Bệnh lùn xoắn lá lúa có truyền qua hạt giống?
Đề nghị cho biết bệnh lùn xoắn lá lúa có truyền qua hạt giống để gây hại cho vụ sau được không? Nếu không thì có thể dùng lúa ở ruộng bị bệnh vụ trước để làm giống cho vụ sau được không?
Nguyễn Văn Tuyên (Cai Lậy, Tiền Giang)
Trả lời:
Đối với thực vật, muốn truyền được bệnh từ vụ trước sang vụ sau, từ vùng này sang vùng khác, từ cây này sang cây khác... thì tùy từng loại bệnh mà tác nhân gây bệnh cho cây như nấm, vi khuẩn, virut... có những cách lây truyền khác nhau. Có những loại bệnh được lây truyền qua hạt giống, qua đất, nhưng cũng có những loại bệnh lây truyền nhờ không khí (gió), nhờ nước, nhờ côn trùng làm môi giới... và nhờ cả con người.
Bệnh lùn xoắn lá lúa
Bệnh lùn xoắn lá là một bệnh do virut gây ra, chúng được lây truyền từ cây bị bệnh sang cây khỏe nhờ con rầy nâu (Nilaparvata lugens) làm môi giới truyền bệnh, bằng cách những con rầy nâu “khỏe” (tức trong cơ thể chúng chưa có con virut gây bệnh lùn xoắn lá), khi chích hút những cây lúa đã bị bệnh lùn xoắn lá thì những con rầy nâu này sẽ tiếp nhận những con virut gây bệnh lùn xoắn lá từ những cây lúa bị bệnh đó. Nếu những con rầy nâu này lại tiếp tục đi chích hút những cây lúa khỏe chưa bị bệnh thì những cây lúa khỏe này sẽ bị nhiễm bệnh (cũng giống như những con muỗi Anopheles cái lây truyền virut bệnh sốt rét từ người bệnh sang người khỏe vậy). Như vậy những giống lúa bị nhiễm rầy nâu nhiều dễ có khả năng bị bệnh lùn xoắn lá nặng hơn những giống lúa kháng rầy hoặc nhiễm rầy nâu ít.
Qua nghiên cứu thực tế đồng ruộng của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy, cho đến nay ngoài cách lây truyền này chưa phát hiện thấy bệnh lùn xoắn lá lây truyền qua hạt giống, qua đất, qua nước, qua không khí... như vậy, hạt lúa ở ruộng đã bị bệnh lùn xoắn lá ở vụ trước có thể dùng làm giống gieo trồng cho vụ sau mà không sợ bệnh lây lan qua hạt giống cho cây lúa ở vụ sau.
* Tuy nhiên nếu ruộng lúa của bạn ở vụ trước đã bị bệnh nặng thì không nên dùng làm giống cho vụ sau vì 2 lý do sau đây
1. Giống này của bạn đã không kháng được bệnh, thậm chí cũng không kháng được rầy nâu, vì thế mặc dù không truyền qua được bằng hạt giống nhưng cây lúa ở vụ sau của bạn cũng sẽ bị bệnh gây hại nặng. Vì thế bạn nên thay thế bằng giống khác mà vụ trước ở địa phương bạn giống đó không hoặc ít bị rầy nâu và bệnh lùn xoắn lá gây hại.
2. Nếu vụ trước ruộng lúa của bạn bị nhiễm bệnh sớm (từ khi cây lúa còn nhỏ) thì cây lúa sẽ bị bệnh nặng, chậm phát triển, còi cọc không cho bông, trong trường hợp này đương nhiên cây lúa sẽ không cho hạt để làm giống cho vụ sau. Nhưng nếu bệnh xuất hiện trễ khi cây lúa đã qua giai đoạn tăng trưởng thì cuối vụ cây lúa vẫn trỗ được, nhưng bông lúa thường ngắn, nhỏ, tỷ lệ lép lửng cao... dẫn đến chất lượng hạt giống kém, vậy bạn không nên dùng nó để làm giống.
Muốn hạn chế tác hại của bệnh bạn cần áp dụng tốt “Quy trình quản lý tổng hợp” đối với con rầy nâu, không những hạn chế bớt tác hại của con rầy nâu mà còn hạn chế bớt môi giới truyền bệnh lùn xoắn lá cho cây lúa.
-
Quy trình kỹ thuật bón phân cho cây lúa
Lúa là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu thâm canh cao, năng suất có thể đạt từ 8 -10 tấn/ha...
-
Sâu bệnh chủ yếu hại cây lúa vụ Đông Xuân
Câu hỏi: Đặc điểm và triệu chứng gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên lúa vụ Đông Xuân và biện pháp phòng trừ? Bệnh đạo ôn hại lúa, bọ xít dài hại hại lúa...