Quy trình kỹ thuật bón phân và chăm sóc cây dứa (thơm)
1. Yêu cầu sinh thái đối với cây dứa (thơm)
1.1 Ánh sáng
Về ánh sáng, cây dứa yêu cầu ánh sáng nhiều nhưng thích ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. Thiếu ánh sáng cây mọc yếu, quả nhỏ. Ngược lại nếu ánh sáng quá mạnh kèm theo nhiêt độ cao lá sẽ bị vàng hoặc đỏ, lúc này cần che mát cho dứa. Cây dứa tuy không phải là cây ngày ngắn nhưng người ta thấy rằng giống Cayen nếu thời gian bóng tối kéo dài và nhiệt độ giảm thấp sẽ ra hoa sớm hơn.
1.2. Đất
Cây dứa có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, đồng thời thoát nước tốt trong mùa mưa. Đất nhiều sét, thoát nước chậm, cây dứa sinh trưởng kém và dễ bị bệnh. Thoát nước và tơi xốp là 2 yêu cầu quan trọng nhất đối với đất trồng dứa.
Về độ pH, cây dứa nói chung thích hợp với đất chua, độ pH từ 4.5 đến 5.5, kể cả trên đất phèn có pH bằng hoặc dưới 4 dứa (thơm) vẫn sống tốt. các giống dứa (thơm)
1.3 Khí hậu
dứa là cây ăn quả nhiệt đới, ưa nhiệt độ cao. Phạm vi nhiệt độ thích hợp từ 20 - 30oC. Giống Cayenne chịu lạnh kém hơn giống Queen và các giống địa phương. Ở nhiệt độ cao trên 32oC có thể làm cháy lá và vỏ quả, nhất là giống Cayenne.
1.4. Lượng mưa
Về lượng mưa, cây dứa (thơm) có thể trồng nơi lượng mưa thấp, 600-700 mm/năm với mùa khô dài nhiều tháng cho đến những vùng lượng mưa nhiều tới 3500-4000 mm/ năm. Quan trọng nhất là lượng mưa phân bố hàng tháng, khoảng 80-100 mm được coi là đầy đủ, không cần tưới thêm
2. Nhu cầu dinh dưỡng và quy trình bón phân cho cây dứa (thơm, khóm)
2.1 Nhu cầu dinh dưỡng của cây dứa (thơm)
Nhu cầu dinh dưỡng của cây dứa: Dứa là cây cho sinh khối lớn, để có được năng suất 80 tấn quả/ha đã lấy đi từ đất 646 kg N, 367 kg P2O5, 1.570 kg K2O, 190 kg CaO, 225 kg MgO, 4.026 kg SiO2, 2,24 kg Fe, 1,8 kg Zn, 0,5 kg Bo.
Như vậy dứa không những cần dinh dưỡng đa lượng (NPK theo tỷ lệ 1,0-0,3-2,0 mà còn cần các chất dinh dưỡng trung lượng rất lớn như silic (SiO2) đến 1.570 kg/ha, magie (MgO) 225 kg/ha, canxi (CaO) 190 kg/ha và các chất vi lượng như 1,8 kg kẽm (Zn), 0,5 kg Bo (B).
Trong thời gian đầu sau khi trồng khoảng 5 - 6 tháng nhu cầu dinh dưỡng không lớn, chỉ khoảng 10% tổng số chất dinh dưỡng cây cần trong suốt chu kỳ sống. Sau khi cây đã mọc tốt, nhu cầu chất dinh dưỡng tăng rất nhanh, đặc biệt là Kali (gấp 4 - 5 lần so với đạm).
2.2 Quy trình bón phân cho cây dứa (thơm)
Bón lót: bón trước khi trồng 3 - 4 ngày
+ Phân chuồng hoai: 10 tấn/ha (500kg/500m2; 360kg/360m2)
+ Hỗn hợp trung, vi lượng chuyên dùng cho cây dứa (thơm) (nên sử dụng sản phẩm gốc Chelate)
+ Đạm Urea: 120 - 140kg/ha (6 - 7kg/500m2; 4 - 5,5kg/360m2)
+ Lân nung chảy (Hoặc Supe lân): 180 - 220 kg/ha (9 - 11kg/500m2; 7 - 9kg/360m2)
+ Kali Sunphat (hoặc Kali Clorua): 170 - 190kg/ha (8,5 - 9kg/500m2; 6 - 7kg/360m2)
* Nên dùng Kali sunphat thay cho Kali Clorua
Cách bón: Trộn đều các loại phân NPK và phân trung, vi lượng trước khi bón; bón NPK và phân chồng hoai sau đó rải một lớp đất mỏng trước khi đặt chồi dứa.
Bón (tưới) thúc lần 1: 2 - 3 tháng sau khi trồng (khi dứa (thơm) bén rễ) - lưu ý: không dùng Kali Clorua
+ Đạm Urea: 130 - 150kg/ha (6,5 - 7,5kg/500m2; 4,5 - 5,5kg/360m2)
+ Kali sunphat: 60 - 100kg/ha (3 - 5kg/500m2; 2 - 4kg/360m2)
Bón (tưới) thúc lần 2: 5 - 6 tháng sau khi trồng,
+ Đạm Urea: 200 - 250kg/ha (10 - 12,5kg/500m2; 7 - 9kg/360m2)
+ Kali sunphat: 60 - 100kg/ha (3 - 5kg/500m2; 2 - 4kg/360m2)
Bón (tưới) lần 3: trước khi xử lý ra hoa 2 tháng bón như lần 1.
+ Đạm Urea: 130 - 150kg/ha (6,5 - 7,5kg/500m2; 4,5 - 5,5kg/360m2)
+ Kali sunphat: 120 - 160kg/ha (6 - 8kg/500m2; 4 - 6kg/360m2)
- Không nên bón đạm (N) sau khi cây đã có quả.
Có thể phun bổ sung công thức 50gr hỗn hợp N-P-K-MgO theo tỷ lệ 10 - 0 - 0 - 16 MgO + 10gr NaCaB5O9 + 10gr Ca(NO3)2 trong bình phun 8 lít nước, 1 tháng phun một lần. Ngừng phun cho cây trước khi hoa nở.
3. Tưới nước và quản lý độ ẩm cho cây
Ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam từ tháng 11 đến tháng 5, ở miền Trung khoảng tháng 6 - 7 - 8 vào thời gian này cần tưới nước cho cây định kỳ 3lần/tháng và giữ ẩm gốc dứa (thơm) bằng màng phủ đất, rơm rạ, cỏ khô…
4. Diệt cỏ
- Dùng thuốc hoá học: sử dụng Diuron 2 - 3kg/ha, lượng nước phun thuốc thường 1000 - 3000 lít. Dung dịch thuốc phun trải đều trên bề mặt đất.
- Có thể dùng máy cắt cỏ.
Biện pháp canh tác: Mặt líp trồng cần cày xới chôn vùi gốc cỏ, đất được phơi nắng ít nhất 1 - 2 tháng. Trước khi trồng bề mặt líp được phủ kín bằng rơm, xác bã thực vật, hoặc mũ bạt nilon. đối với vùng dứa miền Trung và các tỉnh phía Nam, bức xạ mặt trời tốt nên trồng đúng mật độ để hạn chế cỏ dại mọc chen vào giữa.
5. Tỉa chồi, cắt lá, định chồi
5.1 Tỉa chồi: áp dụng trên 2 loại chồi cuống và chồi ngọn.
- Chồi cuống hình thành tồn tại cùng với quả có thể dùng tay hoặc dao tách nhẹ vào giai đoạn các mắt dứa ở đáy quả bắt đầu phát triển.
- Chồi ngọn: Việc khống chế được thực hiện 2 tháng trước khi thu hoạch (lúc kích thước đạt 1/4 đến 1/2 kích thước quả) dùng phương pháp phá huỷ đỉnh sinh trưởng bằng móc sắt hay nhỏ 2 giọt axit HCl hoặc 2 giọt dầu hoả vào chồi non.
5.2 Cắt lá, định vị chồi:
Sau khi thu hoạch vụ dứa tơ, kết hợp cắt bớt lá già cách gốc 20 - 25cm. Chỉ để lại một chồi bên gần mặt đất nhất và mọc hướng vào bên trong hàng kép.
6. Xử lý dứa (thơm) ra hoa trái vụ
6.1 Thời điểm xử lý
Xác định thời điểm xử lý bằng 3 cách:
- Tính tuổi cây từ khi trồng đến khi xử lý.
- Đếm số lá vào thời điểm xử lý.
- Đo chiều cao tối đa của cây dứa.
Sự ra hoa của cây dứa (thơm) phụ thuộc vào kích thước và mức phát triển của cây. Chiều cao của dứa (thơm) Cayen phải đạt 0,8 - 1m, với tổng số lá đạt 38 - 40. Đối với dứa (thơm) Queen 70 - 80cm và có 30 - 35 lá. Tỷ lệ ra hoa sẽ thấp nếu nhiệt độ vượt quá 29oC, tốt nhất là nên xử lý vào ban đêm hoặc sáng sớm. Cần thiết ngừng bón phân từ 1,5 - 2 tháng trước khi xử lý, đặc biệt là phân đạm. Trường hợp xử lý xong gặp mưa to, thì phải xử lý lại.
6.2 Hoá chất và cách xử lý
Hoá chất và cách xử lý như sau:
- Có thể sử dụng đất đèn (CaC2) ở 2 dạng: hoà vào nước, nồng độ 1,0 - 1,5% phun trực tiếp vào nõn (khoảng 40 - 50ml dung dịch cho 1 cây) hoặc đập nhỏ thành viên (khoảng 1,0 - 1,5gr/viên) bỏ trực tiếp vào nõn dứa sau khi đã tưới nước. Xử lý vào ban đêm cho tỷ lệ ra hoa đạt cao nhất.
- Đối với ethrel (còn gọi là ethephon) chỉ sử dụng dạng dung dịch, pha ở nồng độ 0,5% trộn thêm 1,5% urê phun đều cho toàn cây, lượng phun khoảng 2000 lít/ha. Xử lý khi trời dâm mát hoặc xử lý vào ban đêm.
7. Chống cháy nắng trên quả
Giai đoạn quả phát triển gặp ánh sáng có bức xạ quá cao vỏ quả sẽ bị cháy vàng trước khi quả chín, nên bố trí trong lô dứa hàng cây phân xanh thân gỗ che bóng kết hợp sử dụng cỏ khô, rơm, năng... đậy trên chồi ngọn đối với nhóm dứa Queen. Lá của dứa Cayenne khá dài nên có thể kéo nhiều lá lên trên đỉnh quả dùng dây buộc túm lại.
-
Kỹ thuật chuẩn bị cây dứa (thơm) con để trồng
Qua bài viết này, bạn đọc sẽ chọn được cây dứa giống có tiêu chuẩn tốt, biết được cách chuẩn bị cây giống và xử lý giống trước khi trồng...
-
Kỹ thuật trồng cây dứa (thơm)
Trong bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu được cách tạo lỗ/rãnh trồng; đặt cây vào lỗ trồng; lấp đất cho gốc cây; tưới nước; phủ (tủ) gốc cho cây sau trồng...