Ứng dụng công nghệ cao trong nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam

1. Đặt vấn đề:

Trong hơn 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, đảm bảo an ninh lương thực, đưa chúng ta thành cường quốc xuất khẩu nông sản, trong đó nhiều mặt hàng đứng vị trí hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè, thủy sản...và đặc biệt, nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu, góp phần ổn định cán cân thương mại và giúp chúng ta vượt qua các cuộc khủng khoảng kinh tế gần đây.

Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn đứng trước các thử thách: “được mùa mất giá, mất mùa được giá”; “trồng-chặt”.... Nhiều nông sản tăng sản lượng hàng năm, song gần như không tăng lợi nhuận, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải can thiệp để đảm bảo nông dân có lãi, ít nhất 30% trong sản xuất lúa gạo. Nguyên nhân của tồn tại này có nhiều, song nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là chúng ta đã không tạo dựng được thị trường của riêng mình. Các công đoạn tạo nên giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị nông sản hầu như đều nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam như chế biến, phân phối, trong khi các công đoạn trong nước đều tạo ra giá trị gia tăng thấp, nhất là khâu sản xuất. Nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc tạo thêm giá trị ở mỗi khâu và phân chia hài hòa trong chuỗi sẽ góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh của nông sản, cải thiện thu nhập của nông dân và đảm bảo sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp.

2. Chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam hiện nay.

Có nhiều định nghĩa về chuỗi trị trên thế giới. Trong bài viết này chúng tôi sử dụng định nghĩa của Kaplinsky và Morrissau (2001): "Chuỗi giá trị nói đến một loạt những hành động cần thiết để biến một sản phẩm (hoặc một dịch vụ) từ khi còn là ý đồ, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau đến khi phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng và vứt bỏ sau khi sử dụng”.

Theo Gereffi (2005), khái niệm "Chuỗi giá trị" trong nông nghiệp là một cách tiếp cận giúp nông dân tiếp cận thị trường có hiệu quả nhất hiện nay trên thế giới, nó có thể hiểu là:

- Một chuỗi các hoạt động chức năng, từ cung cấp các dịch vụ đầu vào cho một sản phẩm cụ thể cho đến sản xuất, thu hái, chế biến, phân phối, marketing và tiêu thụ cuối cùng; qua mỗi hoạt động lại bổ sung ‘giá trị’ cho thành phẩm cuối cùng.

- Sự sắp xếp có tổ chức, kết nối và điều phối người sản xuất, nhà chế biến, các thương gia, và nhà phân phối liên quan đến một sản phẩm cụ thể

- Một mô hình kinh tế tiên tiến trong đó kết hợp chặt chẽ giữa việc chọn lựa sản phẩm và công nghệ hiện đại thích hợp (hạ tầng, viễn thông…) cùng với cách thức tổ chức các tác nhân liên quan (sản xuất, nhân lực…) để tiếp cận thị trường.

Giá trị sẽ hình thành theo sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến thương mại, không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia. Trong trường hợp sản phẩm được tạo ra bởi sự liên kết của nhiều công ty, nhà sản xuất thì chuỗi giá trị sẽ được gói lại trong một khái niệm rộng hơn “giá trị hệ thống”. Chuỗi giá trị tồn tại và phát triển bền vững khi mà tất cả các tác nhân tham gia vào từng hoạt động của chuỗi đều được hưởng lợi theo nguyên tắc hợp tác chia sẻ lợi ích. Việc nâng cấp chuỗi giá trị cần áp dụng đồng bộ cả công nghệ và thể chế quản lý mới thành công.

 Về tổng thể ta có thể chia chuỗi giá trị của nông sản thành 3 công đoạn: i) Sản xuất, ii) Thu mua, sơ chế/chế biến và bảo quản và iii) Thương mại/tiêu thụ. Hiện nay chúng ta đã có một số nghiên cứu chi tiết về chi phí cũng như giá trị hình thành trong từng công đoạn của các chuỗi giá trị nông sản, tuy nhiên đề xuất giải pháp khả thi để nâng cao giá trị gia tăng chưa nhiều. Có thể hình dung được, lợi nhuận thu được ở công đoạn sản xuất là thấp nhất và ở khâu tiêu thụ là cao nhất. Đây chính là nguyên nhân mà rất ít nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất mà chỉ tập trung cho thu mua và thương mại.

Theo Ngân Hàng thế giới (2011) thì người sản xuất lúa tại ĐBSCL thu được 34% tổng số GTGT có được trong chuỗi giá trị gạo xuất khẩu. Hiện tại trong chuỗi giá trị xuất khẩu gạo của Việt nam có quá nhiều tác nhân sản xuất và buôn bán tham gia, tuy nhiên yếu tố hợp tác giữa cac hộ nông dân và với doanh nghiệp thì hầu như thiếu vắng. Theo số liệu điều tra của Cục Trồng trọt năm 2010 (dẫn theo Đặng Kim Sơn, 2012) thì với lúa Hè thu, không một loại giống nào cho lợi nhuận vượt quá 25%, thậm chí với các giống chất lượng càng cao thì lợi nhuận còn thấp dưới 20%. Đây cũng lý giải tại sao nông dân vẫn kiên trì gieo trồng các giống lúa chất lượng thấp trong khi chuỗi giá trị lại không khuyến khích mua bán theo chất lượng.

Bảng 1. Phân chia giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu ĐBSCL

Tác nhân

GTGT, đồng/kg

Tỷ lệ GTGT (%)

Khối lượng trung bình (tấn/năm)

GTGT tổng số, (qui USD)

Nông dân

507

34%

8.4

224

Thu gom

280

19%

1700

25.053

Xay xát

186

13%

4949

48.448

Đánh bóng

50

3%

74400

195.789

Vận chuyển

29

2%

8550

13.050

Xuất khẩu

422

29%

100000

2.221.053

 Nguồn: MDI, 2009, dẫn theo Steven Jaffee, WB, 2011.

Bảng 2. Giá trị gia tăng của một số tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê xuất khẩu Krong no, Dak nông

Tác nhân

Qui mô

GTGT, 1000đ

Tổng GTGT/năm, triệu đ

Hộ thâm canh

1 ha

50.380/ha

50,38

Hộ thu gom

200 tấn/năm

200/tấn

40,00

Đại lý cấp xã

300 tấn/năm

220/tấn

66,00

Đại lý cấp huyện

1.000 tấn/năm

270/tấn

270,00

Nguồn: Bùi Quang Duẩn, Trung tâm HTNN, 2012.

Bảng 3. Phân chia giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị mận Mộc châu nội địa năm.

Tác nhân

GTGT (đồng/kg)

Tỷ lệ GTGT (%)

Khối lượng trong vụ bình quân (tấn)

Tổng GTGT của tác nhân (tr. đ)

Nông dân

4200

28.4%

9

37.8

Thu gom

340

2.3%

80

27.2

Bán buôn Mộc châu

1600

10.8%

200

320.0

Bán buôn Hà nội

900

6.1%

60

54.0

Bán lẻ Hà nội

7750

52.4%

1.2

9.3

Nguồn: Lê Quốc Anh, Đào Thế Anh, Trung tâm HTNN, 2012.

Bảng 4. Phân chia giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngô Mộc châu nội địa năm .

Tác nhân

GTGT

(đ/kg)

Tỷ lệ GTGT (%)

Tổng khối lượng/năm (tấn)

Tổng GTGT/năm (tr.đ)

Nông dân

1.584

82.1%

9.639

15.3

Thu gom nhỏ

200

10.4%

250

50.0

Lò sấy nhỏ

100

5.2%

1.200

120.0

Thu gom lớn

20

1.0%

20.000

400.0

Công ty chế biến TAGS từ ngô

25

1.3%

30.000

750.0

Nguồn: Hoàng Thanh Tùng, Đào Thế Anh, Trung tâm HTNN, 2010.

Các ví dụ nêu trong các bảng 1 đến 4 cho thấy các vấn đề sau:

- Những nghiên cứu về chuỗi giá trị ở Việt Nam phần lớn còn chưa hoàn chỉnh cho toàn chuỗi và chưa đề xuất được các giải pháp khả thi tổng thể về thể chế và công nghệ.

- Người nông dân được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi giá trị do quy mô nhỏ. Trong sản xuất lúa gạo, việc sản xuất nhỏ, nhiều giống, thương lái thu không có điều kiện phân loại giống làm cho chất lượng gạo không đồng đều, không thể xây dựng thương hiệu, ngoài tên gọi chung “Gạo trắng Việt Nam’. Trong sản xuất cà phê, nông dân thậm chí còn chịu thiệt thòi hơn. Các nhà khoa học ước tính, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê cuối cùng. Trong nhiều trường hợp, việc có quá nhiều trung gian các cấp làm giảm thu nhập của nông dân một cách đáng kể. Tiềm năng tạo ra giá trị của khâu bán lẻ trên thị trường nội khá cao, tuy nhiên quy mô bán lẻ lại nhỏ và phân tán.

Công nghiệp chế biến và bảo quản chưa được đầu tư cũng là nguyên nhân làm giảm giá trị của nông sản, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thông qua các văn bản sau: i) Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/ 2009 của Chính phủ về Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; ii) Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 69/2007/QĐ-TTg, ngày 18/5/2007 Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đến 2010 và định hướng đến năm 2020; Số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Số 23/2010/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến 2020; Số 57/2010/QĐ-TTg, ngày 17/9/2010 về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch.

 3. Vai trò của thị trường và chuỗi giá trị trong nước

 Trong thời gian qua, chúng ta chú ý nhiều đến thị trường xuất khẩu mà ít chú ý đến tiềm năng của thị trường trong nước, trong khi tổng giá trị của thị trường thực phẩm trong nước luôn cao hơn xuất khẩu. Mức thu nhập dân cư tăng kéo theo nhu cầu về chất lượng tăng tại các đô thị tăng lên. Thị trường đô thị chiếm khoảng trên 40% giá trị của thị trường thực phẩm Việt nam (Moustier et all, 2009). Khảo sát một số thị trường đô thị cấp hai như Long xuyên, Quy nhơn, Đồng hới, Hà tĩnh cho thấy khoảng 20% gạo chất lượng cao thường được nhập từ ĐBSCL hay từ Thái lan, Cămpuchia chứ không được sản xuất tại chỗ. Như vậy thị trường gạo chất lượng trong nước còn bị bỏ ngỏ. Vụ Đông xuân 2012, lợi nhuận của nông dân trên 1 ha lúa xuất khẩu tại An giang là 16,5 triệu đồng (đạt tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu là 46%), trong cùng thời vụ lợi nhuận của 1 ha lúa tẻ chất lượng bán trong nước tại Hải dương là 14,2 triệu đồng. Một số mô hình lúa nếp đặc sản của miền Bắc, nông dân có thể có mức lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha. Giá gạo xuất khẩu năm 2012 chỉ bằng 64% giá gạo tẻ chất lượng cao và bằng 90% giá gạo tẻ thường trên thị trường nội địa (Trung tâm HTNN, 2012).

 4. Ứng dụng công nghệ cao trong nâng cao chuỗi giá trị nông sản

 Công nghệ cao là công cụ quan trọng nhất để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản khi mà các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động, và một phần chính sách đã phát huy hết hiệu lực. Với nhận thức này, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các văn bản liên quan đến Công nghệ cao trong nông nghiệp được ban hành, đó là: i) Luật Công nghệ cao, được Quốc Hội thông qua ngày 13/11/2008; ii) Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 176/QĐ-TTg, ngày 29/01/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Số 49/2010/QĐ-TTg, ngày 19/7/2010 phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Số 842/QĐ-TTg, ngày 01/6/2011 phê duyệt Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020"; Số14/2008/QĐ-TTg, ngày 22/01/2008 phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020” và số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 phê duyệt "Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020".

 Với tầm nhìn mới trong Nông nghiệp: i) Tăng trưởng ổn định, ii) Giảm phát thải khí nhà kính và iii) Tăng thu nhập cho người dân thì các giải pháp tổng hợp, trong đó ứng dụng công nghệ cao mang tính quyết định. Các công nghệ và giải pháp cần được ưu tiên là:

4.1. Trong công đoạn sản xuất

i) Chọn tạo giống

 Chọn tạo giống cây trồng thích ứng với điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, chất lượng đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Các công nghệ cần ưu tiên là: Công nghệ gen và công nghệ tế bào, trong đó gồm cả công nghệ chuyển gen với các loài cây trồng đã được Chính phủ cho phép (ngô, đậu tương và bông). Công nghệ gen còn được ứng dụng trong giải mã gen, xây dựng bản đồ gen, nhất là với các giống bản địa, đặc sản để cung cấp vật liệu di truyền phù hợp mục tiêu tạo giống, giúp rút ngắn thời gian chọn tạo giống mới.

 Để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế, các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng, kể cả chất lượng cảm quan, sinh hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm trong quá trình định hướng chọn, tạo giống.

ii) Phân bón và bón phân

 Hiện nay, trong cơ cấu giá thành của hầu hết nông sản, chi phí vật tư và lao động chiếm tỉ lệ chủ yếu. Do vậy, để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cần tập trung vào các công đoạn sản xuất chiếm chi phí cao này.

 Trước hết, cần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Theo nghiên cứu, chỉ 40-50% phân đạm, 30-60% phân lân (bao gồm cả hiệu lực tồn dư) và khoảng 55-60% kali được cây trồng sử dụng, phần còn lại bị rửa trôi hoặc bay vào không khí (với N). Do vậy, các công nghệ nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón có vai trò hết sức quan trọng. Hiện tại, các chế phẩm làm chậm quá trình chuyển hóa Nitơ bao gồm Agrotain, NEB, urea bọc lưu huỳnh, formaldehyt, hay giảm cố định lân như Avail, EVL đang được ứng dụng. Phân bón NPK chứa các nguyên tố trung vi lượng chelate... các chế phẩm vi sinh vật hay phân vi sinh vật chức năng, phân bón chứa các thành phần đa trung vi lượng và vi sinh cũng là những công nghệ mới và hiệu quả.

 Hàng năm chúng ta sản xuất trên 40 triệu tấn lúa, 5 triệu tấn ngô... đồng thời chúng ta cũng có ít nhất một lượng phế phụ phẩm như vậy không được sử dụng hiệu quả, mà phần lớn bị đốt tại ruộng, vừa mất chất dinh dưỡng, vừa tăng phát thải khí nhà kính. Do vậy, cần sản xuất than sinh học cho từ rơm rạ để làm nhiên liệu hay chế phẩm cải tạo đất, áp dụng công nghệ chuyển hóa lignin-cellusoe để sản xuất ethanol thay vì sử dụng tinh bột như hiện nay. Công nghệ compost/ủ với vi sinh vật để chế biến phân bón hữu cơ cũng là giải pháp xử lý phế phụ phẩm hữu hiệu.

 Cùng với công nghệ sản xuất phân bón công nghệ cao, việc ứng dụng GIS, viễn thám, thông tin di động để bón phân theo nhu cầu cây trồng cũng bắt đầu được ứng dụng.

iii) Quản lý cây trồng tổng hợp

 Ngoài bón phân, kỹ thuật Nông lộ phơi (AWD) để tiết kiệm nước trên ruộng lúa, tưới phun và tưới nhỏ giọt kết hợp sử dụng chất giữ ẩm, màng phủ để nâng cao hiệu quả sử dụng nước với cây trồng cạn; sử dụng GIS để dự báo sâu bệnh, kỹ thuật giải mã trình tự gen để chẩn đoán và phát hiện bệnh mới hay các chế phẩm BVTV sinh học là những công nghệ đang phát huy hiệu quả trong sản xuất.

iv) Chuyển đổi hệ thống canh tác, cơ cấu cây trồng

 Việc tăng vụ, dịch chuyển thời vụ hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chiều sâu (cùng cơ cấu về loài cây trồng nhưng sử dụng giống mới) cho phép cải thiện và ổn định độ phì nhiêu đất, giảm áp lực về sâu bệnh và lao động. Các kỹ thuật làm mạ nền, khay, mạ ném, sạ hàng hay xen cây bộ đậu, trồng cây vụ đông, hoặc sạ đồng loạt để né rầy đã chứng minh cho các gói công nghệ này. Một số thành công trong sản xuất khoai tây, đậu tương bằng canh tác tối thiểu hay sản xuất nấm rơm trên ruộng lúa hoàn toàn có thể mở rộng nếu có chính sách phù hợp.

v) Cơ giới hóa canh tác

 Việc sản xuất hàng hóa qui mô lớn đòi hỏi phải tích tụ ruộng đất theo chủ trương “hộ nhỏ-cánh đồng lớn” để tăng khả năng cơ giới hóa. Hiện tại công nghệ san ruộng bằng lazer, làm đất, lên luống, gieo sạ, thu hoạch, vận chuyển, sấy với nhiều cây trồng đều có thể sử dụng máy.

4.2. Trong công đoạn bảo quản, chế biến

 Có thể nói, với phần lớn sản phẩm nông nghiệp chưa được bảo quản chế biến một cách khoa học nên tổn thất rất cao cả về số lượng (11-13% với lúa, 13-15% với ngô, 25-30% với rau) và về chất lượng (nhiễm aflatoxin, mốc, mọt...).

 Trong sản xuất lúa gạo cần tiếp tục ưu tiên khâu sấy để đảm bảo 100% lúa được sấy. Trong cà phê, khâu chế biến, bảo quản đều rất kém, tỉ lệ lỗi cao, tiêu chuẩn thấp. Tỉ lệ cà phê chế biến sâu quá thấp, chưa đạt 10%, trong khi giá trị gia tăng phần lớn nằm ở công đoạn này. Với các cây trồng khác cũng có tình trạng tương tự.

4.3. Trong công đoạn Thương mại sản phẩm

 Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều loại nông sản có độ mở thị trường rất cao: Cà phê, hồ tiêu trên 90%, Lúa gạo xấp xỉ 25%, các mặt hàng khác như cao su, hạt điều, chè, sắn...cũng trên 50-60%.... Như vậy, về lý thuyết, Việt Nam phải là nước điều tiết hoặc tham gia điều tiết giá thị trường. Tuy nhiên, hầu hết nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại không có thương hiệu, những sản phẩm có thương hiệu thì qui mô quá nhỏ. Do vậy, giá trị gia tăng nhờ thương hiệu chúng ta không có. 

 Bên cạnh đó, do sản xuất nhỏ lẻ, thương lái thu gom nông sản thay vì mua theo từng loại chất lượng thì đều trộn chung. Điều này dẫn đến cà phê Việt Nam rất có thể được chế biến và tiêu thụ dưới các tên thương mại nổi tiếng của Nestle, Highland, Starbucks... Còn thương hiệu Trung Nguyên hay Biên Hòa chưa đáng kể. Với gạo cũng vậy, cho dù công đoạn chế biến của Việt nam rất tốt, song do nhiều nguyên nhân, gạo Việt Nam chỉ có một tên chung là gạo trắng Việt Nam, trong khi cạnh chúng ta có Jasmine, Khaodakmali của Thái lan hay Basmati của Ấn độ, Pakistan..

 5. Một số giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của nông sản

5.1. Giải pháp về thị trường:

 Trước hết, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng (supply-driven) sang sản xuất theo nhu cầu thị trường (demand-driven). Do vậy, Chính phủ hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để đảm bảo rủi ro thấp nhất. Hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng cần được cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể. Trước hết cần phát triển các chuỗi giá trị dựa trên thị trường trong nước để tăng tính chuyên nghiệp cho các tác nhân, sau đó tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Thương vụ và Doanh nghiệp trong nước.

 Nhằm tránh rủi ro do giá xuống thấp khi vào vụ thu hoạch, Nhà nước nên tổ chức thu gom nông sản và khi giá lên đến mức có lợi cho người dân thì tổ chức đấu giá, thậm chí cả đấu giá xuất khẩu. Thái Lan hiện đang thực hiện thu mua lúa cho nông dân và tổ chức đấu thầu bán lại cho Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

5.2. Giải pháp về xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia:

 Mỗi nước khi tham gia thị trường (kể cả thị trường trong nước) đều phải xây dựng được thương hiệu của từng sản phẩm để bảo hộ và nâng cao giá trị gia tăng. Chúng ta đã và đang xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, bản địa, tuy nhiên qui mô sản xuất các sản phẩm này lại quá nhỏ bé, cần có chính sách ưu tiên thúc đẩy sản xuất đối với các sản phẩm nàyDo vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp, Hiệp hội xây dựng thương hiệu thông qua: a) Qui hoạch và xây dựng vùng sản xuất; b) Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm hoặc hài hòa tiêu chuẩn quốc tế; c) Quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông; d) Huy động tối đa sự tham gia của các hãng vận tài (kể cả hàng không) để sử dụng và giới thiệu sản phẩm và e) hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài.

5.3. Giải pháp về hỗ trợ Doanh nghiệp và đầu tư công nghệ

 Doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế,tiêu thụ và cung ứng đầu vào. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Khi Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà chỉ tính theo mùa vụ sản xuất.

 Trong chuỗi giá trị, doanh nghiệp không hoạt động độc lập mà phải hợp tác với các tác nhân khác, vì vậy đầu tư công nghệ cần tổng thể theo chuỗi để chuỗi giá trị có thể vận hành đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, đóng gói, thương mại. Hợp tác giữa doanh nghiệp với nghiên cứu tư vấn là hết sức cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực này.

5.4. Giải pháp về hỗ trợ xây dựng Tổ chức nông dân và Hiệp hội ngành hàng

 Nông dân, thậm chí doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều có qui mô nhỏ, vốn ít, do vậy khả năng vươn ra thị trường trực tiếp là khó khăn. Hơn nữa chính chúng ta đang tự cạnh tranh nhau nên đã làm tổn hại uy tín quốc gia và gây tổn thất cho người sản xuất. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để hình thành các hình thức hợp tác của nông dân như nhóm sở thích, Hiệp hội, HTX theo từng ngành hàng cụ thể. Như vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu phải là các hoạt động có điều kiện và cần có chế tài để giám sát Doanh nghiệp. Các tổ chức nông dân và hiệp hội sẽ cùng với doanh nghiệp đưa ra giải pháp về tổ chức chuỗi giá trị, giải pháp về quản lí chất lượng theo chuỗi, giải pháp quản trị thương hiệu theo chuỗi, xây dựng kênh phân phối và marketing sản phẩm; quản lí và chia sẻ rủi ro theo chuỗi. Tóm lại nhóm giải pháp này bao gồm các giải pháp về thể chế tổ chức chuỗi, là nền tảng cho việc áp dụng có hiệu quả công nghệ mới và hiện đại trong chuỗi giá trị nông sản.

6 . Kết luận

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn về ảnh hưởng tiêu cực của Biến đổi khí hậu, giá thành sản xuất cao, chất lượng nông sản thấp làm cho năng lực cạnh tranh giảm. Thêm vào đó, công nghiệp chế biến lạc hậu, thương hiệu sản phẩm không có nên việc gia tăng giá trị nông sản trong chuỗi giá trị rất hạn chế. Việc gắn sự phát triển nông nghiệp xanh với chiến lược phát triển chuỗi là công việc cần làm ngay.

Tăng trưởng của nông nghiệp thời gian qua chủ yếu nhờ vào đổi mới chính sách, tăng cường đầu tư, nhất là trong thủy lợi và phát triển Khoa học công nghệ đặc biệt về giống. Trong thời gian tới, tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ phải chủ yếu dựa vào phát triển Doanh nghiệp và Khoa học công nghệ, trong đó phát triển doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong gia tăng chuỗi giá trị.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Quốc Anh, Đặng Thị Hải, Đào Thế Anh. 2012. Nghiên cứu chuỗi giá trị mận Mộc châu, Sơn la. Báo cáo của dự án Aciar Tây Bắc.

2. Bùi Quang Duẩn. 2012. Những thách thức và giải pháp phát triển chuỗi giá trị cà phê tỉnh Đắc Nông. Tài liệu bản quyền dự án 3EM Đắk Nông.

3. Gereffi, G., Humphrey, J., Sturgeon, T. 2005. The governance of global value chains. In Review of International Political economy, vol. 12, pp. 78-104.

4. Jaffee S. và cộng sự. 2011. World Bank. Vietnam rice, Farmer and Rural development. From successful growth to sustainable prosperity. 100 p.

5. Kaplinsky, R. and M. Morris (2001). A Handbook for Value Chain Research. Brighton, United Kingdom, Institute of Development Studies, University of Sussex.

6. Moustier, P.; Phan Thi Giac Tam; Dao The Anh; Vu Trong Binh, Nguyen Thi Tan Loc. 2009. The role of farmer organization in supplying supermarkets with quality food in Vietnam. In Food Policy, vol. 35, pp 69-78. doi: 10.1016/j.foodpol.2009.08.003.

7. Đặng Kim Sơn. Chính sách lúa gạo Việt Nam:Tổng quan và đề xuất chính sách. Bài trình bày tại Hội thảo “Chính sách lương thực của Việt Nam”, Hà Nội, 28/6/2012

8. Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Văn Sơn, Đào Thế Anh và CS. 2010. Nghiên cứu chuỗi giá trị ngô Sơn la. Báo cáo của dự án Aciar Tây Bắc.

Tóm tắt

Hiện nay, Việt nam xuất khẩu nhiều nông sản nhưng giá trị thấp do các khâu sau thu hoạch và tiếp thị kém. Giá tri gia tăng tạo ra từ các khâu sau thu hoạch ở trong nước thấp và chủ yếu nằm ở nước ngoài. Một số chuỗi giá trị của thị trường trong nước lại có tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia của nông sản Việt nam cần có chính sách thu hút đâu tư ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trong suốt chuỗi giá trị, đồng thời áp dụng các thể chế tổ chức hợp tác trong chuỗi. Đây chính là hướng phát triển của nông nghiệp trong thời gian tới.

Từ khóa: Chuỗi giá trị, công nghệ hiện đại, hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp

Abstract:

Ugrading added value in the agricultural value chains of Vietnam

Currently, Vietnam exports many agricultural products but with low value-added due to poor post-harvest handling and marketing strategy in the chain. Value added generated from the post-harvest stage is low and mainly located overseas. To improve the competitiveness of agricultural products, Vietnam needs to apply policies to attract an intergrated investment of modern technology throughout the value chain. This is the development orientation of agriculture in the future.

Key words: Value chain, modern technology, cooperation, business investment.

Nguồn: Nguyễn Văn Bộ, Đào Thế Anh - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status