Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây sắn (khoai mì)

Cây trồng liên quan: Cây sắn (cây khoai mỳ)

1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây sắn

Ở một số vùng cây sắn hiện và sẽ là cây lương thực trong một thời gian sắp tới. Sắn dần chuyển thành loại cây công nghiệp tạo ra bột làm nguyên liệu để chế biến bột ngọt và sử dụng trong một số ngành công nghiệp. Đến nay, ở nhiều nơi nông dân trồng sắn không bón phân, nhưng rõ ràng là việc bón phân cho sắn là cần thiết để có năng suất sắn cao và bảo vệ độ phì nhiêu của đất.

Cây sắn (khoai mì)

Cây sắn (khoai mì)

Với năng suất ở mức độ vừa phải, sắn có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng không lớn lắm. Với năng suất 10 tấn củ/ha sắn lấy từ đất 54kg N; 19kg K2O; 60kg K2O. Nhưng nếu toàn bộ thân lá sắn được trả lại cho đất thì 10 tấn củ sắn chỉ lấy đi 18kg N; 10kg P2O5; 33kg K2O.

Cũng như các loại cây có củ khác, sắn là loài cây có nhu cầu cao đối với kali. Bón kali kết hợp với đạm luôn làm tăng năng suất sắn một cách đáng tin cậy.

Trên đất feralit phát triển trên nền phù sa cổ, bón kali với lượng 80 - 160kg K2O/ha làm tăng năng suất sắn 4,7 - 6,1 tấn trên 1ha. Trên đất phiến thạch sét, với lượng bón 50 - 100kg K2O, năng suất sắn tăng lên 29 - 35%. Đất bazan là đất nghèo kali, cho nên bón kali làm tăng năng suất sắn rất cao, có thể đạt đến 9 - 12,6 tấn tùy theo lượng kali được bón.

Kali là yếu tố hạn chế năng suất hàng đầu đối với sắn. Bình quân năng suất sắn tăng thêm do bón kali là 2,7 - 12,6 tấn/ha với hiệu suất của 1kg clorua kali là 30 - 60kg củ sắn.

Đạm là yếu tố dinh dưỡng cần thiết đối với sắn. Nhưng đạm chỉ có thể phát huy hiệu lực trên nền có bón kali. Năng suất tăng lên do bón đạm là 1,7 - 3,4 tấn củ tươi trên 1 ha.

Lân là yếu tố dinh dưỡng ít ảnh hưởng đến năng suất của sắn. Tuy vậy, vẫn cần phải bón lân ở mức cần thiết để cân đối với đạm và tạo điều kiện phát huy hiệu lực của đạm và kali.

Phân hữu cơ có hiệu lực rất cao đối với sắn. Trong trường hợp có điều kiện cần bón các loại phân xanh để làm tăng năng suất sắn và góp phần bảo vệ, cải thiện độ phì nhiêu của đất. Hiệu suất của 1 tấn phân hữu cơ là 500 - 800kg củ sắn.

2. Hướng dẫn kỹ thuật bón phân cho cây sắn đạt năng suất cao

Lượng phân bón có hiệu quả nhất đối với sắn là:

+ Phân đạm: 130 - 150kg ure.

+ Phân lân: 180 - 200kg supe lân hoặc tecmophotphat

+ Phân kali: 100 - 120kg clorua kali.

Tính ra chất dinh dưỡng là: 60 - 70kg N; 30 - 40kg P2O5; 60 - 70kg K2O trên 1 ha trồng sắn.

Ở trên đất các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, lượng phân bón cho sắn nên là: 5 tấn/ha phân chuồng + 1 tấn Dolomit để bổ sung Mg và Ca + 60kg N P2O5 + 75kg K2O.

Trên đất xám miền Đông Nam bộ, nơi đất thường nghèo kali lượng phân bón cho sắn là: 60 - 70kg N + 60kg P2O5 + 120kg K2O. Để có thể đạt năng suất sắn cao hơn có thể nâng lượng phân lên là: 120kg N + 10kg P2O5 + 180kg K2O/ha

Cách bón được thực hiện như sau:

- Bón lót toàn bộ phân chuồng và lân

- Bón thúc lần 1: 2/3 N + 1/3 K2O bón sau khi mọc 15 ngày.

- Bón thúc lần 2: 1/3 N + 2/3 K2O bón sau khi mọc 45 ngày.

Nguồn: GS.TS Dương Hồng Dật (Cẩm nang phân bón - NXB Hà Nội)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status