Các nguyên tắc chọn tạo, nhân giống, thu hái và sơ chế cây dược liệu
1. Chọn tạo và nhân giống cây dược liệu
Cũng như tất cả các cây trồng nông, lâm nghiệp khác, việc chọn tạo và nhân giống cây dược liệu cũng có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất. Giống là biện pháp kỹ thuật hàng đầu có ý nghĩa tạo tiền đề cho các biện pháp kỹ thuật thâm canh khác phát huy hiệu quả. Trong sản xuất, sản xuất giống là biện pháp rẻ tiền và đem lại giá trị kinh tế cao. Việc chọn tạo và nhân giống cây dược liệu cũng hoàn toàn dựa trên nền tảng di truyền học, những lý luận và phương pháp chọn tạo giống của tất cả các cây trồng khác.
Các phương pháp chọn tạo giống cây trồng truyền thống và hiện đại đều được áp dụng cho cây dược liệu là phương pháp nhân giống hữu tính và vô tính khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm sinh học, đặc tính sinh lý của từng loài cây dược liệu khác nhau để áp dụng cho phù hợp có chất lượng cao và hiệu quả kinh tế nhất. Điều đặc biệt quan trọng trong công tác giống là dù bằng phương pháp nhân giống nào cũng phải đạt một số yêu cầu chung như: Có hệ số nhân giống cao, độ đồng đều cao, cây giống giữ được bản chất di truyền cao, có sức sống và khả năng thích nghi cao. Đồng thời phải giữ hoặc nâng cao đặc tính dược lý tốt của cây bố mẹ.
2. Thu hoạch, bảo quản và sơ chế cây dược liệu
2.1. Thu hoạch
Thu hái cây dược liệu được tiến hành khi tỷ lệ hoạt chất đạt cao nhất trong cây. Phương pháp và thời gian thu hái các cây dược liệu khác nhau thì khác nhau. Những cây dược liệu trồng ở những vùng sinh thái khác nhau thì có thời điểm thu hoạch khác nhau. Ví dụ, hoa hoè thu hái lúc chớm nở, địa hoàng thu hái lúc củ trưởng thành...
Thu hoạch cây dược liệu ở nước ta thường dựa vào một số căn cứ sau:
Căn cứ vào bộ phận thu hái trên cây dược liệu để thu hoạch.
+ Bộ phận là rễ, gốc, củ thì mùa thu hoạch tốt nhất là mùa khô (mùa đông ở miền
Bắc và mùa hè ở miền Trung) vì lúc này là lúc mà các bộ phận trên mặt đất của dược liệu đạt thấp nhất. Khi thu hoạch tiến hành gột sạch đất, tránh làm xây xát. Sau đó đem rửa sạch, phơi hay sấy khô rồi tiếp tục các công đoạn chế biến tiếp theo.
+ Bộ phận là thân, vỏ (quế, đỗ trọng...) tiến hành bóc sát vào tượng tầng rồi tiến hành phơi, sấy. Sau đó tiến hành các công đoạn tiếp theo.
+ Bộ phận thu hoạch là hoa, lá thì mùa thu hái tốt nhất là mùa xuân và mùa hè vì hai mùa này dược liệu có phẩm chất tốt nhất. Tiến hành thu vào giai đoạn nụ hay chớm nở hoa là tốt nhất. Sau đó tiến hành phơi, sấy để tránh làm mất các loại hoạt chất trong sản phẩm.
+ Bộ phận thu hoạch là hạt hay quả tiến hành thu khi quả đã đủ chín sinh lý là tốt nhất. Sau đó tiến hành phơi hoặc sấy.
Căn cứ vào nhu cầu sử dụng, thời gian sinh trưởng và thời tiết cụ thể khi thu hoạch.
+ Đối với cây dược liệu hàng năm, phần thu hái là các bộ phận trên mặt đất, người ta thu hái vào lúc cây ra nụ hoặc ra hoa là lúc hàm lượng các hoạt chất đạt cao nhất trong cây.
+ Đối với các dược liệu thu hái để chế biến tinh dầu nên chọn thời điểm thu hoạch vào lúc khô sương và không nên thu hái vào lúc trời mưa vì lúc này hàm lượng nước trong cây đạt rất cao, không đảm bảo chất lượng của dược liệu. Ngoài ra một số dược liệu thu hoạch trong mùa mưa hoặc giữa mùa mưa thì các bộ phận thu hoạch sẽ bị thối hỏng.
2.2. Bảo quản và chế biến dược liệu
Sau thu hoạch dược liệu được bảo quản và chế biến bằng những phương pháp khác nhau như phơi, sấy, sao tẩm, ổn định, thủy phi, tôi nấu... đối với một số cây dược liệu, dưới tác dụng của men, sự lên men cũng có giá trị như: hạt Cacao, Chè đen, rễ Long đởm dùng cho ngành chế biến rượu có hương vị dễ chịu với sự thay đổi của màu sắc. Nhưng nhiều khi, người ta cố gắng giữ nguyên vẹn các hoạt chất như khi chúng là cây tươi.
Nguyên tắc thông thường nhất người ta làm được việc đó bằng cách giảm tỷ lệ nước để cho các phản ứng do men không thể xảy ra được. Đồng thời người ta khống chế sự sinh sản của các vi khuẩn, của nấm mốc trên dược liệu. Lượng nước trong nguyên liệu càng thấp càng bảo quản được chất lượng nguyên liệu.
Như vậy việc phơi, sấy, sao, tẩm... là biện pháp mà con người đã sử dụng từ thời cổ xưa nhất. Biện pháp đó vẫn là biện pháp hay dùng nhất, tuy đã có nhiều thay đổi cho hoàn chỉnh. Yêu cầu lớn nhất của việc bảo quản chế biến dược liệu là phải giữ được đặc tính dược lý, tức là không làm hỏng các hoạt chất của dược liệu. Chúng ta điểm qua các phương pháp bảo quản khác nhau hiện nay đang được dùng.
- Phơi dược liệu: Là một phương pháp cổ truyền lâu đời nhằm tận dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để làm khô dược liệu. Điều chú ý là khi phơi không được phơi trực tiếp
xuống sàn xi măng mà chỉ được phơi ở trên nong, nia hay trên liếp để đảm bảo nguyên tắc âm dương ngũ hành của y học phương Đông (đất âm còn dược liệu dương). Trong quá trình phơi phải tiến hành đảo đều cho dược liệu khô đều. Hầu hết dược liệu đều phơi trong bóng râm; đối với những loại dược liệu cho tinh dầu quí thì mới phơi ở những nơi có ánh nắng chiếu vào.
Kiểu sấy này kéo dài từ vài giờ đến vài tuần tùy theo độ ẩm của không khí và cấu tạo của cây. Người ta không chỉ định dùng với hoa có màu sắc dễ bị hỏng và với cây có tinh dầu dễ bị mất tinh dầu.
- Sấy dược liệu: Là phương pháp dùng nhiệt độ để làm giảm hàm lượng nước trong dược liệu trong thời gian ngắn hoặc khi không thể phơi nắng. Đây là phương pháp chủ yếu sử dụng đối với các loại dược liệu là rễ, củ, quả. Quá trình sấy được chia thành nhiều giai đoạn theo sự tăng dần của nhiệt độ. Hầu hết các dược liệu khi sấy nhiệt độ giai đoạn đầu (từ 3- 4 h) đưa nhiệt độ ở mức 60- 70 0 C; giai đoạn hai (từ 8 - 12h) đưa nhiệt độ ở mức 80 - 90o C; giai đoạn ba nhiệt độ là 105 0 C. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào từng loại dược liệu khác nhau.
Chú ý:
- Khi xây lò sấy phải có đủ độ thông khí, hơi nước thoát ra từ nguyên liệu vì hàm lượng nước trong cây lớn đạt từ 65 - 80 %.
- Khi xếp khối lượng nguyên liệu vào lò sấy cần sắp xếp sao cho thông thoáng, không được chất đống, các loại thân, lá tươi xanh (hàm lượng nước lớn) cần xếp mỏng và xếp ở phần dư ới của lò sấy.
Ổn định dược liệu:
Ổn định dược liệu là công việc trước khi đưa vào bảo quản. Sau khi phơi năng hoặc sấy đã đạt yêu cầu khô hoặc khô kiệt, trạng thái của hầu hết các dược liệu đều giòn, dễ gãy nát vì vậy khi thu gom hoặc ra lò cần chú ý tránh dập nát. Thường các dược liệu phơi nắng người ta để chúng tại chỗ 2- 3h, khi tắt nắng mới thu gom. Nếu là sấy trong lò sấy thì phải mở của lò, cửa thông gió, lò sấy nguội (có nhiệt độ bình thường) mới đưa dược liệu ra khỏi lò.
Để tránh quá trình chuyển hóa các hợp chất trong dược liệu khi bảo quản, hoặc do sự xâm nhập của một số nấm mốc gây hại người ta thường dùng một số chất hóa học để xông hơi như dùng cồn 90 0 hay diêm sinh. Diêm sinh có tên khoa học là Sulfur, trong đông y còn gọi là lưu hoàng, hoàng nha, thạch lưu hoàng hay oải lưu hoàng (Đỗ Tất Lợi, 1999 trang 1037).
Trong quá trình bảo quản nhiều dược liệu chứ a các Enzim và những enzim này tiếp tục chuyển hoá theo hai chiều hướng có lợi hoặc có hại cho dược liệu. Tuy nhiên chiều hướng có hại diễn ra mạnh mẽ và chủ yếu hơn. Để hạn chế khả năng này người ta sử dụng nước sôi, cồn sôi, diêm sinh (xông hơi) để diệt men.
Bảo quản dược liệu:
Hầu hết các dược liệu đều bảo quản bằng phương pháp bảo quản kín, nơi có nhiệt độ thấp và thoáng mát. Sau khi dược liệu qua giai đoạn ổn định người ta bảo quản trong bao hai lớp (lớp trong là các loại túi làm từ cói, đay, vải, lớp ngoài là bao P.E) để cách ly không khí.
Thời gian bảo quản mỗi loại dược liệu khác nhau có thể từ 2 - 6 tháng (không kể các loại dược liệu đặc biệt)
Chế biến dược liệu (Bào chế dược liệu):
Dược liệu sau khi thu hái cần trải qua giai đoạn chế biến rồi bào chế thành dạng thuốc viên, dạng cao, dạng chiết suất của các chất nhằm làm mất đi hoặc làm giảm mức độ độc hại của dược liệu, loại bỏ tạp chất làm sạch dược liệu, giúp cho quá trình bảo quản chế biến ra sản phẩm thuốc, đảm bảo độ an toàn khi sử dụng, tạo ra mùi vị dễ chịu và hướng dược liệu vào đúng tác động của chúng trong quá trình điều trị. Nhiều loại dược liệu sau khi phơi, sấy và ổn định đã là các dược liệu thành phẩm, tức là đã sử dụng được nhưng nhiều loại sau khi phơi, sấy mới chỉ đạt mức sơ chế, để trở thành thành phẩm phải qua chế biến.
Có nhiều phương pháp chế biến nhưng dù phương pháp nào cũng cần đạt được mục đích sau:
* Mục đích của việc chế biến dược liệu:
Khi bào chế các loại dược liệu Đông y cũng phải như bào chế như Tây y, bào chế phải đạt các mục đích sau:
+ Làm cho vị thuốc tốt hơn lên bằng cách bỏ những bộ phận vô ích (như rơm, rạ, vỏ hạt và tạp chất khác)
+ Giảm bớt hay loại bỏ độc tính của vị thuốc hay chất không cần thiết đối với một số loại bệnh nhất định.
Ví dụ: Rang hạt thảo quyết minh (hạt muồng) khi không muốn dùng tác dụng tẩy của nó khi vẫn giữ được tính gây ngủ của chúng.
+ Giúp cho bảo quản tốt, dễ dàng, gọn nhẹ, dễ sử dụng.
- Phương pháp bào chế dùng lửa:
Có nhiều phương pháp bào chế qua lửa như:
+ Nung (đoan): Cho vị thuốc trực tiếp vào lửa hồng, hay vào chảo đất, chảo gang. Thường dùng cho các vị thuốc là khoáng vật (lô cam thạch, vỏ sò, vỏ hà, thạch quyết minh)
+ Vùi hay lùi: Bọc vị thuốc trong giấy ẩm, bột hồ ẩm, vùi vào tro than hồng hay lửa nhẹ, đến khi giấy bột hồ cháy đen, mục đích rút bớt một phần chất dầu của vị thuốc (như chế nhục đậu khấu hay cam toại)
+ Sao (rang): Cho vị thuốc vào chảo sao vàng hoặc sao đen, mục đích sao vàng để tăng hương vị cho dễ uống, sao đen để tăng tính chất thu sáp. Chú ý sao cháy đen nhưng cần tồn tính nghĩa là tuy cháy nhưng không được thành tro. Chú ý khi sao phải đảo đều và lửa nhỏ.
+ Trích hay tẩm: Tức là tẩm vào vị thuốc một chất khác rồi mới đem sắc hay nướng. Ví dụ như tẩm mật hoặc tẩm nước gừng, tẩm giấm rượu, tẩm nước tiểu.v.v.
+ Nướng: Là hơ vị thuốc trên lửa, nếu trên lửa mạnh thì gọi là bổi, trên lửa nhẹ thì gọi là hồng.
- Phương pháp bào chế dùng nước:
Mục đích làm cho dược liệu sạch, mất bớt mùi vị (mặn, tanh), làm mềm hoặc làm đông lắng...
- Phương pháp phối hợp cả nước với lửa: Gồm các phương pháp như: chưng (đồ), đun, sắc, tôi, cất.
+ Chưng: Là đem cách thủy hay đồ như đồ xôi. Ví dụ: Chưng Hà Thủ ô với đậu đen
+ Đun: Là cho vị thuốc hay nước ép của vị thuốc vào đun sôi nhẹ cho thuốc chín.
+ Tôi: Đun nóng đỏ vị thuốc rồi nhúng ngay vào nước lã hay nước một vị thuốc nào đó, làm nhiều lần. Ví dụ: nung lô cam thạch và nhúng ngay vào nước hoàng liên
+ Sắc: Cho thuốc vào nước đun sôi cô đặc lấy nước.
+ Cất: Đun lấy hơi bốc lên, để ngưng đọng. Ví dụ: cất tinh dầu
Hiện nay do công nghệ chế biến tiên tiến, nhiều loài dược liệu đã được chế biến thành viên, thành dạng cao... Theo công nghệ sản xuất hiện đại vừa nâng cao chất, vừa tiện dụng ngang tầm với các loại dược liệu tây y.
-
Cơ sở lý luận dùng cây dược liệu làm thuốc trong Đông Y và Tây Y
Chúng ta biết rằng hiện nay trong giới Đông y có những người chỉ biết một số đơn thuốc gia truyền kinh nghiệm, nhưng lại có rất nhiều người trong khi điều trị tìm thuốc, chế thuốc...
-
Khái niệm, đặc điểm và giá trị của cây dược liệu
Cây dược liệu là gì? Cây dược liệu là những loài thực vật có tác dụng dùng để chữa bệnh hoặc bồi bổ cơ thể khi con người sử dụng. Việc dùng thuốc trong nhân dân ta đã có từ lâu đời...
-
Thành phần hóa học và tác dụng của các thành phần trong cây dược liệu
Trong cây dược liệu vừa có các hợp chất bổ dưỡng vừa có các hợp chất có tác dụng trị bệnh. Phần dưới đây chúng ta nghiên cứu một số hợp chất hóa học chính...