Cây quất cảnh (tắc)
Sâu bệnh hại Cây quất cảnh (tắc)Tên khoa học: Citrus microcarpa(Hassk)Bunge
Danh pháp 2 phần: Citrus japonica
Thuộc họ cam: Rutaceae
Cây quất (tắc) là biểu tượng của sự sung túc, là biểu tượng của thành tựu quanh năm. quất ở Đông Nam Bộ Việt Nam gọi là tắc, Tây Nam Bộ gọi là hạnh.
Có nguồn gốc từ châu á nhiệt đới, Trung Quốc, Nhật Bản, được trồng từ lâu ở nước ta để lấy quả làm nước uống, làm mứt ăn hoặc làm cây cảnh để trang trí vào những dịp Tết.
Mô tả sơ bộ về cây quất (tắc)
Cây quất (tắc) cảnh
1. Đặc điểm thực vật học của cây quất (tắc)
1.1. Đặc điểm thực vật học của rễ cây quất (tắc)
- Rễ là bộ phận quan trọng nhất của cây quất, rễ có chức năng hút nước, chất dinh dưỡng nuôi cây và giúp cây đứng vững.
- Rễ đứng (rễ cái): mọc vuông góc với bề mặt đất, ăn sâu từ 1 – 10 m có tác dụng giữ cho cây đứng vững. Rễ đứng còn có thể huy động các chất dinh dưỡng, nước ở các tầng đất sâu cho cây.
- Rễ ngang (có rễ con): phân bố song song với mặt đất ở độ sâu từ 10 - 100 cm hay sâu hơn. Rễ này có chức năng hút nước, hấp thụ các chất dinh dưỡng...
1.2. Đặc điểm thực vật học của thân, cành cây quất (tắc)
- Bộ phận trên mặt đất của cây quất cảnh ngoài thân chính ra, phần còn lại được gọi là tán cây.
- Tán cây gồm các cành chính, cành phụ và những cành nhỏ ở ngoài tán gọi là nhánh. Trên thân chính mọc các cành chính, hợp thành khung tán tạo cho cây có một thế vững chắc, chống được gió bão và những điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi.
- Trên cành chính lại phát triển các cành phụ. Trên cành chính và cành phụ tiếp tục mọc các đợt cành mới.
Rễ, lá, hoa, quả và hạt cây quất (tắc)
1.3. Đặc điểm thực vật học của lá quất (tắc)
- Lá cây quất làm nhiệm vụ quang hợp tạo nên hợp chất hữu cơ để nuôi cây, lá tốt phân bố đều khắp tán và có độ thông thoáng càng thuận lợi cho quang hợp.
- Lá gồm các bộ phận: cuống lá, phiến lá, chóp lá, gốc lá, biên lá, eo lá. Trên lá cây quất có chứa các túi tinh dầu.
1.4. Đặc điểm thực vật học của hoa quất (tắc)
- Hoa là cơ quan sinh sản hữu tính của cây gồm cuống hoa, đế hoa, đài hoa, cánh hoa, nhị, nhụy.
- Hoa quất là hoa lưỡng tính (hoa đủ) là hoa có đủ nhị và nhụy những hoa này có thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ côn trùng.
1.5. Đặc điểm thực vật học của quả quất (tắc)
- Quả quất cảnh có hình cầu, bên ngoài lớp vỏ có chứa các túi tinh dầu. Bên trong được chia thành các múi, bên trong múi có chứa tép và hạt quất.
1.6. Đặc điểm thực vật học của hạt quất (tắc)
- Sau khi thụ tinh phôi phát triển hình thành hạt. Hạt gồm ba phần: vỏ hạt, phôi nhũ và phôi. Phôi trong hạt do mầm phôi, rễ phôi và lá mầm hợp thành.
- Trong quả quất cảnh số lượng hạt trong một quả khoảng 5 - 10.
- Nắm được cấu tạo và đặc điểm quả và hạt quất sẽ giúp ích rất lớn đối với công tác chọn giống, chế biến, cất giữ và vận chuyển quả.
2. Yêu cầu ngoại cảnh của cây quất (tắc)
2.1. Yêu cầu về nhiệt độ đối với cây quất (tắc)
- Cây quất (tắc) có thể trồng ở nhiệt độ từ 12 - 39oC, trong đó nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23 - 29oC. Nhiệt độ thấp hơn 12oC và cao hơn 40oC cây ngừng sinh trưởng.
- Ở những vùng vào mùa hè nóng nhiệt độ trên 40oC, cây dễ bị khô héo và rụng lá. Nhiệt độ không khí cao có liên quan đến nhiệt độ của đất và do đó ảnh hưởng đến hoạt động của bộ rễ.
- Ngoài ra sự chênh lệch về nhiệt độ ngày và đêm lớn cây phát triển mạnh và làm cho khả năng tích luỹ vận chuyển đường bột trong quả tăng, kích thích sự hình thành các sắc tố trên vỏ quả làm cho quả đẹp, có màu sắc đúng với đặc điểm của từng giống.
- Nhìn chung ở những vùng có nhiệt độ bình quân năm trên 20oC và tổng tích ôn từ 2500 - 3500oC đều có thể trồng được cây quất (tắc) cảnh.
- Nhiệt độ ảnh hưởng đến phẩm chất và sự phát triển của quả quất (tắc). Thường ở nhiệt độ cao, trái chín sớm, nhanh rụng, màu sắc trái chín không đẹp. Ở miền Nam thường có biên độ nhiệt giữa ngày và đêm không cao nên khi chín vỏ trái thường còn màu xanh, tuy nhiên yếu tố tạo màu sắc khi chín còn ảnh hưởng bởi giống trồng.
2.2. Yêu cầu về lượng mưa đối với cây quất tắc
- Lượng mưa hàng năm cần cho cây quất (tắc) ít nhất là 875mm trong trường hợp không tưới. Nhiều tác giả cho rằng lượng mưa thích hợp cây quất (tắc) từ 1000 -1400mm/năm và phân phối đều.
- Ở Việt Nam lượng mưa trung bình hàng năm từ 1500 mm – 1800 mm. Nhưng có hai mùa mưa nắng nên vào mùa nắng phải tưới, vào mùa mưa phải có biện pháp chống úng.
- Cây quất (tắc) cảnh là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng vì rễ của cây cây quất (tắc) cảnh thuộc loại rễ nấm (hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm cộng sinh), do đó nếu ngập nước, đất bị thiếu oxy rễ sẽ hoạt động kém, ngập lâu sẽ bị chết thối, làm rụng lá, quả non.
Điều này giải thích tại sao trồng cây quất (tắc) cảnh trên đất bằng cây có tuổi thọ không cao bằng trồng trên đất dốc. Các thời kỳ cần nước của cây cam quýt là các thời kỳ: bật mầm, phân hoá mầm hoa, ra hoa và phát triển quả. Nhìn chung, lượng mưa ở các vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta từ 1400- 2500mm/năm, xét về tổng số là đủ thậm chí thừa so với nhu cầu của cam quýt. Tuy nhiên, lượng mưa lại phân bố không đều giữa các tháng trong năm gây nên tình trạng thừa nước và thiếu nước ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây cam quýt, do vậy cần có các biện pháp kỹ thuật giữ ẩm, tưới nước bổ xung trong thời kỳ khô hạn.
2.3. Yêu cầu về ánh sáng đối với cây quất (tắc)
- Cây quất (tắc) cảnh không ưa ánh sáng trực tiếp, cường độ ánh sáng thích hợp 10.000 - 15.000 lux (tương đương với ánh sáng lúc 8 giờ sáng và 4 - 5 giờ chiều trong ngày mùa hè).
- Cường độ ánh sáng quá cao sẽ làm nám trái, mất nhiều nước, sinh trưởng kém dẫn đến tuổi thọ ngắn.
2.4. Yêu cầu về đất đai đối với cây quất (tắc)
Cây quất (tắc) cảnh có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, chỉ cần loại đất thoát nước tốt và thoáng khí là có thể trồng được quất (tắc), tuy nhiên trồng trên đất xấu, việc đầu tư sẽ phải cao hơn. Đất trồng cây quất (tắc) thích hợp và kinh tế đó là:
- Đất có tầng dày từ 1m trở lên.
- Đất thịt pha cát hoặc đất thịt có khả năng thông thoáng và thoát nước tốt.
- Đất giàu mùn (hàm lượng mùn trong đất từ 2,5-3 % trở lên), hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K, Ca, Mg… đạt từ trung bình khá trở lên (N: 0,1% - 0,15 %; P2O 5: 5 – 7 mg/100g đất; K2O: 7- 10 mg/100g đất; Ca, Mg: 3 - 4 mg/100g đất ).
- Độ chua pHKCL = 5,5 - 6,5, đặc biệt là phải thoát nước tốt (tốc độ thẩm thấu của nước từ 10 - 30 cm/giờ), thành phần cơ giới: cát pha hoặc thịt nhẹ (cát thô đến thịt nhẹ chiếm 65 – 70%). Địa hình hơi dốc từ 3 – 8o.
Trên thực tế các vùng trồng quất (tắc) cảnh có tiếng đều là những vùng nằm ven sông suối, trên các loại đất phù sa cổ, phù sa được bồi và không được bồi hằng năm, đất sa thạch cuội kết, có thành phần cơ giới nhẹ, xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Do vậy, việc chọn đất trồng quất (tắc) cảnh phải chú ý tới các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và loại đất. Trong những trường hợp không có điều kiện lựa chọn thì cần phải có đầu tư cải tạo bằng cách tăng hàm lượng chất hữu cơ, làm các công trình tưới tiêu hợp lý…
Một cây quất (tắc) bonsai thế long thăng - một trong những chậu quất (tắc) bonsai có thế đẹp độc nhất vô nhị được cho thuê với giá bạc triệu ở Tứ Liên
- Cách trồng cây Tắc Ngọt trong chậu
- Mách bạn kỹ thuật chống rét hiệu quả cho cây trồng
- Biện pháp hãm chiều cao cây và kích thích quất to trái đạt giá trị vào dịp tết
- Trồng lại cây quất sau tết để chơi tết năm sau
- Vai trò và những nguyên nhân gây thiếu canxi trên cây ăn quả
- Kỹ thuật xử lý ra hoa cho cây có múi (Bưởi, cam, chanh...)