Cây khoai lang

Sâu bệnh hại Cây khoai lang
Cẩm nang cây trồng về cây khoai lang (Sweet potato), giới thiệu các loại sâu bệnh hại cây khoai lang các giống khoai lang kỹ thuật trồng và chăm sóc khoai lang
Tên tiếng anh/Tên khoa học: Sweet potato/Ipomoca batatas L.

Khoai lang không những là cây trồng quan trọng cung cấp lương thực cho con người, mà còn là cây cung cấp nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi. Mặt khác khoai lang còn là cây thực phẩm, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp tạo ra các mặt hàng có giá trị kinh tế cao

1. Nguồn gốc cây khoai lang

Khoai lang có nguồn gốc nguyên thủy từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Hầu hết các bằng chứng về khảo cổ học, ngôn ngữ học và sử học đều cho thấy Châu Mỹ là khởi nguyên của cây khoai lang (Trung hoặc Nam Mỹ).

Theo Engel (1970) từ những mẫu khoai lang khô thu được tại hang động Chilca Canyon (Peru) sau khi phân tích phóng xạ cho thấy có độ tuổi từ 8.000 đến 10.000 năm.

Một bằng chứng nữa của các nhà khảo cổ học về cây khoai lang đã được phát hiện tại thung lũng Casma của Peru có độ tuổi xấp xỉ 2000 năm trước công nguyên (Ugent và Poroski 1983).

Bằng chứng về ngôn ngữ học cho thấy sự xuất hiện của cây khoai lang tại vùng Mayan của Trung Mỹ khoảng giữa 2600 đến 1000 năm trước công nguyên (Austin, 1977). Vì vậy khoai lang được coi là nguồn lương thực quan trọng của người Mayan ở Trung Mỹ và người Péruvian ở vùng núi Andet (Nam Mỹ).

Theo quan điểm của OBrien (1972) và ý kiến của Yen (1982) trung tâm chính xác khởi nguyên của khoai lang là Trung hoặc Nam Mỹ. Nhưng cây khoai lang thực sự lan rộng ở Châu Mỹ khi người Châu Âu đầu tiên đặt chân tới.

2. Đặc điểm thực vật học, mô tả sơ bộ cây khoai lang

Cây Khoai lang thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae). Là cây thân thảo, sống hằng năm, thân mềm bò hoặc leo, hoa lưỡng tính, quả sóc, lá đơn mọc cách, lá đều đặn hoặc có khía.

- Khoai lang thuộc loại thực vật lớp 2 lá mầm. Vì vậy khoai lang có những đặc điểm cơ bản sau đây:

+ Phôi thường có hai lá mầm.

+ Cây dạng thảo.

+ Rễ phôi hay rễ sơ sinh thường phát triển thành rễ chính; từ đấy sinh ra các rễ thứ sinh (rễ bên).

+ Hệ dẫn của thân thường gồm một đai liên tục (trục ống) hoặc gián đoạn (trụ thật) của các bó dẫn.

+ Lá thường có cuống với sự phân gân thẳng hoặc có hệ gân hình cung hay song song.

+ Hoa mẫu 5, ít khi mẫu 4

+ Quang hợp theo kiểu C3.

Hình thái cây khoai lang

Hình thái cây khoai lang

Xem chi tiết về đặc điểm thực vật học cây khoai lang

3. Phân loại cây khoai lang, các giống khoai lang

3.1. Phân loại theo năng suất và phẩm chất

Theo Lê Đức Diên, dựa vào năng suất và phẩm chất, có thể phân loại khoai lang thành 4 nhóm sau:

  • Nhóm năng suất cao, phẩm chất tốt

Đặc điểm: Thời gian sinh trưởng (TGST) dài 5 - 6 tháng, năng suất đạt 15 tấn/ha, hệ số kinh tế: 0,65 - 0,8; hàm lượng tinh bột 21,6 - 26,4%; hàm lượng nước 51,4 - 68,4%; protein 1,63 - 1,87%. Sử dụng làm lương thực là chính.

Đại diện là các giống: Khoai Lim, khoai Bông, khoai Xộp, Chiêm Lương,...

  • Nhóm năng suất cao, phẩm chất kém

Đặc điểm: TGST từ 5 - 6 tháng, năng suất trên dưới 20 tấn/ha; hàm lượng nước 76,3 - 80%; hàm lượng tinh bột 18,2%; protein thấp 0,98% được sử dụng trong chăn nuôi là chính.

Đại diện là các giống Bất Luận Xuân, Học Viện 1, Hồng Quảng,...

  • Nhóm năng suất thấp, phẩm chất tốt:

Đặc điểm: TGST từ 3 - 4 tháng, năng suất khoảng 6 - 8 tấn/ha; hàm lượng nước 61 - 67%; hàm lượng tinh bột 21 - 30%; hàm lượng protein 0,89 - 0,95%; sử dụng làm vật liệu lai tạo và công nghiệp thực phẩm.

Đại diện là các giống: 3 tháng Nam Đàn, khoai Nghệ, Cực Nhanh,...

  • Nhóm năng suất thấp, phẩm chất kém.

Đặc điểm: TGST từ 3 - 4 tháng, năng suất khoảng 5 - 7 tấn/ha, phẩm chất kém, hàm lượng nước trong củ nhiều.

Đại diện là các giống: khoai Tím, khoai Chiêm Ngàn,...

3.2. Phân loại theo hàm lượng nước trong củ

Việc phân loại này do các nhà khoa học Trung Quốc đề xướng. Theo cách phân loại này khoai lang có hai biến chủng lớn:

+  Khoai ngọt

+ Khoai nhiều nước.

Bảng 2.2: So sánh đặc điểm khoai lang ngọt và khoai lang nhiều nước

Bộ phận

Giống khoai ngọt

Giống khoai nhiều nước

Hình tim, có gân màu vàng hoặc tím

Lá màu xanh

Thân

Thô, ngắn, có lông

Thân dài (Cũng có giống ngắn)

Vỏ củ

Thô dày

Mỏng, lá trơn, có hình lồi lõm

Màu ruột củ

Trắng hoặc vàng, nước ít, phẩm chất tốt

Trắng hoặc vàng, nhiều nước, dẻo

Sản lượng

Thấp

Cao

Khả năng cất giữ

Khó

Dễ, về sau đường tăng lên

Công dụng

Làm bột

Ăn tươi hoặc dùng làm rau

Một số giống khoai lang

Một số giống khoai lang

4. Giá trị kinh tế của cây khoai lang

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng khoai lang sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu của thế kỷ 21 - Khoai lang sẽ là một cây lương thực đặc biệt quan trọng ở các nước Châu Á và Châu Phi, những nơi mà dân số sẽ tăng mạnh trong tương lai. Một số giống khoai lang củ có chứa lượng vitamin, chất khoáng và protein cao hơn nhiều loại rau khác. Mặc dù có những thuận lợi về dinh dưỡng và đặc điểm nông sinh học, nhưng việc sản xuất và tiêu thụ khoai lang trên thế giới có xu hướng giảm trong những thập kỷ qua. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa giải quyết được vấn đề bảo quản sau thu hoạch cũng như chế biến thành lương thực, thực phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Thành phần dinh dưỡng trong củ khoai lang

Củ khoai lang là sản phẩm thu hoạch chính. Khoai lang được xem như nguồn cung cấp calo là chủ yếu, nó cho lượng calo cao hơn khoai tây (113 calo so với 75calo/100g). Thành phần dinh dưỡng chính của khoai lang là đường và tinh bột; ngoài ra còn các thành phần khác như: Protein, các vitamin (vitamin C, tiền vitamin A (caroten), B1, B2...), các chất khoáng (P, Fe...) góp phần quan trọng trong dinh dưỡng của con người, nhất là ở các nước nghèo, đang phát triển.

Các thành phần dinh dưỡng như: Protein và các axitamin, gluxit (đường và tinh bột), độc tố, caroten, calo, enzym... của khoai lang có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người đã được tiến hành nghiên cứu.

  • Protein và axit amin trong củ khoai lang

Khoai lang có hàm lượng protein thấp, song do năng suất cao nên sản lượng protein trên một đơn vị diện tích không thua kém các loại hạt ngũ cốc khác.

Protein trong củ khoai lang có thành phần axit amin cân đối và có đầy đủ các axit amin không thay thế cần thiết cho con người.

  • Gluxit trong củ khoai lang

- Tinh bột: Theo Woolfe J.A (1992): Tinh bột là thành phần quan trọng của gluxit, chiếm 60 - 70% chất khô.

Giống là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hàm lượng tinh bột trong củ khoai lang.

- Đường: Hàm lượng đường tổng số trong củ khoai lang biến động phụ thuộc vào giống, thời gian thu hoạch, bảo quản...

Trong củ khoai lang tươi có những loại đường chủ yếu là saccaroza, glucoza và Fructoza; đường Mantoza cũng có nhưng với một lượng nhỏ (Trương V.D và C.S, 1986).

- Xơ tiêu hoá: Có khả năng làm giảm các bệnh ung thư, các bệnh đường tiêu hoá, tim mạch, đái tháo đường (Collins W.W, 1985).

  • Caroten trong củ khoai lang

Chứa nhiều trong các giống khoai ruột vàng, các giống ruột trắng hầu như không có caroten.

Ý nghĩa trong khẩu phần ăn là hoạt tính tiền Vitamin A

5. Xu hướng và triển vọng phát triển sản xuất khoai lang ở Việt Nam

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đúng mức đến sản xuất nông nghiệp, nên chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Năm 2008, sản xuất lương thực đã đạt hơn 40 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo. Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương châm tăng tổng thu nhập trên một đơn vị diện tích gieo trồng, người nông dân đã chọn lựa những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để đầu tư thâm canh, do đó đối với cây khoai lang diện tích có chiều hướng giảm xuống và năng suất tăng lên một cách chậm chạp.

Tuy nhiên, cây khoai lang vẫn còn giữ một vai trò và vị trí nhất định trong sản xuất lương thực bởi là cây trồng có tính thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng ngắn, đòi hỏi mức độ đầu tư thâm canh không thật cao cũng đã đạt được năng suất khá cao. Vì vậy ở những vùng sản xuất lương thực khó khăn, có thể nói khoai lang là cây chủ lực. Hạn chế chủ yếu của khoai lang là bảo quản khoai lang tươi gặp nhiều khó khăn trong điều kiện nóng ẩm ở nước ta, trong lúc đó công nghệ chế biến sản phẩm phát triển còn rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất dẫn đến sản phẩm khoai lang chưa trở thành hàng hoá.

Để cây khoai lang thực sự có một vị trí xứng đáng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, trong những năm tới cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:

* Tập trung chọn tạo các giống khoai lang ngắn ngày có năng suất cao và đặc biệt là phẩm chất ngon để sử dụng làm lương thực thực phẩm và những giống khoai lang có năng suất sinh vật cao, nhất là năng suất thân lá, giàu protein để phục vụ cho việc làm thức ăn gia súc.

* Đẩy mạnh việc chế biến sản phẩm sau thu hoạch, đặc biệt là công nghệ sản xuất tinh bột, nhất là tinh bột từ củ khoai lang tươi để từ đó chế biến ra nhiều loại lương thực thực phẩm phục vụ cho đời sống con người.

Nhà nước cần có cơ chế chính sách đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc chế biến và thu mua sản phẩm cho những vùng sản xuất khoai lang tập trung.

Ruộng trình diễn giống khoai lang ruột vàng chất lượng cao

Ruộng trình diễn giống khoai lang ruột vàng chất lượng cao

Nguồn: Giáo trình cây khoai lang - ĐH Nông Lâm Thái Nguyên
DMCA.com Protection Status