Nhân giống cây mai chiếu thủy bằng phương pháp chiết cành

Cây trồng liên quan: Cây mai chiếu thủy

Nếu nhánh chiết mọc sát đất, thì cũng dùng dao cắt bỏ một khoanh vỏ rồi kéo nhánh xuống chôn dưới đất và đóng một cây móc để giữ nhánh chặt, cắm thêm một cây nọc giữ phần ngọn đừng cho lay động. Và cứ để yên như vậy, tưới ẩm hàng ngày, vài ba tháng sau, xới đất nhẹ xem rễ, nếu rễ mọc mạnh thì cưa cắt đem trồng.

1. Thời điểm chiết cành mai chiếu thủy

Thời điểm chiết cành nên chọn vào đầu mùa mưa. Và nên chọn lúc cây mai chiếu thủy sắp hết pha động (lúc lá đã xanh đậm nhưng chưa già). Vì lúc này còn lột vỏ cành mai được.

Vậy khi lá nó đang còn non (pha động) rất dễ lột, tại sao không chiết? Tuy dễ lột, nhưng nó cũng dễ liền da (do nhựa xuống nhiều) làm nó khó ra rễ. Mặt khác, phần lá non sẽ ngã sang màu vàng và khi đem trồng nó rất yếu.

2. Chọn cành để chiết cây mai chiếu thủy

Cũng như chọn cành để giâm, cành chúng ta dự định chiết là những cành ở vị trí từ ½ cây trở lên và phía có nhiều ánh sáng.

- Độ lớn: Không nên chọn cành chiết quá lớn. Chỉ nên chọn những đoạn cành phía ngoài cùng, nếu có phân nhánh càng tốt. Thường những đoạn cành này lớn khoảng bằng cỡ chiết đũa ăn cơm (nhưng phải có ít nhất khoảng 15 lá còn tốt).

- Độ dài: Độ dài đoạn cành chiết khoảng 20 - 30 cm (hai đến ba tấc). Nếu cành dài quá và lá quá nhiều, sẽ xuống nhựa làm liền da (cành chiết không ra rễ).

Tâm lý chung là, người ta muốn chiết cành lớn và dài, để khi đem ra trồng trong một thời gian ngắn, sẽ có một cây mai lớn.

3. Kỹ thuật chiết cành và chăm sóc cành mai chiếu thủy

3.1. Khoanh và tách vỏ

Trên đoạn cành vừa nêu, chúng ta chọn vị trí có phân nhánh, dùng dao bén cắt đứt lớp vỏ chung quanh một vòng phía trên và một vòng phía dưới. Sau đó, rạch một đường dọc nằm trong hai điểm trên và tách vỏ ra (không nên để sót lại một da).

Chiều dài từ vết cắt khoanh tròn ở phía trên và phía dưới khoảng 2 - 2,5 lần so với đường kính cành tại điểm lột vỏ.

Sau khi tách vỏ ra, chúng ta nên để khoảng 1 - 2 giờ. Mục đích để cho lớp nhựa giữa phần gỗ và vỏ khô lại. Sau đó, có thể dùng loại thuốc kích thích ra rễ bôi vào vết cắt phía trên. Cũng có thể nhúng vật liệu bó bầu chiết rồi bó vào mà không cần bôi như trên.

Chọn cành mai chiếu thủy khoanh võ, sau đó dùng kềm để xoay vào nơi khoanh vỏ, giúp làm sạch vỏ và tượng tầng của cành chiết

Thao tác khoanh vỏ cành chiết

Thao tác khoanh vỏ cành chiết

Cành chiết đã được bóc hết vỏ, để khoảng 5-7 ngày thì tốt nhất, sau đó tiến hành bó bầu

Cành chiết đã bóc hết lớp vỏ nơi bó bầu

Cành chiết đã bóc hết lớp vỏ nơi bó bầu

3.2. Vật liệu bó bầu chiết

Vật liệu để bó cành chiết có khá nhiều, từ đất mùn xốp, xơ dừa khô, rễ lục bình,… bó vào giữ ẩm để rễ sau này có chỗ bám vào là được. Nhưng dễ thao tác, hiệu quả cao người ta thường dùng một trong hai loại sau:

+ Rễ lục bình:

Rễ lục bình được lấy ở phần cuối (rất mịn). Sau đó rửa sạch bùn rồi đem phơi thật khô. Khi đem ra bó vào cành thì nhúng nước cho ướt đều và vắt cho ráo nước rồi mới bó. Nếu rễ lục bình có dính phèn sắt (màu vàng) thì nên đem ngâm vào nước vôi (khoảng 1kg vôi + 30 lít nước), lắng lấy phần nước trong, thời gian ngâm khoảng 1 - 2 giờ rồi vắt ráo đem phơi khô.

Khối lượng bầu chiết không nên quá lớn. Nếu cành chiết có đường kính khoảng 0,5cm bầu chiết có đường kính khoảng 5cm và độ dài khoảng 5cm. Từ kích cỡ này, suy ra nếu cành nhỏ hơn thì bầu chiết nhỏ bớt lại và bầu chiết cũng lớn hơn nếu cành lớn hơn.

Tại sao phải có một mức chuẩn tương đối như vậy? Vì nhỏ quá bầu chiết sẽ không đủ chỗ cho rễ bám và lớn quá thì có khi nó bị dư độ ẩm làm hư rễ.

+ Xơ dừa khô:

Bột xơ dừa dùng để bó bầu có nhiều điểm tốt như giữ ẩm, rẻ tiền dễ thực hiện

Cành chiết đã được bó bầu bằng bột xơ dừa

Cành chiết đã được bó bầu bằng bột xơ dừa

Xơ dừa được xé tơi ra và ngâm nước vôi như trường hợp ngâm rễ lục bình để tẩy bớt chất chát. Sau đó, phơi thật khô và khi bó vào cành chiết làm giống như rễ lục bình.

Sau khi quấn rễ lục bình hay xơ dừa khô vào cành chiết, chúng ta dùng nylon trong suốt quấn quanh bầu chiết và cột kín ở 2 đầu. Chú ý khi cột đầu phải chặt, làm sao cho bầu chiết không bị xoay khi cành chuyển động, bao nylon kín giữ ẩm tốt cho bầu. Vì cột lỏng lẻo thì khi bầu chiết xoay sẽ làm hư rễ.

3.3. Cắt cành chiết và ươm sau khi ra rễ

- Cắt cành chiết:

Do bầu chiết được bao quanh bằng nylon trong suốt, nên chúng ta thường xuyên quan sát, khi nào thấy rễ đã ngã sang màu hơi vàng là cắt bầu chiết khỏi thân cây mẹ.

Sau khi cắt xong, chúng ta nên cắt bỏ bớt khoảng 1/3 chiều dài của cành chiết để giúp cân đối lại mà mọc mạnh. Nếu phần còn lại có lá quá nhiều thì cũng nên tỉa bỏ bớt vài lá. Vì lá nhiều sẽ thoát nước nhiều, trong khi đó bộ rễ còn ít chưa đủ sức cung cấp nước…

Trong thời gian bầu chiết còn ở trên cây, nếu bầu chiết bị khô thì dùng ống kim tiêm bơm nước vào để tăng độ ẩm. Vị trí bơm vào ở phía dưới cùng của bầu chiết. Và có một số trường hợp bầu chiết bị liền da không ra rễ được thì mở bầu ra làm lại từ đầu.

Cành chiết sau khi ra rễ đạt yêu cầu, sẽ cắt xuống, tỉa bỏ cành và được trồng nơi râm mát.

Cành chiết sau khi ra rễ đạt yêu cầu

Cành chiết sau khi ra rễ đạt yêu cầu

- Ươm cành chiết:

Khi tháo bầu, nên ngâm bầu trong nước khoảng 15 phút, cho rễ hút đầy nước, rồi mới tháo bao nylon ra trồng, như thế cây chiết sẽ không mất sức, sống mạnh hơn.

Dùng chậu hoặc túi nylon có kích cỡ lớn hơn chậu giâm cành khoảng 1,5 lần. Hoặc đem trồng hay giâm vào giỏ tre.

Riêng chất trồng thì trộn 1 phần trấu + 2 phần tro trấu hoặc 1 phần tro trấu + 1 phần trấu

Cành chiết được trồng trong túi nhựa, để khi sang chậu dễ dàng hơn

Cành chiết được trồng trong túi nhựa

Cành chiết được trồng trong túi nhựa

Tháo dây và lớp nylon ra khỏi bầu chiết và đặt cành chiết vào chậu (chú ý không được vùi gốc sâu khỏi cổ rễ cành chiết).

Cắm một cây nọc cho cứng, cột chặt nhánh mai đừng để lay động cây sẽ chết. Che nắng hay để vào chỗ râm mát 10 - 15 ngày, chỉ tưới nước vừa đủ ẩm. Khi cây chiết sống mạnh đem từ từ ra nắng, để cây quang hợp tươi tốt hơn.

Các phần khác như: chăm sóc, sang chậu,... giống như giâm cành

Ngoài cách chiết như trên, chúng ta có thể chiết bằng cách sau đây mà kết quả cũng tốt. Cách này, còn gọi là chiết treo. Chúng ta chọn bất kỳ cành mai nào cũng được, để có vị trí thuận lợi cho thao tác chiết. Trong thời gian treo, chúng ta cứ tưới vào chậu để giữ ẩm liên tục. Khoảng 2 tháng sau, chúng ta xới nhẹ để xem rễ ra nhiều trong chậu chưa. Và nếu đã có rễ nhiều thì cắt cành chiết rời khỏi cây mẹ. Chú ý trước khi cắt nên tỉa bớt cành và lá như cách chiết thông thường.

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc cây mai chiếu thủy - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status