Phòng trừ côn trùng làm hại mai (phần 1)

Cây mai vàng dễ trồng, dễ sống, có khả năng kháng bệnh cao nên mới sống được cả trăm năm đâu thua gì các cây tùng bách. Thế nhưng, cây mai cũng thường bị nhiều loài côn trùng phá hoại. Nếu ta không biết cách phòng trừ hữu hiệu và kịp thời thì nhẹ lắm cây cũng bị giảm sức sinh trưởng và phát triển, còn nặng thì nhiều khi không chỉ bị chết một đôi cây trong vườn, mà có thể chết hết cả vườn. Vì có nhiều loài sâu rầy có khả năng phát triển rất nhanh, ăn lan từ cây này sang cây khác, từ vườn mai này sang vườn mai khác chẳng khác gì một thứ dịch bệnh vậy.

cây mai vàng

Côn trùng phá hại mai có nhiều loài như: sâu đục thân, sâu nái, sâu lông, sâu cuốn lá, bọ trĩ, nhện đỏ, rệp sáp, rầy mềm, sùng, ốc...

Có loài chỉ xuất hiện theo mùa, nhưng có loài xuất hiện quanh năm, nên việc phòng rừ chúng khá vất vả. Thế nhưng, nếu thực hiện tốt được việc này thì có nhiều hy vọng vườn mai năm đó được mùa trúng lớn.

Ngày xưa, do cây mai trồng mà không mua bán được, không đem lại lợi ích thiết thực như trồng các cây lương thực như lúa bắp, khoai đậu để có cái ăn, nên ông bà ta xưa không những không màng đến việc tưới bón mà việc phòng trừ sâu rầy và các bệnh hại khác cho cây mai họ cũng... lơ là luôn! Vì vậy, nếu cuối năm mà bị “mất mùa mai” vì thiếu công chăm sóc cũng không là chuyện đáng lo đối với nhiều người...

Chỉ trừ những cây mai kiểng thế quí giá được chưng bày theo bộ trước sân thì được các lão nông vốn có thời gian rỗi rảnh họ mới cần cù siêng năng chăm sóc.

Ngày xưa, việc phòng trừ sâu rầy cho những cây mai kiểng quí này, chủ yếu là cần mẫn chịu khó tỉa lá bắt sâu cho từng cây một, chứ đâu có nhiều thứ thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng như chúng ta ngày nay. Nhưng thói thường, hễ túng thì phải tính, các cụ cũng tìm ra được những “phương thuốc” đặc trị những loài côn trùng này, gồm những thứ “dược liệu” sẵn có như vôi bột trộn chung với tro bếp, nước cay trong bình hút thuốc lào hoặc dung dịch nước tỏi ớt...

Ngày nay, nhờ cây mai vàng được coi là thứ hàng hóa mua bán được, và trồng mai là một nghề dễ kiếm được nhiều tiền nên nhà vườn nào cũng đặt nặng việc phòng trị sâu rầy cho từng cây mai kiểng một trong vườn, chứ không ai dám coi thường.

Điều thuận lợi lớn trong giới trồng mai ngày nay là trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật, càng ngày càng ra đời nhiều nhãn hiệu thuốc mới và tốt giúp nhà vườn phòng trừ sâu rày được hữu hiệu như thuốc: Phumai, Bi58, Vibamec, Alfamite, Vicarben 50HP, Trebon, Aba, Fax, Lannate, Supracide, Confidor, Regent....

Về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi cần sử dụng một loại thuốc trừ sâu rầy nào ta nên đọc kỹ hướng dẫn được ghi rõ ngoài bao bì của thuốc đó và tuân theo sự chỉ dẫn đó mới bảo đảm được hiệu quả của việc bài trừ sâu bệnh.

Thực tế cho thấy có những thuốc trừ sâu rầy khi xịt vào lá sâu bệnh lăn quay ra chết, nhưng, cũng có nhiều thuốc trừ sâu sinh học đời mới khi xịt vào sâu bệnh chưa bị chét ngay, nhưng đừng vội lo, vì khi nhiễm thuốc chúng không còn khả năng cắn phá nữa, cũng không lột xác được và mất khả năng sinh đẻ, chết dần mòn sau đó.

Thuốc trừ sâu rầy hễ pha chế xong là dùng liền và dùng hết trong ngày. Nên phun xịt thuốc trừ sâu vào lúc lá khô (trời nắng ráo) mới đem lại kết quả tốt.

Thuốc trừ sâu rầy là thuốc cực độc, vì vậy để phòng ngừa bị ngộ độc thuốc, người làm công việc phun xịt thuốc cần phải biết những điều cần làm sau đây:

- Mặc quần áo bảo hộ lao động.

- Mang khẩu trang để bảo vệ mũi miệng.

- Mang mắt kiếng để bảo vệ mắt.

- Và đứng xuôi theo chiều gió mà phun xịt thuốc.

Sau đây là một số sâu rầy phá hại cây mai vàng và cách phòng trừ chúng:

1. Bọ trĩ hại mai vàng 

Bọ trĩ hại mai vàng

- Bọ trĩ còn gọi là “rầy lửa” hay “bù lạch” có thân mình rất nhỏ thường xuất hiện từng đám nhỏ ỏ các lá non, chồi non của đọt mai. Nhưng, chỉ có ban đêm chúng mới xuất đầu lộ diện để hút nhựa cắn phá lá non, đọt non của cây mai, còn ban ngày chúng tụ lại thành nhóm trốn núp dưới mặt lá nên ta khó lòng phát hiện ra chúng.

- Chỉ khi quan sát phần đọt mai thấy nhiều lá non bị quăn queo, chồi non bị quăn đọt khô héo là biết ngay cây mai đó đang bị bọ trĩ phá hoại.

Bọ trĩ hại mai vàng

 

- Bọ trĩ phá hoại cây mai quanh năm, nhưng vào mùa nắng chúng phát triển mạnh hơn mùa mưa. Vì rằng trong điều kiện khô và nóng mới là cơ hội tốt cho bọ trĩ phát triển mạnh.

- Khi trưởng thành, bọ trĩ di chuyển đến các cây mai cận kề và đẻ trứng vào các chồi non. Đám rầy con ra đời chúng lại bám đầy vào các lá non, đọt non để hút nhựa.

- Cây mai nào đã bị bọ trĩ tấn công thì kiệt sức dần, không phát triển nổi.

- Ngừa bọ trĩ cho vườn mai tốt nhất là chờ cây mai ở trong thời kỳ ra lá non, chồi non, bấy giờ mới là lúc phun xịt thuốc diệt trừ sâu rầy để ngăn chặn. Tốt nhất nên xịt thuốc hai lần, lần sau cách lần trước độ một tuần.

- Với cây mai đã bị bọ trĩ bám đầy, phá hoại nặng thì phải phun xịt thuốc vài ba lần với nồng độ cao nhất (theo chỉ dẫn in ngoài bao bì), mỗi lần cách khoảng một tuần với hy vọng giết chết được hết những con trưởng thành và làm ung trứng của chúng.

- Thế nhưng, sau đợt phun thuốc này ta cũng nên cẩn thận kiểm tra lại xem đợt lá non ra sau này có còn bị quăn queo hay không. Chỉ khi nào thấy các chồi và lá xanh tốt bình thường thì mới yên tâm ngừng phun xịt thuốc.

- Thuốc diệt trừ bọ trĩ hiện có rất nhiều loại, như Lannate, Bi 58, Admire, Amico... Tùy vào kinh nghiệm sống lâu năm trong nghề mà mỗi người chỉ thích sử dụng một vài loại thuốc nào đó mà họ cho là tốt nhất, hiệu quả nhất.

- Nhưng, xin được lưu ý là giống bọ trĩ thường dễ lờn thuốc, vì vậy sau khi sử dụng một thứ thuốc nào đó ta cần phải kiểm tra lại xem hiệu quả đến đâu. Nếu thấy có hiệu quả thì yên tâm dùng tiếp, còn ngược lại thì kịp thời thay thuốc khác.

 2. Nhện đỏ hại mai vàng 

Bọ trĩ hại mai vàng

 

- Nhện đỏ có thân mình rất nhỏ, dài chừng 1mm nên quan sát kĩ mới thấy được. Con trưởng thành màu đỏ, còn con nhỏ lại có màu vàng. Giống này xuất hiện nhiều vào mùa nắng, trời hanh khô.

- Nhện đỏ xuất hiện nhiều ở cây mai không thường xuyên được tưới nước trên lá, những lá này vì vậy có lớp bụi phủ lên.

nhện đỏ hại mai vàng

 

- Trái với cách sống của bọ trĩ chỉ tụ tập cắn phá đọt non và lá mai non, nhện đỏ lại tụ tập ở mặt trên của các lá mai già để hút nhựa, làm cho lá mai đó bị rụng sớm do mặt trên của lá bị hư nên không thể quang hợp được.

- Cách phòng rừ nhện đỏ là nên thường xuyên tưới nước lên lá mai để tán lá được sạch sẽ, như vậy nhện đỏ sẽ không có môi trường tốt để làm tổ nữa.

- Thuốc diệt nhện đỏ hiện có bán rất nhiều loại như Alfamite, Nissorun...

3. Sâu lông hại mai vàng 

- Sâu lông không gây nguy hại gì cho cây mai vàng. Sự hiện diện của loài sâu này chỉ tạo sự gớm ghiếc mà thôi.

- Sâu lông còn được gọi là “sâu bướm”, do loài bướm đêm bay đến đẻ trứng trên lá mai, sau nở ra loại sâu màu đen lợt với nhiều lông lởm chởm trên mình.

- Số sâu lông xuất hiện trên cây mai thường không nhiều. Nếu thấy ít chỉ năm ba con thì bắt bằng tay, ngược lại, nếu trong vườn mai có nhiều cây cùng có chúng thì nên dùng các loại thuốc Supracide, Bi 58, Lannate... để phun xịt một đôi lần khắp các cây mai trong vườn là trừ hết được.

4. Sâu đục thân hại mai 

sâu đục thân hại mai

- Sâu đục thân là loài sâu nhỏ, nhưng chính nó là nỗi ám ảnh lớn đối với người trồng mai.

- Dù có ở trong nghề trồng mai lâu năm đi nữa, nhưng xưa nay chưa ai dám tự cho rằng mình phát hiện ra con sâu nhỏ này ngay từ đầu, lúc nó vừa có mặt trên cây mai. Vì khi mọi người phát hiện ra sự hiện diện của sâu đục thân thì cành mai đó, hay cây mai đó có thể đã đến lúc ... vô phương cứu chữa rồi.

- Sở dĩ không ai phát hiện ra nó vì chỗ ẩn núp của nó là nơi sâu kín nhất: trong lõi gỗ của cây mai, chứ nó không bu bám bên ngoài thân cây, hay trên lá, trên đọt mai như các loài sâu khác.

- Khi tiếp cận cành hay thân cây mai vàng, con sâu đục thân với thân hình nhỏ nhít tựa cọng chân nhang liền sử dụng đôi ngàm cực khỏe của nó đục một lõ nhỏ xuyên qua lớp vỏ bên ngoài. Rồi cứ thế nó đục sâu vào đến tận lõi gỗ bên trong để ăn luồn trong đó. Khi lõi gỗ bên trong của cây mai bị hư hại thì cây đó không còn khả năng biến nhựa nguyên thành nhựa luyện để nuôi sống cây hoặc cành. Vì vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn, cành hay cây mai bị sâu đục thân đục ruỗng lõi gỗ sẽ bị kiệt sức, lá trên cây héo rất nhanh, dẫn đến chết khô.

- Khi phát hiện trên cây mai có một đôi cành bỗng nhiên bị chết khô như vậy, ta chỉ còn cách cưa bỏ cành đó rồi đem khỏi khu vực trồng mai đốt bỏ để giết chết con sâu đục thân này. Nếu cây mai bị chết đứng vì sâu đục thân cũng phải chặt sát tận gốc và cũng đem ra ngoài xa đốt bỏ như vậy.

- Chúng ta chỉ phát giác ra được tung tích của con sâu đục thân khi phát hiện trên cành hay thân cây mai có một lỗ nhỏ vừa chui lọt con kiến nhỏ. Điểm đặc biệt là chung quanh miệng cái lỗ đó xuất hiện một nhúm nhỏ bột gỗ mịn như mạt cưa. Đó là mùn gỗ bên trong cây mai bị sâu đục thân nghiền nát rồi đùn ra ngoài.

- Tất nhiên, khi ta phát hiện cái lỗ đó thì bên trong con sâu đục thân không còn năm ngay miệng lỗ, mà đã ăn luồn vào bên trong một đoạn xa.

- Ông bà ta xưa khi phát hiện được cái lỗ do sâu đục thân khoét để chui vào thì họ dùng mũi dao nhọn khoét rộng miệng lỗ ra, rồi dùng sợi kẽm nhỏ có một đầu bẻ ngoéo như lưỡi câu đem luồn tận bên trong để móc con sâu ra. Nếu móc không được thì họ quậy cho nó nát thây mà chết. Có một cách làm khác là họ đỏ nước trong điếu hút thuốc lào vào bên trong lỗ cho đầy, sau đó dụng đất sét dẻo trám kín miệng lỗ lại, để con sâu bên trong sặc chất cay của thuốc lào mà chết.

- Ngày nay, nhờ có nhiều loại thuốc trừ sâu trợ lực như Trebon, Lannate, Polytrin, Amico, Supracide... ta chỉ bơm thuốc vào đầy lỗ có sâu đục thân nằm bên trong. Sau đó dùng đất bịt kín miệng lỗ lại để con sâu nhiễm thuốc độc mà chết.

- Nếu khi phát hiện cành hay cây mai đã bị sâu đục thân tấn công, mà cành hay cây mai đó chưa có triệu chứng héo rũ thì vẫn còn có cơ hội cứu sống được, vì đã bơm thuốc giết chúng kịp thời. chỉ tiếc một điều là nhiều trường hợp ta phát hiện ra sâu thì... cành lá đã héo rũ...

- Cách phòng ngừa sâu đục thân mà nhiều người trồng mai kiểng thường áp dụng là nên tập cho mình thói quen: mỗi buổi sáng khi đến gần cây mai nào là nên để mắt quan sát sơ qua một lượt từ các cành đến thân cây đó xem có lỗ sâu đục thân nào xuất hiện hay không. Nếu có thì lo trừ khử chúng kịp thời. ngoài ra phải phun xịt thuốc trừ sâu theo định kỳ trong năm cho cả vườn mai thì hy vọng ngăn chặn được sự xuất hiện của loài sâu tai hại này trong vườn mai của mình...

5. Sâu nái hại mai

sâu nái hại mai

- Sâu nái chuyên ăn lá non và đọt non của cây mai, khiến cây mai nào bị chúng cắn phá nhiều sẽ trơ cành trụi lá trông rất thảm thương.

- Tác hại của sâu nái gây ra cho cây mai không chỉ làm cho cây mai đó mất sức, giảm đà sinh trưởng mà còn làm mất vẻ thẩm mỹ của cây.

- Sâu nái chỉ xuất hiện nhiều trong mùa cây mai ra lá non. Còn những mùa khác trong năm chúng chỉ xuất hiện với số lượng ít.

- Tên là sâu nái, nhưng thân mình nó chỉ lớn bằng chiếc đầu đũa ăn cơm. Con trưởng thành mình màu nâu, còn lúc nhỏ mình chúng màu xanh lá cây. Trên mình sâu nái có nhiều lông dài dựng đứng lên lởm chởm như con sâu róm trông gớm ghiếc. Nếu lỡ đụng vào những chiếc lông này, da chỗ đó sẽ bị ngứa ngáy rất khó chịu.

- Ban ngày, sâu nái nằm ẩn mình phía dưới lá mai nên nếu không quan sát kỹ ta sẽ khó phát hiện ra chúng. Chỉ ban đêm tối trời chúng mới bò ra để ăn trụi các lá non và đọt non của cây mai.

- Để phòng ngừa sâu nái ta nên phun xịt thuốc trừ sâu đúng theo định kỳ trong năm. Còn nếu diệt chúng khi có số lượng ít thì lảy bỏ hết những chiếc lá có sâu nái bám, đem ra ngoài đốt bỏ. Ngược lại, nếu chúng xuất hiện nhiều thì nên dùng một trong những loại thuốc trừ sâu sau đây để phun xịt phía bên dưới các mặt lá mai cũng như đọt non trong vài lần là trừ hết được: Regen , Bi 58, Supracide...

Nguồn: Theo Việt Chương - Phúc Quyên
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status