Ghép mắt nhãn muộn lên gốc nhãn ta, quả sai trĩu, lãi hơn nửa tỷ

(Dân Việt) Anh Trần Hùng Mạnh, xóm 3, tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ghép nhãn muộn trên 700 gốc nhãn địa phương (nhãn ta) và trồng mới 800 gốc nhãn muộn trên diện tích 7ha, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh lãi khoảng 600 triệu đồng.   

Thời gian gần đây, nhiều người dân sinh sống ở huyện Mai Sơn,(Sơn La) đã có khối tài sản lớn nhờ trồng và ghép nhãn muộn trên đất dốc. Gia đình anh Hùng là một trong những hộ tiên phong ở xóm 3, tiểu khu Nà Sản ghép mắt nhãn muộn lên nhãn địa phương đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình.

 Nhờ ghép mắt nhãn muộn lên nhãn địa phương đã tạo nguồn thu nhập lớn cho  gia đình anh Mạnh.

Anh Mạnh chia sẻ: “Tôi trồng nhãn địa phương được 20 năm nhưng thấy nhãn không được sai quả, chất lượng kém, thị trường tiêu thụ hầu như không có, giá cả thấp... nên tôi chuyển sang ghép mắt nhãn muộn trên 700 gốc nhãn địa phương để cải thiện kinh tế gia đình. Trong quá trình chăm sóc nhãn, tôi thường hay cắt tỉa ngọn để hạn chế chiều cao của cây, qua đó tạo điều kiện cho cây phát triển nhiều cành hơn, thuận lợi cho việc ra hoa kết trái và thu hoạch nhãn về sau...".

Theo anh Mạnh, sau 2 năm ghép vườn nhãn bắt đầu cho quả bói, đến năm thứ 3 cho sai quả đầy cành. Các cành nhãn ra trạt những quả là quả. Nhận thấy nhãn muộn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, anh đã cải tạo lại đất nương trồng mới 800 gốc nhãn muộn để tăng cao lợi nhuận hơn...

Hiện nay, tại vườn nhãn của  anh Mạnh có 1.500 gốc nhãn muộn cho sãi trĩu quả.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn nhãn phát triển tốt, anh Mạnh đầu tư vốn đào giếng, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới cho 7ha diện tích nhãn muộn. Ngoài ra, anh còn dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng. Nhờ vậy, mà vườn cây của gia đình anh từ khi ghép mắt đến hiện tại đều xanh mơn mởn và cho qua đầy cảnh.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, vườn nhãn của anh Mạnh năm nào cũng cho quả đầy cành.

Theo anh Mạnh, nhãn muộn dễ trồng, dễ ghép và rất thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Bên cạnh đó, nhãn muộn có khả năng chống sâu bệnh tốt, cùi dày, mọng nước nên được rất nhiều người ưa chuộng. Hàng năm, cứ vào vụ thu hoạch nhãn có rất nhiều lái buôn và khách hàng quen thuộc đến vườn thu mua.Vì vậy, đầu ra cho sản phẩm của gia đình tôi luôn ổn định và bán được giá khá cao.

 Sau mỗi vụ thu hoạch nhãn, anh Mạnh thu lời 600 triệu đồng mỗi năm.

“Từ lúc tôi ghép và trồng nhãn muộn đến nay, điều kiện kinh tế của gia đình tôi đã dư giả và có của ăn của để, tạo công ăn việc làm dài hạn cho 2 người công nhân, mỗi tháng 4, 5 triệu đồng. Moi năm đến vụ thu hoạch nhãn, tôi thường vận chuyển xuống thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hòa Bình... tiêu thụ nên thị trường đầu ra luôn được ổn định và bảo đảm. Sau khi trừ phí, trung bình mỗi năm tôi lãi khoảng 6.00 triệu đồng từ nhãn muộn”- anh Mạnh cho biết..

Nguồn: Hà Hoàng - Dân Việt
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status