Những bài thuốc hay từ cây lá lốt

Lá lốt là loại rau quen thuộc trong nhân dân, thường dùng để ăn sống hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh. Theo Đông y, lá lốt vị cay thơm, tính nhiệt; vào vị, đại tràng và phế. Có tác dụng ôn trung tán hàn, kiện tỳ tiêu thực, hạ khí, chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau bụng lạnh gây nôn thổ (vị hàn ẩu thổ), tiêu chảy, trừ phong thấp hàn; đau đầu, đau răng, chán ăn đầy bụng. Hằng ngày dùng 8 - 12g khô hoặc 15 - 30g tươi dưới dạng sắc, nướng.

1.Một số bài thuốc dùng lá lốt làm thuốc chữa bệnh:

1.1. Cây lá lốt chữa phong thấp, đau nhức xương 

- Lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, rễ cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, rễ quýt rừng 12g, đơn gối hạc 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Lá lốt 16g, tầm gửi cây dâu 12g, tục đoạn 12g. Sắc uống 2 lần trong ngày.

- Lá lốt 20g, cỏ xước 20g, cẩu tích 20g, hy thiêm 20g, rễ si 16g, rễ quýt rừng 16g, cà gai leo 12g, thiên niên kiện 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

1.2. Cây lá lốt trị đau lưng, sưng khớp gối, bàn chân tê buốt 

- Rễ lá lốt 15g, rễ bưởi bung 15g, rễ cây vòi voi 15g, rễ cỏ xước 15g. Sao vàng sắc uống 3 lần trong ngày.

- Lá lốt tươi, ngải cứu tươi, liều lượng bằng nhau. Giã nát, thêm ít dấm, đảo trên chảo nóng. Đắp hoặc chườm.

1.3.Cây lá lốt trị viêm nhiễm âm đạo, ngứa, ra nhiều khí hư băng lá lốt

- Lấy 50 gr lá lốt, 40 gr nghệ, 20 gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi thì bớt lửa sôi liu riu khoảng 10 – 15 phút rồi chắt lấy một bát nước, để lắng trong, dùng rửa âm đạo. Số thuốc còn lại đun sôi để xông hơi vào âm đạo, rất hiệu nghiệm

1.4. Cây lá lốt trị bệnh kiết lỵ:

- Lấy một nắm lá lốt sắc với 300 ml nước, chia uống trong ngày.

1.5. Cây lá lốt trị bệnh tổ đỉa ở bàn tay

- Lấy một nắm lá lốt, rửa sạch, giã nát, chắt lấy nước cốt, uống hết một lần, còn bã cho vào nồi, đổ ba bát nước đun sôi kỹ. Vớt bã để riêng, dùng nước thuốc lúc còn ấm rửa vùng tổ đỉa, lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 – 2 lần, liên tục 5 – 7 ngày sẽ khỏi.

1.6. Cây lá lốt trị lợm giọng buồn nôn:

- Lá lốt khô 40g, tán bột. Uống 2g bột với nước cơm trước bữa ăn.

1.7. Cây lá lốt trị chứng tay chân đổ mồ hôi gây khó chịu:

- Lấy 30 gr lá lốt tươi, đổ một lít nước vào đun sôi, cho thêm ít muối. Để nước ấm ngâm tay chân vào. Làm thường xuyên ngày một lần trước khi đi ngủ, sẽ có kết quả tốt.

1.8. Cây lá lốt chữa viêm răng miệng:

- Cao lá lốt 2g, đường kính 2g, nước 10ml. Hòa tan và ngậm.

2. Món ăn - bài thuốc có lá lốt

Lá lốt được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon

Lá lốt được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ngon

2.1. Cháo lá lốt

- Cành, nụ lá lốt khô 30g, hồ tiêu 30g, quế 12g, gạo tẻ 100g. Cành, nụ lá lốt, hồ tiêu tán mịn, mỗi lần dùng 9g. Gạo nấu cháo. Khi cháo chín cho bột thuốc vào khuấy đều, ăn khi đói. Dùng cho trường hợp đầy bụng không tiêu, chán ăn có liên quan với hư hàn, hàn thấp.

2.2. Lá, nụ, toàn cây lá lốt khô tán bột

- Mỗi lần uống 1,5 - 2g uống với nước canh hoặc nước cháo. Dùng cho các trường hợp ho nhiều đờm dãi, nôn thổ.

2.3. Sữa bò sắc lá lốt

- Sữa bò 200ml, lá lốt tươi 30g. Lá lốt thái nhỏ, cùng cho vào nấu sắc, uống khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng, tăng sinh hơi, trung tiện nhiều trong ngày.

2.4. Đầu, chân dê hầm lá lốt

- Đầu dê 1 cái, chân dê 4 cái, lá lốt 30g, gừng tươi 30g, hạt tiêu 10g, hành trắng 50g, đậu xị 10g. Đầu dê, chân dê làm sạch, cho nước luộc chín. Cho tiếp lá lốt, gừng tươi, hạt tiêu, hành trắng, đậu xị, muối ăn và các gia vị, tiếp tục đun nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày. Dùng cho các bệnh nhân có bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, có các triệu chứng đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng.

- Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng, dạ dày nhiệt và táo bón dùng hạn chế.

Nguồn: Admin tổng hợp
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status