Kỹ thuật chăm sóc thời kỳ ra hoa địa lan

Kỹ thuật chăm sóc thời kỳ ra hoa địa lan

1. Đặc điểm thời kỳ ra hoa

Muốn điều tiết được thời kỳ ra hoa của địa lan cần phải hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến ra hoa của nó. Các nghiên cứu chứng minh rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ra hoa của địa lan và tác dụng của chúng hết sức phức tạp. Ngoài các yếu tố khí tượng còn liên quan đến nước, phân bón và trạng thái sinh trưởng của cây.

- Sự hình thành mầm hoa của địa lan có liên quan mật thiết đến trạng thái dinh dưỡng của cây. Cây khỏe mạnh là tiền đề cho địa lan mang hoa và nở hoa được bình thường, vì thời gian mang hoa của địa lan khá dài, vào khoảng 8 tháng cho nên nó đòi hỏi phải có nhiều dinh dưỡng hơn các loài hoa khác.

- Cây khỏe mạnh thân giả to dự trữ được nhiều dinh dưỡng, cành hoa dài và nhiều hoa, chất lượng tốt. Chăm sóc cây lúc này chủ yếu là bón phân hợp lý, tia mầm, khống chế sinh trưởng dinh dưỡng tăng sinh trưởng sinh thực.

- Đối với cây lan trưởng thành tháng 1-6 là thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, lúc này bón đạm là chính làm cho cây sinh trưởng khỏe, từ tháng 6-10 cây bắt đầu chuyển sang sinh trưởng thực cần bón tăng lân và kali, giảm đạm nhằm thúc đẩy phân hóa mầm hoa.

- Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng ở mùa xuân, hè cần tiến hành tỉa mầm, mỗi một giả hành chỉ nên để lại 1-2 mầm nách phát dục bình thường sinh trưởng khỏe mạnh, làm như vậy sẽ giảm bớt lượng dinh dưỡng bị tiêu hao, thúc đẩy sinh trưởng sinh thực. Thời gian phân hóa mầm hoa cần phải khống chế nước đảm bảo cho giá thể khô, giảm lượng nước trong tế bào, tăng cường độ dịch tế bào, khống chế sinh trưởng dinh dưỡng, làm như vậy cũng sẽ thúc đẩy được phân hóa mầm hoa và chùm hoa vươn dài, giúp cho cây lan sớm ra hoa.

2. Chăm sóc lúc ra hoa

Người ta thường nói nghìn ngày trồng hoa, một giờ ngắm hoa để nói rằng kỹ thuật thúc cây ra hoa không dễ, thực tế chứng minh, qua điều tiết, chăm sóc tỷ mỷ không những thuc đẩy cho cây lan ra nhiều hoa, hình dạng đẹp, màu sắc rực rỡ, hương thơm đậm đà mà còn kéo dài được thời gian ra hoa, cành hoa đẹp.

- Điều tiết ánh sáng

Từ khi cây địa lan mang nụ đến ở hoa phải mất vài tháng cho nên phải thường xuyên di chuyển chậu hao sao cho cây lan thường xuyên nhận được ánh sáng, tránh tình trạng hoa lá mọc lệch làm ảnh hưởng đến giá trị trang trí của cây hoa. Khi hoa nở tùy theo tình hình cụ thể mà đưa cây hoa vào chỗ râm mát nhưng vẫn nhận được ánh sáng tán xạ, tránh ánh sáng mạnh, trực tiếp làm tổn thương hoa làm cho lai bị héo, mất màu, chóng tàn.

- Điều chỉnh độ ẩm

Thời kỳ ra hoa của địa lan rất mẫn cảm với độ ẩm của giá thể. Giá thể quá khô phần mềm của rễ bị héo, hoa khó phát triển, hoa nở cũng không bình thường. Nhưng nếu như tưới nước quá nhiều hoặc đọng nước mưa, rễ thiếu oxy sẽ bị thối, bệnh xâm nhập làm cho cành hoa ngừng phát triển, nụ bị rụng. Bởi vậy việc cấp nước cho lan lúc này phải căn cứ vào tình hình cụ thể của giá thể để tưới. Nếu như gặp lúc thời tiết đặc biệt như nhiệt độ cao, khô hanh gió lớn có thể cải thiện môi trường bằng cách phun mù. Nên giữ cho lá sạch bóng, không được phun nước trực tiếp vào hoa.

- Bổ sung dinh dưỡng

Địa lan từ khi mang nụ cho đến kết thúc ra hoa cần tiêu thụ một lượng dinh dưỡng lớn,d đặc biệt là các nguyên tố có liên quan đến ra hoa như lân, kali, cần phải bổ sung ở các giai đoạn khác nhau. Thông thường từ lúc phân hóa mầm hoa đến khi bắt đầu ra hoa, mỗi tháng phun KH2PO4 một lần với nồng độ 0,1% - 0,2%.

- Bảo vệ cây

Cần chú ý các việc sau:

+  Chú ý phòng chống rét, phần lớn địa lan đều ra hoa vào đông xuân nên rất dễ bị gió lạnh, sương muối gây hại cho nên phải tiến hành hàng loạt các biện pháp phòng chống rét như gió Tây Bắc hoặc đưa vào phòng ấm mới có thể đảm bảo ra hoa bình thường.

+  Giữ cho cành hoa đứng thẳng. Địa lan có nhiều hoa, chùm hoa to nếu như thấp cành hoa bị nghiêng phải lập tức cắm cọc chống đõ.

+  Tác động cơ giới: va chạm của người, gia súc, phun thuốc diệt khuẩn để phòng chống bệnh hại.

+ Tia hoa đúng lúc

Địa lan từ khi ra nụ đến hoa nở tiêu hao nhiều dinh dưỡng, do vậy cũng cần một lượng dinh dưỡng lớn. Khi trồng lan nên tránh để cây lan kéo dài thời gian ra hoa, nên tỉa bớt những nụ xấu và hoa đã tàn nhằm giảm bớt lượng dinh dưỡng bị tiêu hao. Đồng thời khi hoa đã nở hoàn toàn có thể cắt cả cành hoa cắm vào lọ để nhằm giúp cho cây có thể sớm nảy mầm, làm như vậy rất có lợi cho sự sinh trưởng và ra hoa của cây năm tới.

- Chăm sóc sau khi cắt hoa

Cần xem xét cụ thể để xác định xem nên giữ nguyên chậu cũ hay là chậu khác to hơn hoặc tách cây hoặc dồn vào và lập kế hoạch chăm sóc.

+ Thông thường nếu như một chậu chỉ có 2-3 cây, cây sinh trưởng khỏe, giả hành vẫn bình thường, giá thể còn tốt thì không nên đổi chậu, chỉ cần chăm sóc nước phân đầy đủ và phòng trừ sâu bênh hại kịp thời, bón phân theo định kỳ mỗi tháng tỉa mầm một lần cho đến trước khi ra hoa, làm như vậy có tác dụng tập trung dinh dưỡng, cây mập năm sau sẽ ra nhiều hoa và hoa đẹp.

+ Nếu như sau khi hái hoa mà trong chậu có 3-4 cây hoàn toàn khỏe mạnh và choán hết mặt chậu, không còn chỗ nào cho cây mới mọc, hoặc mặc dù bề mặt chậu vẫn còn rộng nhưng phía dưới không còn không gian cho rễ phát triển, cần phải thay bằng chậu to hơn. Chậu dùng để thay phải rửa sạch khử trùng, dưới lót bằng ngói vỡ, đá dăm cho dễ thoát nước, trên phủ 1 lớp giá thể và chất dinh dưỡng hữu cơ, nên sử dụng phân phân giải chậm sẽ tốt cho sinh trưởng của cây. Sau đó chuyển cả khóm sang chậu mới đã chuẩn bịm, điều chỉnh sao cho mầm non có không gian phát triển, đưa giá thể vào xung quanh, dùng que chọc xuống lấp đầy 1/3 thân giả, cách mép chậu chừng 2-3cm.

+ Nếu như sau khi thu hoa trong chậu có trên 4 cây khỏe mạnh hoặc thân giả không lá đầy chậu, không còn chỗ cho mầm dưới phát triển, hoặc do chăm sóc không tốt, cây không có khả năng nảy mầm, nhiều cây nhưng yếu, giá thể mục nát biến chất, cần phải tách cây thay chậu ngay hoặc dồn chậu. Thông thường dùng dao sắc cắt đi khoảng 1/3 rễ, cắt bỏ lá già, vẩy bám trên thân, sau đó căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định tách cây to nhỏ. Dù là khóm to hay nhỏ, mỗi khóm nên có cây mẹ đã có hoa và những cây sinh trưởng khỏe mạnh chưa ra hoa đang nảy mầm, đồng thời tỉa hết những cây yếu và mầm yếu, mỗi cây chỉ cần giữ lại 1-2 mầm khỏe là có thể giúp chậu đảm bảo năm sau có được 2 cây ra hoa. Dùng thuốc tím 0,5% để ngâm rễ chừng 5-10 phút, sau đó bỏ ra đặt ở chỗ râm mát cho khô rồi đem trồng vào chậu, mỗi chậu giữ 1/3 thân cũ, trồng bổ sung cây mới, sau đó trồng tưới nước xối mạnh cho tạp chất trong chậu theo nước trôi xuống đáy chậu trôi ra ngoài. Sau trồng một tuần tưới nước bằng cách phun vào lá chờ cho rễ mới phát sinh rồi mới tiến hành bón phân tưới nước.

+ Dù là đổi chậu hay tách cây, để đảm bảo cho cây chóng hồi phục sinh trưởng nhanh, ngoài việc định kỳ bón phân còn phải phun định kỳ 10 ngày 1 lần bằng ure 0,1% và super lân 0,2%, đồng thời định kỳ tỉa mầm, giữ lại những mầm khỏe mạnh. Trong điều kiện bình thường mỗi năm mọc mầm 2 lần, phần lớn vào mùa xuân va hè nhưng nhiều mầm dinh dưỡng cho nên chỉ giữ lại khoảng 3 mầm là đủ, còn những mầm phát sinh vào mùa thu có cả mầm dinh dưỡng và mầm hoa vì vậy phải chờ đến khi có thể phân biệt được mầm hoa và mầm dinh dưỡng sẽ chọn giữ lại những mầm hoa khỏe mạnh, bỏ hết các mầm dinh dưỡng và mầm hoa yếu ớt nhằm tập trung dinh dưỡng cần thiết cho ra hoa.

3. Phòng chống giá rét

+ Mùa đông, nhiệt độ thấp, gió to khô hanh khiến cho việc chăm sóc địa lan là loại cây ưa khí hậu ấm gặp rất nhiều khó khăn; cho nên việc chăm sóc địa lan qua đông là hết sức quan trọng. Mùa đông giá lạnh khi nhiệt độ xuống thấp dưới 100C phải đưa cây lan vào trong nhà ấm.

+ Ban đêm phải đóng cửa sổ, ban ngày thời tiết tốt thì mở hết cửa sổ cho thông khí và đón nhận ánh sáng. Khi lạnh quá có thể bỏ chậu lan vào trong túi nilon, khi lạnh vừa miệng túi được mở ra, nếu quá lạnh phải buộc hoặc khâu miệng túi lại hoặc dùng nilon đậy lên.

+ Khi đợt lạnh đã qua bỏ cây ra đặt trong phòng sưởi ấm bằng bóng đèn 60-100W. Ở phía Nam mùa đông thời tiết ấm áp hơn, không nhất thiết phải có sự chăm sóc đặc biệt nhưng phải ngừng bón phân tưới nước khi nhiệt độ xuống thấp.

Nguồn: Giáo trình trồng lan - Đại học thái nguyên
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status