Sâu đục gân lá
Đặc điểm hình thái sâu đục gân lá
Là một loài ngài có mầu nâu, kích thước rất nhỏ với chiều dài thân khoảng 2,7-2,8 mm, chiều dài sải cánh 8-9 mm, chiều dài cánh 3,5-4 mm. Trên cập cánh trước có một đốm mầu vàng sáng hiện diện trên chóp cánh. Rìa cánh trước và cánh sau có hàng lông dài, đen rất mịn. Cánh sau rất hẹp. Chân dài, mỏng mảnh. Râu đầu dài, hướng về phía trước khi thành trùng ở trạng thái nghĩ.
Tại Thái Lan, loài này cũng được ghi nhận đục gân lá Vải và Nhãn (Hiroshi Kuroko, Angoon Lewvanich, 1993). Loài này có hình dạng rất giống Conopomorpha cramerella (sâu đục trái Chôm chôm, cao cao) và sâu đục cuống quả (Conopomorpha sinensis) nhưng kích thước rất nhỏ so với C. cramerella và C. sinensis và phần trán (trên đầu) có túm lông mầu nâu nhạt, trong khi C. cramerella và C. sinensis có túm lông mầu trắng (dựa theo phân loại của Hiroshi Kuroko, Angoon Lewvanich - 1993).
Ấu trùng rất nhỏ mầu xanh nhạt, đốt bụng rất dài và có nhiều lông. Khi phát triển đầy đủ dài khoảng 5mm. Nhộng rất nhỏ lúc đầu có mầu xanh nhạt, khi sắp vũ hóa chuyển sang mầu vàng nâu, thời gian nhộng 5-6 ngày.
Đặc điểm sinh học và gây hại của sâu đục gân lá
Trứng được đẻ rải rác trên lá Nhãn non, gần gân chính. Ấu trùng mới nở thường tấn công và đục vào phần gân chính của lá còn non (lá còn mầu đỏ).
Sâu non rất nhỏ, màu xanh nhạt, đốt bụng dài và có nhiều lông ngắn, đẩy sức dài 5mm. Sau khi nở, sâu non đục vào cắn phá gân chính của lá nhãn non vẫn còn màu nâu đỏ chưa chuyển sang màu xanh, làm cho gân chính và mô lá hai bên bị hủy hoại biến thành màu nâu đỏ, sau đó khô (nhìn như lá bị cháy), vết cháy nhỏ dần về phía cuống lá, tạo thành hình mũi nhọn như chữ V.
Lá nhãn bị sâu đục gân lá (Vết cháy hình mũi nhọn như chữ V)
Phần lá còn xanh sẽ bị biến dạng, cong queo. Sau này vết cháy bị khô giòn, nếu gặp mưa gió mạnh thì vết cháy bị rách làm hai. Triệu chứng bị sâu đục gân lá gây hại làm nông dân rất dễ nhầm lẫn là triệu chứng bệnh.
Triệu chứng do sâu đục gân lá
Khi mật số cao, toàn thể chồi non trên cây đều bị nhiễm từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và ra bông trái của cây. Giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 14-15 ngày. Sau khi phát triển đầy đủ, ấu trùng chui ra khỏi gân lá, nhả tơ kết thành một lớp màng trắng đục, hình hơi tròn hoặc bầu dục trên lá và hóa nhộng phía dưới lớp màng trắng này. Nhộng dài khoảng 5mm màu xanh nhạt.
Trong điều kiện tự nhiên, loài này thường bị nhiều loài Ong ký sinh tấn công, có nhiều vườn tỷ lệ ký sinh lên đến 65%. Giai đoạn nhộng: 6-7 ngày. Thời gian sống trung bình của thành trùng khoảng 5-7 ngày trong điều kiện phòng thí nghiệm. Chu kỳ sinh trưởng kéo dài khoảng 24-25 ngày.
Khả năng gây hại của sâu đục gân lá
Tại ĐBSCL, loài này mặc dù chỉ mới bộc phát trong thời gian vừa qua khi diện tích cây ăn trái gia tăng nhưng là đối tượng gây hại rất phổ biến trên Nhãn, làm ảnh hưởng quan trọng trên năng suất Nhãn. Kết quả điều tra năm 1993-1994 (NguyễnThị Thu Cúc và Nguyễn Văn Hùng, 1997) ghi nhận Sâu hiện diện đều khắp trên các địa bàn trồng Nhãn tại ĐBSCL, rất phổ biến tại Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Sâu có thể tấn công đến 100% số cây trong vườn và có thể làm thiệt hại đến 100% lá non trên cây, đặc biệt làì các đợt lá non trong khoảng tháng 8-9 dương lịch.
Do tập quán ăn phá trong gân lá non (khi lá khô có triệu chứng như bị cháy lá) nên Sâu này thường được gọi là Sâu đục gân lá Nhãn.
Biện pháp phòng trị sâu đục gân lá
Để hạn chế tác hại của sâu có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa bỏ những cành già không cho trái bên trong tán, cành vô hiệu,.. để vườn nhãn luôn được thông thoáng.
- Ngoài tự nhiên, có nhiều loài ong ký sinh tiêu diệt được sâu đục gân lá nhãn. Vì thế, nên tạo điều kiện cho ong ký sinh phát triển để hạn chế bớt tác hại của sâu.
- Bón phân tập trung theo đúng thời kỳ để hạn chế cây ra đọt liên tục rất khó quản lý sâu đục gân lá.
- Ở những vườn thường xuyên bị hại nặng, mỗi đợt ra đọt non có thể tiến hành phun thuốc. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Map Go 20ME, Regent 5SC, Supracide 40EC,…
- Những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng có thể sử lý thuốc để phòng trị, các loại thuốc thuộc nhóm Cúc tổng hợp và Lân hữu cơ đều có hiệu quả tốt. Sử lý khi cây ra lá non và khi 5% lá bị nhiễm
Chú ý: phun kỹ phần lá non, chủ yếu là giai đoạn lá còn màu nâu đỏ, chưa chuyển qua màu xanh.