Cẩm nang chẩn đoán bệnh cây ở Việt Nam - P4: Triệu chứng bệnh cây

Cẩm nang chẩn đoán bệnh cây ở Việt Nam - Phần giới thiệu

P1 | P2 | P3 | P4 | P5 | P6 | P7 | P8 | P9 | P10 | P11 | P12 | P13 | P14

Việc chẩn đoán bắt đầu bằng việc quan sát cẩn thận tất cả các bộ phận của cây bị bệnh - lá, hoa, quả, thân và rễ. Việc xác định tác nhân chính gây bệnh có thể sẽ rất khó khăn vì nhiều tác nhân gây bệnh không thể được nhận ra bằng mắt thường. Những tác động của tác nhân gây bệnh lên cây - triệu chứng - có thể giúp trong việc xác định sự có mặt của một hay nhiều tác nhân gây bệnh. Các triệu chứng của bệnh có thể gây ra bởi:

• Các mô của cây bị tổn thương

• Rối loạn các chức năng sinh lý của cây:

- Hấp thụ nước và dinh dưỡng

- Quang hợp

- Phát triển

Cần ghi chép cẩn thận các triệu chứng của bệnh trong một cuốn sổ nhật ký đồng ruộng và chụp lại triệu chứng bệnh bằng máy ảnh kỹ thuật số (nếu có thể).

1. Các triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng không điển hình thường gặp có thể có nguyên nhân từ nhiều loại tác nhân gây bệnh khác nhau. Héo, ngả vàng và còi cọc là những triệu chứng không điển hình thông thường (xem những phần về tác nhân gây héo). Héo thường do các tác nhân gây héo mạch dẫn, thối rễ, sưng rễ, thối cổ rễ, thối thân cây và do đất quá khô. Những bệnh này và nhiều bệnh khác cũng có thể gây ra triệu chứng còi cọc và biến vàng. Vì vậy, cần thiết phải kiểm tra tất cả các bộ phận của cây - quan trọng nhất là rễ.

Các tác nhân làm tổn thương rễ hoặc các mô thân - điển hình là nấm và tuyến trùng - làm rối loạn quá trình hấp thụ nước và dinh dưỡng cây trồng gây hiện tượng héo, biến vàng và còi cọc, bắt đầu bằng việc cây sinh trưởng kém và khi bệnh phát triển, toàn cây héo, biến vàng và chết. Các bệnh héo vi khuẩn gây triệu chứng héo, chết cây và một số bệnh do virút cũng gây hiện tượng héo, còi cọc và cây chết.

Các triệu chứng bệnh trên lá có thể do nấm (đốm và rụi lá), do vi khuẩn (đốm và rụi lá), và do virút ký sinh thực vật (khảm hoặc hoa lá, lá còi và lá bị cuốn lại). Virút cũng có thể gây ra các triệu chứng không điển hình (vàng lá, héo và còi cọc).

Tuyến trùng ký sinh thực vật chủ yếu tác động đến hệ thống rễ, gây ra các vết thương trên rễ, sưng rễ, và rễ phân ly nhanh kèm theo các u sưng làm cho cây còi cọc, biến vàng, héo và đôi khi có thể chết cây.

Một số triệu chứng có thể giúp xác định nguyên nhân gây bệnh bởi vì chúng là triệu chứng điển hình đối với một số tác nhân gây bệnh nhất định. Chẳng hạn như, triệu chứng nốt sưng trên rễ do Meloidogyne spp. (tuyến trùng nốt sưng) hoặc sưng rễ do Plasmodiophora brassicae, có thể dễ dàng chẩn đoán chính xác ngay trên ruộng.


Dấu chấm thanCây họ đậu như cây lạc (đậu phộng)cây đậu tương có các nốt sần ở rễ - những chỗ sưng nhỏ ở rễ gây ra do sự cộng sinh của vi khuẩn cố định đạm như Rhizobium spp. Những nốt sần này có lợi cho cây và quan trọng đối với sức khỏe của cây. Các nốt sần khỏe khi cắt ra thường có màu hồng.


Do có rất nhiều các triệu chứng khác nhau có thể quan sát thấy trên đồng ruộng, các nhà bệnh cây cần kiểm tra các cây bị bệnh hết sức cẩn thận và ghi chép rõ ràng nhằm giúp cho việc chẩn đoán được chính xác. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu bệnh cây cần đặt câu hỏi cho nông dân để lấy thông tin về lịch sử cây trồng và sự phát triển của bệnh.


Dấu chấm than

Một cây có thể bị vài tác nhân khác nhau gây hại, gây ra một loạt các triệu chứng bệnh. 


Các bệnh được nghi là do vi rút gây ra cần được chuyển đến một phòng thí nghiệm và kiểm tra bởi các chuyên gia về virút có kinh nghiệm trong việc giám định virút. Việc xác định chính xác tuyến trùng ký sinh thực vật, vi khuẩn gây bệnh và các tác nhân liên quan cũng đòi hỏi có sự kiểm tra của các chuyên gia.

Ngược lại, nhiều nấm bệnh có thể được chẩn đoán một cách thành công trên đồng ruộng hoặc trong một phòng thí nghiệm cơ bản, miễn là có đầy đủ tài liệu tham khảo.


Dấu chấm than

Tìm trợ giúp nếu bạn không tự tin trong việc xác định nguyên nhân của bệnh. Đừng phỏng đoán - lợi nhuận của nông dân sẽ phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán và lời khuyên của bạn.


Chỉ khoảng một nửa số mẫu gửi đến phòng thí nghiệm chẩn đoán là thực sự do các tác nhân gây bệnh gây ra. Cây có thể bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác như thuốc trừ sâu hoặc stress do môi trường.

2. Các bệnh trên lá, hoa hoặc quả

Nhiều nấm gây các bệnh trên lá (lá, cuống lá và thân), hoa hoặc quả, và thường sản sinh ra các bào tử từ những cấu trúc tạo-bào-tử trên mô bệnh. Bào tử nhờ gió hoặc mưa phát tán đến các cây khác, khiến bệnh lan truyền. Nấm bệnh có thể tích lũy số lượng rất nhanh chóng và gây ra bùng phát dịch trong những điều kiện thời tiết thuận lợi .

Sự có mặt của những cấu trúc tạo-bào-tử như quả cành hoặc quả thể, cành bào tử phân sinh hoặc cành mang bọc bào tử động là đặc điểm quan trọng cho việc giám định hình thái nấm bệnh và việc chẩn đoán bệnh do nấm gây ra.


Dấu chấm than

Dùng một kính lúp để giúp cho việc nhận dạng cấu trúc của nấm trên đồng ruộng. Tuy nhiên, để có thể xác định chính xác bào tử và các cấu trúc tạo thành bào tử phải dùng kính hiển vi trong phòng thí nghiệm.


Nhiều nấm bệnh gây đốm (vết thương) trên lá, hoa hoặc quả. Đốm vàng là các vết bệnh do mất màu và đốm nâu là các vết bệnh chết hoại. Các đốm nâu được gọi là 'hoại tử' bởi vì nấm bệnh khi xâm nhập đã làm cho các mô bị chết. Các nấm bệnh gây vết thương trên lá, hoa và quả thường có thể phân lập được và phát triển được trong môi trường nhân tạo.


Kính lup

Nấm hoại sinh cũng có thể mọc được trên các mô cây bị bệnh như là những nấm ký sinh bậc hai. Thí dụ như, các loài nấm hoại sinh của chi Alternaria và Pestalotia thường mọc trên mô lá bị bệnh và sản sinh bào tử trên mô. Những loài hoại sinh này có thể làm cho việc chẩn đoán bị sai lệch bởi vì chúng thường được nhìn thấy rõ dưới kính hiển vi và mọc rất nhanh trên môi trường phân lập.


2.1. Sự sản sinh bào tử trên lá bệnh

Nấm có thể tạo thành các bào tử vô tính từ các sợi nấm chuyên hóa gọi là cành bào tử phân sinh. Trong các loài của Stemphylium, Botrytis, Aspergillus, Penicillium, Bipolaris, Alternaria và Cercospora, các cành bào tử phân sinh phát triển trên mô bệnh từ sợi nấm. Một số loài (như Septoria, Diaporthe, Didymella, Ascochyta và Phoma) sản sinh bào tử vô tính trong những cấu trúc đặc biệt gọi là quả cành, những loài khác (như Colletotrichum, Cylindrosporium) bào tử được sản sinh trong các cấu trúc gọi là đĩa cành.

Bào tử sản sinh ra từ cành bào tử phân sinh trên bề mặt mô bệnh

Sự hình thành bào tử trên lá của nhiều nấm bệnh khác nhau

Sự hình thành bào tử trên lá của nhiều nấm bệnh khác nhau

Một số nấm bệnh cũng sản sinh ra bào tử từ những cấu trúc sinh sản hữu tính trên lá, thân hoặc quả. Thí dụ, Fusarium graminearum (Gibberella zeae) sản sinh ra bào tử túi trong một túi bào tử nằm bên trong quả thể trên thân và bắp ngô trưởng thành bị bệnh. Nấm này gây bệnh thối thân và bắp ngô.


Dấu chấm thanQuả thể có hình dạng tương tự quả cành, nhưng quả cành sinh ra bào tử vô tính và không có túi bào tử.


2.2. Nấm và các tác nhân giống nấm ký sinh chuyên tính trên lá

Bệnh sương mai, phấn trắng và gỉ sắt do các loài nấm ký sinh chuyên tính gây ra. Những nấm bệnh này chỉ có thể xâm nhiễm, mọc và sản sinh bào tử trong mô ký chủ còn sống - chúng không thể phân lập được và không mọc trong môi trường nhân tạo - và thường chỉ có thể gây hại cho một hoặc hai loài hoặc giống ký chủ. Ví dụ, gỉ sắt lạc chỉ có thể gây hại cho lạc.

Nấm bệnh và các tác nhân giống nấm gây bệnh trên lá

Nấm bệnh và các tác nhân giống nấm gây bệnh trên lá: (a) phấn trắng trên bầu bí, (b) gỉ trắng trên cải bắp, (c) đốm lá Cercospora và gỉ sắt trên lạc, (d) sương mai trên cải bắp

Những triệu chứng của bệnh sương mai, phấn trắng và gỉ sắt thường rất hiển nhiên. Chúng hấp thụ chất dinh dưỡng từ các tế bào cây sống, làm cho các mô bị vàng. Sự quang hợp trong mô lá bị giảm, dẫn đến hiện tượng cây kém phát triển.

2.3. Nấm bệnh sản sinh ra hạch nấm trên mô bệnh

Trong điều kiện ẩm thấp, một số nấm bệnh sản sinh ra sợi nấm và/hoặc hạch nấm trên bề mặt cây bị bệnh. Sợi nấm của một số loài Rhizoctonia mọc ở gốc thân và lá bị bệnh. Ở Việt Nam, một số loài Rhizoctonia sản sinh ra hạch màu nâu có hình dạng bất định trên mô lá ngô và cải bắp bị bệnh (hình dưới).

Sclerotium rolfsii gây thối gốc thân trên nhiều rau màu hàng năm trong điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam. S. rolfsii sản sinh ra những sợi nấm màu trắng trên gốc thân bị bệnh và các hạch tròn nhỏ màu nâu (Hình dưới) hình thành từ những sợi nấm này.

Sclerotinia sclerotiorum sản sinh ra các sợi nấm màu trắng và hạch to màu đen trên thân và lá của nhiều cây trồng lá rộng, như đậu cô ve lùn và cô ve leo, cà chua, cải bắp, khoai tây và xà lách (Hình dưới).

Hình thành hạch nấm bởi (a) Rhizoctonia solani, (b) Sclerotium rolfsii và (c) Sclerotinia sclerotiorum

Hình thành hạch nấm bởi (a) Rhizoctonia solani, (b) Sclerotium rolfsii và (c) Sclerotinia sclerotiorum

3. Các bệnh ở rễ, gốc và thân cây

Nấm bệnh có thể gây bệnh nghiêm trọng cho rễ, cổ rễ (gốc thân) hoặc thân cây. Một số nấm bệnh chỉ gây hại cho cây con, làm cây con chết trước hoặc sau khi nảy mầm; một số loại khác chỉ gây hại ở rễ con, và một số loài chỉ gây hại trên thân (như Sclerotinia sclerotiorum và Sclerotium rolfsii).

Các triệu chứng trên rễ có thể không điển hình. Thối rễ con, rễ chính, gốc hoặc thân phá hủy quá trình dẫn nước và dinh dưỡng, làm cho cây còi cọc, lá biến vàng, héo và đôi khi làm chết cây.

Các chi nấm thường gây những bệnh này ở Việt Nam là Phytophthora, Pythium, Fusarium, Sclerotinia, Sclerotium, Rhizoctonia và Phoma. Một tác nhân ký sinh rễ, Plasmodiophora brassicae, gây ra sưng rễ họ thập tự, là loài ký sinh chuyên tính và không thể mọc trên môi trường nhân tạo. Nhóm nấm đảm Basidiomycota gây hại ở gốc và rễ những cây lưu niên (Shivas and Beasley 2005), nhìn chung khó phân lập trong môi trường nhân tạo.

Nấm bệnh thối rễ có thể khó phân lập bởi vì có thể có nhiều nấm và vi khuẩn hoại sinh trong các mô rễ bị bệnh, các vi sinh vật hoại sinh này cũng có thể mọc trên môi trường phân lập - thường mọc lấn át các nấm bệnh.

4. Tài liệu tham khảo

Shivas R. và Beasley D. 2005. Quản lý mẫu bệnh thực vật, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia. Tại: <http://www.daff.gov.au/planthealth>.

Những bệnh ở gốc, rễ và thân

Những bệnh ở gốc, rễ và thân: (a) sưng rễ họ thập tự, (b) héo trên họ thập tự (khỏe [trái] và bệnh [phải]) gây ra do sưng rễ (Plasmodiophora brassicae), (c) héo Fusarium trên cây cúc tây (chú ý đến sự hình thành khối bào tử trên thân), (d) teo thắt do Rhizoctonia sp., (e) thối rễ ớt do Phytophthora gây héo trầm trọng, (g) thối rễ và quả lạc do Pythium, (h) quả thể của Gibberella zeae gây ra thối thân ngô.

Cuốn cẩm nang này được sắp xếp thành các phần sau:

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status