Các hiểu biết về bonsai (Phần 2)

Cây trồng liên quan: Cây sanh , Cây mai chiếu thủy

4. Phân biệt bonsai với một số loại hình khác

4.1. Phân biệt bonsai và kiểng cổ

- Bonsai như chúng ta đã biết có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, đặc điểm của bonsai là mô phỏng theo thiên nhiên, thu nhỏ lại trồng trong chậu. Một trong những tiêu chí quan trọng của bonsai là mô phỏng được giống cây ngoài thiên nhiên chừng nào cây càng có giá trị chừng đó, sự mô phỏng thể hiện ở tính: Cổ, dáng cây. Dáng chính gồm 3 loại: trực, hoành, đổ. Từ đó phân ra nhiều dáng khác. Tuy nhiên ở bonsai cũng còn một số thế khoe rễ, khoe thân và phối đá khác như ôm đá (bám đá), rễ rơm.

- Kiểng cổ là các dáng thế do cha ông ta quy định (có thể học theo người Trung Quốc) theo các niêm luật rõ ràng, các niêm luật này áp dụng và tuân thủ theo các trường phái triết học Trung Quốc một cách chặt chẽ, chủ yếu là Nho giáo và Lão giáo, các nguyên lý nhị nguyên, tam tài, ngũ hành... Cũng như bonsai, kiểng cổ có 3 dạng chính: trực, hoành và đổ, từ đó phân ra nhiều dáng nhỏ khác.

- Một đặc điểm quan trọng của cây kiểng cổ là vấn đề đặt tên thế cây. Các thế cây được đặt tên thường theo các điển tích (không theo thế cây) hoặc được đặt tên theo các linh vật ngày xưa mà điển hình là rồng (Long).

Cây bonsai - Cây kiểng cổ

a. Cây bonsai - b. Cây kiểng cổ

4.2. Phân biệt bonsai và penjing

- Cũng là cây thu nhỏ, cái khác nhau giữa penjing và bonsai nằm trong đặc tính địa lý, thẩm mỹ và triết lý.

- Penjing là cái nhìn từ ngoài nhìn vào. Thường penjing đi với đá, tượng tháp hoặc chùa kèm với cây cảnh.

- Bonsai là cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bonsai tạo nên một sự tĩnh lặng, sự trang trọng của một khu rừng già, sự tinh khiết của một khe suối, và vẻ quắc thước hoặc thướt tha của một thân cây, một cành cây có một linh hồn, trong bonsai không dùng các hình tượng, bonsai thích kèm rêu và đá để tạo thế quân bình.

- Trong penjing - ảnh hưởng khá rõ rệt của các trường phái hội họa trong các bức tranh cổ của giới nho gia Trung Hoa.

- Penjing thường chú trọng đến đặc tính của thân và cành, lá chỉ là phần phụ. Penjing dùng chậu sâu nhiều hơn.

- Trong bonsai người Nhật cố gắng trong việc “chụp hình” được toàn thể cây cảnh trong dạng thu nhỏ hoặc tí hon nhưng vẫn thể hiện được sự đáng kính về tuổi tác với toàn thể rễ, thân, vỏ cây cũng như các cành rũ và lá. Bonsai dùng chậu cạn, những mảnh đá lõm hoặc bằng phẳng, chỉ có loại các dạng thác đổ là bắt buộc phải dùng chậu sâu vì nhu cầu cân đối thẩm mỹ và đứng vững.

- Điểm tương đồng giữa bonsai và penjing là cả hai tìm cách thu nhỏ cây lại qua cách tập luyện riêng rẽ hoặc từng nhóm. Kết quả không thực sự thu nhỏ toàn thể vì hoa và quả vẫn giữ vóc dáng bình thường, chỉ có lá là nhỏ hơn thôi.

- Vì thế các loại cây cảnh có lá nhỏ hẹp, nhỏ nhắn mọc sát nhau và cành có dáng dấp đẹp là các loại lý tưởng để tạo thành bonsai và penjing.

Bonsai - Penjing

a. Bonsai - b. Penjing

5. Điều kiện thích nghi của bonsai

- Mỗi loại, mỗi giống bonsai chỉ có thể sinh trưởng phát triển tốt trong một điều kiện ngoại cảnh nhất định, chúng không thể sinh trưởng tốt trong mọi điều kiện mặc dù các nhân tố ngoại cảnh này không ảnh hưởng trực tiếp đối với chúng nhưng nó cản trở mặt này, mặt khác, giai đoạn này, giai đoạn khác trong quá trình sinh trưởng và gây khó khăn cho sự phát triển của cây.

- Từ rất lâu các nhà thực vật học đã chỉ ra rằng, để sinh trưởng và phát triển mỗi loại thực vật đều cần tới một số chất nhất định và sẽ hạn chế nếu thiếu hoặc thừa các chất đó. Sự sinh trưởng, phát triển của mỗi loài cây, giống cây chỉ thích hợp trong một giới hạn của sự thay đổi các yếu tố môi trường và nếu vượt quá giới hạn này thì giống, loài thực vật đó rất khó tồn tại. Ngay trong một giống hoặc một loài thực vật giới hạn thích hợp này cũng thay đổi theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của giống đó. Thường thì ở thực vật các cây non, chồi non hoặc hoa, quả non là những bộ phận rất nhạy cảm với sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh hơn là các cây già hoặc các cây và bộ phận đã trưởng thành.

- Người trồng bonsai có thể sử dụng sự hiểu biết về giới hạn thích hợp của các nhân tố môi trường này để tiến hành các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cũng như điều chỉnh sự sinh trưởng, phát triển của bonsai theo ý muốn của mình. Các nhân tố ngoại cảnh chủ yếu tác động đến sự sinh trưởng phát triển của cây cảnh nói chung là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và đất trồng.

- Về nhiệt độ: Nhiệt độ đất và nhiệt độ không khí là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của bonsai. Đối với các loài, giống bonsai khác nhau thì chúng yêu cầu giới hạn thích hợp về nhiệt độ khác nhau để sinh trưởng và phát triển. Theo yêu cầu này, người ta phân chia ra các nhóm bonsai nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Đối với những bonsai có nguồn gốc nhiệt đới giới hạn thích hợp về nhiệt độ nằm trong khoảng 25-270C, các cây có nguồn gốc cận nhiệt đới 20-230C và các cây ôn đới thấp hơn 220C (từ 18-200C) tính theo nhiệt độ trung bình của ngày đêm. Vượt quá những giới hạn này, khi mà nhiệt độ trung bình quá cao hoặc quá thấp đều bất lợi đối với sự sinh trưởng, phát triển của cây. Điều này là cần thiết để người trồng chọn loài, giống bonsai để trồng trong điều kiện khí hậu của nơi trồng.

+ Khi nhiệt độ vượt quá giới hạn của cây thì biểu hiện cụ thể về mặt hình thức là cây chậm hoặc ngừng hẳn việc ra cành, ra lá, hoa và dẫn tới chết nếu nhiệt độ vượt quá cao hoặc quá thấp so với giới hạn thích hợp. Tuy nhiên những ảnh hưởng trên còn tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng và phụ thuộc vào từng bộ phận của cây mà các ảnh hượng đó mạnh hay không. Những cây non, rễ cành non ảnh hưởng của nhiệt độ không thích hợp sẽ rõ rệt và mạnh có thể gây tử vong hoặc hoại tử từng phần... bởi vì những giai đoạn và bộ phận non này là những nơi có hoạt động sinh lý mạnh rất dễ mẫn cảm với nhiệt độ.

+ Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ và nhịp điệu sinh trưởng của bonsai mà còn ảnh hưởng đến thể hình của cây. Nhiệt độ thấp cây sinh trưởng kém, cành nhánh phát sinh ít, lá nhỏ bé dễ rụng, ngược lại nhiệt độ cao làm cây sinh trưởng quá mức, cành nhánh vươn dài và lá thường to, mỏng rất dễ bị cháy các mô lá.

- Về độ ẩm: Mỗi loại bonsai có yêu cầu về độ ẩm đất cũng như độ ẩm không khí khác nhau. Theo yêu cầu này người ta phân chia ra các nhóm bonsai khác nhau. Ở những nhóm này cấu tạo thực vật của chúng là khác nhau và thíh ứng với điều kiện mà chúng sống. Các bonsai có bản lá rộng thường ưa ẩm. Những cây có lá nhỏ, dày hoặc mọng nước, có khả năng giữ nước ở thân lá như các loại xương rồng là những cây chịu hạn không thích hợp trồng ở nơi có độ ẩm đất cũng nưh độ ẩm không khí cao.

+ Nước được coi là một nhu cầu sinh lý của bonsai, vì vậy nó trở thành một yếu tố sinh trưởng và nhu cầu về nước cũng thay đổi ngay trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Khi cây còn non hoặc ở thời kỳ cây sinh trưởng mạnh (ra cành, ra lá) thời kỳ cây ra hoa kết quả yêu cầu nhiều nước hơn khi cầy già hay ở thời kỳ sinh trưởng yếu hoặc ngủ nghỉ. Sự thiếu hụt hoặc dư thừa nhu cầu nước sẽ làm cho cây sinh trưởng phát triển hạn chế hoặc ngừng sinh trưởng. Tuy nhiên cũng thấy rằng ảnh hưởng của sự thiếu thừa nước mạnh hay yếu đến cây còn liên quan đến nhiệt độ của môi trường. Khi nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cũng như độ ẩm đất cao, cây sẽ suy yếu do tăng cường hô hấp tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng. Khi nhiệt độ cao có thể dùng nước để chế ngự tác hại của nhiệt độ đối với cây.

+ Đối với người trồng và chơi bonsai, việc đáp ứng nhu cầu nước cho cây thường thông qua việc tưới nước vào đất, hoặc phun cho cây và điều đso đã làm thay đổi độ ẩm của đất và độ ẩm không khí ở môi trường xung quanh cây sống. Do đó phải đặc biệt chú ý vào nguồn gốc xuất xứ cấu tạo giải phẫu thân lá và từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây để tưới nước cho thích hợp, tránh tưới quá nhiều tạo ra độ ẩm quá cao đối với cây và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

- Về điều kiện ánh sáng: Nhờ đặc điểm đặc thù của chất diệp lục (là sắc tố ở trong lá và thân cành non), các bonsai có khả năng sử dụng năng lượng của ánh sáng mặt trời để tổng hợp các chất dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng và phát triển, tạo sinh khối cho cây. Vì vậy, ánh sáng được coi là nguồn năng lượng và có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa sự sinh trưởng phát triển của bonsai, nếu thiếu bonsai sẽ sinh trưởng không cân đối, yếu và phát triển chậm.

+ Nhu cầu về ánh sáng của bonsai rất khác nhau do sự phong phú của chúng về giống, loài thực vật và được thể hiện trên các mặt về cường độ ánh sáng, độ dài chiếu sáng và chất lượng của ánh sáng.

+ Về cường độ ánh sáng, rất nhiều bonsai có nhu cầu cường độ chiếu sáng cao hoặc thích nghi rất tốt với điều kiện chiếu sáng mạnh, thuộc nhóm này bao gồm chủ yếu các bonsai có nguồn gốc nhiệt đới, các bonsai kiểu thực vật sa mạc. Song cũng có rất nhiều bonsai chỉ có thể sinh trưởng, phát triển bình thường trong điều kiện chiếu sáng yếu với cường độ ánh sáng không mạnh, như Thiết mộc lan, trúc Nhật Bản. đối với chúng, nếu cường độ chiếu sáng mạnh có thể làm cây sinh trưởng cằn cỗi hoặc bị cháy lá. Tuy nhiên cũng cần phân biệt những loài giống bonsai chịu được cường độ ánh sáng yếu trong những thời gian dài ngắn khác nhau. Nhìn chung, bonsai cũng như thực vật xanh sinh trưởng tốt trong điều kiện chiếu sáng tán xạ và bản thân chúng đã hình thành hàng loạt các cơ chế để bảo vệ khi thiếu hoặc thừa ánh sáng như sự thay đổi màu sắc của lá.

+ Tùy thuộc vào nhu cầu thời gian chiếu sáng trong một ngày đêm để sinh trưởng và phát triển, người ta chia bonsai ra những nhóm cây ngắn ngày có nhu cầu chiếu sáng 10-12 giờ trong một ngày, nhóm cây dài ngày có nhu cầu chiếu sáng trên 14 giờ trong ngày và nhóm cây trung tính là nhóm có thể đặt để trong thời gian chiếu sáng khác nhau tối thiểu từ 8-10 ngày mà không ảnh hưởng rõ rệt đến sự sinh trưởng và phát triển. Nhìn chung, độ dài chiếu sáng trong một ngày đêm không phù hợp với nhu cầu của bonsai, thì bonsai mất sự cân đối giữa quá trình sinh trưởng và quá trình phát triển, biểu hiện ở sự mất cân đối giữa sự ra cành, ra lá với sự ra hoa, giữa sự lớn lên của toàn cây với khả năng phát dục của nó. Vì vậy, cần đặcbiệt lưu ý đối với các bonsai mà vẻ đẹp của nó đối với người chơi là hoa, quả và bonsai nhập nội từ các vùng, miền khác.

+ Cùng với cường độ ánh sáng, chất lượng của ánh sáng là các nhân tố điều hòa sự sinh trưởng phát triển của cây. Nếu bonsai được để ở nơi có cường độ ánh sáng cao, trực xạ và có nhiều các tia cực tím (các bước sóng nhỏ) thì sự sinh trưởng của cây bị hạn chế nhiều về tầm vóc, kích thước và của lá và sự phân ra các cành nhánh. Ngược lại, nếu để bonsai ở nơi có điều kiện chiếu sáng với cường độ thấp, ánh sáng phản xạ có nhiều tia hồng ngoại (có bước sóng ánh sáng dài) thì cây có xu thế vươn cao, cành nhánh dài và sự phân nhánh kém.

+ Bonsai sinh trưởng có thể phản ứng bằng cách sinh trưởng mạnh hoặc uốn cong về phía nguồn ánh sáng kích thích và được gọi là tính hướng quang của cây. Sự sinh trưởng định hướng gây ra bởi ánh sáng cũng được sử dụng để điều chỉnh sự sinh trưởng, tạo uốn dạng hình tán cũng như kiểu thế của bonsai nhất là các bonsai đặt trong nội thất, nơi mà có sự khách nhau về độ chiếu sáng. Về mặt này người ta nhận thấy rằng các ánh sáng màu xanh và màu tím có hiệu quả cao hơn trong việc gây ra tính hướng quang của cây so với các loại ánh sáng màu khác. Người trồng cần phải chú ý đến nhu cầu ánh sáng của từng loại cây để đặt hoặc trồng ở những nơi phù hợp nhằm đảm bảo sự sinh trưởng phát triển bình thường của cây.

Nguồn: Kỹ thuật trồng và uốn tỉa bonsai (Ngọc Hà)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status