Kỹ thuật bón phân mới nhất cho cây sầu riêng giai đoạn đậu hoa nuôi trái

Cây trồng liên quan: Cây sầu riêng

Cây sầu riêng là cây trồng đang được nhiều nhà vườn quan tâm, do giá trị kinh tế mang lại cao. Việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng để nâng cao năng suất, chất lượng quả không phải là việc dễ hiện nay. Được sự chia sẻ kinh nghiệm của các nhà vườn giàu kinh nghiệm, cẩm nang cây trồng thực hiện bài viết bón phân nuôi trái cho cây sầu riêng theo từng giai đoạn, nhằm hỗ trợ các thông tin cơ bản cho bạn đọc về các kỹ thuật cần tác động chăm sóc cho cây sầu riêng trong giai đoạn nuôi trái.

Dựa vào quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng giai đoạn ra hoa đậu quả, ta có thể tạm chia thành bảy giai đoạn chính cơ bản. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những biện pháp kỹ thuật tác động cụ thể.

7 giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây sầu riêng giai đoạn ra hoa nuôi trái.

1. Giai đoạn mắt cua - Sầu riêng nhú mắt cua cần làm gì?

- Đây là giai đoạn đầu tiên trong thời kỳ ra hoa đậu quả của cây sầu riêng. Là giai đoạn tiền đề quyết định đến năng suất của cây trồng.

- Sau khi xử lý ra hoa thì việc quan sát trên cây sầu riêng có các mắt cua hình thành hay không. Nếu mắt cua hình thành tức là việc xử lý ra hoa đạt kết quả tốt.

- Mắt cua hình thành cần tiến hành phun KNO3 với nồng độ 0,5 – 1% để kích thích cho mắt cua phát triển (phá miên trạng). Thông thường chỉ cần phun một lần, tuy nhiên tùy vào từng cây, vùng trồng có thể phun từ 1 - 2 lần.

- Giai đoạn mắt cua phát triển là giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng của cây nên cần cung cấp phân bón NPK và phân hữu cơ cho cây. Đối với phân NPK nên lựa chọn phân bón có chứa đạm cao với các tỷ lệ phổ biến các nhà vườn dùng như NPK 20-10-10; 20-20-15; hoặc có thể phối trộn phân đơn có tỷ lệ đạm cao. Phân hữu cơ có thể sử dụng bất kỳ dòng phân nào phù hợp với thực tế của nhà vườn.

- Lượng phân bón tính cho 1 gốc cây sầu riêng có tuổi từ 8 – 10 năm: 0,5 – 1 kg NPK + 2 – 3 kg hữu cơ. Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng cây có thể điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

- Sau bước phá nguyên trạng thì sau 7-10 ngày mắt cua hình thành, cần tiến hành biện pháp kéo đọt thành công. Tiến hành lựa chọn các dòng sản phẩm phun qua lá có hàm lượng đạm cao kết hợp với GA3Amino acid, để giúp kéo đọt cơi kỳ này thành công. Điều này giúp cho cơi đọt có thể già đúng vào thời điểm bông nở thì giảm tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng của cây.

Xem thêm: Gibberellic Acid GA3 nguyên chất 90%.

2. Giai đoạn búp 20 ngày - Chăm sóc sâu riêng giai đoạn nuôi búp

- Sau khi mắt cua hình thành phát triển đến 20 ngày, đã phát triển thành búp. Giai đoạn này tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho cây để nuôi búp.

- Lựa chọn phân bón có tỷ lệ như 15-15-15, 16-16-16 hoặc 17-17-17. Lượng phân bón tính cho gốc sầu có tuổi từ 8-10 năm từ 0,5-0,7 kg.

- Giai đoạn này là đợt tỉa bông đầu tiên. Sau khi tỉa bông cần lưu ý xử lý thuốc bệnh cho cây để hạn chế sự gây hại của sâu bệnh đến giai đoạn ra hoa.

- Để tăng khả năng phát triển của cơi đọt cần bổ sung các chất dinh dưỡng qua đường lá như Amino acid và vi lượng qua lá để giúp lá xanh dày khỏe, tăng khả năng quang hợp. Đây chính là cơi đọt chính để nuôi dưỡng quả sau này.

Hoa sầu riêng giai đoạn búp.

Xem thêm: Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng thời kỳ ra hoa – mắt cua.

3. Giai đoạn trước xổ nhụy 15 ngày - Chăm sóc sầu riêng khi xổ nhụy

- Giai đoạn này chính là giai đoạn búp 40 ngày. Tiến hành tỉa định hoa lần 2. Đồng thời tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho cây nhằm cung cấp bổ sung dinh dưỡng chuẩn bị cho hoa nở. Lựa chọn các dòng phân bón có chứa hàm lượng kali cao để chặn đọt.

- Một số tỷ lệ phân bón NPK phổ biến như 15-5-25, 15-5-20, 12-11-18, 16-9-20. Lượng phân bón cho cây từ 8-10 năm tuổi từ 0,5-0,7 kg.

- Bổ sung Amino acid, vi lượng qua lá giúp lá xanh dày khỏe, tăng khả năng quang hợp. Lưu ý bổ sung nguyên tốt Canxi và Bo từ 1-2 lần, khoảng cách 2 lần phun cách nhau 7 ngày, nhằm tăng cường ra hoa đậu trái, tăng tỷ lệ thụ phấn tốt nhất.

Hoa sầu riêng giai đoạn trước xổ nhụy.

4. Giai đoạn sau xổ nhụy 15 ngày - Chăm sóc sầu riêng sau xổ nhụy

- Giai đoạn sau xổ nhụy 15 ngày hay là giai đoạn đậu trái non.

- Trong giai đoạn này tiếp tục lựa chọn các dòng phân bón NPK có chứa hàm lượng kali cao để chặn đọt như 15-5-25; 15-5-20; 12-11-18; 16-9-20. Lượng phân bón tính cho một gốc từ 8-10 năm: 0,5-0,7 kg. Kết hợp với 1-2 kg hữu cơ.

- Lưu ý giai đoạn này là giai đoạn trái non có hiện tượng rụng trái. Nên không tác động bất kỳ biện pháp nào vào bộ rễ nhằm giảm hiện tượng rụng trái. Chỉ cung cấm nước tưới vừa đủ để cây sinh trưởng, không tưới nhiều.

- Hạn chế rụng trái non: Phun bổ sung GA3 với nồng độ 5-10ppm (tương đương 1g nguyên chất/100-200 lít nước). Kết hợp phân bón lá với tỷ lệ 1:2:1 (15-30-15). Phun hai lần, khoảng cách giữa hai lần phun là 10-15 ngày. Kỹ thuật phun: Phun trực tiếp vào các vị trí trái non và các vùng thân lá xung quanh, tập trung vào các cành mang trái.

Xem thêm: 4-CPA-Na 98% Hạn chế rụng trái non, tăng năng suất.

5. Giai đoạn trái 30 ngày - Chăm sóc sầu riêng giai đoạn trái non

- Giai đoạn trái 30 ngày là cây đã chuyển qua giai đoạn rụng trái non. Thời điểm này cần tiếp tục tập trung bón phân cung cấp dinh dưỡng cho trái, lá phát triển.

- Chọn phân bón NPK có tỷ lệ 1-1-1 như 15-15-15, 16-16-16, ... Có thể bón từ 1-2 lần, khoảng cách 2 lần bón từ 7-10 ngày. Lượng phân bón từ 0,5-1kg/cây 8-10 năm tuổi.

- Bổ sung Amino acid và vi lượng giúp lá xanh dày khỏe, tăng khả năng quang hợp, giúp trái phát triển đồng đều.

- Cần tiến hành tỉa trái lần đầu tiên.

Giai đoạn sầu riêng trái non.

6. Giai đoạn trái 50 ngày - Chăm sóc sầu riêng giai đoạn trái non

- Giai đoạn này trái bắt đầu ra tăng kích thước. Là giai đoạn phát triển mạnh nhất của trái.

- Tùy vào tình hình thực tế của vườn, của cây, số trái/cây, sức khỏe cây, cơi đọt, ... để lựa chọn các tỷ lệ phân bón thích hợp. Một số tỷ lệ phổ biến như 20-10-10; 20-20-15; 15-15-15. Lượng phân bón cho cây 8-10 năm từ 0,5-1 kg + 1-2 kg phân hữu cơ. Có thể chia làm 1 – 2 lần bón, khoảng cách hai lần bón từ 7-10 ngày.

- Tiến hành tỉa trái lần 2 nhằm định quả cuối cùng cho cây.

- Đối với Ri 6 cần bổ sung Canxi tritrate để khắc phục hiện tượng cháy múi. Kết hợp bổ sung Amino acid để giúp trái phát triển đồng đều.

Trái sầu riêng giai đoạn nuôi trái phổng.

7. Giai đoạn trái 70 ngày - Chăm sóc sầu riêng trước thu hoạch

- Giai đoạn này là giai đoạn tác động cuối cùng trước khi thu hoạch. Đây là giai đoạn tập trung dinh dưỡng nuôi trái cho trái nặng, lên màu đẹp, đúng chất lượng của giống.

- Lựa chọn các dòng phân bón NPK có hàm lượng đạm và kali cao như 15-5-20, 15-5-25, 12-11-18. Lượng bón tính cho cây 8-10 năm tuổi từ 0,5-0,7 kg/gốc. Có thể tiến hành bón 1 – 2 lần, khoảng cách các lần bón từ 7 – 10 ngày.

- Lưu ý để hạn chế hiện tượng sượng cơm cần tiến hành phun bổ sung MgSO4 nồng độ 0,2%.

       Trên đây là toàn bộ quy trình cơ bản chăm sóc cây sầu riêng giai đoạn nuôi trái. Tùy vào điều kiện cụ thể mà có thể điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật cho phù hợp. Kính chúc bà con thành công!

Xem thêm: Kỹ thuật giải mặn cho cây sầu riêng đơn giản và hiệu quả.

Nguồn: Admin tổng hợp - NO
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status