Bệnh khảm lá sắn

Tên khoa học: Sri Lanka Cassava Mosaic Virus

Bệnh khảm lá sắn là một bệnh hại nguy hiểm do virus Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra,…. Bệnh khảm lá sắn có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Bệnh đã gây hại nghiêm trọng tại Tây Ninh và 14 tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, Duy hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với diện tích trên 40.000 ha. Tại Bắc Trung Bộ, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại tỉnh Hà Tĩnh với diện tích bị nhiễm là 159 ha, bệnh gây hại chủ yếu trên giống KM 140, KM 94. Tại Thanh Hóa, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện gây hại tại các huyện Như Xuân (19,5 ha ), Thường Xuân (7,0 ha ) với tỷ lệ bệnh phổ biến 30 – 40%, cao 70%, cục bộ có nơi trên 90% chủ yếu trên các giống HLS 11, KM 194.

Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra. Cần lưu ý một số biện pháp phòng chống sau:

1. Biện pháp phòng bệnh

1.1 Biện pháp kiểm dịch thực vật

- Kiểm dịch thực vật nhập khẩu: Không cho phép nhập khẩu vật liệu sắn làm giống từ Campuchia, Lào vào Việt Nam; kiểm dịch chặt chẽ các lô củ sắn tươi nhập khẩu không được mang theo thân, lá.

- Kiểm dịch thực vật nội địa: Không vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến. Nghiêm cấm vận chuyển thân, lá sắn từ nơi đang có dịch ra vùng khác.

Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá

1.2 Biện pháp canh tác

- Chọn giống gieo trồng: Chọn giống kháng bênh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng. Giống HLS 11 nhiễm bệnh nặng (giống chưa được công nhận, mật độ bọ phấn trắng trên ruộng giống HLS 11 cao hơn nhiều so với các giống khác), các giống KM 419, KM 140 nhiễm bệnh rải rác.

- Biện pháp luân canh: Không trồng sắn hoặc cây ký chủ chủa bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt,…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

1.3 Phòng trừ môi gới truyền bệnh

- Sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng.

- Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần phun trừ bọ phấn bằng thuốc BVTV được phép sử dụng. Phun khi bọ phấn ở giai đoạn ấu trùng hiệu quả cao hơn.

Phun thuốc BVTV phòng trừ môi giới truyền bệnh

2. Tiêu hủy nguồn bệnh

* Bước 1: Xác định ruộng bị bệnh khảm lá. Điều tra xác định ruộng bị bệnh khảm lá sắn, mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.

* Bước 2: Phun trừ môi giới truyền bệnh. Điều tra nếu có bọ phấn phải phun thuốc trừ bọ phấn trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh. Phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2 – 3 ngày để đảm bảo an toàn.

* Bươc 3: Tiến hành tiêu hủy

- Tiêu hủy một phần: Áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh < 70% số cây bị nhiễm bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt.

- Tiêu hủy toàn bộ ruộng: Áp dụng với các ruộng sắn tỷ lệ bệnh > 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt.

Tiêu hủy cây bị bệnh bằng thu gom và đốt

- Các ruộng sắn có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy.

- Lưu ý: Khi tiến hành tiêu hủy cần tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu về an toàn lao động, an toàn khi sử dụng thuốc BVTV, môi trường và phòng cháy.

* Bước 4: Kiểm tra sau tiêu hủy. Bố trí cán bộ có chuyên môn hướng dẫn nông dân, tổ chức thực hiện biện pháp tiêu hủy cũng như theo dõi, giám sát toàn bộ các diện tích trồng sắn của tỉnh; Sau 15 – 30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử ký, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục tiến hành nhổ tiêu hủy triêt để nhưng hướng dẫn trên.

Nguồn: Chi cục bảo vệ thực vật Thanh Hóa - NO
DMCA.com Protection Status