Kỹ thuật chăm sóc cây vải, nhãn: Bón phân, tưới tiêu, tạo tán và bảo vệ quả
1. Bón phân cho cây vải, nhãn
1.1. Nguyên tắc sử dụng phân bón
- Việc sử dụng phân bón không gây dư lượng ảnh hưởng đến môi trường đất.
- Hiệu quả sử dụng phân bón cao.
- Tránh lãng phí trong đầu tư cho người trồng vải, nhãn.
- Không dùng các chất kích thích sinh trưởng làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng quả vải, nhãn.
- Không sử dụng các loại phân bón không rõ nguồn gốc.
1.2. Căn cứ xác định liều lượng và chủng loại phân bón cho cây
- Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.
Có thể chia đời sống của cây vải, nhãn thành 2 giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn cho thu quả (kinh doanh).
Giai đoạn kiến thiết cơ bản thường kéo dài khoảng 3 năm. Trong giai đoạn này cây còn nhỏ nên lượng dinh dưỡng cây trồng cần ít hơn giai đoạn kinh doanh. Để cây nhanh chóng có bộ khung tán tốt đưa vào giai đoạn cho quả thì cần lựa chọn loại phân bón có tỷ lệ đạm cao hơn. Tỷ lệ N : P : K thích hợp cho giai đoạn này là 1 : 0,5 : 1.
Giai đoạn từ 4 năm trở lên, cây đã cho thu hoạch quả gọi là giai đoạn kinh doanh. Giai đoạn này cần ưu tiên loại phân bón có chứa hàm lượng kali cao. Tỷ lệ N : P : K thích hợp cho giai đoạn này là 1 : 1 : 2.
- Căn cứ vào tuổi cây: Nhu cầu dinh dưỡng của cây tăng theo tuổi. Thông thường bộ khung tán của cây sẽ tăng dần theo độ tuổi, do vậy mà lượng dinh dưỡng cây trồng khoáng cây cần cũng tăng theo.
Chúng ta có thể căn cứ vào độ tuổi cây và tình trạng sinh trưởng của cây thể hiện qua số đo đường kính tán cây để bón với lượng phân thích hợp.
Bảng liều lượng một số loại phân bón thay đổi theo tuổi cây và đường kính tán cây (Vải thiều).
Tuổi cây |
Đường kính tán (m) |
Đạm urê |
Supe lân |
Sulfat kali |
Phân hỗn hợp tỉ lệ 11 : 4 : 14 |
4 - 5 |
1,0 - 1,5 |
400 |
800 |
720 |
2000 |
6 - 7 |
2,0 - 2,5 |
660 |
1000 |
1080 |
3000 |
8 - 9 |
3,0 - 3,5 |
880 |
1300 |
1320 |
4000 |
10- 11 |
4,0 - 4,5 |
1100 |
1700 |
1680 |
5000 |
12- 13 |
5,0 - 5,5 |
1320 |
2000 |
1920 |
6000 |
14- 15 |
6,0 - 6,5 |
1760 |
2500 |
2880 |
8000 |
> 15 |
> 6,5 |
2200 |
3000 |
3360 |
9000 |
- Căn cứ vào năng suất vụ trước: Khối lượng các chất tích luỹ trong sản phẩm quả vải, nhãn có được là do quá trình quang hợp của lá cây và quá trình hút các chất khoáng của rễ cây đem lại. Theo tính toán, cứ thu được 100 kg quả vải, nhãn thì cần bón 3,65 - 4 kg urê, 2,5 - 3,5 kg supe lân, 2,7 - 3,3 KCL.
Như vậy, năng suất của năm trước càng cao thì lượng phân cần bón tăng lên tương ứng ở năm tiếp sau.
- Căn cứ vào loại đất mà có liều lượng phân bón khác nhau. Đất ngoài bãi độ phì cao bón ít hơn. Đất trong đồng bón cao hơn đất ngoài bãi. Vườn thổ cư bón với lượng cao nhất.
1.3. Kỹ thuật sử dụng phân bón cho cây vải, nhãn
1.3.1. Kỹ thuật bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản (Áp dụng chung cho vải và nhãn)
- Thời điểm bón phân: Sau khi trồng 1 tháng có thể bón thúc. Trong 2 - 3 năm đầu bón phân theo nguyên tắc 1 đợt lộc 2 lần bón. Lần thứ nhất khi chồi ngọn bắt đầu nhú, lần thứ hai khi lộc bắt đầu trưởng thành, gần như ngừng sinh trưởng vươn dài, lá từ màu hồng chuyển sang màu xanh (hình dưới).
- Loại phân sử dụng: Có thể dùng các loại phân thông thường hoặc phân chuyên dùng. Ví dụ: Neb 26 là phân bón hữu cơ, khi bón trộn cùng với đạm urê sẽ giúp giảm 50% lượng đạm bón cho cây. Việc bón phân Neb 26 cho vải đã được khảo nghiệm qua 2 vụ. Kết quả ban đầu cho thấy, vải được bón Neb 26 cho quả to, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon.
- Liều lượng phân bón: 20g đạm urê + 50g supe lân + 15 - 20g kaliclorua/cây/lần.
- Cách bón: Nếu đất khô pha loãng phân để tưới hoặc cuốc 2 - 3 hố xung quanh bộ rễ, bỏ phân vào và lấp đất lại, bón phân xong phải tưới nước để nâng cao hiệu quả của việc bón phân.
Lộc bắt đầu nhú
Lộc bắt đầu trưởng thành
1.3.2. Kỹ thuật bón phân cho cây vải, nhãn ở tuổi cho thu hoạch
1.3.2.1. Bón phân vào đất áp dụng cho cây vải thiều
a. Kỹ thuật bón thúc lộc thu (bón sau thu hoạch):
Sau khi thu hoạch quả xong cần bổ sung dinh dưỡng kịp thời và đủ lượng để có đủ sức cho lộc thu phát triển tốt. Đối với vùng tiêu úng tốt, thời điểm bón tốt nhất cho lần thúc lộc thu thứ nhất là cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 dương lịch và bón lần thứ hai vào giữa tháng 9. Đối với vùng khả năng tiêu úng chậm, để tránh những đợt ngập lụt vào tháng 7, tháng 8 gây úng ngập chết cây, chỉ nên bón thúc lộc 1 lần vào nửa đầu tháng 9.
- Phương pháp bón: Tuỳ điều kiện thời tiết, độ ẩm đất mà tiến hành phương pháp bón khác nhau.
Nếu thời tiết khô hạn, nên pha loãng phân để tưới. Tưới theo hình chiếu tán cây, phạm vi tưới cách trong và ngoài tán cây 50cm. Nên kết hợp bón phân, xới xáo và tưới nước để cây sử dụng phân bón có hiệu quả.
Nếu trời mưa nhiều, độ ẩm đất cao dùng phương pháp bón rải, xong dùng đất phủ kín phân bón.
- Cách phân bổ liều lượng phân bón:
+ Giai đoạn thúc lộc thu bón 1/2 tổng lượng đạm, 1/2 tổng lượng lân cả năm và 1/4 lượng ka ly (chia đều làm 2 lần). (Đợt bón này chỉ áp dụng cho đất trong đồng và đất thổ cư và những nơi tiêu úng tốt nên bón sớm vào cuối tháng 7).
+ Liều lượng phân bón thúc lộc đợt 2: tương đương thúc lộc thu lần 1. Bón thúc lần này áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Thời điểm bón thích hợp vào tháng 9, không nên kéo dài sang tháng 10 cây dễ ra lộc đông.
+ Đối với trường hợp năm trước không có quả việc bón phân thúc lộc thu tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể chăm bón cho hợp lý, đối với đất trong đồng bón với lượng bằng 1/2 lượng trên, đối với đất ngoài bãi và cây sinh trưởng khoẻ bón 1/3 lượng trên.
b. Kỹ thuật bón thúc hoa
Thời điểm bón: Bón cho vải thiều thường vào giai đoạn qua đại hàn, tức vào khoảng đầu tháng 2 dương lịch.
Lượng phân bón: Bón phân lần này nên bón cân đối đạm, lân, kali và nếu có nước phân chuồng tưới bổ sung thì càng tốt. Giai đoạn này bón nhẹ với 1/4 lượng đạm, lân, kaly còn lại.
Giai đoạn này ít mưa, đất khô hạn nên dùng biện pháp pha loãng phân để kết hợp bón phân với tưới nước. Có thể dùng phân bón lá để phun lên lá.
c. Kỹ thuật bón thúc quả
Số lần bón: Bón thúc quả tiến hành vào 2 đợt, đợt 1 khi quả mới hình thành, đợt 2 sau đợt 1: 25 - 30 ngày (vào khoảng trung tuần tháng 4).
-
Bón thúc quả lần thứ nhất
- Thời điểm bón: Việc bón thúc quả lần thứ nhất tiến hành khi quả mới được hình thành, khoảng sau nở hoa 10 ngày, lúc này kích thước quả chỉ bằng hạt đậu xanh (thường gọi là giai đoạn quả mẩy)
- Liều lượng phân bón: Để quả lớn lên nhanh, lúc này bón kali và phân chuồng là chủ yếu. Giai đoạn bón thúc quả lượng đạm - lân - ka li còn lại chia đều làm 2 lần, toàn bộ lượng phân chuồng tập trung vào bón thúc quả đợt 1.
-
Bón thúc quả lần thứ hai
- Thời điểm bón bón thúc quả lần thứ 2 tiến hành sau thúc quả lần thứ nhất 25 - 30 ngày tức vào trung tuần tháng 4.
- Lượng phân bón: Lượng phân bón thúc quả lần 2 tương tự như thúc quả lần thứ nhất. Trong giai đoạn này nên dùng nước phân chuồng ngâm tưới để cây sử dụng kịp thời.
1.3.2.2. Bón phân vào đất áp dụng cho cây nhãn
- Tỷ lệ và liều lượng phân bón: Để vườn nhãn cho năng suất cao, phẩm chất quả tốt, cần cung cấp một lượng phân bón đầy đủ và với tỷ lệ các chủng loại phân bón phù hợp. Tỷ lệ các loại phân NPK sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là 1:0,5:1 hoặc 1:1:2. Tùy theo độ tuổi, hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả cho thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón cho thích hợp. Với vườn nhãn nhiều năm tuổi, cứ cho 100kg quả tươi/năm thì có thể bón với lượng phân 2kg N + 1kg P2O5 + 2kg K2O (tương đương với 4,2kg Urê + 5,5kg Supe lân + 4kg Cloruakali).
- Thời kỳ bón: Có thể phụ thuộc vào độ tuổi của cây mà bón nhiều lần hay ít lần, tốt nhất là chia làm 4 lần bón trong một năm.
+ Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8 đến tháng 9. Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành mùa Thu và coi đây là lần bón cơ bản trong năm. Ở lần này, bón toàn bộ phân chuồng, 80% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.
+ Lần 2: Bón vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa mầm hoa. Lần bón này nhằm thúc hoa và nuôi lộc Xuân. Sử dụng 30% lượng phân đạm, 20% lượng phân lân và 30% lượng phân kali.
+ Lần 3: Bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm làm cho chùm hoa phát triển tốt, tăng khả năng đậu quả và thúc đẩy cành Hè phát triển. Lần bón này chỉ sử dụng 10 - 20% lượng phân đạm.
+ Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung dinh dưỡng cho quả phát triển. Ở lần bón này, sử dụng toàn bộ lượng phân đạm và phân kali còn lại (20% lượng phân đạm + 40% lượng phân kali).
Bảng lượng phân bón cho nhãn theo tuổi cây ở thời kỳ mang quả (Áp dụng cho vườn nhãn cho năng suất quả trung bình)
Loại phân |
Lượng phân bón theo tuổi cây (kg/cây/năm) |
||
Cây 4 - 6 năm tuổi | 7 - 10 năm tuổi | Trên 10 năm tuổi | |
30 - 50 |
50 - 70 |
70 - 100 |
|
Phân urê |
0,3 - 0,5 |
0,8 - 1,0 |
1,2 - 1,5 |
Phân supe lân |
0,7 - 1,0 |
1,5 - 1,7 |
2,0 - 3,0 |
Phân clorua kali |
0,5 - 0,7 |
1,0 - 1,2 |
1,2 - 2,0 |
- Cách bón:
+ Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 30 - 35 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Ở lần bón sau khi thu hoạch quả, có thể trộn đều các loại phân vô cơ và bón kết hợp cùng với phân chuồng.
+ Bón phân vô cơ: Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
1.3.2.3. Bón phân qua lá (Áp dụng chung cho vải và nhãn):
Do được lá cây hấp thu nhanh nên phân bón lá đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của cây, giúp cây chóng hồi phục khi bị sâu bệnh, bão lụt hoặc đất thiếu dinh dưỡng. Phân bón qua lá làm tăng năng suất, phẩm chất và mẫu mã nông sản.
Tuy vậy, bón phân qua lá cũng chỉ là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho bón qua đất. Giống như đối với người, ăn được là chính, còn uống thuốc bổ hoặc truyền dịch dinh dưỡng chỉ là bổ sung và đáp ứng kịp thời khi cần thiết.
Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây có thể dùng hình thức bón phân qua lá. Ngoài sử dụng Urê 0,2% và Kalihydrophotphat (KH2PO4) 0,2 - 0,3%, có thể bổ sung các nguyên tố vi lượng như Bo, Zn bằng phun các dung dịch axit Boric, dung dịch Sunphat kẽm 0,1%. Thời gian phun tốt nhất là trước khi hoa nở để làm tăng tỷ lệ đậu và sau khi đậu quả làm hạn chế rụng quả non.
Phân bón lá gồm nhiều loại, bổ sung tất cả các chất dinh dưỡng cho cây, gồm các chất đa lượng (N, P, K), các chất trung lượng (Ca, Mg, S, Si) và các chất vi lượng (Cu, Zn, Mn, B, Fe, Mo).
Có thể sử dụng ở dạng phân đơn như N, P, K, Cu, Zn…, nhưng phân bón lá thường là các hợp chất khoáng dễ hòa tan trong nước. Hiện nay, người ta sử dụng một số chất từ các hợp chất hữu cơ như amino acid, các loại vitamin, các humat và các oligosacarit được tách chiết từ rong biển, thủy phân từ nguồn thịt cá, thịt trùn, nhộng tằm, đầu tôm… Những hợp chất hữu cơ này ngoài cung cấp chất dinh dưỡng cho cây một cách cân đối còn có tác dụng kích thích sinh trưởng, chống stress do thời tiết hay do ngộ độc và tăng sức chống bệnh cho cây.
Phần lớn các phân bón lá hiện nay gồm hỗn hợp các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng, một số loại còn thêm các chất kích thích sinh trưởng thực vật, hay các vi sinh vật hữu ích.
* Sử dụng phân bón lá cần chú ý:
Không nên sử dụng phân bón lá khi cây đang nở hoa, đất bị khô hạn và trời nắng nóng. Nên phun buổi sáng, có nắng nhẹ, khoảng 8 đến 10 giờ sáng hoặc chiều mát là tốt nhất vì lúc này khí khổng lá mở nhiều dễ hấp thu phân, trời cũng chưa nắng gắt, nên phun ướt cả mặt dưới lá.
2. Điều tiết nước cho cây vải, nhãn
2.1. Tưới nước cho cây vải, nhãn
Sau một vụ đông giá rét và khô hạn, cây đang rất cần nước, vì vậy việc tưới nước để giữ độ ẩm cho vải là rất cần thiết, ẩm độ đất phải luôn bảo đảm từ 65 - 75%. Nếu thiếu nước sẽ dẫn đến rối loạn quá trình thụ phấn, quả đậu ít.
Cần cung cấp nước thường xuyên trong mùa nắng khi cây còn nhỏ, nhất là trên vùng đất pha cát, đất đồi dốc rất dễ bị thiếu nước. Cây trưởng thành chịu đựng khô hạn khá hơn nhưng phải cung cấp đủ nước vào các giai đoạn cần thiết trong giai đoạn cây ra hoa, kết trái. Nên tưới nước cho cây từ khi bắt đầu ra hoa, trái phát triển và sau khi thu hoạch. Bắt đầu ngừng tưới ngay khi xử lý ra hoa cho cây để kích thích sự phân hoá mầm hoa.
Có thể sử dụng các phương pháp tưới khác nhau, tuỳ thuộc điều kiện thực tế. Ví dụ như: tưới rãnh, tưới phun, tưới nhỏ giọt...
Với cây con ở giai đoạn mới trồng cần thường xuyên giữ ẩm cho vùng đất xung quanh bộ rễ cây. Tiêu úng kịp thời khi lượng nước dư thừa.
Trời nắng hạn, mỗi ngày tưới nước 1 lần. Lượng nước tưới 4 - 5 lít/cây cho đến khi phục hồi sinh trưởng.
2.2. Tiêu úng cho vườn vải, nhãn
Vải, nhãn rất cần nước, nếu được tưới đầy đủ cây sẽ phát triển nhanh, ra hoa, kết trái tốt. Nhưng cũng là những cây chịu úng kém (nhất là vải) nên cần có hệ thống thoát nước trong mùa mưa. Đối với những vườn có nguy cơ bị ngập trong mùa mưa lũ thì nên có hệ thống bờ bao vững chắc, kịp thời bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.
3. Tạo tán cho cây vải, nhãn
Tạo tán: Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8 - 1m và những cành dầy đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau trên thân cây. Tuyển chọn lại 3 - 4 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 10 - 20cm. Cành thứ nhất cách mặt đất 50 - 80cm, nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.
Tỉa cành: Việc cắt, tỉa cành cây thông thoáng giúp các cành trong tán cây có thể nhận được đầy đủ ánh sáng làm cho quá trình quang hợp của cây được đầy đủ. Sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ những đọt đã mang trái hay không mang trái ở vụ trước nhằm tạo ra bộ tán đều và đồng loạt. Cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.
3.1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB)
3.1.1. Đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây ở thời kỳ KTCB
- Thời gian vườn cây vải, nhãn ở thời kỳ KTCB thường ké o dài 3 - 4 năm.
- Trong năm thứ nhất (sau trồng) cây sinh trưởng phát triển chậm. Do phải hồi phục bộ rễ và tán lá sau khi trồng nên số đợt lộc ít hơn các năm về sau. Có thể lác đác đôi cây có lộc hoa.
- Những năm giữa của thời kỳ này (năm thứ 2 - 3) cây sinh trưởng thân lá mạnh, số đợt lộc nhiều hơn, có một số cây ra lộc hoa và có khả năng đậu quả.
- Những năm cuối của thời kỳ này (năm thứ 3 - 4) đã có hầu hết các cây ra hoa, kết quả.
3.1.2. Kỹ thuật cắt tỉa thời kỳ KTCB
Trong kỹ thuật làm vườn hiện đại việc đốn, cắt tỉa là khâu kỹ thuật then chốt, cần có kiến thức, kinh nghiệm và tay nghề. Đối với vải, nhãn và một số loài cây ăn quả trong từng giai đoạn sinh trưởng cần áp dụng mức độ đốn khác nhau để cây ra hoa quả ổn định cho năng suất cao, và kéo dài tuổi thọ của cây. Việc cắt bỏ cành nào, ngọn nào, vào lúc nào và mức độ cắt bỏ tới đâu đòi hỏi phải có hiểu biết về sinh lý của mỗi loại cây.
Đốn tạo hình giúp cây có bộ khung cành khoẻ, đều nhau, phân bố hợp lý trong không gian, để sau này khi ra hoa, quả tán cây có dạng nhất định theo ý muốn của người làm vườn.
Kỹ thuật đốn tạo tán dạng hình cầu
Với cây còn nhỏ hạn chế đốn, cắt đến mức tối thiểu, chỉ bấm ngọn những cành cần phải loại bỏ, nếu để loại cành này lớn lên rồi mới cắt đi sẽ gây lãng phí dinh dưỡng cho cây.
Cây nhãn có tán dạng hình cầu
Góc độ cành khung nhìn từ trên cao xuống
Bên trái: Tối ưu 2 - Bên phải: Không đạt yêu cầu
Mỗi cây nên để 3 - 5 cành khung, cần nuôi một thân chính cao trên dưới 80 cm rồi bấm ngọn. Sau khi bấm ngọn thân chính sẽ mọc ra khá nhiều cành cần chọn lấy 3 - 4 cành cách nhau 15 - 20 cm và chia ra 3 - 4 hướng đều nhau, những cành này gọi là cành cấp I, góc độ giữa thân và cành đạt 35 - 45o. Đây là độ nghiêng tối ưu đảm bảo trên đó có nhiều cành sinh trưởng và cành quả đồng đều.
Sự phân bố cành (nhìn từ trên xuống)
Hình trái: Bình thường - Hình phải: Tốt nhất
Những điều cần chú ý khi đốn tạo hình:
- Với cây non nên dùng những biện pháp điều chỉnh góc cành bằng cách cố định cành hoặc vít cành ở vị trí mong muốn, thường xuyên theo dõi và cắt tỉa những cành mọc sai vị trí.
- Khi cây còn bé chưa nên nuôi quả để tạo bộ rễ và tán cây tốt.
- Không giữ lại quá nhiều cành khung, vì khung yếu dễ gẫy, khó đạt sản lượng cao.
3.2. Thời kỳ kinh doanh (KD)
3.2.1. Đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây ở thời kỳ KD
- Thông thường sang năm thứ 4 - 5 sau trồng là vườn vải, nhãn bước sang thời kỳ kinh doanh. Thời gian cây nuôi quả thường kéo dài 3 - 4 tháng, chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả nên ức chế sự sinh trưởng thân lá.
- Sau khi thu hái quả thì rất nhiều các cành lộc được sinh ra từ các mầm ngủ ngay dưới chỗ thu hoạch. Điều đó đã tạo nên bộ khung tán lá cây càng ngày càng trở nên rậm rạp.
- Cây càng mang nhiều trái thì số cành lộc vụ thu (cành mẹ của cành mang quả vụ thu hoạch năm sau) sẽ giảm đi. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ra quả cách năm ở cây vải, nhãn.
3.2.2. Kỹ thuật đốn thời kỳ kinh doanh
Đốn tỉa cành sau thu hoạch là biện pháp kỹ thuật cơ bản trong thâm canh vải, nhãn. Đốn tỉa cành đúng kỹ thuật có tác dụng làm cho cây có tán đẹp, thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, phát huy hiệu quả của phân bón và thuốc BVTV.
Ngay sau khi thu hoạch xong quả (hạ tuần tháng 5 đến thượng tuần tháng 7, 8 tuỳ giống chín sớm hay chín muộn), người làm vườn cần tiến hành đốn tỉa tán cho cây. Những cây đã được đốn tỉa đúng kỹ thuật năm trước, năm sau việc đốn tỉa sẽ dễ dàng hơn những cây chưa được đốn tỉa.
Dùng dao hay kéo sắc cắt sâu vào bề mặt tán nhằm làm giảm chiều cao của tán, thu hẹp diện tích tán, tạo cho tán có hình bán cầu đẹp. Tiến hành tỉa những cành la, cành vóng, cành bị sâu bệnh, cành vượt (cành tược) trong tán làm cho lòng tán có hình phễu thông thoáng giúp cho ánh sáng chiếu vào làm giảm độ ẩm trong tán hạn chế sự sinh trưởng, p hát triển của sâu, bệnh hại.
Đốn tỉa cành vượt
Tỉa cành nhỏ trên bề mặt tán, với những cành khoẻ đường kính > 1cm, ta để hai nhánh hình ngạnh trê. Những cành yếu, đường kính cành nhỏ < 1cm chỉ để một nhánh khoẻ, cắt bỏ các nhánh còn lại, loại bỏ các lá già và các lá bị bệnh.
Đốn tỉa cành tăm trên mặt tán
Hai cành khoẻ dạng ngạnh chê
Sau khi tạo tán xong tiến hành tưới ẩm và bón thúc phân cho vải, giúp cho cây nhanh phục hồi lại và phát lộc hè được thuận lợi.
Sau khi lộc hè thành thục, cần tiến hành tỉa lộc định cành. Nếu lộc sinh trưởng mạnh thì mỗi đầu cành để 2 cành lộc khoẻ dạng ngạnh chê (hình 10), ngược lại các lộc yếu chỉ để một cành lộc. Các cành lộc trong tán ta cũng tỉa thưa hợp lý không để rậm rạp quá, vẫn đảm bảo cho lòng tán được thông thoáng, những lộc trong tán này cũng có khả năng cho thu quả.
Đối với cây vải, nhãn khoẻ trên 5 năm tuổi, cần chăm sóc sao cho ra được 3 đợt lộc (2 đợt lộc Hè và 1 đợt lộc Thu), đợt lộc thứ 3 cần kết thúc trong tháng 10 tạo điều kiện hình thành cành quả cho năm sau được thuận lợi, chống hiện tượng ra quả cách năm.
Sau khi cây vải, nhãn có đợt lộc thứ 3 thành thục ta lại tiến hành cắt tỉa cành thêm 1 lần nữa, loại bỏ bớt những cành tăm, cành sâu, bệnh, cành gối nhau, giúp cho cây chuẩn bị bước sang giai đoạn phân hoá mầm hoa được thuận lợi.
Sau khi đốn tỉa cành cần kết hợp vệ sinh làm cỏ, thu gom những cành vừa đốn đem đốt bỏ để giảm nguồn sâu, bệnh lây lan cho vụ sau.
Nếu được đốn tỉa sau thu hoạch đúng kỹ thuật như đã trình bày ở phần trên sẽ phát huy được hiệu quả của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, làm cho cây có quả phân bố đều trên bề mặt tán, ngoại hình quả đẹp gia tăng giá trị thương phẩm.
4. Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc khác
4.1. Tỉa trái trên chùm:
Việc tỉa trái giúp gia tăng kích thước trái, giảm hiện tượng ra trái cách năm, chùm trái đồng đều về độ lớn. Tiến hành tỉa trái khi kích thước trái khoảng bằng hạt đậu nành. Tỉa những trái bị sâu bệnh, trái dị hình, trái ở đầu ngọn của chùm.
4.2. Bao quả vải, nhãn
4.2.1. Tác dụng của việc bao quả vải, nhãn
Việc dùng bao túi nylon, bao giấy hay bao chuyên dùng để bao quả, phòng ngừa sâu bệnh gây hại đã được một số nước trong khu vực áp dụng từ lâu và thu được kết quả tốt; không những hạn chế được một số loại sâu bệnh chuyên hại quả mà còn làm cho vỏ quả sáng, đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.
Khi quả được bao bằng túi nylon màu trắng trong, chất diệp lục ở vỏ quả vẫn hấp thụ được ánh sáng và quang hợp bình thường, do vậy màu sắc của quả không thay đổi.
Đa số các loại côn trùng trưởng thành là bướm (ngài) đều bay theo phương thẳng, khi đậu vào quả được bao bởi nylon để đẻ trứng chúng gặp bề mặt trơn, nhẵn nên bướm và trứng không bám được, do vậy hầu hết các loại sâu như: bọ xít, bọ cánh cứng, ruồi đục quả, bọ rầy,... được loại trừ.
Điều kiện khí hậu trong túi chứa quả khác biệt so với điều kiện tự nhiên bên ngoài nên một số nấm, vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội phát triển.
Trong giai đoạn từ quả non đến chín, cây ăn quả thường bị nhiều loại sâu, bệnh phá hại như sâu đục cuống, bọ xít, ruồi đục trái, bệnh thán thư, đốm nâu, sương mai khiến quả bị thối, rụng làm giảm năng suất, chất lượng, vì vậy, để bảo vệ chất lượng quả tốt, nông dân thương phải phun thuốc liên tục, gây tốn nhiều tiền của và công sức nhưng hiệu quả vẫn bi ̣thất thu, chưa kể tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng đến sưc khoe va xuất khẩu.
Nhưng nếu trong giai đoaṇ quả phát triển, chúng ta sử dụng túi bao quả, không nhưng giảm được số lần phun thuốc, tiết kiệm được chi phí, mà chất lượng quả thu hoạch còn tăng cao, do túi bao quả là một loại túi được gia công đặc biệt với ưu điểm không thấm nước mưa nhưng hấp thụ được ánh sáng, giúp bảo vệ quả non khỏi tác hại của môi trường ô nhiễm hoặc sâu bọ châm chích.
Khi bao quả, túi sẽ bảo vệ quả một cách triệt để, đảm bảo quả phát triển tốt, an toàn, vỏ quả sáng đẹp, không xuất hiện vết bám bẩn, đặc biệt, quả đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mang laịlơịich́ cao cho người nông dân.
Vải được bao túi để bảo vệ quả
4.2.2. Kỹ thuật bao quả vải, nhãn
Dùng lưới, túi chuyên dùng hoặc túi nhựa PE có đục những lỗ nhỏ sao cho nước không đọng ở đáy túi trong quá trình bao quả. Thời điểm bao tốt nhất là trái có đường kính 1cm. Chú ý phòng trừ sâu bệnh trước khi bao quả.
4.3. Kỹ thuật xử lý quả trước khi thu hoạch
Làm thế nào để giảm tỷ lệ quả rụng, quả nứt, làm chậm chín quả trên cây trong một thời gian nhất định để rải vụ thu hoạch và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích trồng vải, nhãn, nhãn là đòi hỏi cấp thiết của người trồng vải, nhãn, nhãn. Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu và sản xuất chế phẩm có tên thương mại là KIVIVA. Sự ra đời của KIVIVA đã một phần đáp ứng được các đòi hỏi bức xúc nói trên của bà con nông dân.
KIVIVA là chế phẩm dạng bột đóng gói 3 gram. Đây là hỗn hợp chất kích thích sinh trưởng với một số nguyên tố vi lượng.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số chất điều hòa sinh trưởng khác, trong đó chủ yếu là các chất kháng ethylen như ReTain, SmartFresh vv...để xử lý bằng cách phun trực tiếp lên cây vào thời điểm 2-3 tuần trước thời điểm thu hoạch, tăng cường khả năng bảo quản sau thu hoạch.
KIVIVA có khả năng tăng năng suất đến 15%, tăng chất lượng quả (kích thước tăng, mã quả đẹp, giảm tỷ lệ quả nứt vỏ) và đặc biệt là có khả năng làm chậm quá trình chín của quả tới 10-12 ngày nếu được sử dụng đúng theo quy trình tóm tắt dưới đây:
* Quy trình tóm tắt sử dụng chế phẩm KIVIVA
Phun thuốc trừ nấm, sâu và bọ xít hại trước khi hoa nở, sau đó phun KIVIVA 4 lần như sau:
+ Lần 1: Khi hoa nở rộ (90% hoa đực nở) với tác dụng nâng cao tỷ lệ đậu quả; 1 gói pha trong 10 lít nước.
+ Lần 2: 10 ngày sau khi phun lần 1, với tác dụng chống rụng quả; 1 gói pha trong 20 lít nước.
+ Lần 3: 30 ngày sau phun lần 2, với tác dụng chống rụng quả và tăng kích thước quả, 1 gói pha trong 10 lít nước.
+ Lần 4: Trước khi thu hoạch khoảng 7 ngày với tác dụng chống nứt quả và làm chậm chín; 1 gói pha trong 10 lít nước và có thể phun cùng với Viben C hoặc Carbendazim để trừ nấm hại sau thu hoạch.
* Cách pha chế phẩm:
Hòa tan gói chế phẩm trong 25-30ml cồn hoặc rượu trắng cao độ. Hòa tan bằng nước sạch cho đến khi chế phẩm tan hết. Sau đó đưa lên thể tích phù hợp với các lần phun (như đã hướng dẫn ở trên) bằng nước sạch cho đến khi chế phẩm tan hết rồi phun vừa đủ ướt chùm hoa hay chùm quả vào buổi chiều mát, không mưa.
Dùng đến đâu thì pha chế phẩm đến đấy.
* Một số lưu ý:
Chế phẩm không thay thế cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Không phun lẫn chế phẩm với các hóa chất khác.
Cây trồng cần nhiều nước hơn khi được phun chế phẩm.
Có thể rút bớt số lần phun tùy theo yêu cầu.
-
Nhân giống cây vải, nhãn: Ghép cành vải, nhãn
Trình tự các bước tiến hành ghép vải, nhãn, chọn cây làm gốc ghép, cành để lấy mắt ghép theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật ghép cành cây vải nhãn đạt tỷ lệ ghép sống cao...
-
Chiết vải, nhãn và tiêu chuẩn cây vải nhãn chiết để trồng
Chiết cành là gì? ưu nhược điểm của phương pháp chiết cành, trình tự các bước tiến hành chiết cành, hướng dẫn chọn cây vải nhãn để chiết, cành chiết theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật chiết cành vải, nhãn...
-
Trồng và chăm sóc cây vải, nhãn: Đào hố và bón lót trước khi trồng vải, nhãn
Quy trình vệ sinh đồng ruộng, làm đất chuẩn bị cho việc trồng trồng vải, nhãn. Tính toán lượng phân bón và thực hiện việc bón lót theo quy trình kỹ thuật trồng cây vải, nhãn...
-
Xử lý ra hoa cây vải, nhãn: Điều khiển sinh trưởng bằng biện pháp cơ giới
Hướng dẫn kỹ thuật điều khiển sinh trưởng, điều khiển quá trình ra hoa, đậu quả của cây vải, nhãn bằng biện pháp biện pháp khoanh cành, làm đứt bớt rễ trên các giống vải nhãn khác nhau...
-
Trồng và chăm sóc cây vải, nhãn: Kỹ thuật trồng
Xác định được thời vụ trồng thích hợp cho từng loại cây (cây vải, cây nhãn) ở từng vùng miền cụ thể; trồng và chăm sóc cây sau trồng đúng quy trình kỹ thuật để có tỷ lệ sống cao...
- Hướng dẫn xử lý tuyến trùng trên cây ổi bằng phương pháp sinh học
- Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ra hoa đậu trái đạt hiệu quả cao
- Biện pháp khắc phục, hồi sinh cây cà phê bị ngộ độc phân bón
- Hướng dẫn ủ rác thải nhà bếp làm phân bón đơn giản tại nhà
- Giải pháp kích thích trái to và nâng cao năng suất trước khi bao trái xoài
- Hướng dẫn chăm sóc, bón phân và sử dụng hormone sinh trưởng cho cây hồ tiêu trong mùa khô