Kỹ thuật nhân giống đào

Cây trồng liên quan: Cây đào

Đào cảnh được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ hay ghép nêm đoạn cành trên gốc ghép là cây đào ăn quả hoặc đào rừng. Yêu cầu kỹ thuật sản xuất giống đào chất lượng cao: Cây đào dòng tuyển chọn trong nước hoặc cây nhập nội (So) chăm sóc thành cây cho mắt ghép (S1).

1. Chọn cây lấy mắt ghép

Cây đào

Đây là một khâu rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của cây đào sau này, cây được chọn làm cây mẹ phải là cây có những đặc tính ưu tú nhất, có cành sinh trưởng khỏe, nhiều cành phân bố ở giữa tầng tán, cành không có mầm mống sâu bệnh. Nếu vận chuyển cành đi xa phải bảo quản trong điều kiện đủ ẩm, tránh nhiệt độ cao và cành đã được cắt hết bản lá chỉ để lại cuống. Cây phải có nhiều mắt ngủ để phục vụ cho việc lấy mắt, cây đào lấy mắt ghép nên lấy ở cây đào tơ, cây có 1 năm tuổi là tốt nhất. Nói chung, cây lấy mắt ghép phải là cây có hoa đẹp, màu sắc phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hoặc cây lấy mắt từ cây nhập nội, có chất lượng tốt, có đặc tính ưu điểm nào đó mà đào trong nước không có được.

2. Chọn cây gốc ghép

Sử dụng giống đào ăn quả hoặc đào rừng, các loại hạt được thu gom, rửa sạch, phơi khô trong bóng râm, bảo quản trong chum, vại, túi nilon đến tháng 11 đem gieo. Trước khi gieo hạt được xử lý bằng cách ngâm ước trong 48 giờ, đãi sạch, ủ trong cát 30-40 ngày đến khi hạt nứt nanh. Gieo hạt đào trong vườn ươm với mật độ hạt cách hạt 3-4cm, cấy theo chiều dọc của hạt, lấp 1 lớp đất mỏng 3-4cm lên trên, sao cho khi tưới nước, vừa nhú đầu nhọn của hạt lên là vừa, thường xuyên giữ ẩm để hạt nảy mầm. Khoảng 15-20 ngày cây mọc, từ 1 hạt đơn hoặc đa phôi có thể cho ta 1-4 cây đào con.

Khi cây đào con ra lá non màu trắng như ra giá đậu xanh (nếu để lá thật có màu xanh mới nhổ cấy thì tỷ lệ chết rất cao) cần nhổ cấy ngay vào bầu nilon kích thước 13x15cm, có đục lỗ thoát nước xung quanh bầu và ở đáy bầu. Việc trồng cây vào trong bầu có nhiều ưu điểm: chăm sóc, bảo vệ cây giống có nhiều thuận tiện, đỡ công chi phí do không phải bứng bầu, cây giống khi trồng có bộ rễ hoàn chỉnh không bị tổn thương, tỉ lệ trồng sống cao, cây phát triển nhanh, khỏe, vận chuyển đi xa đảm bảo an toàn, giảm tỉ lệ hư hao.

Nguyên liệu đóng bầu: 70% đất phù sa + 30% phân chuồng mục hoặc 70% đất màu nâu đỏ ở tầng canh tác + 30% phân chuồng mục.

3. Phương pháp ghép

Đào được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép áp, ghép nêm, ghép mắt nhỏ có gỗ.

ghép mắt cây đào

3.1. Ghép áp

Trên mặt cắt ngang của cây gốc ghép ta dùng dao tách (chẻ đôi) rồi đặt cành ghép vào và buộc lại, có thể trên 1 mặt cắt như vậy, ghép 2 cành để tăng tỷ lệ sống. Nhược điểm của phương pháp này là thao tác phức tạp, cần nhiều dụng cụ, tốn mắt ghép và mất nhiều công ghép.

- Cắt cành ghép: Bỏ phần ngọn và các mầm yếu, cắt thành đoạn dài 6-10cm và giữ lại 3 mắt, nếu cành khỏe thì giữ lại 2 mắt. tay trái cầm ngược cành ghép, tay phải cầm dao ghép, phần gốc của cành ghép hướng ra ngoài, tỳ phần gốc của cành, cắt vát hướng lên trên, ở vị trí phía dưới mầm thứ nhất cách mầm 1,5-2cm, cắt một mặt phẳng nghiêng hướng xuống dưới 1 góc nghiêng 450 sau đó lật cành ghép lại, tại phần phía sau mầm cách mầm 0,3cm, cắt bằng về phía trước, sâu đến giữa phần vỏ và phần gỗ, mặt cắt dài phải bằng phẳng, không cong.

- Cắt cây gốc ghép: Chọn độ cao từ 10-20cm, mặt vỏ phẳng, cắt phẳng gốc ghép, không làm xước vỏ cây. Chọn phía gốc ghép trơn nhẵn, vạch một vết dao nghiêng hướng lên trên, cắt đứt phần trên gốc ghép, hoặc cắt 1/3 lớp gỗ, vết dao cũng cắt nghiêng 450 như với mắt ghép.

- Cắm ghép cành: Khi đặt cành ghép vào gốc ghép, chú ý mặt cắt dài của cành ghép hướng vào trong, tầng sinh gỗ của cành ghép cân đối với tầng sinh gỗ của gốc ghép, nếu gốc ghép và cành ghép có kích thước khác nhau thì phải đặt một bên vỏ của cành ghép cân đối với một bên vỏ của gốc ghép, để cho tầng sinh gỗ của gốc ghép và cành ghép có một bên cân đối. Phải đưa cành ghép tới tận phần đáy miệng ghép của gốc ghép, sao cho phần cuối cành ghép tiếp xúc với phần đáy miệng ghép của gốc ghép để dễ liên kết.

Cuối cùng, dùng sợi nilon tự phan hủy quấn chặt quanh vết ghép theo đường vòng từ trên xuống, rồi lại từ dưới quấn lên, phủ kín mặt cắt ngang của gốc ghép, phủ kín đoạn cành ghép, thắt nút lại, không để cho nước vào.

* Chú ý:

+ Khi ghép phải dùng dao thật sắc để cắt phẳng, không xước, giập cành, thao tác cắt phải nhanh gọn.

+ Tầng sinh gỗ của cành ghép và gốc ghép phải cân đối, mặt tiếp xúc phải cố định và áp sát nhau.

+ Buộc phải chặt, đều tay để độ tiếp hợp chắc, bền.

3.2. Ghép nêm

ghép nêm

- Trên mặt cắt ngang của cây gốc ghép, ta dùng dao tách (chẻ) đôi gốc ghép rồi đặt cành ghép vào và buộc lại, có thể trên một mặt cắt như vậy, ghép 2 cành để tăng tỷ lệ sống.

- Thời vụ ghép nêm thường vào mùa xuân và dùng cành được 1 năm tuổi để ghép.

- Cắt cành ghép: Bỏ phần ngọn và các mầm yếu, cắt thành đoạn dài từ 6-10cm và giữ lại 2-3 mầm. Tay trái cầm ngược cành ghép, tại 2 mặt bên của cành ghép, cách mầm cuối khoảng 0,5cm, cắt vát vào trong cành 1 đoạn dài 2-3cm tạo thành cái nêm. Độ dày của nêm phải vừa đủ để lắp vào vết tách của mặt gốc ghép, nếu dày quá thì ở gốc ghép sẽ có khe hở, cây ghép khó sống.

- Cắt gốc ghép: Dùng dao thật sắc cắt ngang thân tạo mặt cắt bằng phẳng, nhẵn. Sau đó chẻ tách mặt cắt theo đường kính đi qua tâm mặt cắt tạo ra miệng ghép. Tách miệng ghép không nên quá sâu để tránh cho gốc ghép bị tổn thương kéo dài.

- Cắm cành ghép: Dùng một cái nêm cắm nhẹ vào miệng ghép trước khi cắm cành ghép. Cắm xong cành ghép thì từ từ rút nêm ra, số cành ghép trên miệng ghép tùy thuộc vào mặt cắt rộng hay hẹp có thể cho 1 hoặc 2 cành ghép vào. Khi cắm cành ghép không nêm cắm ngập hết phần cắt mà để lộ 2-3mm ở phía trên để thuận lợi cho quá trình liền vết ghép.

- Buộc: Dùng nilon buộc chặt tạ mặt cắt gốc ghép và cành ghép, buộc kín mặt cắt gốc ghép, cành ghép, có thể chụp túi nilon sau đó buộc kín lại.

3.3. Ghép mắt nhỏ có gỗ

ghép mắt cây đào

- Vị trí ghép: Ở vị rí 20-25cm tính từ mặt đất.

- Cách lấy mắt ghép: Vết cắt ở cành cho mắt ghép có kích thước giống với gốc ghép. Vết cắt dưới, cách mắt dưới khoảng 1/2cm, vết cắt trên cách mắt phía trên từ 1-1,5cm, từ đó lát cắt đưa xuống phía dưới dài khoảng 2,5cm, gặp lát cắt thứ nhất và cắt rời mắt ghép.

- Cắm mắt ghép thật khéo, tới đáy miệng ghép và gắn chặt với nhau, quấn chặt, đều tay bằng nilon.

- Cắt tháo dây buộc: Mùa xuân, hè sau khi ghép 15 ngày thì kiểm tra, nếu mắt ghép sống thì tháo dây. Mùa lạnh thì để 1,5 - 2 tháng mới tháo dây buộc và cắt phần trên nơi ghép của cây gốc ghép. Có thể để lại một đoạn dài làm cọc đỡ mầm ghép.

Phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ có ưu điểm vừa đỡ tốn công, vừa đỡ tốn mắt, có thể thực hiện cả vào tháng 6-7 khi cây đào đang sung sức.

4. Thời vụ ghép

Có thể giúp đào quanh năm nhưng ghép cây vào cuối mùa đông (tháng 1 tháng 2 hàng năm) vẫn là tốt nhất. Khi ta ghép vào cuối đông để cho mắt ghép ngủ nghỉ trên thân gốc ghép chờ tới vụ xuân sẽ phát triển, như vậy mầm ghép sẽ bật khỏe hơn.

5. Chăm sóc cây sau ghép

- Thường xuyên cắt bỏ các chồi mọc từ gốc ghép.

- Tưới duy trì độ ẩm thích hợp để cây phát triển.

- Phòng trừ nhện và các loại bệnh gây thối rễ, loét.

- Cấy giống sau khi ghép được 3 tháng, chồi ghép lên cao 30-50cm, tiến hành bấm ngọn để các cành cấp 1 phát triển, có thể mang đi trồng.

Nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc cây đào cảnh - Bộ NN&PTNT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status