Đặc điểm sinh thái và yêu cầu dinh dưỡng của cây bông vải

Cây trồng liên quan: Cây bông vải

1. Đặc điểm sinh thái của cây Bông vải

1.1. Khí hậu

1.1.1. Nhiệt độ

Cây Bông vải có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới nên nó đòi hỏi cao về nhiệt độ. “Đặc tính duy truyền khó thay đổi nhất của bông là tính ưa nóng của nó” (Mauer, 1968).

Nhiệt độ thích hợp cho Bông vải sinh trưởng là 25 - 30oC.

Ở nhiệt độ dưới 25oC làm cho sự phát triển của cây Bông vải bị chậm lại và nhiệt độ dưới 17oC thì cây Bông vải bắt đầu cằn lại và nhiệt độ từ 2 - 4oC Bông vải dễ bị chết..

Nhiệt độ 37 - 40oC Bông vải ngừng phát triển. Nhiệt độ tối thiểu cho hạt bắt đầu nẩy mầm là 12oC và để hình thành lá mầm trên mặt đất là 16oC

Yêu cầu về nhiệt độ của Bông vải qua các thời kì như sau:

+ Nhiệt độ nảy mầm: 30oC, tối thấp 12-15oC, tối cao 40oC

+ Cây con: tối thiểu 14 - 17oC

+ Ra nụ: tối thấp 19 - 20oC

+ Hình thành quả đến chín: 20-30oC.

1.1.2. Ánh sáng

Cây Bông vải rất ưa ánh sáng, lá luôn hướng về ánh mặt trời. Nếu thiếu ánh sáng thì cây Bông vải phát triển chậm và cao vống lên. Nếu trong giai đoạn nụ hoa và hình thành quả mà cây bị thiếu ánh sáng thì đài và quả non sẽ bị rụng nhiều.

Thời gian chiếu sáng trong ngày cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây. Cây Bông vải đòi hỏi điều kiện đêm dài, ngày ngắn. Trong điều kiện ngày dài, cây Bông vải phát triển chậm, bước vào giai đoạn ra hoa muộn (chậm hình thành nụ và nở hoa) và ngược lại trong điều kiện ngày ngắn cây Bông vải ra hoa thuận lợi.

1.1.3. Ẩm độ đất và k​hông khí

* Ẩm độ đất: Bông vải là cây chịu hạn khá tốt, nhờ có bộ rễ phát triển và ăn sâu vào lòng đất. Tuy nhiên để Bông vải sinh trưởng phát triển bình thường, cho năng suất cao, phẩm chất xơ tốt thì phải có một chế độ nước thích hợp với từng thời kỳ của Bông vải.

- Thời kỳ mọc mầm: độ ẩm thích hợp là 80-90%

- Thời kỳ cây con: cần ít nước (cần 10 - 12 m3 nước/ha/ngày đêm)

- Thời kỳ ra nụ và ra hoa cây cần nhiều nước nhất (ra nụ: cần 30 -35 m3 nước/ha/ngày đêm; ra hoa cần: 90 - 100 m3 nước/ha/ngày đêm)

- Thời kỳ chín: nhu cầu nước ít hơn. Nếu trong thời gian này gặp hạn

cây sẽ bị chín ép, nhưng nếu nước quá nhiều sẽ khó chín và chín muộn hoặc dễ gây thối quả (cần 30 - 40 m3 nước/ha/ngày đêm)

Cả vụ cây Bông vải cần 5000 - 8000 m3 nước/ha. Tuy nhu cầu về nước của cây rất lớn nhưng Bông vải lại rất sợ úng. Nếu không thoát nước kịp thời lá sẽ bị vàng, giập úng dài ngày Bông vải chết.

* Ẩm độ không khí: cây Bông vải yêu cầu độ ẩm không khí luôn luôn thấp. Nếu độ ẩm không khí cao vào thời kỳ cây con nấm bệnh dễ phát triển, thời kỳ nụ hoa dễ rụng nụ, rụng đài và thời kỳ chín quả khó nở, dễ bị thối. Bông Luồi yêu cầu không khí khô ráo hơn Bông Hải đảo.

Từ những yêu cầu về ẩm độ của cây, người ta còn gọi cây Bông là cây ưa “chân ướt đầu khô”.

1.2. Đất đai và địa hình

1.2.1. Đất đai

Cây Bông vải có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là đất cát pha hoặc sét pha.

+ Lý tính đất: Đất tơi xốp, có thành phần cơ giới trung bình và hàm lượng mùn trung bình trở lên, tầng đất mặt sâu, giữ nước và thoát nước tốt, mạch nước ngầm 1 - 1,5m.

+ Hoá tính đất: pH đất từ 5,5 - 8,5 nhưng thích hợp nhất là từ 6,5 - 7,5. Nếu trồng bông trên đất chua pH từ 4,5 - 5 và đất mặn năng suất Bông vải rất thấp.

Để đạt năng suất cao, các loại đất ở nước ta cần phải cải thiện độ pH, bón nhiều phân hữu cơ và bón cân đối giữa các yếu tố dinh dưỡng.

1.2.2. Địa hình

Nhìn chung ở nước ta các loại đất phù sa ven sông, các loại ruộng trồng lúa và màu đều có thể trồng Bông vải. Vùng đồi, núi đất dốc thoai thoải cũng có thể trồng trong vụ mưa.

2. Các chất dinh dưỡng khoáng

Đối với cây Bông vải các yếu tố dinh dưỡng khoáng đạm, lân, kali rất quan trọng, cây cần với lượng lớn.

2.1. Vai trò của đạm đối với cây bông vải

Bón đủ đạm cây phát triển cân đối, đậu quả nhiều, chín đúng lúc, trọng lượng quả và hạt đều lớn, độ dài xơ tăng và chỉ số xơ tăng. Nếu thiếu đạm cây còi cọc, thân thấp, cành ngắn, lá vàng, lá gốc rụng sớm, cây ra hoa đậu quả sớm.

Nếu thừa đạm cây sinh trưởng mạnh, lá to, dày, xanh thẩm, thân cao, cành dài, cây lốp, nụ đài rụng nhiều, thời kì chín kéo dài, dễ bị sâu bệnh.

2.2. Vai trò của lân đối với cây bông vải

Lân xúc tiến bộ rễ phát triển, có tác dụng lớn trong việc hình thành mầm hoa,

đậu quả, xúc tiến chín sớm, tăng trọng lượng quả, trọng lượng hạt và độ bền của xơ. Lân còn làm tăng chất lượng hạt giống và sức nẩy mầm của hạt. Lân làm tăng tính chống rét, chống hạn cho bông. Lân làm giảm tác hại của việc thừa đạm trên cây Bông vải.

2.3. Vai trò của kali đối với cây bông vải

Kali làm tăng tính chống chịu rét, chống chịu hạn, chống chịu sâu bệnh và chịu nhiệt độ cao. Kali làm tăng độ dài và độ bền của xơ bông, tăng hàm lượng dầu trong hạt. Thiếu kali ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.

2.4. Các nguyên tố trung, vi lượng đối với cây bông vải

- Canxi (vôi): rất cần cho rễ non phát triển. Trong điều kiện đất ít chua thường không thiếu canxi cho cây phát triển. Hơn nữa trong quá trình bón các loại phân lân đã có hàm lượng canxi tương đối. Vì vậy, không cần bón canxi cho bông trên đất không chua.

- Magiê: Là thành phần quang trọng trong diệp lục. Nếu thiếu Magie lá mất màu xanh.

- Bo: cần thiết cho sự hình thành nụ, bông và chống hình thành tầng rời giảm rụng hoa rụng quả.

- Mangan và Đồng: xúc tiến bông chín sớm và tăng sản.

Các giống Bông lai luôn đòi hỏi nhiều dinh dưỡng hơn các giống Bông thường. Các giống thấp cây, gọn tán thường sử dụng dinh dưỡng hiệu quả hơn các giống cao, tán rườm rà.

Qua các nghiên cứu đã cho thấy nhu cầu chung của cây Bông vải về lượng bón NPK tương ứng với tỷ lệ 4-1-4. Tuy nhiên trên thực tế ta thấy các khuyến cáo bón phân cho Bông vải lại chỉ là 3-1-1 hoặc 2-1-1. Sở dĩ có điều này là do trên thực tế ở nước ta đất trồng Bông vải hầu hết là đất có hóa tính tốt, có hàm lượng kali cao, nên phân bón cho Bông vải không cần có nhiều Kali. Nhưng về lâu dài cần tăng lượng kali bón.

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây bông vải - Bộ NN&PT NT
DMCA.com Protection Status