Kỹ thuật chăm sóc quả nho cho năng suất cao

1. Phủi nhị cho quả nho

1.1. Mục đích

- Đối với cây nho sau thụ phấn và thụ tinh xong, nhị thường bám vào quả non sẽ là nơi trú ngụ của một số sâu bệnh (bọ trĩ, nấm gây bệnh thán thư...). Do vậy phủi nhị với mục đích sau:

+ Làm cho chùm quả được sạch sẽ

+ Không còn nơi trú ngụ của sâu bệnh hại

1.2. Xác định thời điểm phủi nhị

- Sau khi cắt cành từ 40 – 50 ngày (tùy theo điều kiện thời tiết cũng như vị trí cắt cành, tùy theo giống), hoặc sau khi hoa thụ phấn thụ tinh được khoảng 10 - 15 ngày (lúc này quả đã lớn bằng hạt tiêu); thì tiến hành phủi nhị

1.3. Kỹ thuật phủi nhị cho quả nho

- Dụng cụ : Chổi phũi nhị dùng chổi cọ quyét sơn hoặc dây chuối cuốn nhỏ lại thành bó nhỏ để phủi

- Kỹ thuật phủi: phủi nhẹ trên chùm quả để phủi nhị và các trái ”đẹt”. Mỗi vụ tiến hành phủi từ 2 – 3 lần tùy thuộc hoa nở đều hoặc nở kéo dài

Câc kiểu chổi phủi nhị nho

Các kiểu chổi phủi nhị quả nho

- Lưu ý khi phủi phải thao tác nhẹ nhàng tránh làm rụng quả, xây sát quả

* Ghi nhớ:

- Xác định thời điểm phủi nhị

+ Sau khi cắt cành từ 40 – 50 ngày (tùy theo điều kiện thời tiết cũng như vị trí cắt cành, tùy theo giống), hoặc sau khi hoa thụ phấn thụ tinh được khoảng 10 - 15 ngày (lúc này quả đã lớn bằng hạt tiêu); thì tiến hành phủi nhị

- Không làm rách lá, không làm rụng quả

Phủi nhị nho

Kỹ thuật phủi nhị cho quả nho

2. Kỹ thuật tỉa chùm quả nho

2.1. Mục đích

- Làm cho số quả trên chùm nhiều và độ lớn đồng đều, ít quả “đẹt”, màu sắc đẹp và hương vị thơm, ngọt đặc trưng cho giống.

- Để điều chỉnh năng suất của cây nho ở mức độ vừa phải, giúp cho cây khỏe và quả chín đúng thời gian, chất lượng tốt.

- Giảm bớt thiệt hại do thối quả khi chùm quả quả quá chặt ở các vùng có mưa nhiều

- Làm cho quả có độ cứng phù hợp cho vận chuyển đi xa

2.2. Cách tiến hành

Việc tỉa chùm phải tiến hành sớm, ngay sau khi chùm hoa xuất hiện. Sử dụng kéo tỉa quả để tiến hành tỉa như sau:

- Sau cắt cành khoảng 20 ngày cây bắt đầu ra hoa, 25-30 ngày đậu trái; lúc này ta tiến hành tỉa chùm quả.

- Cắt bỏ các chùm hoa nhỏ, dị hình ra ở những cành nhỏ

- Những giống nho có khả năng ra nhiều chùm hoa, 2 -3 chùm mỗi cành, nên cắt bỏ 1 – 2 chùm nhỏ dưới gốc hoặc chùm phía trên, chỉ giữ lại từ 1 – 2 chùm khỏe mạnh ở vị trí giữa. Trên các chùm cần tỉa bỏ các trái bị dị tật, méo mó, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại.

Các dạng kéo cắt bỏ chùm quả

Các dạng kéo cắt bỏ chùm quả

- Tỉa bỏ một phần hoa từ các nhánh của chùm để quả được phân bố đều sau khi khi đậu, tránh làm cho chùm quả quá cứng dễ bị thối trong điều kiện ở các nước nhiệt đới.

Vườn nho được để số chùm quả hợp lý

Vườn nho được để số chùm quả hợp lý

* Ghi nhớ:

- Tỉa đảm bảo số chùm trên cành

- Những giống nho có khả năng ra nhiều chùm hoa, 2 -3 chùm mỗi cành, nên cắt bỏ 1 – 2 chùm nhỏ dưới gốc hoặc chùm phía trên, chỉ giữ lại từ 1 – 2 chùm khỏe mạnh ở vị trí giữa

- Các đối tượng cần tỉa

+ Cắt bỏ các chùm hoa nhỏ, dị hình ra ở những cành nhỏ

+ Trên các chùm cần tỉa bỏ các trái bị dị tật, méo mó, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi các trái còn lại.

+ Tỉa bỏ một phần hoa từ các nhánh của chùm để quả được phân bố đều sau khi khi đậu, tránh làm cho chùm quả quá cứng dễ bị thối trong điều kiện ở các nước nhiệt đới.

- Không làm sây sát thân, cành cây

3. Kỹ thuật tỉa quả nho

- Yêu cầu tỉa quả phải sớm để bỏ bớt quả nhỏ và chùm ngắn, tạo điều kiện cho chùm nho thoáng, hạn chế sâu bệnh. Tỉa quả tốt nhất ở giai đoạn quả có kích cỡ 5 mm và tiến hành tỉa từ 2 – 3 lần.

- Tỉa quả “đẹt”, quả sâu bệnh, quả dị hình và các loại quả nhỏ bên trong để tạo điều kiện cho những quả còn lại phát triển đồng đều, chùm không bị chín lốn đốm.

Tỉa quả nho

Tỉa quả nho

- Trên chùm nho nếu quá nhiều quả ta cũng tiến hành tỉa thưa bớt để lại khoảng 40 – 60 % số trái trên một chùm nho để cho trái to đồng đều. Hoặc có thể dùng Progibb, nồng độ 10 ppm khi chùm hoa mới xuất hiện (2-3 cm) làm kéo dài chùm và cuống hoa gỉam công tỉa

- Thường tỉa quả vào giai đoạn 10 ngày sau khi đậu quả, hoặc có thể thực hiện sớm ngay sau khi đậu quả bằng cách ngắt bỏ đi các bộ phận của chùm, thường là đầu của các nhánh chính hay các nhánh bên không cân đối. Hoặc có thể dùng Ga3 phun vào lúc 30 – 80 % đài rụng với nồng độ 2,5 – 20 ppm để làm giảm đậu quả, giảm công tỉa

* Ghi nhớ:

- Phải tỉa sớm

+ Tỉa quả tốt nhất ở giai đoạn quả có kích cỡ 5 mm và tiến hành tỉa từ 2 – 3 lần.

- Tỉa để đúng số lượng quả cần để

+ Trên chùm nho nếu quá nhiều quả ta cũng tiến hành tỉa thưa bớt để lại khoảng 40 – 60 % số trái trên một chùm nho để cho trái to đồng đều

4. Kỹ thuật bao chùm quả nho

Cây nho thuộc loại cây khó trồng, rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt dễ bị bệnh thán thư vào mùa mưa. Rủi ro mất mùa trên cây nho rất cao, cho dù quả nho gần đến thời điểm thu hoạch vẫn có thể bị mất trắng nếu gặp phải mưa to và kéo dài. Những năm gần đây, do thời tiết mưa nhiều nên bệnh thán thư trên nho phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho người trồng nho vào mùa mưa. Ngoài ra quả nho còn thường bị một số sâu bệnh gây hại ... Từ đó, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân trồng nho, ta dùng kỹ thuật bao chùm quả nho

- Tác dụng của việc bao chùm quả:

+ Không bị côn trùng, rầy rệp trên quả, bệnh thán thư, đốm nâu... gây hại (đã hạn chế được 90% bệnh thán thư trên chùm nho)

+ Không có các vết rám do sâu bệnh hoặc bị sém nắng, quả vẫn giữ được màu đặc trưng, chùm nho được bao có thể “neo” đến 4 tháng rưỡi vẫn không hư, độ brix cao hơn nhiều so với chùm trái không bao, nông dân không phải lo lắng thu hoạch vội khi chưa đủ độ chín mà sẵn sàng yên tâm đợi đúng ngày mới thu hoạch.

+ Làm giảm quả rụng do bị sâu bệnh gây, giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng.

+ Chùm nho được bao quả có màu sắc và mẫu mã trái rất đẹp. không làm thay đổi chất lượng quả

Bao trái chùm nho

Bao trái chùm nho

- Các loại bao thường dùng

+ Bao bằng túi nilon màu trắng trong, màu sắc tự nhiên của quả không thay đổi giống như khi không bao quả. (Bên trong nilong có thể lót giấy có màu khác nhau để bao quả sẽ thu được những trái chín có màu đậm nhạt khác nhau)

+ Bao được làm bằng giấy mỏng nhưng không thấm nước, hiện nay ở Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập từ Đài Loan

- Nguyên tắc:

+ Nên bao chùm quả sau khi quả đậu từ 30-40 ngày

+ Trước khi bao trái cắt tỉa những dé hoa còn sót không đậu quả, cắt bỏ các cành tăm, lá vô hiệu và những quả nhỏ đối với các giống trái chùm và phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lượt để diệt hết trứng, sâu non và nấm bệnh có sẵn trên mặt quả

+ Dùng bao to bao nguyên chùm quả

Trái nho đẹp do được bao chùm

Trái nho đẹp do được bao chùm

- Kỹ thuật bao chùm quả

+ Lồng bao bên ngoài chùm quả theo chiều từ dưới lên, buộc miệng túi phía trên bằng dây mềm. Đầu dưới túi để hở tự nhiên (túi thủng 2 đầu)hoặc đục lỗ (nếu dùng túi hở 1 đầu) để thoát nước, tản nhiệt.

- Một số loại bao chuyên dụng được sản xuất có sẵn dây cột miệng túi.

* Ghi nhớ:

- Thời điểm bao

+ Nên bao chùm quả sau khi quả đậu từ 30-40 ngày

- Kỹ thuật bao

+ Dùng bao to bao nguyên chùm quả

+ Lồng bao bên ngoài chùm quả theo chiều từ dưới lên, buộc miệng túi phía trên bằng dây mềm. Đầu dưới túi để hở tự nhiên (túi thủng 2 đầu)hoặc đục lỗ (nếu dùng túi hở 1 đầu) để thoát nước, tản nhiệt.

Nguồn: Giáo trình mô đun chăm sóc nho - nghề trồng nho (Bộ NN&PTNT)
DMCA.com Protection Status