Cẩm nang chẩn đoán bệnh cây - P1: Phần giới thiệu
P1 | P2 | P3 | P4 | P5 | P6 | P7 | P8 | P9 | P10 | P11 | P12 | P13 | P14
Bệnh hại cây trồng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho thu nhập của nhiều nông dân Việt Nam qua việc làm giảm năng suất và chất lượng nông sản. Chi phí cho các biện pháp phòng trừ như thuốc trừ nấm càng làm giảm hơn nữa thu nhập của người dân.
Một số bệnh do nấm gây ra có thể sản sinh độc tố nấm, như aflatoxin, nhiễm vào các sản phẩm thức ăn (như ngô và lạc). Sự lẫn tạp độc tố nấm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và động vật.
Đôi khi bệnh bùng phát thành dịch tàn phá các cây trồng chính. Những dịch bệnh như vậy có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội của toàn thể một vùng hoặc quốc gia. Chẳng hạn như trong năm 2006, dịch vàng lùn và lùn xoắn lá đã gây thiệt hại lớn trên lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến một triệu hecta lúa thuộc 22 tỉnh thành. Bệnh dịch này trực tiếp ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của bệnh cây trong nông nghiệp. Bộ có một mạng lưới rộng lớn các trung tâm nghiên cứu và một mạng lưới cán bộ bảo vệ thực vật tại các cấp tỉnh và huyện trên khắp Việt Nam. Những thành viên trong mạng lưới này hỗ trợ công tác chẩn đoán bệnh cây và cung cấp thông tin về các biện pháp phòng trừ bệnh. Nhiệm vụ này là một thử thách lớn, do sự phong phú của cây trồng, bệnh hại, và sự đa dạng của các vùng khí hậu ở Việt Nam.
Việc phòng trừ bệnh hại thành công phụ thuộc vào việc xác định chính xác bệnh và tác nhân gây bệnh. Một số bệnh thông thường có thể được chẩn đoán chính xác trên đồng ruộng thông qua các triệu chứng điển hình. Chẳng hạn như bệnh ung thư ngô, thối thân do Sclerotinia, tuyến trùng nốt sưng, sưng rễ và gỉ sắt lạc đều có những triệu chứng điển hình và hiển nhiên khi nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên, có nhiều bệnh có các triệu chứng không điển hình tương tự nhau (như héo rũ, còi cọc, vàng lá). Một số bệnh này có thể được chẩn đoán một cách chính xác tại phòng thí nghiệm khi quan sát dưới kính hiển vi. Nhiều nấm bệnh và tuyến trùng ký sinh có thể được giám định bằng cách này.
Tuy nhiên, một số nấm và vi khuẩn gây bệnh chỉ có thể được xác định bằng cách phân lập trên môi trường nhân tạo. Một khi đã được phân lập, các mẫu vi sinh vật sạch có thể được giám định bằng kính hiển vi và, nếu cần, có thể khẳng định lại kết quả bằng kỹ thuật phân tử hoặc các phương pháp khác tốn kém hơn. Hầu hết các nấm bệnh gây thối rễ và thân cây chỉ có thể chẩn đoán bằng cách phân lập trên môi trường nhân tạo. Hầu hết các bệnh vi rút (virus) chỉ có thể được xác định chính xác trong phòng thí nghiệm virút. Các bộ kit chẩn đoán sẵn có hiện nay có thể chẩn đoán nhanh và chính xác một số bệnh do vi rút và vi khuẩn ngay trên đồng ruộng; tuy nhiên, những bộ kit này có giá tương đối đắt.
Cuốn cẩm nang này được biên soạn nhằm trợ giúp trong việc xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm nhỏ để chẩn đoán các bệnh nấm thông thường ở cấp tỉnh tại Việt Nam. Cuốn sách đặc biệt quan tâm, đề cập đến các bệnh nấm gây thối thân và rễ, gây thiệt hại đáng kể cho nhiều nông dân Việt Nam hàng năm. Nhiều bệnh trong số này vẫn chưa được giám định chính xác.
Trong cuốn sách này, các thuật ngữ về nấm được dùng với nghĩa truyền thống như vẫn thường dùng ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy những thuật ngữ này được dùng để đề cập đến nhóm nấm thực cũng như các loài dạng sợi giống nấm trong lớp nấm trứng, và nấm mốc nhờn nội ký sinh. Tuy nhiên, tầm quan trọng trong việc hiểu rõ những tiếp cận mới về phân loại nấm hiện đại đã được nhấn mạnh trong cuốn sách. Một trong những hệ thống phân loại hiện đại các sinh vật này cũng được khái quát lại trong cuốn sách.
Các bệnh nấm là đối tượng hữu ích cho việc tập huấn về chẩn đoán. Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) đã hỗ trợ việc xây dựng bốn phòng thí nghiệm chẩn đoán ở cấp tỉnh, bao gồm việc cả việc tập huấn cho cán bộ về kỹ năng trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng ruộng. Đã có tiến triển đáng khích lệ, mặc dù phải cần nhiều năm kinh nghiệm và thực hành để quen với việc chẩn đoán các bệnh do nhiều tác nhân gây ra - nấm, vi khuẩn, virút, phytoplasma và tuyến trùng.
Cán bộ phòng thí nghiệm chẩn đoán phải ghi chép lại tất cả các thông tin liên quan đến việc chẩn đoán trong một cuốn sổ có mã số lưu trữ và tất cả các mẫu bệnh đều phải được ghi chép lại. Thông tin về sự xuất hiện bệnh có thể được nhập vào cơ sở dữ liệu bệnh hại cây trồng quốc gia, đây là một phần quan trọng trong các tiến trình an ninh sinh học hỗ trợ cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Giờ đây khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì vai trò của cơ sở dữ liệu quốc gia lại càng trở nên quan trọng. Một cơ sở dữ liệu quốc gia về bệnh cây và một mạng lưới các phòng thí nghiệm chẩn đoán sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được những thử thách trong việc thiết lập và duy trì an ninh sinh học. Một cách lý tưởng, các phòng thí nghiệm cần phải duy trì một bộ sưu tập các mẫu vi sinh vật hại và tiêu bản bệnh (xem Shivas and Beasley 2005).
Bệnh chỉ là một trong những yếu tố tác động đến sức khỏe thực vật và do đó tác động đến năng suất cây trồng. Điều quan trọng là những người làm công tác chẩn đoán bệnh cây phải nắm được tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng và có tác động qua lại với bệnh - sâu hại, cỏ dại, dùng thuốc trừ sâu, tính chất đất, khí hậu địa phương và các yếu tố môi sinh khác.
Sự cộng tác chặt chẽ giữa nông dân và cán bộ bảo vệ thực vật sẽ giúp cho việc chẩn đoán và phòng trừ bệnh thành công. Nông dân có thể rất giỏi quan sát và cung cấp thông tin quan trọng để trợ giúp cho việc chẩn đoán từ những quan sát và kinh nghiệm của chính họ.
Cuốn cẩm nang này được sắp xếp thành các phần sau:
- Phần 1: Phần giới thiệu
-
Phần 2: Tổng quát về sức khỏe thực vật và các yếu tố ảnh hưởng
-
Phần 3: Quy trình chẩn đoán tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng ruộng
-
Phần 4: Các triệu chứng bệnh cây
-
Phần 5: Quy trình và thiết bị làm việc trên đồng ruộng
-
Phần 6: Quy trình và thiết bị làm việc trong phòng thí nghiệm
-
Phần 7: Giới thiệu sơ lược về phân loại nấm
-
Phần 8: Các phương pháp lây bệnh nhân tạo
-
Phần 9: Quản lý bệnh hại tổng hợp
-
Phần 10: Các bệnh do nấm có nguồn gốc từ đất
-
Phần 11: Các bệnh thường gặp trên một số cây trồng có ý nghĩa kinh tế
-
Phần 12: Ảnh hưởng sức khỏe từ nấm gây bệnh
-
Phần 13: Thiết kế, xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm và nhà lưới dùng cho chẩn đoán
- Phần 14: Phụ lục về cách làm que cấy dẹp, sức khỏe an toàn trong công việc, cũng như các công thức nấu môi trường, các phương pháp khử trùng, và các phương pháp lưu giữ mẫu nấm.
-
Phát hiện mới trong cơ chế gây bệnh ở thực vật
Điều kiện khí hậu đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở tất cả các loài thực vật, trong đó có cả cây trồng...
- Hiện tượng trinh sinh quả trên cây có múi là gì?
- Kết hợp phân bón hữu cơ và phân vi sinh để quá trình canh tác đạt hiệu quả cao nhất
- Độ phì nhiêu là gì? đặc điểm độ phì nhiêu của đất
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 2)
- Các nguyên tố vi lượng trong nông nghiệp (phần 1)
- Đất là gì? khái niệm về đất, bản chất và thành phần của đất