Thiết kế vườn trồng cây có múi (Bưởi, cam, chanh...)

1. Khảo sát vườn

1.1. Khảo sát đất vườn

1.1.1 Địa hình

- Điều tra hướng, vĩ độ, kinh độ, bình độ, độ dốc.(số liệu được cung cấp ở địa phương).

- Địa hình và cao độ có liên quan đến chiều sâu mực thủy cấp và khả năng thoát thủy của đất. Vùng đất cao không cần lên liếp, đất đồi thiết kế theo đường đồng mức tránh rữa trôi, xói mòn.

- khoảng cách nơi thành lập vườn với đường giao thông.(thuận tiện đường giao thông vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch và vận chuyển vật tư, phân bón).

- Diện tích có thể phát triển.

1.1.2. Khí hậu

- Thu thập số liệu bình quân hàng năm về nhiệt độ, vũ lượng, thời kỳ mưa tập trung trong năm.

- Lượng bốc hơi, ẩm độ đất, ẩm độ không khí. Các nét đặc biệt của thời tiết trong vùng(nếu có).

1.1.3. Đất

Vùng đất thấp như Đồng Bằng Sông Cửu Long(ĐBSCL) cần chú ý:

- Tầng phèn trong đất

Độ sâu xuất hiện tầng phèn quyết định chiều sâu của mương và cách lên líp, có 2 lọai tầng phèn tiềm tàng và tầng phèn hoạt động.

Tầng phèn tiềm tàng: Tuỳ loại đất mà tầng phèn tiềm tàng có những độ sâu khác nhau trong đất. Tầng này luôn ở tráng thái khử do bị bảo hoà nước quanh năm, mềm nhảo, có màu xám xanh hay xám đen. Không nên lấy tầng phèn này làm liếp trồng cây ăn quả (trái) vì rất chua khi đất khô và chứa nhiều độc chất Al và Fe.

Tầng phèn hoạt động: tương tự như phèn tiềm tàng, tuỳ theo loại đất mà có thể gặp tầng phèn này ở bất kỳ độ sâu nào.Tầng phèn này là do phèn tiềm tàng bị oxy- hoá , do bị thuỷ cấp trong đất bị hạ xuống.Tầng đất này có chứa những đốm phèn jarosit màu vàng rơm, nên rất dễ nhận diện. Đất rất chua và chứa nhiều độc chất hoà tan, không nên lấy làm liếp.

Vùng đất cao:

- Điều tra độ dầy tầng canh tác, lọai đá mẹ thành phần cơ giới của đất.

- Phân tích các chỉ tiêu nông hóa, thỗ nhưỡng của đất để có cơ sở đánh giá độ phì nhiêu của đất( có thể xin số liệu ở địa phương hoặc khảo sát trực tiếp như đào phẫu diện quan sát, xác định pH, xác định thành phần cơ giới bằng phương pháp vê đất, các chỉ tiêu hóa lý cần thiết có phân tích nếu có điều kiện).

1.1.4. Sử dụng phân bón

- Nguồn phân bón trong khu vực lập vườn trồng cây có múi

- Tập quán sử dụng phân bón ở địa phương.

1.1.5. Khả năng kết hợp trong sản xuất

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Nuôi trồng thủy sản, nuôi ong…

1.1.6. Tình hình xã hội

Dân cư, nguồn lao động…

1.1.7. Thị trường tiêu thụ và khả năng vận chuyển

Thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng vận chuyển… 

1.2. Khảo sát nguồn nước

- Chú ý ngập lũ hàng năm vào mùa mưa và sông rạch bị mặn trong mùa nắng(vùng đất thấp)

- Cần chú trọng nguồn nước tưới vào mùa nắng(vùng cao)

- Điều tra nguồn nước và trữ lượng, khả năng khai thác.

- Dự trù nguồn nước cho sinh hoạt, canh tác

- Lượng phù sa trong nước, nước ô nhiễm(nếu có).

1.3. Khảo sát thực bì

Những loại cây được trồng và mọc hoang. Lưu ý những cây chỉ thị đất, cây có thể làm gốc ghép, làm phân xanh.

2. Thiết kế vườn trồng

2.1. Nguyên tắc

- Đảm bảo tưới tiêu thuận lợi, chống xói mòn, bảo vệ đất,  ưu tiên dành đất tốt để trồng trọt.

- Đất có độ dốc nhỏ hơn 30, chia lô và thiết kế hàng cây như đất bằng, hàng cây vuông góc với hướng gió chính.

- Đất có độ dốc 40 - 100, thiết kế lô hàng theo đường đồng mức kết hợp với hệ thống mương rãnh tiêu nước và giảm tốc độ dòng chảy trên đất mặt.

- Đất có độ dốc trên 100 có thể trồng cây theo ruộng bậc thang hay hố vảy cá.

- Xây dựng các đập chắn nước ở các nơi hợp thuỷ giữa các sườn đồi để hạn chế dòng chảy và giữ nước tưới cho cây trong mùa khô hạn

- Đối với những vùng đất có mực nước ngầm cao < 1,5m phải đào rãnh để hạ mực nước ngầm.

Tùy theo điều kiện cụ thể, vị trí đất đai, địa hình, mực nước ngầm, tầng phèn, nguồn nước tưới.... Thiết kế vườn phù hợp cho từng vùng

Các điểm chung cần lưu ý trong thiết kế

+ Trên đất dốc:

- Nên thiết lập vườn tại vùng có đất phù sa ven sông, đất phù sa cổ, đất đồi Feralit đỏ hoặc Feralit vàng đỏ, đất thung lũng ở các vùng núi. Các loại đất trên thường có kết cấu đất xốp và nhẹ với tầng bề mặt dầy trên 80 cm; thoát nước; mực nước ngầm dưới 1m; độ pH từ 5,5 – 6,5; độ dốc không quá 20 – 250.

- Lập vườn trên đất dốc cần chống xói mòn bằng cách tạo các luống bậc thang rộng 3- 5 m theo đường đồng mức.

- Các hàng cây bố trí theo hướng Bắc- Nam. Bố trí vườn cạnh hoặc gần nguồn nước để chủ động nước tưới trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước trong mùa mưa lũ, ngoài các chú ý trên còn nên chọn vị trí thuận lợi giao thông để dễ vận chuyển quả đến nơi tiêu thụ. Tránh các vùng hay xảy ra rét đậm, rét hại và sương giá.Toàn bộ vườn trồng kín cỏ trừ tán cây xung quanh gốc. Cỏ Axonopus được trồng trong các rãnh thoát nước.

- Keo tai tượng là loại cây thích hợp và đã được trồng làm hàng rào chắn gió. Chúng được trồng 2- 3 hàng tạo thành vành đai bao quanh phía đỉnh đồi(Bắc), phía Nam và đường bao phía Đông của vườn.

- Thiết kế hệ thống tưới:

Nước được bơm từ trạm bơm nằm cuối vườn về phía Nam theo đường ống đặt ngầm dưới đất lên bể chứa trên đỉnh đồi, để lấy nước trực tiếp tưới cho cây.

Vùng đất thấp: chú ý có hệ thống bờ bao để điều tiết nước.

2.2. Vệ sinh phát hoang

Xử lý tàn dư cây trước khi làm đất

Trên khu đất dự định trồng cây có múi tồn tại tàn dư sinh vật và các loại sinh vật gây hại khác nhất là cỏ dại.

Những tàn dư và cỏ dại này cần được xử lý loại bỏ, tận dụng làm vật liệu che phủ đất hoặc chế biến thành phân bón.

Tàn dư sinh vật là những bộ phận của sinh vật như: rễ, gốc cây, cành lá rụng của các thực vật khác vốn tồn tại trên khu vục đó. Những thành phần này cản trở quá trình làm đất, trồng và chăm sóc cây có múi. đồng thời đó cũng là nơi cư trú của nhiều loại nấm bệnh. Khi trồng cây có múi các sinh vật này sẽ xâm nhập gây hại.

Xử lý cỏ dại trước khi làm đất

* Tác hại của cỏ dại

- Cỏ dại làm giảm năng suất cây trồng. Cỏ dại làm giảm sản lượng trung bình khoảng từ 34,3 – 89%. Cỏ dại gây ra thiệt hại lớn hơn thiệt hại do côn trùng và bệnh hại cộng lại.

- Cỏ dại canh tranh với cây trồng về:

+ Dinh dưỡng, nước: làm cây phát triển kém, cỏ cạnh tranh nước, dinh dưỡng.

+ Ánh sáng: Trên vườn cây tơ cỏ dại không được kiểm soát, chúng phát triển mạnh có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây có múi.

+ Là nơi trú ngụ cho các loại dịch hại nguy hiểm: Cỏ dại đóng vai trò như ký chủ phụ cung cấp nơi trú ngụ cho các loại sâu bệnh gây hại cây trồng.

- Cản trở các hoạt động sản xuất:

+ Các loại cỏ đầy gai (ké đầu ngưạ) và gây ngứa(cỏ lông) rất khó chịu cho công việc thu hoạch.

+ Cỏ bìm bìm và một số chi của cỏ này quấn vào các cây trồng gây cản trở thu hoạch.

+ Những loại cỏ này tại thời điểm thu hoạch cũng gây hư hại quần áo và làm hư hại các loại máy nông nghiệp.

- Các trở ngại khác

Khi bón phân, phun thuốc trừ sâu, tưới tiêu, trồng cũng gặp khó khăn khi cỏ dại hiện diện.

* Các loại cỏ trên vườn

Nhóm cỏ họ hòa bản​

Thân, lá, hoa của nhóm cỏ hòa bản

Thân, lá, hoa của nhóm cỏ hòa bản

Cỏ lồng vực cạn (Echinochloa colona)

Cỏ lồng vực cạn

Cỏ lồng vực cạn

- Cỏ dại hằng năm, mọc thành khóm, nhiều chồi, mảnh, cao 70 - 75 cm, mọc bò lan.

Cỏ đuôi phụng (Leptochloa chinensis)

Cỏ dại hằng năm, sống bám dưới nước, mọc thành khóm cao 30 - 100 cm.

Cỏ đuôi phụng

Cỏ đuôi phụng

Cỏ tranh(Imperata cylindrical)

Cây mọc hoang dại, phân bố rộng khắp ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Cỏ tranh

Cỏ tranh

- Cỏ tranh là cây sống lâu năm có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất.

- Lá mọc đứng, cứng, gân nổi; dáng lá hẹp dài; lá có mặt trên nhám, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc có thể cứa đứt tay rất dễ dàng.

- Hoa tự hình chuỳ, màu trắng sợi như bông, rất nhẹ nên ngoài nhân giống qua chồi rễ, cỏ tranh còn có khả năng phát tán rất xa nhờ gió.

Cỏ lông (Brachiaria mutica)

- Cỏ đa niên, các đốt d ưới có rễ. Thân cứng, bò ngang hoặc đứng ở phần trên, dài tối đa 6 m, cao tối đa 3m. Có lông ở đốt và bẹ lá. Lá mọc xen, phẳng hình mũi mác, hẹp, dài 10-30cm, rộng 0,8-1,5cm, đôi khi có lông bẹ mở, hở, gối lên nhau, có lông và mép nhám. Tai lá với hang lông dày đặc, cổ đầy lông.

- Phát hoa chùm tụ tán, bông màu tím, dài 12-20cm, rộng 16cm, gầm 8-20 nhánh phân tán, mỗi nhánh dài 2-8cm.

- Quả dạng hạt thóc. Sinh sản bằng hạt hoặc bằng thân bò. Thích hợp nơi đất ẩm, vườn  ươm, cạnh các hàng rào, ven lộ.

Cỏ lông

Cỏ lông

Cỏ lục lông (Chloris barbata)

Là cỏ hàng niên, cao 30- 60cm. Thân đứng hoặc cong ở phía dưới, bẹ ở phần gốc, láng bóng, các đốt phía dưới có rễ. Lá bẹt dài 2- 12cm, rộng 1- 2mm, nhám ở bìa lá, thường có lông ở mặt trên phần gốc.

Phát hoa ở đỉnh với chùm tụ tán, gồm 2- 12 nhánh màu tím, dạng các ngón tay, dài 2- 5cm, các gié phụ màu tím. Quả dạng hạt thóc. Sinh sản bằng hạt. Thích hợp nơi ruộng đất khô, ven lộ.

Cỏ lục lông

Cỏ lục lông

Cỏ ống (Panicum repens)

Cỏ ống

Cỏ ống

Cỏ đa niên, cao 30- 90cm, căn hành khỏe màu trắng và nằm sâu dưới đất, thân thẳng dạng lá, có rễ ở đốt.

Phát hoa mở. Chùm tụ tán dài 6- 22cm. bông nhánh rụng hoàn toàn từ cuống.

Bông nhánh dài 2,75- 3,25 mm màu xanh nhạt đến vàng nhạt.

Mọc ở vùng đất ẩm, đất cát. Cỏ cũng có thể mọc ở vùng đất sét nặng. chịu ngập tạm thời. Sinh sản bằng căn hành.

Cỏ chỉ nhỏ (Digitaria ciliaris)

Cỏ hằng năm hoặc lưu niên, mọc bò, đôi khi leo cao 20 - 60 cm, rễ phân nhánh và mọc từ các đốt dưới cùng.

Cỏ chỉ nhỏ

Cỏ chỉ nhỏ

Lá thường không có lông, mép nhám, trong mượt, lá thìa hình màng mỏng, đầu múp nhọn dài 1 - 3 mm.

Cụm hoa tán 3 - 8 chùm, dài 5 - 15 cm, mọc quanh đỉnh trục hoa chính, đôi khi xếp dọc trục chính chung, ngắn khoảng 2 cm.

Quả bầu dục, sinh sản bằng hạt. Mọc nhiều trên vùng cây trồng cạn, ruộng cạn.

Cỏ chỉ (Cynodon dactylon)

Cỏ chỉ

Cỏ chỉ

- Cỏ sống dai nhờ thân rễ ngắn. Thân có nhiều cành, mọc bò dài, thỉnh thoảng lại phát ra những nhánh thẳng đứng. Lá phẳng, ngắn, hẹp, nhọn, dài 3- 4cm, hơi có màu lam.

- Cụm hoa gồm 2- 5 bông hình ngón tay mảnh, dài 2,5- 5cm, màu xanh hay tím, tỏa trên đỉnh một cuống mảnh, mỗi bông có các hoa phẳng, họp thành hai dãy bông nhỏ song song. Quả thóc, hình thoi thường dẹt, không có rãnh.

- Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Thường gặp nơi ẩm thấp, trong các vườn cây trồng cạn.

Cỏ mần trầu (Eleusine indica)

Cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu

Là loài cỏ hằng năm, họ Lúa(Poaceae). Rễ mọc khoẻ. Thân bò, dài ở gốc, phân nhánh, mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc cách xa nhau, hẹp, mềm, hình dài, nhọn đầu, phẳng nhẵn.

Cụm hoa hình bông, có 5 - 7 nhánh dài, mọc toả tròn đều ở đầu cuống chung. Quả thuôn, có ba cạnh, ráp, vỏ quả mềm. Cỏ mần trầu phân bố khắp các vùng nhiệt đới.

Ở Việt Nam, cỏ mần trầu mọc hoang dại nhiều nơi: bờ ruộng, ven đồi, chân đồi, sườn dốc.

Cỏ cú (cỏ gấu) (Cyperus rotundus)

Là loài cỏ dại lâu năm, họ Cói(Cyperaceae). Thân ba cạnh, không phân nhánh, gốc phình ra thành củ nằm sâu trong đất. Mầm trắng, mọc lan nhanh, có lớp vảy bao bọc khi non, thành sợi khi già.

Củ có nhiều dạng. Lá xanh sẫm, hẹp, mọc từ gốc, nhiều lá bẹ dài 5 - 15 cm, rộng 5 mm.

Cỏ cú (cỏ gấu)

Cỏ cú (cỏ gấu)

Cụm hoa tán đơn hoặc kép mọc từ 2 đến 4 lá bắc. Quả và hạt hình trứng, có 3 góc dài 1,5 mm. Sinh sản bằng mầm, củ, hạt.

Mọc ở vườn, đất màu cạn. Cỏ cú là loài cỏ dại nguy hiểm, lan tràn rất nhanh ở Việt Nam và các nước trồng lúa ở Châu Á.

Cỏ hôi (cỏ cứt lợn) (Ageratum conyzoides)

Cỏ hôi (cỏ cứt lợn)

Cỏ hôi (cỏ cứt lợn)

Cứt lợn là một loài cây nhỏ, mọc hằng năm, thân có nhiều lông nhỏ, mềm, cao khoảng 25- 50cm, thường mọc hoang. Lá mọc đối xứng hình trứng hay ba cạnh, dài từ 2- 6cm, rộng 1- 3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mặt dưới có màu nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu tím xanh. Quả màu đen, có 5 sống dọc.

Cỏ trái nổ (Ruellia tuberosa)

Cỏ trái nổ

Cỏ trái nổ

Cỏ đa niên, cao đến 60cm. Thân thẳng đứng, phân cành, trơn, màu tím đến xanh lá cây.

Lá mọc đối hình bầu dục. hoa kiểu tụ tán mọc ở nách lá, dạng hình chuông, màu tím nhạt. rễ có căn hành. Sinh sản bằng hạt và củ. Gây hại ở vùng đất cây trồng cạn, nơi đất hoang hóa.

Cỏ rau trai (Commelina diffusa)

Cỏ dạng bò hoặc đứng, nhiều rễ, nhất niên hoặc đa niên. Thân thường phân cành, không có long.

Lá thẳng, thon dài 3.5- 11cm, rộng 2cm, biến đổi hình dạng theo sự che rợp, có lông ở bìa lá.

Cỏ rau trai

Cỏ rau trai

Là loài rất phổ biến ở đất ẩm  ướt, màu mỡ, vùng đất cây trồng cạn.Hiện nay được khuyến cáo trồng trên vườn cây.

Các bước tiến hành

Đất trồng mới cây có múi cần được giải phóng trước 6 tháng.

Nếu là đất chu kỳ 2 nên trồng 2 - 3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất.

Vệ sinh đồng ruộng, chặt bỏ các cây có múi bị bệnh greening ở vùng xung quanh.

Trồng hàng cây chắn gió tốt nhất nên trồng cây keo tai tượng.

  • Bước 1: Phát hoang xung quanh lô đất

- Chặt bỏ các bụi cây dại xung quanh lô trồng, - Dọn sạch cỏ dại

  • Bước 2: Đánh gốc cây

- Dọn bỏ những gốc cây to trong lô đất bỏ cả gốc, rễ

- Thu gom gốc rễ phơi khô

  • Bước 3: Diệt cỏ dại trong lô trồng

- Sử dụng dụng cụ làm đất, thiết bị thu gom cỏ

- Phơi hoặc ủ phân

- Cày xới diệt các loại cỏ thân ngầm như cỏ cú, cỏ tranh..

2.3. Phân lô

- Vườn phải có quy hoạch thành lô, thửa, tùy theo giống cây có múi(đối với bưởi diện tích mỗi thửa khoảng 1.000m2).

Thiết kế lô, xây dựng hệ thống chống xói mòn, tưới và thoát nước.

2.4. Thiết kế đường giao thông, hệ thống tưới, trồng cây chắn gió

Xung quanh lô, thửa trồng các loại cây chắn gió, che gió như keo, muồng đen, không nên trồng các cây có múi khác. Thiết kế hệ thống mương, rãnh tưới và thoát nước.

Vùng cao không phải đào mương lên liếp, phân lô và được thiết kế theo đồng mức ở đất đồi. Các khu trồng nên có đường đi lại thuận tiện cho việc chăm sóc, xung quanh nên trồng cây chắn gió để che bớt gió, nhất là gió mùa đông bắc lạnh(Miền Bắc), bão(Miền Nam) vào lúc cây có múi trổ hoa.

Thiết kế vùng đồi

Thiết kế vùng đồi

Trên đất đồi nên trồng ở phía nam hay đông nam để tránh gió bắc vào mùa đông(Miền Bắc), gió Lào mùa hè(Miền Trung).

Kích thước lô tuỳ theo từng loại đất, từng giống cây.

Ở vùng đồng bằng như Đồng bằng sông Cửu Long, thiết kế theo mô hình sau:

Mô hình thiết kế vườn cây có múi ở ĐBSCL

Mô hình thiết kế vườn cây có múi ở ĐBSCL

- Xây dựng hệ thống tưới tiêu

Cây có múi(CCM) là loại cây trồng cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn trái phát triển. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho CCM, vào mùa mưa do lượng mưa không phân bố đều, vì vậy vườn cần phải có mương cống để tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, trách ngập úng kéo dài cây có thể chết. - Trồng cây chắn gió

Xây dựng hàng cây chắn gió là yêu cầu cấp thiết đối với việc thiết lập mới một vườn trồng cây có múi. Mục đích của việc trồng cây chắn gió để ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh hại theo gió xâm nhập vào vườn; tạo tiểu khí hậu thích hợp trong vườn, đồng thời hạn chế các mức thiệt hại do gió bão gây hại. Hàng cây chắn gió được trồng xung quanh vườn, các loại cây sử dụng làm cây chắn gió là: Bình linh, dâm bụt, mận, tre... Tùy theo từng vùng mà chọn loại cây chắn gió thích hợp và hiệu quả.

Có thể trổng cây che mát cho cây có múi. Tuy nhiên, cây che mát có thể cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và mang mầm bệnh lây lan cho cây có múi. Vì vậy, trổng hoặc không trồng cây che mát cũng như chọn loại cây che mát cần phải thật sự thận trọng. Việc trồng hàng cây chắn gió đúng cách cũng giữ vai trò quan trọng như hàng cây che mát, cóthể ngăn chặn được một số loài sâu bệnh hại, ngăn cản được những đợt gió mạnh và nóng đặc biệt là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh làm giảm nhiệt độ khi gặp gió Tây nam.

2.5. Thiết kế liếp(ĐBSCL và những vùng đất thấp) và hố trồng

2.5.1. Thiết kế liếp:

Hướng liếp song song hay thẳng góc với bờ bao, để dễ dàng điều tiết nước trong vườn. Bố trí theo hướng Đông- Tây vì cây múi thích bóng râm.

Vườn trồng cây có múi

Vườn trồng cây có múi

Có thể làm líêp đơn hoặc líêp đôi(đơn rộng 2- 5,5m,đôi rộng 7- 12m dài không quá 300m), trên vùng đất như ở vùng ĐBSCL, liếp đôi cần phải đảm bảo độ bằng phẳng của mặt líêp để tránh cho các hàng trồng giữa bị thiếu nước trong mùa khô hay liếp bị ngập úng trong mùa mưa. Nói chung chiều cao liếp phụ thuộc vào đỉnh lũ trong năm, tuy nhiên chiều cao thích hợp ở ĐBSCL là cách mực nước cao nhất trong năm khoảng 30- 50cm, đặc biệt là ở những vùng đất phèn không nên đưa tầng phèn lên trên mặt liếp.

- Các kiểu lên liếp

+ Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu:

Thường những vùng có lớp đất mặt dầy, tốt và lớp đất dưới không xấu lắm(không có phèn) thì kỹ thuật lên liếp theo lối “cuốn chiếu” được áp dụng.

Trong kỹ thuật nầy, lớp đất mặt ở mương thứ nhất được đưa qua líp thứ nhất bên trái. Tiếp đến, lớp dưới đưa trải lên liếp thứ 2 bên phải. Sau đó, lớp đất mặt đào ở mương thứ 2 đưa trải chồng lên mặt líp thứ 2, tiếp đến lớp dưới của mương thứ 2 đưa trải lên líp thứ 3 và lớp dưới của mương thứ 3 đưa trải chồng lên mặt líp thứ 3, lớp dưới của mương thứ 3 đưa trải lên líp thứ tư và cứ như vậy mãi cho đến líp cuối cùng.

Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu

Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu

+ Lên liếp theo kiểu đắp thành băng:

Ở những vùng có lớp đất mặt mỏng nhưng lớp đất dưới lại không tốt lắm, thậm chí có chút ít phèn, thì kiểu lên liếp đắp thành băng hay thành mô thường được sử dụng.

Trong trường hợp đắp thành băng thì lớp đất mặt đào ở mương được trải dài thành băng ở giữa dọc theo liếp, sau đó, lớp đất dưới được đắp vào 2 bên băng.

Lên liếp kiểu đắp thành băng

Lên liếp kiểu đắp thành băng

Lên líp theo kiểu nầy cần lưu ý là lớp đất ở 2 bên băng luôn luôn thấp hơn mặt băng để khi mưa các độc chất không tràn vào băng mà trôi xuống mương và được rửa đi.

Lên líp theo kiểu đắp thành băng thì ngoài cây ăn quả, phần đất còn lại trên băng có thể được trồng xen ngay với các loại hoa màu khác khi cây còn nhỏ, vì đây là phần đất tốt.

+ Lên liếp theo kiểu đắp mô

Trong trường hợp đắp thành mô thì lớp đất mặt được tập trung đắp thành các mô(kích thước, khoảng cách và vị trí các mô trên liếp tuỳ theo loại cây trồng đã định trước), phần đất xấu ở phía dưới được đưa vào phần còn lại của liếp và mặt mô.

Lên liếp theo kiểu đắp mô

Lên liếp theo kiểu đắp mô

2.5.2. Hố trồng:

Ở vùng đất cao trồng bằng hố với kích thước hố đào 40cmx40cmx40cm hoặc 60cmx60cmx60cm.

Ở vùng đồi núi cao cần đào hố sâu hơn, rộng hơn: 70cmx70cmx70cm. Lớp đất đào lên được trộ đều với 30kg phân chuồng hoai mục loại tốt, trộn với 0,2- 0,5kg phân Văn Điển(tecmô phôt phát), với 0,1- 0,2kg sulfat kali(K2SO4). Lấp hố trước khi trồng 15- 20 ngày.

2.6. Các kiểu trồng

Thay đổi tùy theo lọai cây trồng, cần bố trí thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển lâu dài. Có thể trồng dầy trong giai đọan đầu sau đó tỉa bớt khi cây giao tán để giữ khoảng thích hợp cần kết hợp khoảng các với kiểu trồng thích hợp.

- Hình chữ nhật và hình vuông:  Là kiểu trồng phổ biến trên liếp trồng hai hàng theo dạng hình vuông hay hình chữ nhật, kiểu trồng này đễ dàng áp dụng cơ giới hóa và chăm sóc

- Nanh sấu: Được trồng 2 hàng so le, kiểu trồng này thích hợp cho trồng dầy

- Chữ ngũ: Được trồng 3 hàng, hai hàng bìa trồng theo kiểu hình vuông thêm một hàng ở giữa. Kiểu trồng này tăng được 15 % số cây, nhiều hơn so với khiểu hình vuông.

- Tam giác: Được trồng 3 hàng, hai hàng bìa trồng theo kiểu hình chữ nhật thêm một hàng ở giữa. Kiểu trồng này tăng được 50 % số cây, nhiều hơn so với kiểu hình chữ nhật.

Các kiểu trồng cây có múi

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây có múi - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status