Xử lý ra hoa cây vải, nhãn: Điều khiển sinh trưởng bằng biện pháp cơ giới

Cây trồng liên quan: Cây vải , Cây nhãn

1. Điều khiển sinh trưởng của vải, nhãn bằng biện pháp khoanh cành

Biện pháp khoanh cành nhằm ngăn cản dòng nhựa luyện vận chuyển từ trên tán xuống rễ làm tăng tỷ lệ các bon/đạm (C/N) ở chồi ngọn tạo điều kiện cho cây phân hoá mầm hoa. Biện pháp này chỉ áp dụng với những cây vải, nhãn sinh trưởng khỏe.

Khi khoanh cành vải, nhãn người ta thường để lại một số cành không khoanh (cành thở) để cây duy trì sinh trưởng; Với cây vải, nhãn tuổi lớn, khả năng sinh trưởng thân tán chậm nên khoanh ½ số cành trong tán, (những cành năm trước đã khoanh thì năm sau không khoanh) để cây vừa cho quả tốt và vẫn duy trì được quá trình sinh trưởng.

1.1. Kiểm tra vườn cây, phân tích, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây

1.1.1. Kiểm tra vườn cây.

Kiểm tra vườn cây, phân tích, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây là công việc của người trồng vải, nhãn để dự đoán khả năng cây vải, nhãn tromg vườn tiếp tục ra lộc hay chuẩn bị ngừng sinh trưởng.

Với cây vải thời gian tiến hành kiểm tra vườn từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12 hàng năm, với năm có tháng nhuận âm lịch thì kéo dài thêm nửa tháng.

Với cây nhãn (trồng ở Miền Bắc) thời gian tiến hành kiểm tra vườn từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 hàng năm, với năm có tháng nhuận âm lịch thì kéo dài thêm nửa tháng.

Với cây nhãn trồng ở Miền Nam, do nhiệt độ chênh lệch giữa các mùa ít thay đổi do vậy các giống nhãn, xuồng cơm, vàng, xuồng cơm trắng; nhãn long; nhãn super sau khi thu hoạch vụ chính có thể điều khiển sinh trưởng để nhãn ra thêm một vụ trái (nghịch vụ)

Với giống nhãn tiêu da bò người trồng nhãn mong muốn nhãn ra quả việc kiểm tra vườn cây để chuẩn bị điều khiển quá trình ra hoa đậu quả của nhãn được tiến hành với các hàng nhãn (cây nhãn) đang sinh trưởng lộc ở đợt 2 và lá trên lộc nhãn chuẩn bị thành thục.

1.1.2. Phân tích, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây

Với vải, nhãn trồng ở Miền Bắc việc phân tích đánh giá sinh trưởng của cây trong mùa đông thực chất là đánh giá khả năng cây vải, nhãn có nghỉ sinh trưởng để phân hóa mầm hoa hay không ?.

Nói cách khác là quan sát tình hình sinh trưởng của cây và dự báo khả năng ra lộc đông của vải, nhãn, bởi vì vải và nhãn ra quả trên cành thu, nếu cây ra lộc đông thì sẽ không ra hoa đậu quả trong mùa xuân (với cây vải), còn cây nhãn thì vẫn có thể ra được hoa và đậu quả nhưng năng suất quả sẽ giảm nhiều.

Vải và nhãn chỉ ngừng sinh trưởng khi mùa đông lạnh và ít mưa do vậy với những năm mùa đông ấm và ẩm (mưa vào cuối tháng 11 và trong tháng 12) thì cây vải, nhãn sẽ ra lộc đông.

Vì vậy ngoài việc kiểm tra đánh giá tình hình sinh trưởng của cây trong vườn chúng ta còn phải quan tâm đến diễn biến thất thường của khí hậu trong mùa đông để có biện pháp khống chế khả năng ra lộc của vải nhãn trong mùa đông.

Ngoài yếu tố khí hậu ảnh hưởng đến khả năng ngừng sinh trưởng lộc của vải, nhãn thì ẩm độ đất trong vườn và các cá thể cây có sức sinh trưởng mạnh vẫn có thể ra lộc trong mùa đông mặc dù thời tiết không có mưa trong nửa đầu của mùa đông đây là những vấn đề mà người trồng quả cần phải chú ý khi thực hiện kiểm tra vườn.

Trình tự các bước tiến hành quan sát đánh giá và dự báo khả năng ra lộc trong vụ đông của vải, nhãn trồng ở Miền Bắc:

- Bước 1: Quan sát tình hình sinh trưởng của lộc thu đợt 2

- Bước 2: Quan sát mầu sắc của lá trên lộc thu và trạng thái của cây trong mùa đông

- Bước 3: Kiểm tra độ ẩm của đất dưới tán vải, nhãn

- Bước 4: Quan sát và kiểm tra sự xuất hiện của mầm lộc

- Bước 5: Kết luận khả năng có thể ra lộc hay không ra lộc của các cá thể cây trên vườn

- Bước 6: Dự báo tỷ lệ cây có thể ra lộc trong mùa đông phục vụ công tác điều khiển sinh trưởng lộc của vải, nhãn.

Trình tự các bước tiến hành quan sát đánh giá và dự báo khả năng ra lộc trong vụ đông của vải, nhãn trồng ở Miền Nam:

Với cây vải trồng ở Đắk Lắk (DakLak) tiến hành theo 6 bước như vải trồng ở Miền Bắc song thời điểm tiến hành quan sát, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây thực hiện sớm hơn 1 tháng (cần quan sát trong tháng 10 hàng năm) bởi vì thời điểm điều khiển sinh trưởng của cây vải ở vùng này tốt nhất là nửa đầu của tháng 11.

Với giống nhãn tiêu da bò tiến hành quan sát và đánh giá sinh trưởng của lộc nhãn như sau:

- Bước 1: Quan sát ghi chép tình hình sinh trưởng của lộc đợt 1

- Bước 2: Dự báo thời gian ra lộc của đợt 2

- Bước 3: Quan sát tình hình sinh trưởng của lộc đợt 2 và theo dõi mầu sắc của lá trên lộc và dự báo ngày lá trên lộc đợt 2 chuyển sang màu nõn chuối để tiến hành khoanh cành (khấc cành)

Với các giống: nhãn long, nhãn super, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn xuồng cơm trắng sau khi thu quả vụ chính (tháng 6 - tháng 7) người ta áp dụng biện pháp cắt tỉa cành bón phân … để nhãn ra lộc người trồng nhãn cần quan sát và đánh giá sinh trưởng của lộc nhãn như sau:

- Bước 1: Quan sát ghi chép tình hình sinh trưởng của lộc đợt 1

- Bước 2: Dự báo thời gian ra lộc của đợt 2

- Bước 3: Quan sát tình hình sinh trưởng của lộc đợt 2 và theo dõi mầu sắc của lá trên lộc và dự báo ngày lá trên lộc đợt 2 chuyển sang màu nõn chuối để tiến hành xiết nước hoạc xử lý hóa chất để nhãn ra hoa vụ nghịch (trái vụ)

1.2. Xác định thời điểm khoanh cành

Biện pháp khoanh vỏ để tỷ lệ C/N trong chồi tăng nhờ vậy sau 1-2 tháng cây có thể ra hoa.

Việc tìm ra thời điểm khoanh vỏ tốt nhất với cây ăn quả được các nhà khoa học quan tâm, nếu khoanh vỏ sớm thì tỷ lệ khi tỷ lệ C/N trong tế bào thấp, chưa đủ để có thể kích thích quá trình phân hoá mầm hoa một cách hiệu quả dẫn đến tỷ lệ cành ra hoa thấp (Kosterman A.J.G.H., J.M, Bompard 1993)

Kinh nghiệm khoanh vỏ cành cho vải ở Lục Ngạn cho thấy, thời điểm khoanh vỏ cho các giống vải chín sớm (U hồng, U gai, U đường, U trứng) tốt nhất vào cuối tháng 11 còn vải thiều tốt nhất vào giữa tháng 12.

Kinh nghiệm khoanh vỏ cành trên nhãn tiêu da bò trồng ở Miền Nam Khi lá nhãn của đợt thứ hai có màu xanh đọt chuối (thường gọi là lá lụa), dùng dao cứa khoanh vỏ vòng tròn quanh thân cành. Chỉ khoanh vỏ trên những cành chính, nên để lại 1-2 cành thường được gọi là nhánh thở để có nhựa luyện nuôi cây. Vết khoanh rộng khoảng 1,5 - 2mm (đối với cành nhỏ), 3 - 5mm (đối với cành lớn).

Thời điểm khoanh cành trên vải, nhãn có thể tóm tắt như sau:

- Với vải, nhãn trồng ở Miền Bắc được xác định bởi thời điểm lộc thu đợt 2 bắt đầu già nhằm khống chế sự phát triển của lộc đông.

- Với nhãn trồng ở Miền Nam được xác định bởi mầu sắc của lá trên lộc đợt 2 khi chuyển mầu nõn chuối

1.3. Các bước tiến hành khoanh cành

1.3.1. Chuẩn bị dụng cụ và vật liệu

- Cưa cầm tay: yêu cầu lưỡi cưa phải sắc, sạch (không bị han gỉ), răng cưa mở có độ rộng để khi cắt vỏ cành có độ rộng đạt 0,3 cm

- Dao con mỏng, sắc và sạch

- Dây nilon: nilon mới còn nguyên trong cuộn, cắt thành từng khúc có độ rộng khoảng 3 cm.

Cưa và dao dùng để khoanh vỏ cành

Cưa và dao dùng để khoanh vỏ cành

Dây nilon cắt thành cuộn để buộc vết khoanh cành

Dây nilon cắt thành cuộn để buộc vết khoanh cành

1.3.2. Xác định vị trí khoanh cành

Vị trí khoanh cành tùy thuộc vào cành có kích thước lớn hay nhỏ, người ta thường chọn vị trí khoanh với cành có đường kính khoảng 3 – 4 cm, năm trước khoanh cành ở vị trí thấp, năm sau khoanh cành ở vị trí cao; năm sau không nên khoanh cành gần với vị trí năm trước đã khoanh để tránh gây tổn thương cho cành bị khoanh.

1.3.3. Các thao tác khoanh cành

1.3.3.1. Khoanh cành để c​ây ngừng sinh trưởng phân hóa mầm hoa vải, nhãn

Dùng cưa hoặc dao để khoanh vỏ cành; nếu thân cành to thì khoanh bằng cưa, thân cành nhỏ thì khoanh bằng dao; Có thể khoanh một vòng tròn khép kín trên thân cành hoặc khoanh theo đường xoắn trên thân cành

Cách khoanh như sau:

- Bước 1: Dùng cưa hoặc dao khoanh vỏ cành

- Bước 2: loại bỏ vỏ để đường khoanh có chiều rộng 1,5 - 4 mm tuỳ theo kích thước của thân cành tại vị trí khoanh

- Bước 3: Quấn kín vết khoanh bằng dây nilon sạch

- Bước 4: Tháo dây nilon khi cành nhú mầm hoa dài 3-5 cm.

Khoanh vỏ theo vòng tròn khép kín

Khoanh vỏ theo vòng tròn khép kín

Buộc dây nilon kín vết khoanh

Buộc dây nilon kín vết khoanh

1.3.3.2. Khoanh vỏ cành đang ra hoa để tăng tỷ lệ đậu quả

Khoanh cành mẹ khi đang mang hoa theo đường xoắn bằng dao sắc vừa đứt vỏ, độ rộng đường khoanh là vết cắt của lưỡi dao cách cuống chùm hoa từ 25 - 30cm. Với đường cắt nhỏ này dòng nhựa luyện sẽ được giữ lại ở cành làm cho tỷ lệ C/N của cành tăng lên trong thời kỳ hoa nở có tác dụng thúc đẩy quá trình thụ tinh thụ phấn của hoa trên cành tốt hơn làm tăng được tỷ lệ đậu quả ban đầu.

1.4. Kiểm tra đánh giá tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau khoanh cành

1.4.1. Kiểm tra tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau khoanh cành

Kiểm tra vườn vải nhãn sau khoanh vỏ cành là công việc cần thiết của người làm vườn để có được biện pháp kỹ thuật can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sinh trưởng lộc của vải, nhãn bởi các lý do sau:

Trong điều kiện thời tiết diễn ra thuận lợi (trời không có mưa) thì sau khoanh cành thì vải, nhãn sẽ ngừng sinh trưởng (không tiếp tục ra lộc).

Trong điều kiện thời tiết bất thuận (có mưa) thì vải và nhãn vẫn ra lộc bình thường (tức là biện pháp khoanh vỏ cành không mang lại hiệu quả như người làm vườn mong muốn).

Việc kiểm tra vườn vải, nhãn sau khoanh cành cần tiến hành định kỳ từ 3

– 5 ngày một lần, nếu điều kiện thời tiết diễn ra thuận lợi (trời không mưa) thì thì 5 ngày kiểm tra vườn một lần, nếu thời tiết có mưa cần phải kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện lộc vải, nhãn.

1.4.2. Đánh giá tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau khoanh cành

Đánh giá tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau khoanh cành tức là đánh giá sinh trưởng lộc của vải, nhãn; nếu vải nhãn sau khoanh cành không xuất hiện lộc trên các cành đã khoanh tức là biện pháp khoanh đã cho hiệu quả tốt đó là ngăn được sự xuất hiện của lộc đông; và ngược lại.

Nếu biện pháp khoanh không mang lại hiệu quả thì chúng ta cần phải khống chế sinh trưởng của lộc vải nhãn bằng biện pháp sử dụng hóa chất bằng cách phun Ethrel hoặc phun đạm và ka ly hoặc ka ly ở liều cao để diệt lộc vải, nhãn (xem bài Xử lý ra hoa cây vải, nhãn: Điều khiển sinh trưởng bằng hóa chất).

2. Điều khiển sinh trưởng của vải, nhãn bằng biện pháp cuốc đứt bớt rễ

Biện pháp cuốc đất ở xung quanh tán đầu tháng 12 với cây vải và đầu tháng 1 với cây nhãn nhằm làm đứt bớt một phần rễ tơ của cây, tạo điều kiện cho cây ngừng sinh trưởng và làm giảm hàm lượng Giberilin trên chồi ngọn (vì đầu của rễ tơ là bộ phận của cây sản xuất ra Giberilin) giúp cây phân hoá mầm hoa tốt hơn trong mùa đông, ra nhiều hoa trong mùa xuân.

2.1. Kiểm tra vườn cây, phân tích, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây

2.1.1. Kiểm tra vườn cây

Kiểm tra vườn cây để dự đoán khả năng cây vải, nhãn tromg vườn tiếp tục ra lộc hay chuẩn bị ngừng sinh trưởng, thời gian tiến hành kiểm tra vườn từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12 hàng năm (với cây vải), từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 hàng năm (với cây nhãn), năm có tháng nhuận âm lịch thì kéo dài thêm nửa tháng.

Với cây nhãn trồng ở Miền Nam:

- Các giống nhãn, xuồng cơm, vàng, xuồng cơm trắng; nhãn long; nhãn super sau khi thu hoạch vụ chính (cuối tháng 6 đến hết tháng 7) thì tiến hành kiểm tra vườn để theo dõi và kiểm tra sinh trưởng lộc ở đợt 2 từ khi lộc xuất hiện đến khi lá trên lộc nhãn chuẩn bị thành thục.

- Giống nhãn tiêu da bò kiểm tra vườn cây tiến hành khi các hàng nhãn (cây nhãn) sinh trưởng lộc ở đợt 2 từ khi lộc xuất hiện đến khi lá trên lộc nhãn chuẩn bị thành thục.

2.1.2. Phân tích, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây

Đây là công việc đánh giá khả năng của cây vải, nhãn tiếp tục sinh trưởng hay nghỉ sinh trưởng; nhằm dự báo khả năng ra lộc đông của vải, nhãn,

Chú ý: khi tiến hành kiểm tra vườn cây cần quan tâm đến độ ẩm của đất trong vườn vải, nhãn; nếu đất trong vườn không thể giảm được độ ẩm thì không nên áp dụng biện pháp cuốc đứt bớt rễ của vải, nhãn

2.2. Xác định thời điểm làm đứt bớt rễ

Thời điểm làm đứt bớt rễ vải, nhãn có thể tóm tắt như sau:

Với vải trồng ở Miền Bắc được xác định bởi thời điểm lộc thu đợt 2 bắt đầu già (với các giống vải sớm từ 15 tháng 11 cho đến mồng 1 tháng 12; với vải chính vụ từ mồng 1 tháng 12 cho đến 15 tháng 12) nhằm khống chế sự phát triển của lộc đông.

Với vải, nhãn trồng ở Miền Bắc được xác định bởi thời điểm lộc thu đợt 2 bắt đầu già (trong nửa đầu của tháng 1) nhằm khống chế sự phát triển của lộc đông.

Với nhãn trồng ở Miền Nam được xác định bởi mầu sắc của lá trên lộc khi chuyển mầu nõn chuối; thời điểm làm đứt bớt rễ còn phụ thuộc vào nhãn cho quả chính vụ (tháng 3 đến tháng 4) hay trái vụ (tháng 8 đến tháng 9) (ở Miền Nam người trồng quả gọi là vụ thuận hay vụ nghịch);

Với các giống nhãn Xuồng nếu làm đứt bớt rễ kết hợp với ngừng tưới nước khi lá của đợt đọt thứ hai trở nên già và bắt đầu cho đợt đọt thứ ba thì sẽ cho hiệu quả cao hơn.

2.3. Các bước tiến hành làm đứt bớt rễ

2.3.1. Chuẩn bị dụng cụ, máy làm đất

Các dụng cụ có thể dùng để làm đứt bớt rễ tơ của vải, nhãn gồm: Cuốc bàn, cày trâu, máy cày loại nhỏ; tùy theo điều kiện của chủ vườn và số lượng cây vải, nhãn mà người làm vườn chuẩn bị dụng cụ phù hợp.

Nếu tiến hành làm đứt bớt rễ vải, nhãn thủ công thì chúng ta cần chuẩn bị cuốc; yêu cầu cuốc phải sắc, cán được tra chặt để thuận tiện cho việc cuốc đất dưới tán và đảm bảo an toàn cho người cuốc đất.

Nếu tiến hành làm đứt bớt rễ vải bằng máy thì chúng ta cần chuẩn bị:

- Máy làm đất loại nhỏ

- Nhiên liệu phục vụ cho máy hoạt động

Máy cày loại nhỏ dùng để làm đứt rễ vải bằng cày hoặc phay đất

Máy cày loại nhỏ dùng để làm đứt rễ vải bằng cày hoặc phay đất

2.3.2. Xác định diện tích đất dưới tán cần cuốc (phay)

Diện tích đất dưới tán cần cuốc để làm đứt bớt rễ là hình chiếu của tán xuống dưới mặt đất, như vậy đây chính là phần diện tích đất dưới tán vải, nhãn sau khi đã chừa lại phần đất xung quanh gốc có bán kính dao động từ 1 đến 2m tùy theo cây có tuổi nhỏ hay lớn.

2.3.3. Cuốc đất (phay đất) dưới tán

Nếu làm đứt rễ dưới tán vải, nhãn bằng công cụ thủ công thì ta chỉ cần cuốc lớp đất xung quanh gốc dưới tán cây có độ sâu từ 10 đến 15 cm là được, bởi vì lớp rễ tơ của vải nhãn thường phân bố ở độ sâu từ 0-20 cm.

Nếu làm đứt rễ cây bằng máy thì ta tiến hành cày toàn bộ diện tích đất xung quanh gốc dưới tán vải có độ sâu từ 10 -15 cm là được; Bởi vì rễ tơ của vải, nhãn không phân bố ở gần gốc cây và phần đất xung quanh gốc cây không cần cuốc hoặc phay.

2.4. Kiểm tra đánh giá tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau làm đứt bớt rễ

2.4.1. Kiểm tra tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau cuốc đứt bớt rễ (Nội dung tương tự mục 1.4.1 của bài)

2.4.2. Đánh giá tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau cuốc đứt bớt rễ

Đánh giá tình hình sinh trưởng của vải, nhãn sau cuốc đứt bớt rễ tức là đánh giá sinh trưởng lộc của vải, nhãn; nếu vải nhãn sau cuốc đứt bớt rễ không xuất hiện lộc trên tán tức là biện pháp cuốc đứt bớt rễ đã cho hiệu quả tốt đó là ngăn được sự xuất hiện của lộc đông; và ngược lại.

Nếu biện pháp cuốc đứt bớt rễ không mang lại hiệu quả thì chúng ta cần phải khống chế sinh trưởng của lộc vải nhãn bằng biện pháp sử dụng hóa chất bằng cách phun Ethrel hoặc phun đạm và ka ly hoặc ka ly ở liều cao để diệt lộc vải, nhãn (xem bài Xử lý ra hoa cây vải, nhãn: Điều khiển sinh trưởng bằng hóa chất).

Nguồn: Giáo trình nghề trồng cây vải, nhãn - Bộ NN&PT NT
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status