Rầy nâu
Giới thiệu về rầy nâu
Tên tiếng anh: Brown backed rice plant hopper
Họ: Delphacidae
Bộ: Homoptera
Đặc điểm hình thái
Trưởng thành màu nâu có 2 dạng cánh: Cánh dài phủ kín bụng và cánh ngắn phủ khoảng 2/3 thân. Hai dạng cánh này đơn thuần là sự biến đổi về hình thái, thể hiện điều kiện môi trường thuận lợi nhiều hay ít. Nếu môi trường bình thường sẽ xuất hiện cánh dài với tỉ lệ đực cái là 1:1, còn trong điều kiện môi trường thuận lợi thì xuất hiện rầy cánh ngắn với tỉ lệ đực cái là 1:3.
Trứng hình bầu dục cong, một đầu to, một đầu nhỏ có nắp đậy, trong suốt. Trứng được đẻ trong bẹ lá hoặc gân lá.
Ấu trùng có 5 tuổi, mới nở màu trắng ngà sau thành vàng nâu, thân hình tròn, dài 1-3 mm.
Đặc điểm sinh học, sinh thái và sinh thái
-
Vòng đời: 28-30 ngày
- Trứng: 6-7 ngày
- Ấu trùng: 12-13 ngày
- Trưởng thành: 10-12 ngày
-
Đặc điểm sinh học và gây hại:
Là loại thích sống quần tụ và khả năng năng sống quần tụ cao. Cả rầy non và trưởng thành đều không thích ánh sáng trực xạ nên rầy nâu sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa, chỉ khi râm mát rầy trưởng thành mới có ở trên mặt tán lá. Khi bị động có thể nhảy lên các bộ phận khác của cây hoặc rơi xuống nước. Rầy có cánh có xu tính với ánh sáng.
Rầy nâu hại giai đoạn trỗ-chắc xanh, mật độ cao gây ra hiện tượng cháy rầy.
Ngoài ra rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh virus trên lúa như bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá. Phân của rầy nâu chứa nhiều đường là môi trường cho các loại nấm phát triển gây nên bệnh bồ hóng ở gốc lúa làm cản trở quang hợp
Rầy nâu hại lúa
Triệu chứng gây hại của rầy nâu hại lúa
Ruộng lúa bị rầy nâu phá hại
Rầy nâu dùng vòi để chích hút nhựa cây làm cho cây lúa bị khô héo. Khi rầy nâu chích vào lúa, chúng để lại trên lá, thân một vệt nâu cứng, cản trở sự luân chuyển nước và chất dinh dưỡng làm thân, lá bị khô héo. Mật độ cao gây ra hiện tượng cháy rầy.
Biện pháp phòng trừ rầy nâu hại lúa
-
Biện pháp canh tác, kỹ thuật
+ Dùng giống kháng hoặc ít nhiễm rầy. Nếu thuận lợi nên dùng giống ngắn ngày thay cho giống dài ngày.
+ Không bón phân đạm quá nhiều, không sạ cấy quá dày.
+ Gieo cấy tập trung, không gieo cấy lệch thời vụ chính quá nhiều.
+ Hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu, nhất là vào giai đoạn đầu vụ để bảo vệ nguồn thiên địch của rầy.
+ Tạt dầu vào gốc lúa ở những ruộng lúa cao, khó phun xịt.
- Biện pháp sinh học:
+ Khi lúa 4-5 tuần tuổi, có nơi thả cá rô phi, cá mè để diệt rầy nâu hoặc thả vịt vào ruộng lúa diệt rầy
+ Hoặc có thể sử dụng các chế phẩm sinh học về các loại nấm đối kháng của rầy nâu như nấm xanh Metarhizium anisopliea, nấm trắng …/.
-
Biện pháp hóa học
Phun thuốc khi trứng nở được 80% với mật độ > 50 con/khóm
+ Giai đoạn đẻ nhánh - đòng: Dùng các loại thuốc nội hấp và thuốc ức chế sinh trưởng: Cytoc 250WP, Conphai 10WP, Actara 25WG, Asarasuper 250WDG, Wofara 300WG, Onera 300WG, Dantotsu 16 WSG, Chatot 600WG, Applaud 25SC, Aperlaur 100WP…
+ Giai đoạn đòng già - ngậm sữa, chắc xanh: Chỉ dùng các loại thuốc tiếp xúc có hoạt chất Fenobucarb (Bassa 50EC, Azora 350EC, Jetan 50EC, Bascide 50EC, Nibas 50ND…) và nhóm Chlorpyrifos Ethyl (Victory 585EC, Pyrifdaaic 500EC…).
* Phải rẽ lúa 4 hàng/băng; nếu lúa tốt, mật độ rầy cao, rẽ 3 hàng/băng và phun trực tiếp vào nơi cư trú của rầy.
* Chú ý: Tuyệt đối không hỗn hợp nhóm thuốc Pyrethroid (Fastac 5EC, Altach 5EC, Cyperkill 5EC) với các loại thuốc khác ở đầu vụ tránh gây bộc phát rầy cuối vụ và ô nhiễm môi trường.
- Lưu ý: Không nên phun thuốc trừ sâu, rầy trong vòng 30 ngày sau khi sạ, vì đây là khoảng thời gian thiên địch tích lũy, phát triển trên ruộng.
- Sau phun 3 ngày đối với rầy lưng trắng, 1-2 ngày với rầy nâu cần kiểm tra ruộng; nếu mật độ rầy còn > 50 con/khóm phải phun lại.
Rầy nâu hại cói
Đặc điểm sinh học và gây hại của rầy nâu hại cây cói
Rầy nâu gây hại nặng vào thời kỳ cây cói đẻ nhánh, làm bẹ lá có màu nâu đậm đến thâm đen. Chất thải làm cho bò hóng phát triển. Rầy tập trung ở gốc khóm cói, rầy đẻ trứng vào cây hoặc mép lá, phần gốc, trứng thường được xếp thành hàng hẹp. Rầy trưởng thành có xu tính với ánh sáng.
Biện pháp phòng trị rầy nâu hại cây cói
Nên dùng cát tẩm dầu, rắc xuống ruộng, sau đó dùng dây hoặc cành che khua nhẹ. Khi mật độ cao dùng thuốc Actara 25 WG. Cách dùng dùng một gói Actara 25 g hoà với nước cho một bình 8 lít và phun đều trên ruộng.