Sâu đục thân

Cây trồng bị hại: Cây ngô (cây bắp) , Cây khoai tây
Tên khoa học: Ostrinia nubilalis

Đặc điểm hình thái của sâu đục thân Ostrinia nubilalis:

Đặc điểm hình thái sâu đục thân hại cây trồng

Cây trồng bị hại, thành trùng đực và cái, nhộng, trứng và sâu đục thân Ostrinia nubilalis

Trứng đẻ thành ổ xếp dạng vẩy cá. Trứng hình bầu dục dẹt, mới đẻ màu trắng sữa, trên mặt trơn bóng, sau có một chấm đen rõ dần lên. Sâu non  màu nâu vàng, có những vạch nâu mờ chạy dọc trên lưng từ đầu đến cuối mình sâu.  Nhộng cái lớn hơn nhộng đực. Bướm trưởng thành thân dài, cánh trước màu vàng tươi đến vàng nhạt, có 2 đường vân màu thẫm chạy trên cánh theo hình gấp khúc. Mép trước và mép ngoài màu đậm hơn giữa cánh trở về mép sau. Cánh sau có màu sáng hơn và các đường vân màu nhạt hơn cánh trước.

ĐỐI VỚI CÂY NGÔ (BẮP)

(Ostrinia nubilalis Hubner)

Đặc điểm gây hại sâu đục thân Ostrinia nubilalis trên cây ngô (bắp):

Bướm trưởng thành sống ẩn nấp trong bẹ lá, đẻ trứng trên lá, sâu non nở ra ăn thủng lá nõn, hay ăn vào bao cờ, cuống cờ làm cờ gãy gục, hoa phấn khô héo, không tung phấn được. Sâu từ tuổi 3 trở lên đục phá vào thân làm cây chậm phát triển, thậm chí ngừng phát triển. Khi cây lớn, sâu đục trong thân để lại phân ở đường đục. Thân ngô (bắp) bị đục ít khi chết. Nếu gặp gió to có thể bị gẫy ngang. Bắp bị sâu đục lúc còn nhỏ bị gẫy non, không lớn lên  được. Bắp ngô (bắp) non có thể bị đục từ cuống bắp vào thân bắp, nếu bắp đã cứng thì sâu đục từ đầu bắp đến giữa bắp.

Sâu xuất hiện quanh năm nhưng phá hại mạnh nhất ở giai đoạn trỗ cờ phun râu, đóng bắp. Ở các tỉnh phía Bắc, vụ đông xuân thường có 3 lứa. Vùng trồng liên tiếp nhiều vụ có 7 - 8 lứa/năm. Từ lứa thứ 4 sâu phá hại ngô (bắp) hè và ngô (bắp) vụ thu.

Sâu đục thân ngô, biện pháp trị bệnh sâu đục thân

Sâu đục thân Ostrinia nubilalis Hubner hại nặng nề trên cây ngô và cách rắc thuốc sâu

Biện pháp phòng trừ sâu đục thân Ostrinia nubilalis trên cây ngô (bắp):

- Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

+ Chọn và trồng giống ngô (bắp) chống chịu sâu đục thân.

+ Luân canh cây trồng để tránh sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác. 

+ Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ sau khi thu hoạch, cày ải sau khi thu hoạch ngô (bắp) vụ thu để giết sâu non và nhộng.

+ Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.

+ Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng.

+ Bảo vệ và lợi dụng ong ký sinh, quan trọng nhất là ong mắt đỏ ký sinh trứng Trichogramma.

- Biện pháp hóa học:

+ Dùng các loại thuốc Padan 95SP, Regent 800WG hoặc thuốc Basudin …. để phun hoặc rắc vào gốc cây ngô (bắp) khi cần thiết.

ĐỐI VỚI CÂY KHOAI TÂY

Đặc điểm gây hại sâu đục thân Ostrinia nubilalis trên cây khoai tây:

Sâu đục thân hại khoai tây

Sâu đục trong thân cây bị ký sinh gây hại

-  Ổ trứng được đẻ ở mặt dưới của lá. Trứng có màu trắng, dẹt và xếp như vảy cá.

-  Ấu trùng đầu màu nâu sẫm và dài khoảng 2-3 cm, ấu trùng sống trên mô lá 5-7 ngày.

-  Ấu trùng tuổi 3 đục vào thân cây và hoàn tất vòng đời trong đó.

-  Dấu hiệu bên ngoài của vết sâu đục là có đùn phân như mùn cưa.

Biện pháp quản lý sâu đục thân Ostrinia nubilalis trên cây khoai tây:

-  Tiêu huỷ triệt để tàn dư cây trồng vụ trước.

-  Không trồng liên tục các loại cây cùng họ cà.

-  Khi ruộng bị nhiễm sâu đục thân có thể dùng luân phiên các thuốc có hoạt chất Profenofos, Diafenthiuron, Emamectin, Lufenuron, Lamda-Cypermethrin hay các hỗn hợp Profenofos + Cypermethrin, Chlorantraniliprole + Abamectin, Thiamethoxam + Lamda-Cypermethrin…

Nguồn: vaas.vn, syngenta.com.vn
DMCA.com Protection Status