Hiện tượng đen mắt cua trên sầu riêng và biện pháp khắc phục hiêu qủa

Cây trồng liên quan: Cây sầu riêng

Hiện tượng đen mắt cua là một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ đậu trái và năng suất của sầu riêng. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và khắc phục kịp thời, cây sầu riêng sẽ gặp khó khăn trong việc nuôi hoa và trái, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng trái kém. Dưới đây là nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiệu quả hiện tượng này.

1. Mắt cua không ra đều

Mắt cua ra không đồng đều là hiện tượng phổ biến khi một số mắt cua ra trước và phát triển mạnh hơn, chiếm ưu thế về dinh dưỡng so với các mắt cua ra sau. Điều này dẫn đến tình trạng mắt cua ra muộn bị yếu và có nguy cơ khô đen.

Cách khắc phục:

Loại bỏ các mắt cua ra trước nếu chúng không đạt yêu cầu về chất lượng, nhằm tạo sự đồng đều cho mắt cua ra sau.

Tập trung nuôi dưỡng các mắt cua ở giữa cành vì đây là vị trí phù hợp nhất để mang trái, hạn chế gãy cành khi đậu quả.

Áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt, đảm bảo mắt cua ra cùng thời điểm bằng cách sử dụng chất điều hòa sinh trưởng với liều lượng phù hợp.

2. Lượng nước

Chế độ nước tưới ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mắt cua. Nếu tưới nước quá sớm khi mắt cua chưa sáng rõ hoặc gặp thời tiết bất lợi như mưa lớn, mắt cua có thể bị đen và chết.

Cách khắc phục:

Chọn thời điểm dỡ bạt hợp lý, tránh gặp phải mưa lớn hoặc thời tiết bất lợi.

Nếu gặp mưa sau khi dỡ bạt, nên phun rửa mắt cua để loại bỏ nước mưa đọng, đồng thời bổ sung phân thuốc giúp giữ mầm hoa không rơi vào trạng thái miên trạng.

Nhấp nước từ từ, đảm bảo khi mắt cua đạt kích thước khoảng 2 cm mới tăng dần lượng nước.

Kiểm tra thường xuyên độ ẩm đất, duy trì độ ẩm phù hợp, không để đất quá khô hoặc quá ướt.

3.  Nấm bệnh

Thời tiết bất lợi cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến mắt cua bị đen. Trong đó, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum spp. là tác nhân gây hại chính trong giai đoạn này.

Cách khắc phục:

Dọn dẹp tán lá, cành thừa sau khi phun chất điều hòa sinh trưởng từ 2-3 ngày để giúp cây thông thoáng, hạn chế độ ẩm cao.

Phun thuốc phòng ngừa nấm bằng các biện pháp sinh học hoặc hóa học phù hợp, như sử dụng Bacillus subtilis hoặc các loại thuốc có hoạt chất Mancozeb, Metalaxyl, Fosetyl-Al.

Kiểm soát độ ẩm vườn, tránh để môi trường quá ẩm lâu ngày.

4. Dinh dưỡng

Việc sử dụng phân thuốc hóa học không hợp lý, đặc biệt là trong giai đoạn mắt cua nhạy cảm có thể gây ra hiện tượng đen mắt cua.

Cách khắc phục:

Lựa chọn các loại phân thuốc lành tính trong giai đoạn mắt cua nhạy cảm để tránh ảnh hưởng tiêu cực.

Giảm liều lượng hóa chất, không sử dụng vượt mức khuyến nghị để hạn chế tác dụng phụ.

Kết hợp sử dụng phân bón sinh học, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn mà không gây tác động xấu.

5. Cây đi đọt khi mắt cua chưa sáng rõ

Nếu cây có bộ tán quá mạnh gây ra tình trạng cây phát triển đọt thay vì tập trung vào mắt cua. Khi đó, sự cạnh tranh dinh dưỡng khiến mắt cua bị suy yếu và dễ bị đen.

Cách khắc phục:

Dùng phân có hàm lượng lân (P) và kali (K) cao để kích thích mắc cua sáng nhanh, hạn chế đi đọt. Phun phân bón lá chứa nhiều lân và kali để hãm đọt, giúp cây tập trung nuôi mắc cua thay vì phát triển thân lá.

Kiểm soát chế độ tưới nước, tránh tưới quá sớm hoặc quá nhiều làm cây phát triển mạnh đọt non.

6. Kết luận

Hiện tượng đen mắt cua trên sầu riêng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như ra hoa không đồng đều, chế độ tưới nước không hợp lý, nấm bệnh, tác dụng phụ của hóa chất và sự phát triển đọt quá mạnh. Để khắc phục hiệu quả, người trồng cần theo dõi thường xuyên và can thiệp kịp thời sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng đen mắc cua, đảm bảo tỷ lệ đậu trái cao và chất lượng sầu riêng đạt tiêu chuẩn tốt nhất.

Nguồn: Admin LT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status