Hướng dẫn cắt tỉa cành mai và chăm sóc cây mai vàng sau tết Nguyên đán
1. Hướng dẫn cắt tỉa cành mai
Từ khi trồng đến khi cây mai vàng ra hoa, hoạt động chủ yếu là tạo bộ rễ, hình thành thân chính và bộ khung cành lá. Tuy nhiên, nếu để cây tự phát triển thì các cành không đều nhau, cành khỏe, cành yếu. Cành yếu bị che khuất nên không có hoa, còn cành khỏe có nhiều hoa, ảnh hưởng đến chất lượng cây hoa.
Một số bộ phận cành lá đã già che lấp các bộ phận cành lá non, hoặc những cành bị sâu bệnh, giảm hoặc không còn khả năng cho hoa.
Mặt khác, mai vàng được trồng với mục đích để tạo cây dáng thế nên trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên cắt tỉa cành để cây mai sinh trưởng phát triển tốt, vừa có những cành nhánh theo ý muốn để tạo dáng thể sau này.
Trước hết chúng ta cần quan sát tổng thể cây một cách kỹ càng về: hướng, cấu trúc phân cành, hình dạng kích thước lá... Vì vậy, phải căn cứ vào hình dáng bên ngoài của thân cây cảnh, kết hợp với đồ sáng tạo của mình, mà ta chọn mặt ngắm đẹp nhất. Đồng thời phải xem xét tới quan hệ tương hỗ giữa thân chính và các chạc cây, để quyết định thế phát triển của cây.
Cành mọc từ gốc và cành vượt cần phải cắt
Cắt tỉa cành mai vàng
Đối với cây đã định hình dáng thế, cần cắt tỉa để duy trì, giữ dáng thế đã chọn
Đối với các cành lớn, dùng cưa cắt cành để cắt tại vị trí đã định, vết cắt phải phẳng, nhẵn, sau khi cắt dùng keo liền sẹo bôi lên vết cắt để cây mau liền sẹo và chống vi sinh vật gây hại xâm nhập.
Cắt tỉa duy trì, giữ dáng thế
Bôi keo liền sẹo lên vết thương sau khi cắt.
Bôi vết cắt bằng keo liền sẹo
Nếu cành còn nhỏ dùng kéo cắt cành để cắt tỉa, đối với cành vượt cắt sát gốc cành để loại bỏ. Đối với cành ngoài bìa tán cây cắt sửa hình thì khi cắt cần lưu ý nếu muốn chồi mới mọc theo hướng nào thì cắt chừa lại mắt ngủ sát nách lá theo hướng đó, vị trí cắt cách mắt tối thiểu 1 cm.
Cắt tỉa cành
2. Hướng dẫn chăm sóc cây mai vàng giai đoạn sau vặt lá
Tưới đủ nước để cung cấp nước cho cây. Nếu đến "tết ông Táo" hoa cái chưa bung vỏ lụa là mai nở muộn nên cần xiết nước (ngưng tưới), đem phơi ngoài nắng (nếu trồng chậu) sau vài ngày thì tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45-500 C) đồng thời phun phân bón lá kích thích ra hoa để kích thích mai nở sớm cho đúng tết. Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước "tết Ông Táo" thì mai sẽ nở trước tết nên cần phải hòa 10 - 20 gam phân urê/10 lít nước để tưới.
Mai vàng nhú nụ hoa
Đồng thời cần tưới bằng nước lạnh (có thể cho một ít nước đá vào) và dùng lưới bạt che nắng để hãm mai nhằm giúp hoa nở đúng tết. Đối với những năm nhuận, thường mai sẽ nở sớm hơn nên cần kéo dài thời gian bón phân thúc và tưới nước so với những năm thường để thời gian tăng trưởng thân lá lâu hơn, giúp mai nở đúng tết. Việc tuốt lá, phun phân bón lá cũng theo nguyên tắc trên. Từ cuối tháng 11, nếu có mưa bất thường thì mai sẽ nở sớm do đó cần chủ động nắm bắt dự báo để có thể làm dàn che hay phủ nilon che gốc để tránh mưa.
Chậu mai phải để nơi thoáng mát, đủ sáng không nên để gần quạt hay chỗ có gió lùa vì sẽ làm mai mất nước nhiều rụng hoa và cả nụ sớm. Không nên để mai chỗ quá tối vì sẽ không đủ ánh sáng cho mai quang hợp, chồi sẽ vươn dài, lá ra nhanh, hoa rụng sớm. Nên tránh để mai gần bóng đèn có công suất lớn vì sẽ thừa sáng, nhiệt độ lại cao cũng làm mai nở nhanh, chóng tàn. Nếu là cành mai cắm trong bình cần phải thui gốc ngay sau khi cắt để giữ nhựa và hạn chế vi khuẩn gây thối cành. Thay nước sạch nhiều lần hoặc cho mỗi lít nước 1 viên Aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa.
Bảng phân tích các yếu tố tác động đến việc trổ hoa nhanh hay chậm để đọc tham khảo và linh động xử trí cho từng chậu mai cụ thể:
Trổ nhanh (sớm) |
Trổ chậm (muộn) |
- Khí hậu ấm |
- Khí hậu lạnh |
- Tưới nhiều nước (sau khi lặt lá) |
- Tưới ít nước |
- Không ra chồi non |
- Ra chồi non |
- Ánh sáng buổi sáng rọi vào sớm hơn (khoảng trước 8h), rọi càng sớm càng trổ nhanh |
- Ánh sáng buổi sáng rọi vào trễ |
3. Chăm sóc cây mai vàng sau Tết Nguyên đán
Sau những ngày mãn khai làm đẹp nhà ngày tết, hoa mai bắt đầu tàn và cần được chăm sóc, để năm sau lại đơm hoa kết nhụy. Việc chăm sóc mai sau tết cần làm sớm ngay từ trước rằm tháng giêng âm lịch.
Việc chăm sóc mai đầu tiên lại là xuống tay khá "tàn nhẫn": cắt bỏ hết những chùm hoa đang nở lẫn nụ hoa chưa kịp nở. Tuy nhiên, chỉ nên cắt giữa cuống hoa hoặc cuống nụ hoa, giữ lại cọng đài hoa vì chỗ này có thể sẽ cho nhiều chồi mới.
Cắt bỏ hoa, quả non cho mai vàng sau tết
Nếu là cây mai đang mọc ở ngoài vườn thì có thể cắt bỏ ngay nụ và hoa như cách làm trên, còn nếu cây mai đang ở trong nhà thì cần mang ra ngoài trời nơi có nắng sớm chiếu vào. Khoảng một tuần sau khi cây quen dần với thời tiết bên ngoài mới bắt đầu cắt nụ, cắt hoa còn lại.
Để chỉnh sửa dáng cây, thường dùng cọc cắm, lạt chẻ từ tre non hoặc dây kim loại mềm để uốn nắn cành. Uốn chừng ba tháng có thể tháo gỡ dây quấn để tránh tạo lằn không đẹp trên vỏ cành.
Cắt bỏ bớt nhánh quá dài và những chỗ nhánh quá dày để tạo dáng hài hòa.
Khi cắt tỉa nên xem xét kỹ để phần giữ lại của các nhánh cành ít nhất phải có hai mắt lá. Điểm cắt tỉa cành nên cách mắt lá khoảng 5 mm. Nếu cắt đúng kỹ thuật này thì mỗi chỗ cắt sẽ mọc ra hai chồi mới.
Không nên giữ hoa để lấy hạt giống trên những cây mai già, như vậy phải chờ cả hai tháng nữa hạt mai mới già, khiến cây mai mất sức do nuôi quá nhiều hạt. Lúc ấy muốn chỉnh sửa, cắt tỉa tạo dáng mai thì đã muộn. Nên lấy hạt giống ở những cây mai còn trẻ trung, hoa nở sung mãn.
Nếu muốn tạo dáng mai gốc to chóp nhỏ dạng hình tháp thì nên cắt bỏ một phần thân trên. Trước khi cắt nên xem kỹ để chọn một chồi khỏe mạnh thay thế phần thân cắt bỏ, hoặc một nút lá có khả năng mọc và phát triển mạnh để thay thế ngọn. Điểm cắt bỏ phải cách chồi hoặc nút lá thay thế khoảng 5 - 10 mm. Khoảng chừa này để dùng lạt buộc ép cái chồi sẽ thay thế ngọn vào cho xuôi chiều đứng của ngọn.
Nếu chỉ là nút lá chưa mọc thành chồi thì phải chờ cho nút lá đâm chồi mọc ra 4 - 5 lá khỏe mạnh rồi mới dùng lạt cột ép vào phần thân để hướng ngọn lên trên. Không buộc ép kịp thời thì chồi thay thế sẽ đâm chỉa ra ngòai khó coi. Phần chừa của thân gần ngọn thay thế sẽ được cắt bỏ sau khi ngọn mới đã cứng cáp.
Xong các công đoạn uốn tỉa, cắt sửa là đến việc phun thuốc kích thích sinh trưởng cho mai đâm chồi mới. Dùng loại Atonic hoặc Mega 9.1.1 để phun lá là hiệu nghiệm nhất. Phun thuốc này 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày. Có thể dùng phân vi sinh hữu cơ hòa tan với nước tưới vào gốc cho chồi mau phát. Cần hạn chế tối đa các loại phân vô cơ.
Sử dụng phân bón qua lá cho cây mai vàng
Phun phân bón lá cho mai vàng
Việc chăm sóc mai sau tết còn bao gồm cả công đoạn thường xuyên theo dõi sâu bọ và những con ong nhỏ cắn lá. Trong thời kỳ chồi đang mọc lá non cần thường xuyên phun thuốc trừ sâu.
Có thể thay ngay đất bạc màu hoặc thay chậu đối với những gốc mai chỉ cắt tỉa sơ. Còn đối với những cây mai cắt tỉa nhiều thì nên chờ hơn một tháng sau mới thay đất hoặc chậu. Các công đoạn chăm sóc mai cần xong xuôi trước rằm tháng ba âm lịch để tránh tiết trời oi bức những ngày cuối xuân, giữ cho mai không bị khô héo.
-
Có nên bón phân cho cây mai vàng, nguyên liệu đất trồng cây mai
Theo sự tính toán của nhà vườn ngày nay, tùy vào cây mai lớn hay nhỏ, sung hay suy mà có cách bón phân khác nhau, theo từng thời điểm khác nhau. Cũng theo đó mà đất trồng mai ngày nay...
-
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mai vàng
Sau khi trồng khoảng 10 -15 ngày, cây bắt đầu ra rễ tiến hành bón phân, chu kỳ bón lặp lại khoảng 20 - 30 ngày tùy điều kiện và giai đoạn sinh trưởng của cây...
-
Xử lý mai vàng ra hoa đúng dịp Tết nguyên đán
Từ ngày mai bị tuốt hết lá trên các cành mai đã chớm xuất hiện những nụ hoa nhỏ bằng nửa hạt gạo, những nụ hoa này thường từ các nách lá. Mỗi nụ như vậy lớn dần lên thành...