Kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm: Tỉa cành, tạo tán cho cây chôm chôm
1. Định hình tán cây
1.1. Tìm hiểu đặc điểm tán cây chôm chôm
Tỉa cành tạo tán là một giải pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất và sản lượng vụ sau. Năng suất thực vật nói chung và cây ăn quả nói riêng được hình thành từ bộ lá để tiến hành quang hợp chuyển năng lượng mặt trời thành các vật chất hữu cơ. Cây muốn có năng suất thì diện tích lá phải lớn và giảm thiểu được việc các lá che lẫn nhau, muốn vậy phải bằng mọi cách kích thích cây ra chồi, lá mới mà tạo cành tỉa tán là cách làm không thể thiếu, tuy nhiên với mỗi loại cây, tuổi cây nên có các cách tỉa cành tạo tán phù hợp. Những cây mang trái tận cùng như cây chôm chôm… cần phải cắt ngắn cuống sau chùm quả mới thu hoạch, đồng thời tiến hành sửa tán. Ngoài ra, việc tỉa cành tạo tán còn tùy thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm tỉa lại có 1 năm tỉa đau để định hình lại tán làm sao cho tán phù hợp với sự phát triển bộ rễ, nếu cây trồng cách nhau 8 m thì chiều cao cây tối đa cũng không quá 8 m.
Việc tỉa cành, tạo tán còn phụ thuộc vào thời điểm sau thu hoạch, nếu cây thu hoạch vào mùa khô thì việc tỉa cành, tạo tán sẽ dễ hơn vì sau khi cắt tỉa chỉ cần châm phân, tưới nước thì chồi và đọt non sẽ bật ra ngay; còn nếu thu hoạch trễ, vào mùa mưa thì lúc này nhiệt độ không khí và đất đã giảm nên việc đâm cành lá mới khó khăn hơn.
Khi cây con được 4 - 5 tầng lá thì bấm đọt để cho cây ra cành cấp 1, tỉa bỏ chừa lại 3 chồi mọc về 3 hướng đều nhau. Khi chồi cấp 1 được 2 tầng đọt tiến hành bấm đọt, tiếp tục như thế đến khi cây có đọt cấp 5. Việc bấm ngọn này giúp cho cây có tán tròn đều, thấp, tiện cho việc chăm sóc bông, trái sau nầy. Đối với cây chôm chôm chúng ta cần tạo cho cây có bộ khung cân đối tức có số cành vừa phải, phân bố đều các hướng, tán cây thấp gọn sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch về sau.
1.2. Xác định tán cây chôm chôm
Tán cây hình nón, rộng hoặc hình cầu, hình mâm xôi.
Tán cây hình mâm xôi và tán cây hình cầu
2. Tỉa cành
2.1. Xác định cành cần tỉa
Khi năng suất bắt đầu giảm, thường sau 20 năm tuổi, cắt ngang những cành chính, giảm chiều cao đến khoảng 1/3, hoặc cách mặt đất 30-50 cm, khi những cành non phát triển từ dưới mặt cắt, tỉa giữ lại một số cành khoẻ thích hợp, hoặc khi cành đạt đường kính từ 0,5cm tiến hành ghép đổi giống. Sau 2 năm cây lại cho quả.
2.2. Thực hiện cắt tỉa cành
2.2.1 Xác định các cành nhánh cần tỉa bỏ
Việc cắt tỉa này được tiến hành đều đặn trong suốt 18 tháng đầu. Sau đó không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa những cành vô ích như: cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh, xén những gié hoa còn lại trên cây, cành dinh dưỡng là cành non mọc thẳng từ thân cành chính, cành đan chéo ngoài tán, cành dưới tán, cành trong tán... cho hợp lý để thúc đẩy cây mọc chồi tược non và cho quả vụ sau.
2.2.2 Xác định vị trí cắt cành
Với những cây phân cành như các cây chôm chôm cần áp dụng kỹ thuật tạo hình, tỉa tán để tạo ra bộ khung vững chắc, cân đối; hình dạng tán phù hợp với mật độ trồng. cây chôm chôm có một trục chính thì không cần bấm ngọn mà nên dùng các cọc bằng tre hay gỗ để chống đỡ các cành, nhánh cho phát triển tự nhiên.
Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khoẻ mạnh, đầy đặn, cành lá toả đều quanh cây. Việc cắt tỉa cành được tiến hành như sau: Nếu cây đã có một cành chính thì cắt bỏ phần ngọn đi, chỉ chừa lại chiều cao từ mặt đất lên khoảng 60 cm đến 70 cm.
Sau khi bị cắt ngọn sẽ có những cành mọc ra từ gốc và thân cây, nên chọn để lại những cành khoẻ mập mọc cách xa nhau vừa phải khoảng cách từ 4-5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 80 cm. Khi các cành này mọc dài ra thì cắt ngọn chỉ chừa lại chiều dài khoảng 30 - 40 cm.
2.2.3 Chuẩn bị dụng cụ cắt cành
Tùy theo vị trí, kích thước cành và chiều cao cây, các loại dụng cụ cắt cành cần được sữ dụng thích hợp. Một số loại dụng cụ được sử dụng phổ biến gồm có: dây chì, kéo cắt cành (loại ngắn, loại dài), kéo giật, các loại cưa, thang dài...
Kéo giật cành và kéo cắt cành
Kéo cắt cành trên cao và thang gỗ
Kéo cắt cành trên cao và cưa cắt cành
Thang dài bằng nhôm
2.2.4 Tiến hành cắt cành
Kỹ thuật tạo hình, tỉa tán cho các cây không mở gồm 2 giai đoạn : Thời kỳ chăm sóc kiến thiết cơ bản và thời kỳ chăm sóc thu hoạch.
- Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Tỉa bỏ các cành vượt mọc từ gốc ghép, chăm sóc, tạo hình để cho cây có 1 bộ khung vững chắc, cân đối, tán lớn. bấm ngọn khi thân chính cao 70 - 80 cm cho cây ra các chồi bên. Cắt tỉa hết các chồi mọc yếu, chỉ giữ lại 2 - 3 chồi khỏe mạnh tạo với thân chính 1 góc 45 độ, phân đều về các phía đề làm cành cấp 1. Khi các cành cấp 1 dài 60 - 70 cm tiếp tục bấm ngọn để tạo cành cấp 2 và tiếp tục như vậy để tạo cành cấp 3. Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và độ dài nhưng phải chú ý tỉa bớt ở những nơi cành quá dày. Công việc này cẩn phải làm liên tục trong 3 năm đầu sau khi trồng
- Tạo hình, tỉa cành cho cây ở thời kỳ kinh doanh tức là thời kỳ cây đang cho quả bằng cách cắt bỏ các cành vượt trong tán, các cành đan chéo, các cành tăm, cành sâu bệnh, cành khô, những cành cho quả vụ trước, các cành vô hiệu…
Một số lưu ý:
- Thời gian cắt tỉa, tạo hình với giai đoạn kiền thiết cơ bản cần làm thường xuyên, liên tục trong 3 năm đầu; với giai đoạn thu hoạch chủ yếu sau khi thu hoạch kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh.
- Chỉ nên tỉa cành tạo tán khi trời khô ráo, không làm khi cây đang ra lộc ra hoa. Không cắt tỉa quá 15% tổng số cành, nhánh đối với cây non, không quá 30% đối với cây trưởng thành trong thời kỳ cho quả
3. Tạo tán cho chôm chôm
Khi mưa to, gió lớn, cây trồng dễ đổ ngã, vườn cây ẩm ướt và thiếu ánh sáng, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm phát sinh gây hại cây trồng. Để giảm thiểu thiệt hại vườn cây, thì biện pháp tỉa cành, tạp tán là một trong những phương pháp rất có hiệu quả. Tỉa cành, tạo tán cây thích hợp trước mùa mưa: Cắt tỉa những cành tăm trong khung tán lá, cành có sâu bệnh, cành đã thu quả, cành vượt, tạo khung tán lá có dạng hình mâm xôi, làm cho vườn cây thông thoáng.
Tạo tán cho cây từ nhỏ là cần thiết, bấm ngọn khi cây ghép đạt chiều cao 70 - 100 cm, sau đó tỉa cành giữ lại 3 - 5 cành khỏe, cách nhau đều và tạo thành góc lớn với thân Thường xuyên tỉa cành phát triển từ thân cây gốc ghép.
Cây có chiều cao thấp, bộ tán đều và khỏe khi cho trái; xén ngọn cành để tạo tán tán
Xén cành đan chéo ngoài tán và xén cành trong tán
Xén cành dưới tán sau thu hoạch và cây chôm chôm được trẻ hoa
Cây cho cành mới sau khi cắt ngang
Sau khi tỉa cành, tạo tán, công việc quan trọng tiếp theo là phải vệ sinh vết cắt để tránh bị nấm bệnh xâm nhập. Cành sau cắt thì gọt nhẵn vết cắt, quét sơn, vôi hoặc một loại thuốc trừ nấm cho vết cắt có đường kính ≥ 1cm. Hoặc có thể dùng băng keo nilon cuốn vết cắt cành lại cho nước và sâu bệnh không tấn công vào vết thương.
Nếu cắt ngọn để khống chế chiều cao cây: Quét hỗn hợp Agri-fos + Mancozeb để phòng bệnh và dùng vỏ chai thuốc cắt đôi rồi úp lên vết cắt.
Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.
Cây sau cắt tỉa rất dễ bị bệnh xì mủ thân, thối rễ gây chết cây, nên xịt thuốc để phòng bệnh xảy ra.
Bón phân và tưới nước giúp cây nhanh hồi phục, có thể dùng phân bón gốc hoặc phân bón lá.
Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại sớm cũng như các cành mới mọc ra sai vị trí thì tiếp tục cắt tỉa.
-
Kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm: Tưới và tiêu nước cho chôm chôm
Cách xác định độ ẩm đất, thời điểm tưới và tiêu nước cho cây chôm chôm; Tưới và tiêu nước phù hợp với yêu cầu nước của cây chôm chôm...
-
Kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm: Làm cỏ và diệt cỏ trong vườn chôm chôm
Tác hại của cỏ dại, xác định loại cỏ dại trong vườn chôm chôm, xác định thời điểm và phương pháp làm cỏ, các phương pháp làm cỏ và diệt cỏ...
-
Kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm: Bón phân cho cây chôm chôm
Xác định nhu cầu phân bón và cách bón phân cho cây chôm chôm, loại phân bón thích hợp, tính được lượng phân bón và chuẩn bị đầy đủ phân trước khi bón...