Một số sâu bệnh hại phổ biến trên cây sắn (khoai mì) và cách phòng trừ hiệu quả
1. Rệp sáp bột hồng hại cây sắn (Phenacoccus manihoti)
1.1. Đặc điểm hình thái của rệp sắp bột hồng gây hại trên cây sắn
+ Rệp non màu hồng, có 3 tuổi, râu đầu của rệp non tuổi 1 có 6 đốt, các tuổi tiếp theo có 9 đốt.
+ Rệp trưởng thành cơ thể có dạng hình trứng, màu hồng và bao phủ bởi lớp sáp bột màu trắng; mắt hơi lồi; chân rết phát triển, cơ thể mang nhiều các tua sáp trắng rất ngắn ở phần bên mép thân và đuôi. Đôi tua sáp ở đuôi dài hơn các tua sáp khác. Chính điều này làm cho cơ thể rệp nhìn bên ngoài như có gai. Kích thước rệp trưởng thành dài khoảng 1,0 - 2,60mm rộng khoảng 0,5 - 1,4mm. Râu đầu thường có 9 đốt.
+ Trứng hình o-van thuôn, lúc mới đẻ màu trong hơi vàng sau chuyển thành màu hồng vàng, kích thước dài : 0,30 - 0,75mm, rộng 0,15 - 0,30mm. Trứng nằm trong các túi trứng bao phủ kín bằng lông mịn và nằm ở điểm cuối phía sau của trưởng thành cái.
Rệp sáp bột hồng hại sắn
1.2. Đặc điểm sinh học của rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn
+ Ở điều kiện nhiệt độ môi trường khoảng 28oC, thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành đẻ trứng khoảng 33 ngày (vòng đời).
+ Mỗi trưởng thành cái có thể đẻ 300 – 500 trứng.
+ Rệp sáp bột hồng hại sắn phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô và các tháng có lượng mưa thấp (< 30mm).
+ Trong quá trình sinh sống Rệp sáp bột hồng sống cộng sinh với một số loài kiến; Rệp phát sinh phát triển mạnh trong các tháng mùa khô.
+ Cũng như một số loài rệp sáp giả khác, Rệp sáp bột hồng có khả năng sinh sản đơn tính, trưởng thành cái không cần giao phối vẫn có thể đẻ trứng và trứng vẫn nở thành con.
1.3. Triệu chứng và tác hại của rêp sáp bột hồng đối với cây sắn
Rệp sáp bột hồng gây hại điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn, cây lùn. Trên lá, Rệp bám ở mặt sau lá, gây hại làm các lá sắn bị xoăn, biến vàng. Khi bị nhiễm với mật độ cao, toàn bộ lá cây bị rụng, cây chết và làm năng suất củ giảm tới 80%.
1.4. Biện pháp phòng trừ Rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn
Rệp sáp bột hồng có thể được phát tán qua các nguồn: hom giống, phát tán theo gió, lan theo nguồn nước, kiến, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển… Vì thế cần phải:
+ Thu gom tàn dư sau thu hoạch, diệt nguồn Rệp trên đồng ruộng.
+ Không vận chuyển cây sắn từ vùng nhiễm Rệp sáp bột hồng sang các vùng khác.
+Sử dụng hom giống sạch bệnh, có tính kháng bệnh.
+Thường xuyên theo dõi đồng ruộng , tiến hành tiêu hủy ổ rệp triệt để theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật: Khoanh vùng những diện tích bị nhiễm, thu gom cây bị nhiễm, áp dụng các biện pháp (đốt, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho toàn bộ diện tích nhiễm và lân cận). Có thể sử dụng các loại thuốc có các hoạt chất Thiamethoxam hàm lượng 350g/l, dạng thành phẩm SC; Imidacloprid hàm lượng 25%w/w, dạng thành phẩm WP; Nitenpyram hàm lượng 50% w/w, dạng thành phẩm; Dinotefuran hàm lượng 20% w/w, dạng thành phẩm WP. Sử dụng theo nồng độ khuyến cáo với lượng dung dịch nước thuốc đã pha là 600 lít/ha để xử lí hom giống và nguồn bệnh.
+ Tạo vườn sắn thông thoáng. Bón phân đầy đủ ,cân đối.
+ Bảo vệ thiên địch (bọ rùa, bọ cánh gân, ong ký sinh…), nhân thả ong ký sinh Apoanagyrus lopezi, sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát Rệp.
2. Sùng trắng gây hại trên cây sắn
2.1. Đặc điểm hình thái của sùng trắng gây hại trên cây sắn
Sùng trắng là ấu trùng của bọ hung (Bọ hung đen – Allissonotum impressicolle, bọ hung nâu - Holotrichia sinensis; Bọ hung xanh - Anomata sp) .
+ Trưởng thành: Khi mới vũ hóa có màu nâu nhạt đến đen óng ánh, kích thước 15 – 20 mm, ban ngày chui xuống đất, chập tối bay ra ăn hại, sáng lại chui xuống đất. Con trưởng thành đẻ trứng trong đất, phân chuồng, thảm thực bì mục nát. Trưởng thành, sau vũ hóa 1-2 ngày đẻ trứng (thường vào cuối mùa khô đầu mùa mưa)
+ Trứng hình bầu dục có màu trắng nằm ở độ sâu 5 - 10mm, mặt ngoài của trứng có vân ngang, mới đẻ có màu trắng nhạt – xám. Trứng được đẻ từng quả hoặc nhóm quả, sau 2 -3 tuần trứng nở.
+ Sâu non có màu trắng xám đến trắng sữa, đẫy sức dài 19-25mm và có 3 tuổi. Sâu ít chân, hình chữ C, đốt cuối bụng của sâu non có nhiều gai và xếp không tạo hình nhất định. Sâu non thường cắn phá bộ rễ ở độ sâu từ 5 - 25cm. Râu ngắn nhưng chân và hàm rất khỏe để đào xuống đất và cắn phá rễ.
+ Nhộng hình trái xoan có màu nâu vàng, nằm dưới lớp đất mát mẻ hoặc được che phủ bởi các xác thực vật.
Sùng trắng
2.2. Triệu chứng gây hại của sùng trắng trên cây sắn
- Thời kỳ sâu non, các ấu trùng bọ hung sống dưới mặt đất, thường cắn phá rễ cây làm cho rễ mọc kém, lá vàng úa, cây chậm phát triển, nếu bị hại nặng cây có thể chết do bị cắn hết rễ, ấu trùng tuổi lớn ăn cả phần thân gỗ của rễ. Thời kỳ đầu gây hại thường không phát hiện được chỉ đến khi cây đã biến màu hoặc chết mới phát hiện..
- Ngoài tác hại trực tiếp, sùng trắng còn là môi giới truyền bệnh virus hại cây trồng. Thường gây thiệt hại nặng ở các vườn ít được xới xáo, thu dọn lá mục để tiêu hủy.
- Sùng trắng thường phá hại từ tháng 4 đến tháng 11 năm sau nhưng phát triển và gây hại nặng nhất vào thời điểm tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Bọ hung thường sinh sôi mạnh trên đất cát, đất thịt nhẹ và các vùng đất khô cằn, thiếu nước.
2.3. Biện pháp phòng trừ sùng trắng gây hại trên cây sắn
- Làm đất - vệ sinh vườn thật kỹ: Cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại để hạn chế sự tồn tại của nguồn sâu hại trước khi trồng.
- Thường xuyên xới xáo, vun gốc định kỳ 2 tháng 1 lần tạo môi trường sống bất lợi cho ấu trùng.
- Không sử dụng phân trâu bò tươi để bón vì đây là điều kiện để dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng phá hoại cây trồng.
- Trồng xen khoai lang trong vườn để thu hút sùng trắng tập trung gây hại trên khoai lang sẽ làm giảm mật độ sùng tấn công trên cây trồng chính.
- Dùng phân chuồng để làm bẫy dẫn dụ bọ hung đến đẻ trứng, thu bẫy đốt hoặc ngâm nước để tiêu diệt.
- Trồng xung quanh vườn loài hoa dã quỳ có tác dụng xua đuổi sự gây hại của sùng trắng.
- Thu bắt tiêu diệt sùng trắngkhi làm cỏ, xới xáo vườn trong quá trình chăm sóc.
- Sử dụng bẫy đèn để thu bắt trưởng thành.
- Có thể dùng một số hoạt chất sau để phòng trừ: Chlorpyrifos Ethyl+Permethrin, Dimethoate, Fipronil, Rotenone+ Saponin. Xử lý thuốc khi sùng tuổi nhỏ (tuổi 1-2) mới có hiệu quả.
4. Bệnh khảm vi –rút gây hại trên cây sắn
4.1.Triệu chứng gây hại
Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm.
Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ 2 tháng tuổi trở đi cho thấy virus lây nhiễm từ khi cây sắn còn non.
4.2. Cơ chế lan truyền bệnh
Virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) lan truyền qua 2 con đường:
- Qua hom giống: nguồn bệnh tồn dư trong thân lá, củ sắn sau thu hoạch, tồn dư trên đồng ruộng nếu không được xử lí triệt để sẽ trở thanh mầm mống gây bệnh
- Qua môi giới truyền bệnh: Virus SLCMV lan truyền qua bọ phấn trắng (Bemisia tabaci)
4.3. Biện pháp phòng trừ
- Chỉ sử dụng giống (hom) sạch bệnh, có đặc tính kháng bệnh
- Bón phân cân đối tăng cường sức khỏe cho cây;
- Luân canh với cây trồng họ đậu, không nên độc canh;
- Thăm và kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh;
- Phòng trừ bọ phấn trắng bằng các loại thuốc như: Ikuzu 20WP (320g/ha) và Longanchess 750WP (300g/ha) phun đều trên tán lá.
3. Bệnh chổi rồng trên cây sắn
3.. Triệu chứng của cây sắn bị bệnh chổi rồng
- Giai đoạn cây con:
Hom giống bị nhiễm bệnh sau khi trồng lên mầm kém, sinh trưởng kém, lóng thân ngắn, lá ngắn và nhỏ. Chồi ngọn rụt ngắn lại, cây thấp lùn, các mầm ngủ trên thân mọc nhiều chồi, cây sinh trưởng kém, lá chuyển màu vàng, rụng hoặc chết khô.
Khi bệnh nặng bên trong thân gỗ của cây và hom sắn thâm đen, phần bấc trong thân cây chuyển màu nâu vàng, sau đó cây héo dần, rụng lá và chết cả cây.
- Giai đoạn cây sắn chín chờ thu hoạch:
Những cây nhiễm bệnh nhẹ, mặc dù cây sinh trưởng bình thường nhưng đến thời kỳ thu hoạch ngọn cây bị chết khô, phần thân đoạn dưới bị chết, các chồi mọc thành dạng chùm, hình dạng dù, biểu hiện sinh trưởng của từng chồi giống như triệu chứng của giai đoạn cây con nhiễm bệnh chổi rồng, cây sắn ít củ và củ nhỏ hơn cây bình thường.
2.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh
- Bệnh do Phytoplasma (Candidatus phytoplasma aurantifolia) gây ra. Theo tài liệu nghiên cứu trên thế giới, phytoplasma còn gây hại trên các loài thực vật khác như cây hoa cẩm quỳ (Malvaviscus arborrus), dâm bụt (Hibicus rosasinensis), chanh leo (Passiflora)...
- Bệnh chổi rồng hại sắn lan truyền chủ yếu qua 2 con đường:
+ Hom giống đã nhiễm bệnh
+Môi giới truyền bệnh là loài rầy (Hishimonus phycitis Distant)
- Bệnh thường xuất hiện gây hại vào đầu mùa mưa (tháng 5-6) và phát triển mạnh vào các tháng 1, 3 năm sau.
- Bệnh gây hại nặng trên giống sắn KM 94 và hại nặng ở những vườn sắn không đầu tư chăm sóc. Dùng hom giống bị bệnh để làm giống.
- Giai đoạn cây sắn chín chờ thu hoạch bệnh nặng hơn giai đoạn cây sắn non. Bệnh gây hại nặng trên những rẫy sắn không có điều kiện thu hoạch để qua 2 năm.
2.5. Biện pháp phòng trừ:
- Sử dụng giống sạch bệnh và giống có tính chống chịu sâu bệnh cao như KM140, KM98-5, SM937-26
- Vườn bị bệnh, thu gom đốt triệt để thân và tàn dư của cây sắn bị bệnh để tiêu diệt nguồn bệnh, luân canh với cây trồng khác từ 1-2 năm, sau đó mới trồng lại sắn.
- Đối với diện tích sắn non, giai đoạn phát triển thân lá bị nhiễm bệnh nhẹ, cần nhổ tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế sự lây lan.
- Bón phân thúc đầy đủ và cân đối N, P, K theo qui trình, trồng sắn xen lạc hoặc cây họ đậu để bổ sung dinh dưỡng cho đất, hạn chế xói mòn rửa trôi đất.
- Luân canh cây sắn với cây trồng khác phù hợp như ngô, đậu đỗ, … không nên trồng sắn độc canh trên một chân đất quá 2 vụ.
- Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây sắn để phòng trừ kịp thời, đặc biệt với rầy môi giới truyền Phytoplasma.
-
Kỹ thuật canh tác cây sắn (khoai mỳ)
Hệ số nhân giống của sắn rất thấp (1 : 10), do đó khi có được giống sắn có năng suất cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng cần phải nhân nhanh giống sắn đó,...
-
Tìm hiểu các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây sắn (khoai mì)
Một trong những đặc điểm của cây trồng này là quá trình sinh trưởng và phát triển củ diễn ra đồng thời, do đó việc phân chia các giai đoạn sinh trưởng, phát triển...
-
Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây sắn (khoai mì)
Với năng suất ở mức độ vừa phải, sắn có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng không lớn lắm. Với năng suất 10 tấn củ/ha sắn lấy từ đất 54kg N; 19kg K2O; 60kg K2O...
- Sử dụng phân bón và chất dưỡng trái cho cây hồ tiêu giai đoạn nuôi trái
- Hướng dẫn chi tiết cách ủ phân chuồng bằng humic hiệu quả
- Bí quyết giữ hoa không rụng trong điều kiện nắng nóng
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón