thông tin trên sắn mẫu để sau này tiến hành phân tích tính chất đất.
- Bước 4: Mô tả phẫu diện:
Sau khi đào xong tiến hành quan sát, mô tả phẫu diện:
- Độ dày các tầng đất;
- Màu sắc các tầng đất;
- Bước 5: Xác định thành phần cơ giới đất:
Xác định nhanh bằnh phương pháp vê đất
- Bước 6: Xác định hàm lượng các chất dinh dưỡng, độ pH, độ ẩm đất:
- Dùng bộ KIT xác định nhanh làm lượng một số yấu tố dinh dưỡng đặc biệt là đạm, kali.
- Xác định độ pH đất bằng thiết bị đo nhanh pH, hay giấy đo pH.
- Xác định độ ẩm đất bằng máy đo nhanh độ ẩm đất.
- Bước 7: Đánh giá xác định mức độ phù hợp cho việc trồng CCM
Dựa vào phân loại đất để đánh giá chất lượng và tiêu chuẩn của đất có phù hợp với việc trồng CCM.
- Tầng canh tác dầy lớn hơn 50cm
- Giàu mùn, hàm lượng hữu cơ > 3%,
- Đất thoát nước tốt
- Thành phần cơ giới cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa cổ, đất bồi tụ (lâu năm)
- Không nhiễm mặn
- Mực nước ngầm thấp dưới 0,8m
- Nước tưới đảm bảo không mặn, phèn
-
Đất mặn và ảnh hưởng của đất mặn đến sự phát triển của cây trồng
Chúng ta biết rằng, biển và đại dương chiếm khoảng 75% bề mặt hành tinh chúng ta, 25% mặt đất bị mặn, còn 1/3 đất canh tác được được tưới nước...
-
Quan hệ giữa Đất - Nước và Cây trồng: Phần 1
Đất là khối vật chất có cấu trúc là các hạt khoáng, sản phẩm của một quá trình phong hoá đá và phân huỷ các chất hữu cơ như xác bã thực và động vật và...
-
Dinh dưỡng cây trồng: Nghiên cứu dinh dưỡng trên cây có múi
Nghiên cứu chức năng của các yếu tố đa, trung, vi lượng, sự ảnh hưởng của việc thiếu thừa dinh dưỡng trên các loại cây trồng đặc biệt là cây có múi như bưởi, cam, chanh...
-
Hướng dẫn trồng, chăm sóc và bón phân cho quất cảnh trồng tại nhà
Sau Tết Nguyên Đán, bạn có thể trồng và chăm sóc cây quất tại nhà cho năm sau để cây phát triển và ra quả theo ý muốn, tiết kiệm tiền mua cây cũng giữ được cây quất bạn yêu thích...
-
Trả lời bạn đọc: Xử lý ra hoa đậu quả cho cây có múi, chanh không hạt
Nhà tôi có trồng khoảng 500 gốc chanh ko hạt được khoảng 2,5 năm tuổi chanh tốt xanh tươi ma ko có trái. Tôi ở khu vực Bến Lức Long An. Xin chỉ tôi phương pháp xử lý để chanh ra trái...
- Cách trồng ớt chỉ thiên Hàn Quốc đạt năng suất cao
- Thời điểm vàng để giâm cành
- Những bệnh hại trên cây keo giai đoạn vườn ươm và biện pháp phòng trừ
- Cách trồng rau đắng bằng cành xanh mơn mởn, năng suất cao
- Phương pháp chăm sóc bưởi để hạn chế khô đầu múi trong mùa nắng
- Kỹ thuật trồng hành tăm cho năng suất cao