Nhu cầu nước, thời điểm và hướng dẫn tưới nước cho cây hoa huệ

Cây trồng liên quan: Cây hoa huệ

1. Nhu cầu nước của cây hoa huệ

Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Khi có đầy đủ nước, cây sinh trưởng nhanh. Khi thiếu nước, cây còi cọc, chậm phát triển. Nếu quá trình thiếu nước kéo dài cây hoa sẽ bị héo, khô và chết.

Cây hoa huệ là cây rễ củ nên khi nảy mầm cũng như quá trình sinh trưởng cần phải có đủ nước.

Các giai đoạn sinh trưởng khác nhau thì có nhu cầu về nước khác nhau.

- Sau khi trồng vài ngày, rễ mầm nhú ra và phát triển thì yêu cầu đất xung quanh củ phải đủ ẩm, vì vậy trước khi trồng nên tưới nước.

- Khi cây mọc, nếu đất quá khô thì phải tưới nước ngay.

- Trong suốt thời kỳ sinh trưởng, cây hoa huệ cần rất nhiều nước, đặc biệt là ở giai đoạn có 3 - 7 lá, đây là thời kỳ cây có nhu cầu về nước lớn, nếu thiếu nước cây sẽ sinh trưởng chậm ảnh hưởng đến khả năng phân hóa của hoa.

2. Thời điểm tưới nước cho cây hoa huệ

Tưới nước đúng thời điểm, kịp thời giúp cây đủ nước, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

Các thời điểm tưới nước cho hoa huệ:

- Sau khi trồng phải tưới nước ngay để đất đủ ẩm, ngày tưới 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát.

- Ở giai đoạn cây còn nhỏ: mỗi ngày tưới nước 1 lần.

- Khi cây đã lớn vượt thì ngày phải tưới 2 lần.

Thời điểm tưới nước trong ngày:

- Việc tưới nước có thể tiến hành bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Tuy nhiên để đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, nên tưới nước trước khi trời tối, vì lá cây ẩm ướt là môi trường lý tưởng

để các loài vi sinh vật gây bệnh phát triển.

- Không tưới nước vào giữa trưa nắng.

- Thời điểm tưới nước tốt nhất là trước 10 giờ sáng và sau 3-4 giờ chiều.

3. Phương pháp tưới nước cho cây hoa huệ

3.1. Một số yêu cầu khi tiến hành tưới nước

- Lượng nước thấm đều trên ruộng, không để xảy ra tình trạng chỗ quá nhiều nước, chỗ lại thiếu nước. Nếu hiện tượng này xảy ra, ruộng hoa phát triển không đều, ảnh hưởng tới năng suất.

- Tiết kiệm nước, tránh hiện tượng rò rỉ, tiêu hao nước, gây lãng phí nước, làm tăng chi phí sản xuất.

- Tưới nước kết hợp với các biện pháp canh tác để tăng hiệu quả của việc chăm sóc cây.

3.2. Các yếu tố quyết định việc lựa chọn phương pháp tưới

Hiện nay, trong sản xuất hoa huệ có rất nhiều phương pháp tưới nước. Việc lựa chọn phương pháp tưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đất đai, địa hình, khả năng cấp nước, thời tiết.

a. Đất đai

Đất đai là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định phương pháp tưới vì nó liên quan trực tiếp đến sự điều phối nước cho cây.

- Đất cát là loại đất nhẹ, được tạo nên chủ yếu từ các hạt có kích thước lớn (hạt thô). Do chứa nhiều hạt thô nên khe hở giữa các hạt này lớn. Vì vậy đất cát thấm nước nhanh nhưng khả năng giữ nước kém. Lượng nước bốc hơi trên bề mặt đất cát lớn và nhiệt độ của lớp này dễ thay đổi. Do đó, cây trồng mọc trên đất cát phải được tưới nước thường xuyên bằng phương pháp tưới phun và tưới nhỏ giọt, không thích hợp với phương pháp tưới tràn.

- Đất thịt pha cát có khả năng giữ nước tốt hơn đất cát. Đối với loại đất này thường sử dụng phương pháp tưới phun.

- Đất thịt nhẹ: có khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng tốt. Đất thịt phù hợp với hầu như tất cả các phương pháp tưới.

- Đất thịt nặng: có khả năng giữ nước tốt nhất nên phù hợp với phương pháp tưới rãnh.

- Đất sét: là loại đất thấm nước kém, giữ nước nhiều nên dễ bị ngập úng khi mưa hoặc tưới nhiều. Đất sét không phù hợp với hầu hết các loại cây trồng.

b. Địa hình

Địa hình ít ảnh hưởng đến quyết định trong việc lựa chọn phương pháp tưới nước. Tuy nhiên, đối với phương pháp tưới rãnh và tưới theo dãi thì phải xem xét yếu tố địa hình để thiết kế hệ thống tưới phù hợp.

c. Khả năng cung cấp nước

Đối với những vùng có khả năng cung cấp nước thấp, phụ thuộc theo mùa thì nên lựa chọn phương pháp tưới tiết kiệm nước như tưới ngầm hoặc tưới nhỏ giọt.

Đối với những vùng có nguồn nước dồi dào quanh năm thì việc tưới tiết kiệm nước hầu như không cần được đặt ra, có thể lựa chọn bất kỳ phương pháp nào.

d. Thời tiết

Thời tiết ít chi phối đến việc quyết định phương pháp tưới. Tuy nhiên, ở những nơi có gió mạnh thường xuyên thì không nên chọn phương pháp tưới phun mưa. Vì do tác động của gió, nước sẽ phân bố không đều trên ruộng hoa.

3.3. Các phương pháp tưới nước cho cây hoa huệ

a. Tưới phun

Tưới phun là biện pháp cung cấp nước từ trên cao, tương tự như việc cung cấp nước cho cây trong thiên nhiên thông qua những cơn mưa. Ưu nhược

điểm của phương pháp tưới phun:

Ưu điểm

- Có thể thực hiện trên mọi địa hình.

- Thoáng khí tốt khi phun.

- Cải tạo điều kiện về khí hậu của khu tưới.

- Tiết kiệm nước.

- Đảm bảo mức tưới chính xác.

- Phân phối nước tương đối đồng đều.

- Cho phép dùng phân hóa học, các chất khử trùng đã hòa tan trong nước để rải xuống mặt ruộng một cách đều và hiệu quả hơn.

- Thỏa mãn yêu cầu sinh lý của cây trồng về nước cũng như lớp đất có bộ rễ cây hoạt động, bề mặt lá đều được tưới và làm sạch bụi bám trên lá rất hữu ích cho sinh trưởng phát triển của cây.

- Điều hòa tiểu khí hậu.

Nhược điểm

- Vốn đầu tư và chi phí ban đầu lớn.

- Tổn thất bốc hơi lớn khi phun.

- Cỏ dại phát triển mạnh do đất được làm ẩm.

- Gây nên sự nén chặt đất.

- Sự phân bố hạt trên diện tích tưới phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

- Các đầu phun hay bị nghẽn nếu nguồn nước có nhiều chất bùn cặn.

Tưới phun có 2 phương pháp chính: tưới bán thủ công bằng gương tưới, và tưới phun tự động bằng hệ thống vòi phun.

* Tưới phun cầm tay

Đây là phương pháp tưới được áp dụng phổ biến hiện nay. Dụng cụ tưới bao gồm dây, gương tưới hoặc sử dụng bình ô doa.

Phương pháp tưới:

- Kiểm tra ống dây và gương tưới.

- Mở van nước ở ống cấp nước chính.

- Gắn gương tưới vào đầu ống dây, nên để đầu ống nằm dưới rãnh, không hướng đầu ống về phía cây trồng vì nước khi được bơm lên với áp lực lớn sẽ làm hỏng cây.

- Tưới theo thứ tự từ đầu luống cho đến cuối luống.

- Không hướng vòi tưới trực tiếp vào cây vì áp lực nước lớn sẽ làm tổn thương cây, nhất là khi cây đang còn non. Ngoài ra nước có thể làm xói lở luống.

- Tốt nhất là nên hướng vòi tưới lên cao và để cho nước rơi nhẹ lên cây.

- Trong trường hợp tưới một khoảng ruộng nhỏ có thể sử dụng thùng tưới thủ công.

Tưới nước cho hoa huệ bằng vòi phun

Tưới phun bằng vòi phun

- Ngoài ra có thể sử dụng bình ô doa để tưới phun cho cây hoa huệ. Nhược điểm của việc sử dụng bình ô doa là: thời gian tưới kéo dài, tốn công. Tuy nhiên với phương pháp tưới này có thể điều chỉnh được lượng nước tưới theo ý muốn.

Tưới phun bằng bình ô doa

Tưới phun bằng bình ô doa

Tưới phun tự động bằng hệ thống vòi phun

Đây là phương pháp tưới hiện đại có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, kích thích sinh trưởng cho cây và đặc biệt có thể tiết kiệm được 30-50% khối lượng nước so với phương pháp tưới tràn theo rãnh. Trong kiểu tưới này, nước được cung cấp cho cây từ các vòi phun gắn cố định trước trên mảnh ruộng và cách đều một khoảng cách cố định. Đối với cây hoa huệ, sử dụng vòi tưới chính là vòi phun quay tròn.

Trong hệ thống phun mưa, các thiết bị chính bao gồm: máy bơm ly tâm hoặc bơm pittông để hút nước và đẩy nước với áp lực cao, ống dẫn nước chính, ống nhánh, vòi phun.

Hệ thống tưới phun mưa

Hệ thống tưới phun mưa

b. Tưới rãnh

Là phương pháp tưới áp dụng sớm nhất và cho đến nay vẫn được phổ biến ở những vùng mà ở đó gặp khó khăn trong việc trang bị máy bơm. Ưu nhược điểm của phương pháp:

Ưu điểm

- Nước ngấm vào luống theo mao dẫn nên không phá hoại cấu tượng đất.

- Tạo chế độ nước và không khí thích hợp nhất.

- Áp dụng được cho nhiều loại đất khác nhau.

- Không gây xói mòn đất và không làm chèn chặt đất.

- Nước không làm ướt lá nên có thể tránh được một số bệnh cho cây.

Nhược điểm

- Tốn nhân lực để chuẩn bị đất làm rãnh.

- Có nguy cơ tập trung muối ở hai bên thành luống nếu là đất mặn.

Rãnh chứa nước tưới cho hoa

Rãnh chứa nước tưới cho hoa

c. Tưới nhỏ giọt

Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra đều đều từ công cụ hay thiết bị tạo giọt đặt tại một số điểm trên mặt đất gần gốc cây.

Hệ thống tưới nhỏ giọt đơn giản bao gồm bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt.

Hệ thống tưới nhỏ giọt

Hệ thống tưới nhỏ giọt

Ưu điểm

- Tiết kiệm nước (ít hơn các phương pháp khoảng 3 % lượng nước tưới).

- Hiệu suất tưới trên 90%.

- Hạn chế phát triển sâu bệnh, cỏ dại.

- Nước tưới có thể hòa tan thêm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

- Giảm công lao động.

- Cho phép áp dụng ở địa hình dốc, đồi núi mà không phải san ruộng

Nhược điểm

- Đầu tạo giọt hay bị nghẽn.

- Chi phí đầu tư cao.

- Đòi hỏi trình độ quản lý vận hành cao hơn.

Chú ý:

Đối với ruộng hoa bị sâu bệnh đặc biệt là bị nhện đỏ gây hại, để hạn chế và phòng trừ nhện ta có thể sử dụng biện pháp tưới nước như sau:

- Mỗi ngày phải tưới nước 3 - 4 lần.

- Không tưới bằng máy bơm, bình có vòi hoa sen, vì 2 biện pháp này không rửa trôi được nhện gây hại ở mặt dưới của lá huệ.

- Dùng tô hoặc chậu nhỏ, múc nước tạt, té ngược lên liếp huệ.

Tạt nước lên mặt luống hoa

Tạt nước lên mặt luống hoa

Với phương pháp tưới nước này, nước sẽ làm ướt mặt dưới của lá huệ, đồng thời có tác dụng phòng trừ nhện đỏ rất tốt.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây hoa huệ, lay ơn, đồng tiền - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status