Chật vật kinh doanh phân bón, không dễ ăn như nhiều người nghĩ

Ông V. - GĐ Cty phân bón AV, ở KCN Thái Hòa, huyện Đức Hòa, Long An cho hay, từ ngày Cục Hóa chất cấp giấy phép, hàng loạt công ty phân bón ra đời, tưởng kinh doanh nghề này dễ ăn, hóa ra khi nhảy vào rồi bây giờ mới thấy... nuốt không trôi!

Giá tiếp tục 'múa'

Ban đầu, chỉ cần có 2 tỷ đồng thành lập được doanh nghiệp, nhưng chỉ riêng tiền đầu tư máy phối trộn phân 3 màu (còn gọi NPK 3 màu) đã mất hết 700 triệu đồng, ngoài ra còn tiền in bao bì (trục đồng) ít nhất 10 - 12 ngàn đồng/cái, in 10 ngàn cái là mất toi 100 triệu đồng, một doanh nghiệp mới thành lập phải có ít nhất 3 sản phẩm "lận lưng" tức đã mất 300 triệu đồng tiền in bao bì. Chưa hết, còn có các chi phí "vô hình" khác trong quá trình "chạy chọt" xin cấp giấy phép môi trường, giấy phép sản xuất phân bón, giấy đăng ký hợp qui... cũng ngốn thêm hàng chục triệu đồng nữa.

Urea Ca mau

Phân Urê hạt đục Cà Mau từ 7.100 đồng tăng lên 7.300 đồng/kg

Như vậy, vốn lưu động còn lại có mấy trăm triệu, trong khi đó, vốn sản xuất ra 100 tấn phân NPK công thức 20-20-15 (phổ biến trên thị trường) đã chi gần cả tỷ đồng (cứ 1kg NPK 20-20-15 bán cho đại lý khoảng 10 ngàn đồng).

"Tui thành lập Cty từ đầu tháng 1/2016 đến nay 2 năm, sản xuất tất cả 7 chủng loại phân vô cơ lẫn hữu cơ chủ yếu bán cho vùng Tây Nguyên, hiện còn tồn ở các đại lý trên đó khoảng 600 tấn, tức đại lý nợ Cty 5 - 6 tỷ đồng. Trong khi đó, hiện đang vào thời vụ bón cà phê mùa khô, nhưng giá cà phê xuống còn 35 - 36 ngàn đồng/kg, hồ tiêu xuống chưa tới 65 ngàn đồng, nên bà con nông dân siết lại đầu tư, dẫn tới doanh nghiệp bán hàng khó khăn, đại lý treo nợ, thị trường phân bón càng thu hẹp thì các doanh nghiệp ra sức cạnh tranh "đạp giá" bởi cầu thấp hơn cung. Vì thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa như tui "chết" trước, do không cạnh tranh nỗi với mấy ông lớn có từ nhiều năm trước", ông V. bộc bạch.

Có điều nghịch lý, trong khi giá trị nông sản giảm mạnh như cà phê, tiêu, cao su... thì giá cả các loại phân bón phục vụ sản xuất trên thị trường lại ngày "nhảy múa" tăng dần, nhất là trong những ngày gần tết.

Kali Lào

Phân Kali Lào (hạt và bột) đều tăng mạnh bình quân 500 đồng/kg

"Vùng Tây nguyên đang bón cà phê vụ khô nên các doanh nghiệp hầu hết sản xuất loại phân NPK 20-5-5, để bán được hàng nên đua nhau "đạp giá", chỉ một công thức phổ biến nói trên mà có doanh nghiệp giao đại lý 7.200 đồng, cũng có đơn vị khác "đạp" xuống còn 7.000 đồng, tức 1.000 tấn số tiền chênh lệch đến 200 triệu đồng", ông Trần Văn Châu, TGĐ Cty XNK Phân bón Âu Châu, KCN Tân Kim, Long An.

Cụ thể, phân Urê cách đây 2 tháng có 7.100 đồng (loại urê Cà Mau hạt đục) nay tăng 200 đồng/kg là 7.300 đồng; DAP thông dụng là 16-44 (của Trung Quốc) từ 11 ngàn tăng lên 11.500 đồng; DAP trong nước của Lào Cai, Đình Vũ cũng tăng thêm 1.000 đồng/kg mặc dù giá luôn rẻ hơn hàng nhập khẩu 1.000 - 1.500 đồng/kg; MAP (bột) công thức 10-50 của Trung Quốc từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng/kg. Đặc biệt, kali Lào (hạt) do giá rẻ đang bán chạy trên thị trường từ 6.400 đồng/kg nay cũng nhảy lên 7.000 đồng; kali Lào (bột) từ 5.500 đồng lên 6.000 đồng; riêng phân SA của Đài Loan, dùng sản xuất phân bón mùa khô "múa" rất cao, từ 3.200 đồng lên 3.600 đồng/kg;  

Doanh nghiệp chật vật

Trước sức ép giá nguyên liệu ngày càng tăng, cộng với thị trường phân bón đang thu hẹp dần như nói ở trên, nên đã có không ít doanh nghiệp không đủ "nội lực" buộc phải giậm chân hoặc rút lui từ từ.

Tại KCN Tân Kim (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) nơi đóng chân của hàng chục doanh nghiệp phân bón vừa và nhỏ, trong đó có không ít doanh nghiệp gia công (thuê nhà máy của Cty khác SX), đang chứng kiến không ít doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động từ 1 - 2 tháng qua do không đủ tiền trả mua nguyên liệu, trong khi tiền hàng bị các đại lý phân bón chiếm dụng từ tháng này qua tháng nọ với lý do: "Nông dân chưa trả tiền mua phân".

Phân Kali (bột và hạt) có nguồn gốc từ Nga, Ukraine, Israel

Phân Kali (bột và hạt) có nguồn gốc từ Nga, Ukraine, Israel ít biến động do giá trên thị trường cao hơn Kali Lào

Ông Lê Khôi, GĐ Cty HVT cho biết ở trong KCN Tân Kim cho biết, Cty ông thuê diện tích kho của Sacombank để đặt nhà máy và kho chứa phân với diện tích tổng cộng 1.500m2, bao gồm tiền thuê kho bình quân 50 ngàn đồng/m2, hàng tháng phải đóng tiền cho Sacombank trên 75 triệu đồng; tiền trả lương 12 công nhân, tiền kế toán thủ kho, chi phí quản lý, lãi vay, cũng mất thêm cả 100 triệu đồng. Tức một ngày vừa "mở mắt ra", Cty phải có 6 triệu đồng tiền đóng "hụi chết".

“Tụi tui là doanh nghiệp nhỏ, không như các ông lớn có thương hiệu đưa hàng xuống là các đại lý trả tiền luôn hoặc gối chậm chỉ sau 15 ngày đến 1 tháng, còn mình "phận nhỏ" phải chấp nhận bán trả chậm cho nông dân suốt vụ 4 - 5 tháng, nên đại lý nào chiếm dụng vốn thì doanh nghiệp không có đồng vốn tái sản xuất. Hiện, tui tạm ngưng sản xuất, khổ lắm, không dám ra đơn hàng mới mà ưu tiên tích cực thu hồi số nợ cũ khoảng 6 tỷ đồng”.

- Vậy sắp tới thưởng tết 2018 cho công nhân thế nào? Tôi hỏi.

"Dù có làm ăn chật vật khó khăn, nhưng năm nay Cty phải ráng thưởng tết cho anh em công nhân thêm lương tháng 13 tương đương 5 triệu đồng, cộng với túi quà gồm gạo, nước mắm, đường, bột ngọt trị giá thêm khoảng 300 - 500 ngàn đồng nữa như năm 2017", ông Khôi chia sẻ.

Các doanh nghiệp phân bón vừa và nhỏ đang chật vật thực sự

Các doanh nghiệp phân bón vừa và nhỏ đang chật vật thực sự


"Hiện nay, công suất sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ trên cả nước khoảng 33 triệu tấn, cao gấp 3 lần so nhu cầu sử dụng phân bón phục vụ SXNN trong cả nước là khoảng 10 - 11 triệu tấn". Nguồn: Hiệp hội phân bón.

Nguồn: báo Nông nghiệp
Bài liên quan
DMCA.com Protection Status