Kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh nghệ thuật, bonsai

1. Những cơ sở để uốn nắn, cắt tỉa cây cảnh nghệ thuật

1.1. Các tính hướng

- Trọng lực: Cây mọc các vách đá, thân cành mọc buông xuống nhưng ngọn cây luôn có xu hướng mọc hướng lên. Cây mọc nghiêng thì hầu hết hệ rễ phát triển mạnh ở hướng đối diện. Đây là điểm lưu ý để bố trí thân cành, rễ cho phù hợp kiểu dáng cây.

- Hướng quang: Cây luôn có xu hướng ngả về nơi có nhiều ánh sang. Từ đặc điểm này khi tạo cảnh rừng cây, tiểu cảnh hay trồng cây ở non bộ thì các cành của cây bên ngoài nghiêng ra như thân cây.

- Hướng dinh dưỡng: Thân, cành, rễ cây luôn hướng về phía có nhiều nước và dinh dưỡng. Lợi dụng tính hướng này để tạo bộ rễ chùm hay nhử rễ ký sinh ở các cây đa, cây sanh, cây si…

- Hướng gió: Do tác động của gió, thân cây thường bị mọc nghiêng theo hướng gió. Rế cây thường mọc trội hơn về phía gió để kháng lại lực nghiêng của thân cây. Vận dụng kiểu dáng gió đùa…

1.2. Ưu thế ngọn

Khi chồi ngọn phát triển thường ức chế khả năng sinh trưởng của chồi nách. Vận dụng ưu thế này ta có thể tiến hành ngắt chồi ngọn để tạo bông tán, hay ngắt đỉnh chồi sẽ làm thân cành lùn và to ra.

1.3. Tăng trưởng

Nhịp tăng trưởng của cây là biểu hiện cây lớn về kích thước, tăng chiều cao, tạo hoa và quả… Vận dụng điều này để xác định thời gian để quấn dây uốn nắn, quấn đúng thời điểm để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển dinh dưỡng trong cây.

2. Dụng cụ cắt tỉa cây cảnh nghệ thuật

Mục đích chính của việc cắt tỉa là tạo hình dáng cho cây cảnh theo ý ta định. Tuy nhiên các biện pháp này cũng có hiệu quả làm giảm sự tăng trưởng của các phần trên mặt đất (khí sinh), nhằm duy trì sự cân bằng với sự tăng trưởng của rễ.

Khi cắt tỉa cây cảnh đòi hỏi bạn phải lựa chọn những một số dụng cụ cần thiết để tiến hành cắt tỉa, dạng lưỡi nhỏ như kìm bấm, tỉa những cành mọc sai hoặc cắt cành hoa mang vào sử dụng. Có dạng lưỡi dài như một con dao để tỉa lá tạo dáng cho bonsai sau đây là một số thiết bi ̣cắt tỉa điển hình:

2.1. Cưa

Cưa sử dụng để cắt thân ngọn có đường kính tương đối lớn hoặc để cắt các cành khô…

Một số loại cưa

Một số loại cưa

2.2. Kéo

Tùy vị trí và mục đích cắt tỉa, chúng ta sử dụng các loại kéo cắt khác nhau:

Một số loại kéo cắt tỉa

a. Kéo cắt tỉa cây 24"-32" - Thường sử dụng để cắt tỉa tán

b - Kéo cắt cành - Thường sử dụng để cắt cành, cắt chuyển thân...

c, d - Kéo tỉa - Thường sử dụng để cắt tỉa ngọn, tỉa lá, tỉa nhánh, tỉa rễ...

2.3. Kìm

Sau khi sử dụng cưa cắt chuyển thân hay cần tạo vết chuyển nhịp uyển chuyển cho cây, chúng ta sử dụng kìm

Các loại kìm cắt cây

Các loại kìm cắt cây

3. Cắt tỉa tạo hình cho cây

Để có một cây dáng thế đẹp, ngay từ đầu chúng ta cần có kế hoạch dài lâu để thực hiện uốn tỉa tạo hình cho cây. Trước hết chúng ta cần quan sát tổng thể cây một cách kỹ càng về: Loại cây, hướng mà dáng cây có vẻ đẹp nhất (mặt tiền), cấu trúc phân cành, hình dạng kích thước lá... Sau đó cân nhắc và xây dựng nên dáng thế cuối cùng cần đạt được. Từ đó tiến hành thực hiện uốn nắn cắt tỉa đã định.

Mỗi một cây đều có hình dáng nào đó song chưa rõ nét, cắt tỉa là việc tạo hình dáng cho cây dáng thế, cắt tỉa làm giảm sự phát triển của bộ rễ, sự phát triển của cành lá.

3.1. Nguyên tắc chung khi cắt tạo hình dáng

- Quan sát tổng thể cây, chọn mặt tiền cho cây

- Hình dung cấu trúc cành theo hình dáng thân, tiến hành cắt ngắn các cành, tỉa bớt tán lá làm thân lộ ra.

- Trước hết xác định nhánh nào cần phải bỏ, chất lượng của Bonsai phụ thuộc vào việc này, dĩ nhiên là thế dáng đã gợi ý cho ta quan sát cây nguyên liệu. Nếu sai lầm, nhầm lẫn trong việc này sẽ làm cây mất giá, biến cây có thế đẹp thành cây tầm thường.

Công việc cắt tỉa phải tuân theo nguyên tắc:

+ Nhánh to ở dưới, các nhánh nhỏ dần lên trên, nhánh để phải phân bố theo hình xoắn ốc quanh thân, tạo tán lá thành khối chóp.

+ Cắt bỏ những nhánh ở vị trí không đẹp hoặc nhánh vô ích.

+ Hai nhánh mọc đối nhau phải cắt đi một, để cho các nhánh mọc xen nhau.

+ Bỏ các nhánh mọc chằng chịt làm cây rườm rà, nặng nề.

+ Cắt ngắn những cành nhánh lớn, quá dài.

+ Cắt những chồi mọc đứng từ cành để tạo dáng già nua cho cây. Vì cây già, cành cây thường oằn xuống.

+ Không nên chọn các chồi mảnh mai làm đầu của các cành lớn, mất vẻ tự nhiên.

+ Cắt bỏ nhánh đã chết, đã héo trừ trường hợp nếu giữ nhánh đó sẽ tăng thêm vẻ đẹp, vẻ già nua của cây.

+ Vết cắt phải ngọt, chéo và lõm vào thân để mặt cắt mau lành sẹo và tạo thành sẹo trên thân.

3.2. Kỹ thuật cắt thân, ngọn

Viêc̣ cắt tỉa cây cảnh chúng ta nên bắt đầu tư thân chính của cây, nó quyết định Dáng - Thế cây, trước khi cắt cần quan sát tỉ mỉ từ nhiều góc độ khác nhau.

Vì vậy, phải căn cứ vào hình dáng bên ngoài của thân cây cảnh, kết hợp với ý đồ sáng tạo của mình, mà lựa chọn mặt ngắm đẹp nhất. Đồng thời phải xem xét tới quan hệ tương hỗ giữa thân chính và các chạc cây, để quyết định thế phát triển của cây. Trình tự cắt tỉa phải từ thân chính tới cành chính, rồi từ cành chính đến cành nhỏ.

Cắt chuyển cây phôi thành cây dáng hoành và Cắt chuyển cây phôi thành cây dáng xiên

Từ một cây nguyên liệu, tùy thuộc vào cách nhìn nhận của chúng ta, mà ta có thể tạo thành cây cảnh có dáng thế khác nhau.

Từ cây phôi có thể tạo cây dáng thế khác nhau

Từ cây phôi có thể tạo cây dáng thế khác nhau

3.3. Kỹ thuật cắt cành

Cành chính là khung giá đỡ cơ bản của cây cảnh, nó cũng làm phong phú sự biến hóa tạo hình chỉnh thể cây, vì thế sự phối hợp giữa nó với chạc mẹ bắt buộc phải phù hợp với chỉnh thể để đạt được sự thống nhất hài hòa của toàn cây.

Cành tán thứ nhất thông thường ở vào vị trí 1/3 thân chính, khoảng cách giữa các cành tán bên trên dày hơn khoảng cách cành bên dưới để đạt yêu cầu lùn hóa cây.

Cách bố trí cành tán

Cách bố trí cành tán

Đối với những cành không phù hợp với tạo hình tổng thể như cành đan nhau, mọc vòng, mọc gối, đối xứng và song song phải kịp thời cắt bỏ.

Các cành nên cắt khi tạo hình

Các cành nên cắt khi tạo hình

Đối với một số dáng thế cây cụ thể như: “kiểu gió lùa”; cành rũ; cành đối xứng ta nên tận dụng các cành có sẵn không cắt bỏ chúng.

Một số cành không cắt theo dáng thế cây

Một số cành không cắt theo dáng thế cây

4. Cắt tỉa giữ dáng - tu bổ

Mục đích của việc cắt tỉa giữ dáng là tu bổ và hoàn thiện dáng thế đã định, đồng thời tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt và góp phần làm cây lùn đi.

4.1. Tỉa thưa

Trong quá trình sinh trưởng của cây cảnh, từ thân cây mọc ra nhiều cành nhánh không hợp với ý đồ khi tạo thế cây, nó vừa phá vỡ hình tượng tổng thể vừa làm tiêu hao dinh dưỡng của cây và ảnh hưởng tới chiếu sáng và thông gió của cây. Tỉa thưa chính là biện pháp thường xuyên được sử dụng để giải quyết vấn đề này.

Chúng ta tiến hành tỉa thưa chính là muốn kịp thời cắt bỏ những cành thừa, công viêc̣ này được tiến hành suốt thời kỳ sinh trưởng của cây.

Tỉa thưa giữ dáng thế cây

Tỉa thưa giữ dáng thế cây

4.2. Tỉa ngọn

Chính là khi cắt tỉa chạc cây, tiến hành tỉa bớt một phần của chạc cây và giữ phần còn lại theo nhu cầu tạo hinh̀, viêc̣ cắt tỉa này giúp lùn hóa dáng cây, đồng thời khiến cành đan xen, nhấp nhô, khúc khủy tăng tính nghệ thuận và sức truyền cảm cho cây cảnh.

Việc cắt tỉa tiến hành khi ngọn cây sinh trưởng tới độ cứng cáp dự định cắt ngắn lại (thông thường giữ lại 2 - 5cm chạc cây), đồng thời giữ lại ít nhất hai chỗ đâm chồi.

Sau khi cắt tỉa, sau một thời gian nhất định, ngọn - cành mới phát triển, đợi khi cành mới này phát triển cứng cáp nhất định chúng ta lại tiến hành cắt tỉa như trên, thông qua phân tầng cắt tỉa một cành, hai cành, ba cành..., cành nhánh cây sẽ hình thành từ khô cứng biến thành uốn lượn, tinh tế đạt được hiệu quả nghệ thuật.

Chú ý: Việc cắt tỉa cây cảnh rất cần sự kiên trì và nghị lực, vì mỗi cành sau khi cắt tỉa, đợi nó cứng cáp tới mức độ yêu cầu cần một thời gian nhất định, đợi tới khi hoàn thiện việc cắt tỉa này có thể là chuyện của vài năm hoặc mười mấy năm sau. Việc tỉa cành, nhánh tiến hành trước khi cây đâm chồi để tránh tổn thất cành thất cành, yếu thân cây. Những cành to sau khi cắt cần kịp thời dùng nhựa mủ để bịt vết cắt, giảm lượng nước bay hơi và vi khuẩn xâm nhập.

Nguồn: Giáo trình nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status