Dinh dưỡng cây trồng đối với hoa lan

Cây trồng liên quan: Hoa Lan

Dinh dưỡng cây trồng đối với lan hết sức quan trọng, tuy không đòi hỏi số lượng lớn nhưng phải đầy đủ các thành phần dinh dưỡng và tùy thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng của cây lan mà nhu cầu đối với thành phần dinh dưỡng có khác nhau.

Dinh dưỡng cây trồng cho cây hoa lan

Nghiên cứu dinh dưỡng cho cây hoa lan

1. Vai trò của dinh dưỡng Đạm (N) đối với cây hoa lan

N là một trong 3 nguyên tố mà thực vật rất cần, N cần thiết cho việc tạo lập sắc tố và chất là protein, là nguyên tố giúp cho sự tăng trưởng ở lá, làm cho cây phát triển tốt và tạo điều kiện để cây lan hút các nguyên tố dinh dưỡng khác: K2O và P2O5.

Nếu cây lan được cung cấp quá nhiều N ở giai đoạn đầu thì cây sinh trưởng rất tốt, lá to màu xanh đậm, thân cao lớn nhưng mầm yếu, nhất là ở lá và đọt cây, sức đề kháng kém và dễ sinh bệnh, dễ thối mầm, cây dễ bị gẫy ngọn khi có gió lớn, cây ra hoa chậm, ít hoa, thậm chí không ra hoa đối với các loài khó ra hoa.

Khi cây lan thừa N cần hạn chế bón các chất có chứa nhiều N, mà nên tăng cường các loại phân nhiều P2O5 khi đó thân cây sẽ khỏe, có sức đề kháng bệnh và cây sẽ ra hoa.

Cây lan biểu hiện thiếu N cho lá nhỏ và vàng, cây chậm lớn, già nhanh, ra hoa sớm khi cây vẫn còn nhỏ, giá trị thương mại thấp.

2. Vai trò của dinh dưỡng Lân (P2O5) đối với cây hoa lan

Lân là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng thứ 2 sau đạm. lân và đạm cùng có tác dụng trong tổng hợp protein cho cây lan, giúp cây điều hòa các hoạt động sinh lý: quá trình nẩy mầm, ra hoa, ra rễ của cây.

Cây thừa lân sẽ ra hoa sớm, lá ngắn và cứng khác thòng, khi thiếu lân thì cây nhỏ, cằn cỗi, sức đề kháng yếu, lá xanh thẫm hoặc có màu xanh tím, rễ chậm phát triển và ra ít rễ, chậm ra hoa, ít đậu quả, hạt lép và tỷ lệ nẩy mầm của hạt kém.

3. Vai trò của dinh dưỡng Kali (K2O) đối với cây hoa lan

Kali có tác dụng trong việc thúc đẩy cây lan hút đạm, giúp cho cây phát triển chồi mới, đọt mới. K tăng cường sự vận chuyển nước và các chất dinh dưỡng trong cây, tăng cường dự trữ các chất dinh dưỡng trong thời kỳ cây ngủ nghỉ. Kali tăng cường các bó mạch trong thân làm tăng sức chống chịu lực và tăng sức đề kháng sâu bệnh. Kali giúp thúc đẩy hoa ra nhiều, màu sắc đẹp, tăng giá trị sử dụng của hoa lan.

Khi cây thừa K thường biểu hiện ở lá non không đổi màu nhưng héo rũ, ngọn lá già trở lên vàng nâu rồi cháy khô, cây chậm phát triển. Khi đó cần ngừng bón ngay các loại phân có chứa nhiều kali.

Thiếu kali cây lan sẽ ngừng phát triển, khô dần rồi chết, hoặc cây đang độ phát triển thì ngừng phát triển ngay, lá ở ngọn cây chụm lại, lóng thu ngắn, thân cây lùn, lá vàng và rụng, hạt nẩy mầm kém.

4. Vai trò của dinh dưỡng Canxi (CaO) đối với cây hoa lan

Canxi là nguyên tố cần thiết nhất để tạo lập thành tế bào và giúp cho tế bào hoạt động một cách điều hòa trong việc tạo lập protein, giúp cây hấp thụ nhiều đạm, phát triển bộ rễ và tăng cường sự cứng cáp của cây.

Thừa canxi, cây sẽ không hấp thụ được sắt, nhưng hấp thu được nhiều đạm, nên cây có màu xanh đậm khác thường. Cần chú ý nước tưới, vì trong nước cứng thì hàm lượng canxi thường cao.

Thiếu canxi, rễ lan sẽ phát triển chậm, cây và lá nhỏ, không đứng thẳng. Nếu thiếu Ca và N cùng một lúc thì cây nhanh tàn vì việc tạo lập protein sẽ bị ngừng trệ.

5. Vai trò của dinh dưỡng Magiê (MgO) đối với cây hoa lan

Magiê là một trong nguyên tố cấu tạo lên diệp lục, giúp cây phát triển cân đối, điều hòa mọi hoạt động của cây. Khi trong phân bón hoặc giá thể có chứa nhiều magiê thì lá bị nhạt đi, ngọn lá bị héo khô khi bị nắng. Khi thiếu magiê thì bộ rễ phát triển mạnh, to khác thường, nhưng thân lại phát triển yếu, mất cân đối.

6. Vai trò của dinh dưỡng Lưu huỳnh (S) đối với cây hoa lan

Đây là nguyên tố tạo nên nguyên sinh chất trong tế bào sinh trưởng. Nếu thiếu S thì cây sẽ cằn cỗi, lá vàng và mép lá hay bị thối, kích thước lá nhỏ hẳn, biểu hiện rõ ở các lá đỉnh của cây, trong khi đó nếu thiếu N thì thường biểu hiện ở các lá già.

Các nguyên tố vi lượng cây lan cần rất ít nhưng không thể thiếu được, thường thì các nguyên tố vi lượng có sẵn trong nước tưới hàng ngày cho lan hoặc trong các chất hữu cơ làm giá thể cho lan. Các nguyên tố vi lượng cần thiết cho lan là: Fe, Cu, Zn...

Triệu chứng cây lan thiếu và thừa các chất dinh dưỡng

  • Cây hoa lan thiếu đạm: Cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển màu vàng theo quy luật lá già vàng trước, lá non sau. Rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.
  • Cây hoa lan Thừa đạm: Thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh hại, đầu rễ chuyển sang màu xám đen, cây khó ra hoa.
  • Cây hoa lan thiếu lân: Cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển sang xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển sang màu xám đen, cây không ra hoa.
  • Cây hoa lan Thừa lân: Cây thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau khi ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu kẽm, sắt và Mangan.
  • Cây hoa lan thiếu Kali: Cây kém phát triển, lá già vàng dần từ 2 mép lá và chóp lá, sau đó lan dần vào trong; lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu sắc không tươi và dễ bị dập nát.
  • Cây hoa lan Thừa Kali: Thân, lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa Kali dễ dẫn đến thiếu Magiê và Canxi.
  • Cây hoa lan thiếu Lưu huỳnh: Lá non chuyển sang màu vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm.
  • Cây hoa lan thiếu Magiê: Thân, lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi hai bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố tạo thành không đầy đủ, cây dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.
  • Cây hoa lan thiếu Canxi: Cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu, dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công.
  • Cây hoa lan thiếu Kẽm: Xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.
  • Cây hoa lan thiếu Đồng: Xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít, cây yếu, dễ bị nấm bệnh tấn công.
  • Cây hoa lan thiếu Sắt: Các lá non úa vàng sau đó chuyển sang trắng nhạt, cây còi cọc, ít hoa và bị sâu bệnh tấn công.
  • Cây hoa lan thiếu Mangan: Úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng là sự xuất hiện của các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây còi cọc, chậm phát triển.
  • Cây hoa lan thiếu Bo: Lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc, số nụ ít, hoa dễ bị rụng, không thơm và nhanh tàn.
  • Cây hoa lan thiếu Molypden: Xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây kém phát triển.
  • Cây hoa lan thiếu Clo: Xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành, sau đó chuyển sang màu đồng thau, cây còi cọc, kém phát triển.
Nguồn: Giáo trình Hoa Lan - Đại học Thái Nguyên (Trường Đại học Nông Lâm)
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status