Giải pháp hạn chế rụng hoa sầu riêng sau giai đoạn xổ nhụy

Cây trồng liên quan: Cây sầu riêng

Sầu riêng, loại trái cây đang ngày càng chiếm được lòng tin của thị trường, để đáp ứng được nhu cầu thị trường đòi hỏi các nhà vườn không ngừng nâng cao kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trái sầu riêng. Tuy nhiên, việc canh tác sầu riêng hiện nay không hề đơn giản. Một trong những thách thức lớn là tình trạng rụng hoa của cây sầu riêng sau giai đoạn xổ nhụy, vốn có thể ảnh hưởng đến sản lượng trái. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn đọc giải pháp hiệu quả hạn chế rụng hoa sầu riêng sau xổ nhụy.

Dưới đây là một số nguyên nhân và giải pháp hạn chế rụng hoa sầu riêng sau xổ nhụy:

1. Nguyên nhân thứ nhất do hoa không thụ phấn, thụ tinh được

- Lệch pha giữa nhụy cái và nhị đực: Nhụy cái và nhị đực không chín cùng lúc với nhau. Để khắc phục hiện tượng trên, cần tiến hành thụ phấn bổ sung cho cây. Để thu thập phấn hoa, nên chọn thời điểm vào khoảng 19h khi bao phấn của nhị đực mở ra. Bảo quản phấn hoa trong đĩa thủy tinh và che phủ bằng vải màn, đặt ở nơi khô ráo. Thụ phấn bổ sung thường diễn ra từ 20-22h. Sử dụng một cọ mịn có gắn bông gòn nhẹ nhàng chấm hạt phấn và quét nhẹ lên núm nhụy của hoa, cần chú ý để không làm tổn thương nhụy.

- Hạt phấn dính nhau: Hoa sầu riêng thụ phấn vào ban đêm, nhờ côn trùng để thụ phấn cho cây, nên chọn các giống có thời gian thụ phấn sớm để tăng khả năng thụ phấn của cây.

- Sức sống hạt phấn kém: Để cải thiện sức sống của hạt phấn, hãy cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là canxi và bo trong giai đoạn cây ra hoa.

- Tự bất dung hợp: Nên trồng nhiều loại giống khác nhau để tăng khả năng thụ phấn chéo của cây.

- Hạt phấn chết trước lúc xổ nhụy: Để ngăn chặn hạt phấn chết trước khi nhụy xổ, cần giảm lượng nước tưới xuống còn 2/3 so với mức bình thường trước khi xổ nhụy.

2. Nguyên nhân do thiếu dinh dưỡng đường bột

- Nguyên nhân rụng hoa có thể do thiếu hụt dinh dưỡng đường bột, một thành phần quan trọng được tổng hợp thông qua quá trình quang hợp của lá. Cây cần đường bột cùng với dinh dưỡng khoáng và các chất dinh dưỡng khác từ đất để hoa có thể thụ phấn, thụ tinh và phát triển thành quả. Khi thiếu dinh dưỡng đường bột, lớp tế bào rời rạc hình thành, gây ra hiện tượng rụng hoa.

- Để khắc phục hiện tượng trên, cần giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa các bông hoa bằng cách tỉa bớt hoa trên cùng một chùm hoa, nhằm tập trung nguồn dinh dưỡng vào việc nuôi dưỡng những bông hoa còn lại.

3. Nguyên nhân do môi trường sống bất lợi.

- Nguyên nhân gây ra hiện tượng rụng hoa có thể xuất phát từ điều kiện môi trường sống không thuận lợi. Một trong những yếu tố chính là mưa nhiều dẫn đến đất chua, gây ngộ độc cho rễ và làm cho rễ bị trồi lên trên mặt đất. Tình trạng này không chỉ gây sốc cho cây mà còn hình thành lớp tế bào rời rạc, dẫn đến rụng hoa.

- Giải pháp:

+ Tưới tiêu: Xây dựng hệ thống thoát nước và khai thông mương rãnh là giải pháp cấp thiết để thoát nước cho vườn.

+ Đồng thời, có thể bón thêm vôi để cải tạo độ chua của đất, lượng vôi cần được điều chỉnh phù hợp với chỉ số pH của đất, thường được thực hiện vào đầu mùa mưa.

4. Nguyên nhân do sâu bệnh hại tấn công

- Do sự tấn công của sâu bệnh, đặc biệt do nấm Phytothrora gây hại tấn công cây gây hình thành tầng rời dẫn đến rụng hoa. Để phòng trừ, có thể áp dụng cả biện pháp sinh học và hóa học:

+ Biện pháp sinh học: Sử dụng nấm Trichoderma, một loại nấm có ích, để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của nấm Phytophthora, giúp bảo vệ cây khỏi tác động hại của nấm.

+ Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng các loại thuốc như Mancozeb, Metalaxyl, và Phosphonate. Những loại thuốc này hiệu quả trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của nấm, giúp giảm thiểu nguy cơ rụng hoa do nấm bệnh.

Mong rằng các thông tin trên hữu ích với bạn đọc! Chúc bà con có vụ mùa bội thu!

Nguồn: Admin - Lê Thảo
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status