Kỹ thuật xử lý cháy lá giai đoạn xổ nhụy chạy trái trên cây sầu riêng

Cây trồng liên quan: Cây sầu riêng

Cháy lá trên cây sầu riêng là hiện tượng phổ biến khiến bà con lo lắng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn tác động xấu đến sức khỏe lâu dài của cây. bài viết này sẽ giúp bà con nhận biết nguyên nhân, chẩn đoán chính xác và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả để bảo vệ vườn sầu riêng của mình.

1. Nguyên nhân gây cháy lá trên cây sầu riêng

Cháy lá trên cây sầu riêng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là ba nguyên nhân chính:

1.1. Nấm bệnh tấn công

Nấm bệnh thường xâm nhập vào lá khi có vết thương, đặc biệt trong điều kiện ẩm ướt.

Triệu chứng: Lá xuất hiện vết bệnh là những vòng tròn đồng tâm và hạch nấm ly ti sau đó cháy từ mép lá vào trong nếu không xử lý kịp thời, bệnh sẽ lan nhanh và làm rụng lá hàng loạt.

1.2. Sốc nhiệt do điều kiện thời tiết

Thời tiết thất thường với ban ngày nắng gắt trên 30 độ c và ban đêm lạnh khoảng 25-26 độ c, kèm theo sương sớm dễ gây sốc nhiệt cho cây.

Biểu hiện: Lá ở hướng nhiều mặt trợ bị vàng phần thịt và cháy nám ở trung tâm lá sau đó cháy từ mép lá vào trong. lá già thường bị ảnh hưởng nặng hơn.

1.3. Thiếu hụt dinh dưỡng do đất phèn

Vùng đất phèn gây khó khăn trong việc hấp thu dinh dưỡng của cây sầu riêng, nhất là khi thời tiết nắng nóng và thiếu nước.

Biểu hiện: Lá cháy kéo dài lên nửa lá, vết cháy có ranh sắc bén, thường xảy ra ở lá già.

2. Tác hại của cháy lá trên cây sầu riêng

Giảm năng suất: Khi lá cháy và rụng, cây không thể quang hợp đầy đủ, dẫn đến thiếu dinh dưỡng nuôi hoa và trái.

Anh hưởng đến trái: Nếu cây bị cháy lá trong giai đoạn trái lớn nhanh hoặc gần chín, trái dễ bị lép, không đạt kích thước và chất lượng mong muốn.

Suy yếu cây trồng: Cây không ra đọt mới hoặc thậm chí chết khô nếu tình trạng cháy lá kéo dài mà không được xử lý kịp thời.

3. Biện pháp phòng và trị cháy lá trên cây sầu riêng

Để quản lý hiệu quả tình trạng cháy lá trên cây sầu riêng, bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

3.1. Phòng bệnh sớm

Những buổi sáng có sương sớm, sương dày phun nước sạch lên bề mặt toàn bộ cây

Điều chỉnh chế độ tưới nước: đảm bảo đủ ẩm nhưng không để úng nước. hạn chế tưới vào buổi chiều tối để tránh tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

Phun phòng nấm: sử dụng các loại thuốc phòng nấm bệnh phổ rộng định kỳ để ngăn ngừa nấm tấn công lá.

3.2. Xử lý khi cây bị cháy lá

Cắt tỉa lá bệnh: loại bỏ lá cháy và lá bị bệnh để hạn chế lây lan.

Sử dụng thuốc trị nấm: sử dụng thuốc đặc trị khi thấy dấu hiệu nấm bệnh trên lá. ưu tiên các loại thuốc gốc đồng hoặc thuốc sinh học để đảm bảo an toàn cho cây.

3.3. Cải thiện điều kiện đất và môi trường

Cải tạo đất phèn: Sử dụng vôi để nâng độ ph của đất, kết hợp bón phân hữu cơ như Axit Fulvic… để cải thiện cấu trúc đất và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây.

Che chắn nắng gắt: Sử dụng lưới che nắng hoặc trồng cây che bóng để giảm sốc nhiệt cho cây trong những ngày nắng gắt.

Ngoài ra, để hạn chế hiện tượng sốc nhiệt cho cây, có thể sử dụng thêm các sản phẩm như Brass- Tria Plus, DA6, Bột rong biển...

4. Lưu ý khi xử lý cháy lá trên cây sầu riêng

Theo dõi thường xuyên: Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trên lá và cây.

Không để trái khi cây bị nặng: Nếu cây bị cháy lá nặng, nên loại bỏ trái để tập trung dinh dưỡng giúp cây phục hồi.

Luân phiên thuốc phòng trừ nấm: Luân phiên các loại thuốc phòng trừ nấm để tránh tình trạng kháng thuốc.

Kết luận: Cháy lá trên cây sầu riêng là vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân kết hợp, bao gồm nấm bệnh, sốc nhiệt và thiếu hụt dinh dưỡng do đất phèn. Bà con cần nhận biết sớm các triệu chứng và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời để bảo vệ vườn sầu riêng khỏi tác hại của hiện tượng cháy lá.

Hy vọng với những kỹ thuật trên, bà con sẽ chăm sóc vườn sầu riêng đạt năng suất và chất lượng tốt nhất.

Nguồn: Admin LT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status